Thư viện Nội các và Tụ Khuê thư viện triều Nguyễn

02:01, 22/01/2014

Dưới triều Nguyễn một hệ thống các thư viện được thành lập nhằm sao chép bảo quản nhiều tài liệu, thư tịch của nhà nước. Ngoài Quốc sử quán ra thì triều Nguyễn còn cho thành lập các thư viện như Thư viện Nội các hay còn gọi là Đông các, Thư viện Tụ Khuê… các thư viện này đều góp phần không nhỏ vào việc bảo quản nhiều tài liệu quý của nhà nước hiện còn đến ngày nay.

Dưới triều Nguyễn một hệ thống các thư viện được thành lập nhằm sao chép bảo quản nhiều tài liệu, thư tịch của nhà nước. Ngoài Quốc sử quán ra thì triều Nguyễn còn cho thành lập các thư viện như Thư viện Nội các hay còn gọi là Đông các, Thư viện Tụ Khuê… các thư viện này đều góp phần không nhỏ vào việc bảo quản nhiều tài liệu quý của nhà nước hiện còn đến ngày nay.
 
Thư viện Nội các năm 1942
Thư viện Nội các năm 1942
 
Theo sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ cơ quan tàng bản các tài liệu của triều đình nhà Nguyễn (gồm có châu bản, các loại văn thư, sách vở v.v…) là Thị thư viện, Thị chiếu viện và Nội hàn viện, Thượng bảo khanh được thiết lập từ Gia Long nguyên niên (1802). Chức năng của Thị thư viện và Thị chiếu viện chuyên trách việc khởi thảo, phân phát và coi giữ các chiếu dụ cùng các văn thư của triều Gia Long, Nội hàn viện thì coi những gì về ngự chế, thư từ riêng của vua, còn Thượng bửu khanh thì coi giữ các thứ kim ngọc bảo tỷ. Năm đầu niên hiệu Minh Mệnh (1820), đổi tên Thị thư viện làm Văn thư phòng để 3 viện Thị thư, Thị hàn và Nội hàn đều quy thuộc phòng ấy. Đến năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), đổi Văn thư phòng thành Nội các, chia cho 4 tào, tức là Thượng bảo tào, Ký chú tào, Đồ thư tào và Biểu bộ tào, đánh dấu sự ra đời của Nội các.
 
Riêng về chức năng lưu trữ thư tịch ở cơ quan này, nhà Nguyễn cũng đã có quy định rõ ràng. Trong các cơ quan của Nội các thì có tào Đồ thư (còn gọi là tào Bí thư) ngoài chức năng ghi chép các bài ngự chế, thi văn còn coi giữ các loại sách của triều đình và các công văn giao thiệp với ngoại quốc, thuộc quốc; tào Biểu bộ: coi giữ các bản tấu sớ đã được ngự phê, tức châu bản và những bản phó của các bài biểu chương nội ngoại. Đến năm Thiệu Trị 4 (1844), nhà Nguyễn cho cải tạo tổ chức Nội các. Trong các cơ quan mới của Nội các, những cơ quan lưu trữ thư tịch có sở Bí thư phụ trách kiểm điểm, phơi nắng các đồ thư và các quan thư tàng trữ ở Nội các, sao chép, khắc bản hoặc ngự chế thi văn, giữ các hạng “văn phòng tứ bảo” và ngự chế thi văn, các ghi chép ngoại quốc, các công văn nhà Thanh; sở Bản chương phụ trách thu nhập những văn thư do hai sở ty Thượng bảo và ty Luân giao lại, để đóng thành từng tập và biên thêm trích yếu để làm đăng án (khi nào đóng xong thì do viên thừa chỉ ký tên và thu giữ lại); chương Lại hộ giữ các sớ sách (gồm cả chính bản, phó bản và các phiên bản) của bộ Lại và bộ Hộ, các bản sớ sách do các công sở địa phương giao cho hai bộ ấy biện lý, công văn của viện Cơ mật, Thị vệ xứ, viện Đô sát, ty Thông chính, Hỏa dược sung pháo khố, Bưu chính và các Dinh vệ trong Kinh; chương Lễ binh giữ các sớ sách thuộc bộ Lễ và bộ Binh, các sớ sách thuộc phủ Tôn nhân, phủ Nội vụ, viện Hàn lâm, Khâm thiên giám, Quốc tử giám, Thủ hộ sứ, ty Điển nghi, tự Thái thường, tự Quang lộc, Tàu chinh, các phủ đệ, phủ Thừa Thiên và phái viên Dương trình; chương Hình công giữ các bản sớ sách của bộ Hình, bộ Công, Vũ khố, Đốc công, Nội tào, Đốc công Nội vụ, Đốc công Mộc thương, tự Đại lý và ty Tam pháp.
 
Để lưu trữ văn thư trong Nội các, vua Minh Mệnh đã cho xây một nhà riêng gọi là Đông các trong năm Minh Mệnh 7 (1826), tọa lạc tại đằng sau Tả vũ. Để vào được khu vực này các nhân viên Văn thư phòng hoặc Nội các mà nhập trực trong Đông các phải có “Nhập các nha bài”. Từ đó, ở tầng trên Đông các bảo tồn: Tất cả các điều ước mà vua triều Nguyễn đã ký với ngoại quốc; các văn thư ngoại giao với ngoại quốc; các ngự chế thi văn; các bản địa đồ; châu bản các triều (đầu tiên các châu bản đều bảo tồn tại Nội các, nhưng sau triều Tự Đức phân nhiều châu bản bèn giao lại Quốc sử quán, để biên tập Thực lục. Còn các châu bản về triều Bảo Đại thì lưu trữ ở Ngự tiền văn phòng.)
 
Ở tầng dưới Đông các là thư viện Tụ Khuê, thiết lập từ năm Tự Đức 5 (1852), có nhân viên riêng để coi giữ các loại “kinh”, “sử”, “tử”, “tập” trong đó có giữ: Một phần quyển Điện thí (một bộ phận khác thì để tại Di Luân đường mà sau này là Viện Hán học). Phần lớn thư tịch chữ Hán do vua Minh Mệnh sưu tầm được (Phần còn lại để tại Di Luân đường. Di Luân đường được coi như là một văn khố phụ thuộc để tàng trữ các bộ sách và tác phẩm văn học).
 
Từ ngày 2 tháng 5 năm 1933, vua Bảo Đại cho thiết lập Ngự tiền văn phòng do ông Phạm Quỳnh lãnh đạo, để thay chức vụ Nội các, đến đây Nội các đã chính thức bãi bỏ, sau một đoạn lịch sử tồn tại kéo dài 104 năm. Vì vậy, mà Nội các bị bỏ hoang, không có người chăm sóc, chung quanh không có cửa, phần thì bị mưa dột, các châu bản và thư tịch tàng trữ trong đó bị hư hỏng nhiều. Năm Bảo Đại 17 (1942), ông Trần Văn Lý, tổng lý Ngự tiền văn phòng, nhận thấy tình trạng này nên đã đồng ý với ông Ngô Đình Nhu, đương thời là Phó giám đốc thư viện, tìm cách cứu vãn các tài liệu châu bản ở đây. 
 
Hiện nay, các tài liệu Hán Nôm quý giá đã được chuyển về lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia như Châu bản triều Nguyễn, Địa bạ triều Nguyễn và rất nhiều sách, tư liệu quý khác hiện đang được lưu trữ tại các thư viện lớn ở Hà Nội, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện Quốc gia, Thư viện Viện Sử học, Thư viện Viện Thông tin khoa học xã hội... Các tài liệu, thư tịch này có thể coi là nguồn tư liệu lịch sử vô cùng quý giá cho nhiều ngành khoa học và là bộ phận không thể thiếu trong kho tàng di sản Hán Nôm của dân tộc.
 
Nguyễn Huy Khuyến