Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người học trò, người kế thừa xuất sắc tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

03:03, 19/03/2014

Từ khi được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất vào lúc 18h9' ngày 4 tháng 10 năm 2013 cho đến nay, hàng triệu con tim trong nước và thế giới thổn thức và tiếc thương Đại tướng. Trên các thông tin đại chúng trong nước và quốc tế liên tục đưa tin và viết bài để ca ngợi tài năng, công đức và nhân cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Từ khi được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất vào lúc 18h9’ ngày 4 tháng 10 năm 2013 cho đến nay, hàng triệu con tim trong nước và thế giới thổn thức và tiếc thương Đại tướng. Trên các thông tin đại chúng trong nước và quốc tế liên tục đưa tin và viết bài để ca ngợi tài năng, công đức và nhân cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Báo chí nước ngoài gọi Đại tướng là “Napoleon đỏ”, “Ngọn núi lửa phủ tuyết”, “Một trong 10 vị tướng nổi tiếng nhất của thế giới”, “Một vị tướng xuất sắc nhất của mọi thời đại”, “Vị tướng huyền thoại”, “ Vị tướng Hòa bình”,“Vị tướng hậu cần vĩ đại”. Nhân dân ta gọi Đại tướng là “Anh hùng dân tộc”, “Vị tướng của lòng dân”, “Vị tướng của nhân dân”, hay một cái tên trìu mến “Tướng Giáp - Anh Văn, Người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam”. Tên tuổi của Đại tướng đã gắn liền với sự ra đời của Quân đội Nhân dân Việt Nam, với chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, gắn với dân tộc Việt Nam, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với nhân cách và trí tuệ Việt Nam.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo tại Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới 1950 - Ảnh tư liệu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo tại Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới 1950 - Ảnh tư liệu
 
Nguồn gốc nào đã làm nên một vị Đại tướng huyền thoại như vậy? Bên cạnh những nguồn gốc Đại tướng đã kế thừa tinh hoa quân sự của nhân loại, của dân tộc Việt Nam, một bản tính thông minh và nhãn quan quân sự kiệt xuất của Đại tướng, thì còn một nguồn gốc nguyên nhân sâu xa trực tiếp nữa, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Người học trò ưu tú xuất sắc nhất, là người học tập kế thừa sâu sắc tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Năm 1940, khi Anh Văn là thành viên của Phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương được tổ chức cử sang Trung Quốc cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng đón Bác Hồ. Khi gặp, Bác Hồ đã phát hiện những tố chất thiên tài quân sự ở Anh Văn và đã được Bác dìu dắt, rèn luyện và tín nhiệm giao nhiệm vụ. Khi phong hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ đã trả lời câu hỏi căn cứ nào để phong đại tướng của báo chí nước ngoài "Đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, thắng trung tướng phong trung tướng, thắng đại tướng phong đại tướng” - điều đó nói lên sự tin tưởng tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với bản tính cách mạng, thông minh và nhãn quan thiên tài về quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kế thừa tinh hoa quân sự của thế giới, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc và phát triển những tư tưởng của Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng quân sự và đạo đức, phong cách tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm nên một Đại tướng Võ Nguyên Giáp huyền thoại của dân tộc Việt Nam và thế giới. Và ở Đại tướng, sức mạnh của dân tộc, của thời đại được hội tụ và phát huy mạnh mẽ.
 
Khi trả lời báo chí trong nước và quốc tế bao giờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng viện dẫn các nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Việt Nam đều bắt nguồn từ tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta nghe rất cảm động. Đại tướng đã kể học được từ Bác rất nhiều, học từ cái nhỏ nhất từ sức chịu đựng và thích nghi với mọi hoàn cảnh của Bác, Đại tướng kể “không thấy Bác kêu ca phàn nàn bao giờ, kể cả việc thời tiết hôm nay nóng hay lạnh”, trong Hồi ký Đại tướng viết “Hồ Chí Minh là con người của những quyết định lịch sử”. Đến Đại hội VII năm 1991, Đại tướng đã đề nghị Trung ương đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh vào trong Nghị quyết của Đại hội và đã được Đại hội chấp nhận.
 
Để minh chứng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người học trò, người kế thừa xuất sắc tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì rất rộng lớn và bao trùm, nhưng chúng ta chỉ chọn những nét chính:
 
Thứ nhất: Trước hết nói về tinh thần yêu nước, thương dân, kính trọng nhân dân, học tập nhân dân vì nhân dân, đi theo đúng đường lối nhân dân.
 
Ngay từ khi còn rất trẻ, trước nỗi đau mất nước, nỗi đau của người dân nô lệ, bị xiềng xích, tủi nhục, người thanh niên Võ Giáp mới 16 tuổi đã tham gia hoạt động cách mạng, tham gia các tổ chức cộng sản, tổ chức bãi khóa và bị bắt tù đầy. Khi được đứng vào trong hàng ngũ của Đảng và được giao nhiệm vụ trọng trách lớn lao, Đại tướng đều đau đáu vì dân, vì nước, không ngại hy sinh gian khổ, khi các nhà báo nước ngoài phỏng vấn, Đại tướng trả lời “Tôi đã cống hiến cả cuộc đời tôi, từng ngày, từng giờ, từng phút để phục vụ Đảng và nhân dân Việt Nam, tôi chẳng hối tiếc gì cả”.
 
Cả cuộc đời của Đại tướng bao giờ cũng quý trọng, học tập và phục vụ nhân dân, học tập tinh hoa truyền thống của dân tộc, Đại tướng tự nhận “Tôi chỉ là giọt nước trong biển cả nhân dân”. Đại tướng bao giờ cũng đánh giá rất cao vai trò của nhân dân, có nhà báo nước ngoài hỏi “Vị đại tướng nào vĩ đại nhất”, Đại tướng đã không ngần ngại trả lời “Nhân dân Việt Nam”. Khi hòa bình lập lại, Đại tướng lúc nào cũng đau đáu vì dân, vì nước. Câu hỏi lúc nào cũng thường trực trong Đại tướng, tại sao hòa bình rồi mà dân còn khó khăn, đất nước còn lạc hậu?. Vì vậy Đại tướng được gọi là “Đại tướng của nhân dân”, “Đại tướng của lòng dân”. Đúng như câu đối của một cựu chiến binh phường Thành Công (Hà Nội) kính dâng lên Đại tướng: "Văn lo vận nước, Văn thành Võ. Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn".
 
(còn nữa)
 
ĐINH ĐỨC CHÍ (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lâm Hà)