Kỳ 4: Khủng hoảng thường trực

03:09, 25/09/2013

Những nỗ lực hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm của Samsung không phải là ngẫu nhiên. Năm 1995, Chủ tịch Lee Kun Hee đã mất tinh thần khi hay tin những chiếc điện thoại di động ông đã tặng làm quà năm mới đã không hoạt động được.

[links()]Những nỗ lực hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm của Samsung không phải là ngẫu nhiên. Năm 1995, Chủ tịch Lee Kun Hee đã mất tinh thần khi hay tin những chiếc điện thoại di động ông đã tặng làm quà năm mới đã không hoạt động được.

Ông ra lệnh ngay cho cấp dưới gom lại một đống 150.000 chiếc điện thoại trên một cánh đồng bên ngoài nhà máy Gumi. Hơn 2.000 nhân viên được tụ tập lại quanh đống điện thoại. Sau đó, đống điện thoại được châm lửa thiêu rụi. Khi lửa tàn, những chiếc xe ủi cán nát những gì còn sót lại. Chủ tịch Lee tuyên bố: “Nếu các bạn còn tiếp tục làm ra những sản phẩm kém phẩm chất như thế này nữa, tôi sẽ quay lại và làm y như vậy đó”.

Samsung đã trở thành một đế chế nhờ triết lý “khủng hoảng thường trực”
Samsung đã trở thành một đế chế nhờ triết lý “khủng hoảng thường trực”


Bài học này sẽ được nhớ mãi. Tháng 5/2012, ba tuần trước khi kiểu điện thoại thông minh mới Galaxy S3 được tung ra thị trường, một nhà phân phối của Samsung báo với công ty này rằng nắp lưng của kiểu smartphone này trông có vẻ rẻ tiền hơn nắp lưng trên các điện thoại mẫu đã cho khách hàng xem trước đó. “Ông ta nói đúng”. Giám đốc tiếp thị DJ Lee của Samsung Mobile cho biết. “Ở các lô hàng sau, nắp lưng không mịn màng như lô hàng đầu”. Trong kho có 100.000 nắp lưng kém phẩm chất cùng với nhiều lô hàng đã lắp ráp hoàn chỉnh đang chờ xuất khẩu tại sân bay. Cả 100.000 nắp lưng trong kho lẫn các lô hàng thành phẩm kia đều phải loại bỏ hết nắp lưng và thay mới.

Ngoài cuộc “Đại hỏa thiêu Điện thoại 1995”, hai sự kiện khác đã giúp đẩy Samsung vươn cao trong ngành công nghiệp smartphone. Sự kiện đầu tiên là năm 2009, khi Samsung đánh cược vào hệ điều hành Andorid của Google dành cho thiết bị di động. Thiết bị Android đầu tiên của Samsung được gọi là Galaxy. Giám đốc tiếp thị DJ Lee nói: “Kiểu điện thoại Android đầu tiên của chúng tôi không thành công. Kho ứng dụng cho điện thoại Andorid khi đó còn hạn chế quá”. Thời điểm đó, Andorid còn non nớt và không thể đọ sức với hệ điều hành iOS của iPhone. Nhưng lợi thế của Android là mã nguồn mở và miễn phí cho bất kỳ nhà sản xuất nào muốn sử dụng.

Năm 2010, Samsung giới thiệu dòng Galaxy S để chứng tỏ động lực thứ hai của mình: dùng màn hình lớn hơn. Màn hình Galaxy S lúc đó là 4 inch, lớn hơn đáng kể so với dòng Galaxy nguyên thủy và mọi kiểu điện thoại Android khác. Giám đốc tiếp thị DJ Lee nói: “Khi đó ai cũng bảo 4 inch là to quá”. Nhưng hóa ra màn hình lớn lại là thế mạnh để bán sản phẩm. Và màn hình cứ thế tiếp tục tăng kích thước trên các dòng máy cao cấp của Samsung với Galaxy S2, S3 và S4. Chưa kể những điện thoại đọc gọi là “phablet” lai giữa máy tính bảng với điện thoại có màn hình từ 5.3 inch lên đến 6.3 inch sau này.

Không ai biết chắc màn hình điện thoại có kích thước bao nhiêu thì tối ưu. Thế là Samsung sản xuất đủ loại từ 2.8 inch trở lên để xem loại nào bán chạy nhất. Đó là một canh bạc đắt giá mà hầu hết mọi công ty đều né tránh. Nhưng khả năng của Samsung có thể tự sản xuất được màn hình, bộ nhớ, bộ vi xử lý cùng các linh kiện công nghệ cao khác đã cho công ty này một sự linh hoạt mà không hãng cạnh tranh nào dám thử sức. Mô hình sản xuất điện thoại theo cách “thử mọi kiểu” của Samsung đã khiến nhà phân tích Benedict Evans của hãng tư vấn Enders Analysis phải lo ngại: “Họ không dừng lại để suy nghĩ. Họ cứ làm thêm, làm thêm nhiều điện thoại nữa”.

Liều lĩnh có tính toán

Bất kể những thắng lợi trên thương trường về doanh số điện thoại bán ra, các nhà quản lý cấp cao ở Samsung vẫn không đắc thắng. Giám đốc thông tin toàn cầu của Samsung là Lee Keon Hyok đã từng chứng kiến những thành công này và ông hiểu rằng việc tự mãn với những thắng lợi của hôm nay là trái với các nguyên tắc tân quản trị của Chủ tịch Lee. Theo lời ông, sau thắng lợi của Galaxy S vào năm 2010, phản ứng của Chủ tịch Lee là: “các doanh nghiệp lớn của chúng ta có thể biến mất trong 10 năm tới”.

Có thể Samsung sẽ phát triển khổng lồ tới mức khơi mào cho một cuộc thanh tra cấp chính phủ ở Hàn Quốc. Có thể các sản phẩm iPhone 6, 7 và 8 sẽ tuyệt vời đến độ Samsung không thể có sản phẩm nào đương đầu nổi. Một kịch bản khác là một công ty khác, có thể là từ Trung Quốc, sẽ hạ gục Samsung như Samsung đã từng hạ các đối thủ cạnh tranh. Sự phát triển nhanh của các hãng Trung Quốc như Huawei, ZTE và Lenovo chắc chắn không nằm ngoài tầm theo dõi của Samsung. Nhà phân tích độc lập Horace Dediu đặt vấn đề: “Tính trên từng sản phẩm bán lẻ, Samsung kiếm lãi ít hơn Apple. Các hãng Trung Quốc còn lãi ít hơn. Nếu smartphone trở thành một thứ hàng hóa đại chúng thì Samsung sẽ chơi quân bài gì”?.

Giám đốc thông tin Lee Keon Hyok của Samsung cũng đã nhìn thấy điều đó. Smartphone rồi cũng sẽ tràn ngập và rẻ như là máy vi tính trước đây. Nhưng ông vẫn tự tin về khả năng sản xuất linh kiện của Samsung. Ông nói: “Hình dáng có thể đổi khác nhưng điện thoại nào cũng cần màn hình AMOLED, bộ nhớ, hay bộ vi xử lý của chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng chờ đón những thay đổi”.

Khi sản xuất điện thoại di động không còn sinh lại nữa, Samsung buộc phải mở đường sang những ngành công nghiệp khác đòi hỏi rất nhiều vốn đầu tư trước và cần chuyên môn về sản xuất đại trà. Cuối năm 2011, công ty này đã tuyên bố sẽ đầu tư cho đến năm 2020 khoảng 20 tỷ USD để phát triển các chuyên môn trong những lãnh vực như thiết bị y tế, tấm pin năng lượng mặt trời, chiếu sáng công nghệ LED, công nghệ sinh học và pin cho ô-tô chạy điện. Nếu các loại pin ô-tô hay máy quét MRI của Samsung không chiếm lĩnh được thị trường, có thể vị chủ tịch này sẽ chất thành đống mà đốt. Giám đốc tiếp thị DJ Lee của Samsung nói: “Đó là khủng hoảng thường trực đấy. Đó là triết lý của Chủ tịch Lee. Chúng tôi đang lâm nguy. Và phải vùng vẫy!”.

TRẦN NGỌC ĐĂNG