BAPHUON - Số phận kỳ lạ của một ngôi đền

10:01, 02/01/2014

Số phận kỳ lạ của ngôi đền Baphuon là câu chuyện đi tìm lời giải mã của "bộ ghép hình 3 chiều lớn nhất của thế giới". Ngót 50 năm ròng rã, các nhà khoa học đã mày mò lắp ghép từ 300.000 phiến sa thạch vương vãi để tìm lại hình hài Baphuon. 

Số phận kỳ lạ của ngôi đền Baphuon là câu chuyện đi tìm lời giải mã của “bộ ghép hình 3 chiều lớn nhất của thế giới”. Ngót 50 năm ròng rã, các nhà khoa học đã mày mò lắp ghép từ 300.000 phiến sa thạch vương vãi để tìm lại hình hài Baphuon. 
 
Một góc đền Baphuon
Một góc đền Baphuon
 
Với những du khách đã từng viếng thăm xứ sở đền tháp Campuchia thì Baphuon là một địa danh nổi tiếng không thể bỏ qua. Nằm cách thị trấn Siêm Riệp khoảng 8 km, đền Baphuon nằm trong phạm vi khu vực Angcor Thom - Thủ đô cuối cùng của vương quốc Angcor. Ðây là ngôi đền vĩ đại được xây dựng bởi đức vua Udayadiyavarman II (1049 - 1065) vào giữa thế kỷ thứ 11. Quy mô đồ sộ của ngôi đền này được các nhà khoa học đánh giá chỉ xếp vào hàng thứ hai so với đền Angcor Wat. Baphuon cũng đã từng là một trong những ngôi đền đẹp nhất của quần thể đền Angcor.
 
Câu chuyện ly kỳ về Baphuon được bắt đầu cách đây 50 năm, khi lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện ra Baphuon trong tình trạng hoàn toàn đổ nát. Những tác động của thời gian đã mang đến nguy cơ lớn cho sự biến mất vĩnh viễn của ngôi đền. Ðể kịp thời cứu vãn công trình lịch sử vĩ đại này, năm 1960, các nhà khoa học người Pháp đã bắt đầu lên kế hoạch “bóc tách” ngôi đền. 300.000 phiến đá xây đền đã được tháo gỡ và đánh số kí hiệu, dự trù sẽ được lắp ghép lại theo một cấu trúc vững chắc hơn sau đó. Ngay trong thời điểm quan trọng ấy thì sự xâm chiếm của quân đội Khmer Ðỏ từ năm 1970-1975 đã làm phá sản hoàn toàn kế hoạch “hồi sinh” cho ngôi đền. Biến cố ấy đã khiến Baphuon trở thành một phế tích tan hoang trên một đống đá vụn vô nghĩa. Ðiều tệ hại nhất đã xảy đến cho Baphuon là ở sự phá hủy hoàn toàn của những tiêu bản về diện mạo ban đầu của ngôi đền cũng như những ghi chép mà các nhà khoa học Pháp đã lưu lại cho việc phục chế. Mãi đến năm 1995, việc tái tạo ngôi đền mới lại được tiếp tục. Trong điều kiện thiếu bức tranh mô phỏng toàn cảnh, các nhà khoa học đã phải lao tâm tổn lực trong suốt 50 năm để lắp ghép lại Baphoun, trả lại cho ngôi đền hình dáng to lớn ban đầu của nó. Quá trình trùng tu Baphoun được so sánh như việc giải một bài toán hình học 3 chiều lớn nhất của thế giới. Một trong những nguyên tắc quan trọng được tuân thủ trong kỹ thuật tái tạo đền là không được sử dụng vôi vữa để trám vào các khe hở. Ðiều đó có nghĩa là mỗi phiến đá chỉ có thể đặt vào một vị trí chính xác như hiện trạng ban đầu của nó. Sau nhiều lần bị phá hủy bởi bàn tay thiên nhiên và con người, Baphoun mới lại được hồi sinh. Năm 2011, đền chính thức mở cửa đón du khách tham quan từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Những biến cố thăng trầm của số phận Baphoun đã khiến cho ngôi đền này trở nên nổi tiếng còn hơn cả nét kiến trúc huy hoàng của chính nó.
 
Ngày nay, chỉ cần bước chân qua cây cầu rắn Naga, du khách đã có thể đi vào lối cổng chính nằm ở phía Ðông để bước vào thế giới thánh thần bên trong ngôi đền. Trong tín ngưỡng của người Khơ me cổ, rắn naga được xem là vị thần canh giữ, xua đuổi tà ma. Thân hình dài của rắn Naga men theo lối đi của cầu tượng trưng cho cầu vồng nối liền thiên giới và hạ giới, nối liền trần gian với cõi niết bàn. Ðây chính là cách để con người trần thế đến được nơi ngự trị của thánh thần ở đỉnh ngôi đền. Người Khơ me hiện đại vẫn rất coi trọng việc gìn giữ những giá trị linh thiêng này. 11 điều luật “giới nghiêm” đã được đặt ra đối với mỗi du khách khi bước chân vào ngôi đền này, gồm có: không chạm vào đá, không hút thuốc, không ồn ào, không mặc quần soóc, áo dây và váy ngắn, phải mặc áo có tay, không mang theo thú cưng, không được ngồi trên đá, không hút thuốc, không vứt rác, không khạc nhổ, không được mang dao nĩa, phụ nữ đang mang thai và trẻ em dưới 15 tuổi cũng không được vào đền.
 
Cầu rắn Naga dẫn vào lối cổng chính ở phía Đông của ngôi đền
Cầu rắn Naga dẫn vào lối cổng chính ở phía Đông của ngôi đền
 
Vẻ đẹp của công trình Baphuon là ở sự tráng lệ của những khối đá lớn được xếp đặt theo lối hành lang rộng rãi với những ô cửa sổ khoáng đạt. Ðền được xây dựng trên một ngọn đồi, với 3 tầng nền, theo mô típ kiến trúc Khơ me trên mặt phẳng hình vuông với 4 hướng cửa ra vào. Những bậc cấp đá cao ngút đã tôn thêm dáng vẻ uy nghi của ngôi đền. Ðứng trên đỉnh ngôi đền có thể phóng tầm mắt ra bốn phía để ngắm nhìn những công trình đẹp đẽ của Angco Thom bao bọc trong những bóng cổ thụ thâm nghiêm của ngàn năm trước. Những dòng chữ sanskrit cổ trên lối đi, những phù điêu chạm khắc trên đá cất giấu những câu chuyện bí ẩn của nền văn minh Angco huy hoàng của một thời. Ở ngay lối ra của ngôi đền tại cánh cổng phía Tây, du khách luôn nán lại lâu hơn thường lệ để chiêm ngưỡng bức tượng Phật nhập niết bàn nổi tiếng được chạm khắc trên bức tường đá dài 40 m. Ðức Phật đầu quay về hướng Bắc, chân duỗi thẳng hướng nam, khéo léo nằm nghiêng nhìn về hướng Tây, đầu gối lên tay phải. Công trình này được xem như một dấu ấn kiến trúc của Baphuon, đã tạo nên vẻ đẹp riêng biệt để nhận dạng ngôi đền này so với hàng trăm ngôi đền khác. Ðây cũng là một minh chứng sinh động của sự chuyển đổi tín ngưỡng của người Khơ me qua các thời kỳ lịch sử. Nếu ban đầu Baphuon được xây cất để thờ thần Shiva thì đến thế kỷ thứ 16, ngôi đền lại trở thành một ngôi chùa Phật giáo. 
 
Mỗi ngày, Baphuon đã đón hàng nghìn bước chân du khách quốc tế về tham quan. Bên cạnh khối công trình đồ sộ đã tái tạo ấy, các nhà khoa học cho biết vẫn còn sót lại 10.000 viên đá còn chưa biết xếp đặt vào đâu. Những chữ số đánh dấu bí ẩn mà các nhà khoa học người Pháp để lại trên đá vẫn như một lời thách thức chưa thể giải đáp trọn vẹn cho tới ngày nay.
 
ÐÔNG PHƯƠNG