Những phát hiện Trống Đồng ở Tây Nguyên

04:01, 27/01/2014

Những năm gần đây, việc phát hiện ra các trống đồng ở các tỉnh Tây Nguyên đã gây nhiều bất ngờ và nhiều tranh luận khoa học trong giới nghiên cứu sử học, khảo cổ học về sự lan tỏa của văn hóa Đông Sơn cũng như phạm vi phân bố của nó ở Việt Nam và đặc biệt là ở vùng Tây Nguyên.

Trống đồng là hiện vật đặc sắc nhất của văn hóa Đông Sơn. Trống được phân bố ở hầu hết các nước thuộc vùng Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Miến Điện, Malaysia, Philipin và cả Indonesia. Con số trống đồng được phát hiện ở đây ước tích khoảng trên 2.000 chiếc. Ở Việt Nam, văn hóa Đông Sơn có phạm vi phân bố ở vùng Bắc bộ và Trung bộ , tập trung đậm đặc nhất là ở các vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã. Thời đại tồn tại của văn hóa Đông Sơn được xác định vào khoảng thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên và chấm dứt vào thời Đông Hán (TKII sau công nguyên). Chủ nhân của nền văn hóa Đông Sơn là người Việt cổ tồn tại ở thời kỳ vua Hùng dựng nước (theo nhận định của giáo sư Đào Duy Anh).
 
Trống đồng phát hiện tại Lâm Đồng
Trống đồng phát hiện tại Lâm Đồng
 
Những năm gần đây, việc phát hiện ra các trống đồng ở các tỉnh Tây Nguyên đã gây nhiều bất ngờ và nhiều tranh luận khoa học trong giới nghiên cứu sử học, khảo cổ học về sự lan tỏa của văn hóa Đông Sơn cũng như phạm vi phân bố của nó ở Việt Nam và đặc biệt là ở vùng Tây Nguyên.
 
Chiếc trống đồng đầu tiên phát hiện ở Tây Nguyên là ở  tỉnh Kon Tum vào năm 1921. Đó là trống đồng Dac Lao và nó đã được đưa về Bảo tàng Louis Finot ở Hà Nội (Bảo tàng lịch sử Việt Nam - nay là Bảo tàng Quốc gia). Sau đó, vào năm 1985, ở Đắk Lắk, một chiếc trống đồng khác được bác Ma Khê, một lão thành cách mạng của tỉnh phát hiện được ở nhà ông Y Pá (dân tộc M’Nông ở Buôn Giá, Krông Ana, Ea Soup). Trống bị gia đình phá bỏ để chế làm mâm ăn cơm nhưng do quá nặng nên bị bỏ lãng quên, mãi sau mới sưu tầm được. Trống được xác định thuộc loại Hêgơ III (trống loại III). Vào tháng 7/1996, ở thôn 13, xã EaBan - huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk, anh Trần Quốc Hóa trong khi đào hố trồng cà phê đã tình cờ phát hiện một trống đồng. Trong lòng trống còn thấy có răng người và một vài mảnh xương nhỏ, mảnh vỡ vòng tay, hạt chuỗi (có lẽ nó được sử dụng để chôn người chết). Do phát hiện tình cờ và khai quật không đúng phương pháp nên trống bị vỡ nát, chỉ còn mặt trống là khá nguyên vẹn. Trống sau đó được đưa về lưu giữ ở Bảo tàng Đắk Lắk. Trống đồng Ea Ban-Eakar  thuộc trống đồng Đông Sơn loại II (Hêgơ II) niên đại khoảng trên dưới 2.000 năm.
 
Tiếp đến là trống đồng Ea Kênh - Krông Păk (tên trống được đặt theo địa danh phát hiện). Chiếc trống này cũng đã bị vỡ toàn bộ phần tang và thân trống, chỉ còn mặt trống là tương đối nguyên vẹn. Trên mặt có trang trí tượng cóc và các vành hoa văn hình học đơn giản của trống Đông Sơn muộn. Trống đồng Ea Kênh - Krông Păk thuộc loại Hêgơ I. Trống được anh Trần Thế Huy ở thôn Tân Thành, Ea Kênh, Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk phát hiện vào  tháng 7 năm 1998 tại rẫy cà phê. Trống được chôn mặt úp xuống, cách mặt đất canh tác chừng 20cm.
 
Trống đồng tại Tòa giám mục Đà Lạt
Trống đồng tại Tòa giám mục Đà Lạt
 
Trống đồng EaRiêng-M’đắk được anh Lê Xuân Nam phát hiện tình cờ vào năm 1996 ở xã EaRiêng, huyện M’đắk, tỉnh Đắk Lắk trong khi ủi đất để đào ao tại vườn cà phê ở độ sâu 1m so với mặt đất canh tác. Thân và tang trống đã bị vỡ nát chỉ còn lại phần mặt trống. Trống được xác định thuộc loại Hêgơ I (trống đồng loại I), hiện nay đang được lưu giữ ở Bảo tàng Đắk Lắk.
 
Trống đồng nông trường cà phê 49 - huyện Krông Năng do anh Nguyễn Sĩ Bấy công nhân nông trường đã phát hiện ra hai chiếc trống này vào tháng 4 năm 1997 tại một rãnh nước mép đường sau nhà do quá trình bào mòn của nước đã lộ ra. Toàn bộ phần thân trống đều bị vỡ nát chỉ còn lại phần mặt trống. Đường kính của hai mặt trống là: 77cm và 67,5cm. Trên mặt trống lớn có 4 tượng cóc. Trống thuộc loại Hêgơ I và đang được lưu giữ ở Bảo tàng Đắk Lắk.
 
Trống đồng Phú Xuân - Krông Năng. Trống do anh Nguyễn Ngọc Duy và anh Phan Tấn Quốc Việt phát hiện vào tháng 4 năm 2004 trong lúc đào đất tìm sắt vụn tại xã Phú Xuân, Krông Năng. Mặt trống còn tương đối nguyên vẹn và có đường kính 75cm, phần tang và thân trống đã bị vỡ thành nhiều mảnh. Trống thuộc nhóm Hêgơ I.
 
Trống đồng Cư yang-EaKar. Gồm hai mặt trống do người tìm mua phế liệu rà tìm được vào tháng 4 năm 2005 tại vườn nhà anh Cường và ông Tống Quang Thốn tại thôn 7 và thôn 8 xã Cư Yang, huyện Ea Kar. Trống được tìm thấy ở độ sâu 50cm. Mặt trống được đặt nằm úp xuống đất bên trên có một phiến đá tròn đè lên, trong lòng trống có đất, xương người và vòng đồng đeo tay. Mặt trống có đường kính: 75,3cm và 66cm. Trống  hiện đang được lưu giữ ở Bảo tàng Đắk Lắk.
 
Trống đồng Hòa An-Krông Pách được  người dân thôn Tân Lập, xã Hòa An, huyện Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk phát hiện khi làm rẫy, đào hố trồng cà phê. Trống được phát hiện ở độ sâu 40-50cm. Trong lòng trống có nhiều xương và răng người, ngoài ra còn có một số đồ trang sức như: vòng đồng xoắn ốc, hạt cườm mã não, hạt cườm bằng đất nung, dọi xe chỉ. Trống được xác định thuộc loại Hêgơ I, có niên đại cách ngày nay trên dưới 2.000 năm.
 
Cùng với những trống đồng phát hiện được ở Đắk Lắk nói trên, ở các tỉnh khác của Tây Nguyên cũng có phát hiện được trống đồng rải rác ở một số nơi như: ở Kon Tum có 2 trống, Gia Lai có 2 trống và Lâm Đồng phát hiện được 3 trống (hai trống đang được lưu giữ ở Tòa Giám mục và một trống đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lâm Đồng). Trống đồng hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lâm Đồng được ông Nguyễn Văn Vinh và ông Nguyễn Văn Minh phát hiện vào tháng 6 năm 2008 trong khi đào hố trồng cây trong vườn tại khu vực thôn 2 xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai. Chiếc trống này được chôn cách mặt đất canh tác chừng 20cm với tư thế mặt trống ngửa lên, trên mặt có xếp một lớp đá granít dày khoảng 10cm để bảo vệ. Trống đồng thuộc loại Hêgơ I có niên đại cách ngày nay trên dưới 2.000 năm.
 
Trống đồng phát hiện ở xã An Thành, huyện An Khê, Gia Lai
Trống đồng phát hiện ở xã An Thành, huyện An Khê, Gia Lai
 
Tính tới thời điểm này ở  trên địa bàn Tây Nguyên đã phát hiện được khoảng 21 trống đồng, nhiều nhất là tỉnh Đắk Lắk (14 trống). Phần lớn các trống đồng đều được phát hiện một cách tình cờ, ngẫu nhiên khi người dân làm vườn, rẫy trồng cà phê hoặc rà tìm phế liệu... Trống được phát hiện chủ yếu là trống Đông Sơn loại I (loại đẹp nhất), chúng được chôn ở nhiều dạng khác nhau, một số được sử dụng như để táng người chết. Đây cũng là một trong những điều bí ẩn của nền văn hóa cư dân bản địa cổ xưa mà chúng ta chưa thể khám phá hết. 
 
ĐOÀN BÍCH NGỌ