Tôi đến thành phố Đà Lạt lần đầu tiên vào tháng 5/1994. Đi bộ từ Ngã 5 Trường Đại học Đà Lạt, dọc theo đường Phù Đổng Thiên Vương, hướng đến dốc đá Đa Thiện, tôi thấy trên bốn cột của cổng tam quan Thiền viện Vạn Hạnh dẫn lên đồi ở phía tay trái của mình bốn câu thơ chữ Hán (nhìn từ trên xuống, từ phải sang trái).
1. Tôi đến thành phố Đà Lạt lần đầu tiên vào tháng 5/1994. Đi bộ từ Ngã 5 Trường Đại học Đà Lạt, dọc theo đường Phù Đổng Thiên Vương, hướng đến dốc đá Đa Thiện, tôi thấy trên bốn cột của cổng tam quan Thiền viện Vạn Hạnh dẫn lên đồi ở phía tay trái của mình bốn câu thơ chữ Hán (nhìn từ trên xuống, từ phải sang trái), đọc theo âm Hán - Việt:
"Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô".
Dịch bốn câu thơ ấy ra văn xuôi tiếng Việt:
"Thân người như ánh chớp, có rồi lại không,
Cây cối đến tiết xuân thì tươi, đến tiết thu lại héo.
Đã nhậm vận, thì thịnh hay suy không làm cho sợ hãi,
Thịnh hay suy [chẳng qua] (*) như giọt sương ở đầu ngọn cỏ".
Bốn câu thơ này là của thiền sư Nguyễn Vạn Hạnh có tựa đề "Thị đệ tử" (Bảo học trò), được làm lúc thiền sư sắp qua đời.
Tôi bước qua cổng tam quan để lên đồi. Nhìn trực diện phía sau của bốn cột cổng này, tôi thấy bốn câu thơ chữ Hán (nhìn từ trên xuống, từ phải sang trái), đọc theo âm Hán - Việt:
"Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm thi
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ".
Dịch bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt trên ra văn xuôi tiếng Việt:
"Vạn Hạnh thông hiểu cả ba cõi,
[Thơ ông] (*) phù hợp với lời sấm cổ.
Tên quê nhà là Cổ Pháp,
Dựng gậy trấn giữ kinh kỳ của nhà vua".
Đây là bài thơ "Truy tán Vạn Hạnh thiền sư" (Truy tán dương thiền sư Vạn Hạnh) của Lý Nhân Tông - vua thứ 4 triều Lý - được sử sách khen "xứng đáng là vị vua anh minh". Bài thơ ngợi ca trí tuệ siêu phàm của thiền sư Vạn Hạnh: thấu suốt tường tận Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo; đánh giá cao những bài thơ của Vạn Hạnh mang đặc sắc sấm cổ tuyên truyền, khẳng định việc Lý Công Uẩn lên ngôi vua lấy vương hiệu Lý Thái Tổ là đáp lòng trời, thỏa nguyện vọng của dân, mở đầu triều Lý, dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, "nơi rồng cuộn, hổ ngồi", "nơi hội tụ của bốn phương đất nước", nơi tượng trưng của "muôn đời đế vương". Bài thơ cũng hàm ý về công lao của thiền sư Vạn Hạnh được các vua nhà Lý tôn phong là Quốc sư bởi nhà sư này cùng một số nhà sư khác và các quan lại, các tướng dưới thời "Lê ngọa triều Long Đĩnh" nhà Tiền Lê đã khuông phù Lý Công Uẩn lên ngôi vương, mở đầu một triều đại vẻ vang trong lịch sử dân tộc: phá giặc ở phía Bắc, dẹp yên sự quấy phá của kẻ thù ở phương Nam, phát triển nền chính trị độc lập, tự chủ, mở mang kinh tế, văn hóa của nước Đại Việt...
Lên tới đỉnh đồi, ngó về bên trái, tôi thấy chùa thờ Phật. Tôi hỏi một nhà sư: "Bạch thầy, thầy có thể cho biết tên chùa đây không ạ?". Nhà sư đáp: "Đây là Thiền viện Vạn Hạnh".
Như vậy, bài thơ của thiền sư Vạn Hạnh ghi phía trước của bốn cột cổng tam quan và bài thơ của vua Lý Nhân Tông ghi phía sau của bốn cột cổng ấy đã thay cho tấm hoành phi treo trên cổng tam quan đề "Vạn Hạnh Thiền viện".
Từ đáy lòng, tôi khâm phục các thế hệ nhà sư đã trụ trì thiền viện đó từ lúc khởi dựng nơi tu hành này cho đến nay: Bốn câu thơ của Vạn Hạnh và bốn câu thơ của Lý Nhân Tông đủ để nói lên một cách tổng quát tinh thần, thái độ của thiền sư Vạn Hạnh đối với đạo và đời. Đây đồng thời là một thách đố thú vị cho những ai hứng thú với thơ thiền thời Lý và lịch sử đất nước thời Lý.
Năm 1997 trên cổng tam quan của thiền viện mới xuất hiện hai dòng chữ đắp nổi bằng quốc ngữ:
"Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thiền viện Vạn Hạnh".
2. Giáo sư Đinh Gia Khánh phân tích bài thơ "Thị đệ tử" của thiền sư Vạn Hạnh: "Ở đây rõ ràng đã thể hiện tư tưởng triết học Phật giáo Thiền tông. Mọi vật, mọi việc luôn luôn biến động, vô thường. Con người cũng không thoát khỏi lẽ vô thường ấy được. Vì không hiểu rằng vô thường, biến động là sự tất yếu của pháp tướng mà lại muốn có sự vĩnh hằng, ổn định cho nên mới đau khổ, sợ hãi. Bậc tu hành đã đạt tới trình độ "nhậm vận" thì có thể hòa đồng nội tâm và ngoại giới, vượt lên trên giữa cái ta và cái không phải là ta. Và như thế là không lo ngại trước sự thay đổi, không sợ sự biến động, vô thường nữa. "Nhậm vận" như thế là biết trở về với tự tính, an nhiên nằm trong sự vận động của bản thể, một sự vận động vĩnh cửu, vô thủy vô chung, trong đó đời người chỉ đáng coi là một ánh chớp rất ngắn ngủi, trong đó sự thịnh hay sự suy cũng mong manh và nhỏ nhoi như giọt sương bám ở đầu ngọn cỏ kia. Và theo giáo lý Thiền Tông thì thân xác của con người cũng chỉ là pháp tướng, là một dạng thức tồn tại của bản thể; thân xác ấy có chết đi thì chẳng qua cũng chỉ là kết thúc một dạng thức tồn tại mà thôi, chứ bản thể có mất đi đâu mà lo sợ, buồn thương" (1).
Tư tưởng triết học Phật giáo Thiền tông đã nhuần thấm ở thiền sư Vạn Hạnh là như vậy. Còn quan điểm và cách hành xử của thiền sư Vạn Hạnh đối sơn hà xã tắc đương thời?
Luôn luôn coi trọng những vấn đề chính trị, xã hội, trong thời Tiền Lê thiền sư Vạn Hạnh thường vào triều bàn luận, góp ý kiến với vua Lê Đại Hành về những kế sách chống ngoại xâm và xây dựng đất nước. Vua Lê Đại Hành rất kính trọng thiền sư Vạn Hạnh.
Nhưng đến thời tao loạn dưới triều vua Trung Tông Lê Long Việt (làm vua năm 1005), đặc biệt dưới thời "Lê ngọa triều Long Đĩnh" (làm vua từ 1005 đến 1009), chính sự đổ nát, xã hội khủng hoảng khiến thần người đều căm giận, thiền sư Vạn Hạnh và một số thiền sư khác cùng các quan, các tướng đã khuông phù Lý Công Uẩn - vốn là con nuôi của nhà sư Lý Khánh Văn và lúc bấy giờ là một ông quan uy vọng của nhà Tiền Lê - lên ngôi vua.
Tinh thần của Phật giáo Ấn Độ là xuất thế, khi du nhập vào Trung Hoa đã thay đổi thành lý thuyết "nhập thế xuất thế bất nhị", thậm chí thành tinh thần tích cực nhập thế.(2)
Phật giáo ở Việt Nam vừa được du nhập trực tiếp từ Ấn Độ, vừa được đưa từ Trung Hoa sang.
Tinh thần tích cực nhập thế là một truyền thống lớn của Phật giáo ở nước ta. Quan điểm triết học của thiền sư Vạn Hạnh và cách hành xử của ông đối với chính trị, xã hội thời Tiền Lê và đầu nhà Lý cho thấy rõ tinh thần tích cực nhập thế của Phật giáo Việt Nam. Với tinh thần ấy, Phật giáo Việt Nam luôn luôn đồng hành với dân tộc Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước...
3. Mỗi buổi sáng tiếng chuông Thiền viện Vạn Hạnh ngân vang trong không gian phường 8, thành phố Đà Lạt, phá tan đêm dài, cảnh tỉnh những người ngủ say thức dậy bắt đầu một ngày lao động. Mỗi buổi chiều tiếng chuông nơi đây lại gióng lên, nhắc nhở những người tu hành chớ lơ là công việc "tự giác, giác tha; tự độ, độ tha", khai sáng những người mê muội, khai ngộ những ai ngu si, cứu vớt những kẻ nghiệt ngã... Với ý nghĩa như vậy của tiếng chuông buổi sáng và buổi chiều, tiếng chuông Thiền viện Vạn Hạnh phải chăng cũng đang tích cực nhập thế?
(1) Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương: "Văn học Việt Nam thế kỷ thứ X - nửa đầu thế kỷ thứ XVIII, tập I", Nhà Xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1978, tr.22.
(2) "Nhập thế xuất thế bất nhị" (nhập thế, xuất thế không sai biệt nhau) trong "Từ điển Nho Phật Đạo" do hai tác giả Trung Quốc Lao Tử, Thịnh Lê chủ biên, các dịch giả Việt Nam Trương Đình Nguyên, Mai Xuân Hải, Trần Quyền, Nguyễn Đức Sâm, Phan Văn Các biên dịch, Nhà Xuất bản Văn học, Hà Nội, 2001, tr.20.
(3) "tự giác, giác tha; tự độ, độ tha": tự mình giác ngộ, rồi giác ngộ [những] (*) người khác; tự cứu giúp mình, rồi cứu giúp [những] (*) người khác.
(*) Những chữ nằm trong dấu [] là của tác giả bài này thêm vào cho sáng nghĩa.
LÊ CHÍ DŨNG