30 tháng mở đường Tây Trường Sơn

04:04, 02/04/2014

Để nối đường Đông Trường Sơn, Trung ương Đảng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên mở gấp con đường Tây Trường Sơn từ bắc tỉnh Kon Tum xuyên xuống nam Đaklak, nối liền Liên khu ủy 5 với Nam bộ để chi viện cán bộ, bộ đội, vũ khí, lương thực vào Nam…

Để nối đường Đông Trường Sơn, Trung ương Đảng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên mở gấp con đường Tây Trường Sơn từ bắc tỉnh Kon Tum xuyên xuống nam Đaklak, nối liền Liên khu ủy 5 với Nam bộ để chi viện cán bộ, bộ đội, vũ khí, lương thực vào Nam… Các tỉnh Tây Nguyên đều thành lập Ban Giao bưu do đồng chí Bí thư hoặc Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Nhiệm vụ các Ban Giao bưu có nhiệm vụ vận động quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng nhanh chóng mở đường hành lang nội tỉnh và liên tỉnh, nối hai đầu với tỉnh bạn. Các trạm làm nhiệm vụ chuyển công văn, thư tín, hàng hóa vũ khí, lương thực và dẫn đưa cán bộ vào Nam.
 
Nữ TNXP một thuở mở đường Trường Sơn. Ảnh: TL
Nữ TNXP một thuở mở đường Trường Sơn. Ảnh: TL
 
Tại Tây Nguyên, Ngô Đình Diệm ra đạo luật: Đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, tiến hành “tố cộng”, xây dựng các dinh điền, lập ấp. Chúng cho cảnh sát, mật vụ, lính cộng hòa hành quân, càn quét vào làng mạc, các vùng giáp ranh các tỉnh đồng bằng, vùng căn cứ kháng chiến, bắt giao bưu và đóng đồn bốt dọc biên giới Lào. Bọn chúng, ra sức xây dựng Tây Nguyên thành trung tâm căn cứ quân sự vững chắc…
 
Tháng 5/1959, Bộ Quốc phòng và Ban Thống Nhất Trung ương tập hợp một số cán bộ, chiến sĩ con em tập kết ra Bắc, thành lập một đoàn, mang phiên hiệu B.90 để trở về chiến trường miền Nam. Đoàn có 26 người, đã từng hoạt động chiến trường miền núi Đông Nam bộ, Tây Nguyên, đông bắc Campuchia, biết vận động quần chúng ở địch hậu và vùng đồng bào dân tộc. Quân số là người của Sư đoàn 330, 338 của Nam bộ, Sư đoàn 324, 205 của Liên khu 5, quân khu hữu ngạn và một số cán bộ tập kết ra Bắc do Ban Thống Nhất Trung ương quản lý; trong đó, có dân tộc Ê Đê, Mơ nông, H’Roi, Châu Ro…
 
Đoàn được gặp Bác Hồ, Bác Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí: Trần Văn Trà, Nguyễn Vịnh, Phạm Hùng…
 
5 giờ sáng ngày 20/6/1959, từ Gia Lâm đoàn lên ba chiếc xe vận tải, thùng xe, ca bin che kín. Mỗi người được trang bị hai bộ quần áo bà ba màu đen, tăng võng, ba lô, 2.400 đồng tiền miền Nam và hai khẩu súng: Col 12 và tiểu liên giảm thanh, đủ cơ số đạn.
 
Xe chạy vào khu vực làng Ho. Đoàn chia ra thành 3 đội. Đồng chí Trần Quang Sang (Ba Phước), Phạm Văn Lạc (Tư Lạc), Phùng Đình Ấm (Ba Cung), mỗi người phụ trách một đội. Tại đây vật dụng được trang bị tại miền Bắc đều để lại, cải trang thành du kích. Các đồng chí đội trưởng cho anh em học nội quy phòng gian, bảo mật. Hành quân đến trạm đầu tiên của đông Trường Sơn, anh em phải ở lại mấy hôm vì phía Nam có địch tuần tiểu.
 
Đầu tháng 7/1959, các chiến sĩ mới đến thượng nguồn vượt qua sông Bến Hải. Mỗi đội hành quân cách nhau một ngày, xuyên rừng vượt suối, tuân thủ điều lệnh: Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng. Mấy năm sống ở ngoài miền Bắc, đi giày quen chân, nay bỏ giày vào ba lô đi chân không, chân bị sưng tấy lên phồng dộp da, đi lại rất khó khăn.
 
Hành quân một tháng trời, cuối tháng 7/1959, đoàn đến trạm Ba Lê (an toàn Khu của Quảng Nam). Anh em được nghỉ một tuần. Đồng chí Bùi San (Chín Liêm) - Phó Bí thư Liên khu ủy 5 truyền đạt Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, thông báo tình hình phát triển của cách mạng miền Nam và giao nhiệm vụ mở đường về Đông Nam bộ.
 
Từ Quảng Nam qua miền tây Quảng Ngãi, Kontum, bắc Đaklak, phong trào cách mạng rất cao, nhiều cung đường, anh em được hành quân ban ngày. Đầu tháng 9/1959, đoàn đến Chư Dleiya, căn cứ địa của Tỉnh ủy Đaklak. Tại đây, đồng chí A Ma Đăng (Nguyễn Tuấn), đồng chí Phạm Thuần (Chín Cán) đón tiếp, động viên anh em tạm nghỉ ngơi, đợi chờ chuyến liên lạc của đội vũ trang công tác Đakmil về; họ thông thạo đường đi, lối vòng tránh địch, họ sẽ dẫn đi, an toàn hơn.
 
Thánh 10/1959, đoàn từ Chư Đleiya, hành quân vào Đakmil do đồng chí Ama Giây dẫn đường. Đường đi xa lắc, phải vượt qua sông Sérépok, vượt quốc lộ 14. Đoàn đến bờ bắc sông có đồng chí Ama Nhao (Lê Đạo) và Ama Sa (Y Bơớ) đón. Mùa mưa, nước sông dâng lên cao. Ban đêm nhân dân tìm thuyền độc mộc chở anh em qua sông. Đoàn đi tiếp qua buôn Trum, buôn U, vượt đường 14 đi đến căn cứ buôn Đ’ru Đak Rồ. Đồng chí Ama Giới (Trần Phòng) tổ trưởng tổ công tác, nguyên chính trị viên tiểu đoàn Nơ Trang Lơn của Đaklak từ những năm kháng chiến chống Pháp và đồng chí Ama Năm (Nguyễn Tùy) tổ trưởng tổ công tác hợp pháp thị xã Buôn Ma Thuột đón tiếp đoàn.
 
Đợi chờ bảy ngày, các đồng chí Ba Hồng Ưng (Vũ Anh Ba) và đồng chí Bốn Đạo (Nguyễn Liên) Tỉnh ủy viên Đaklak, đi kiểm tra cơ sở vùng đông Đakmil về, truyền đạt cho đoàn tình hình nhiệm vụ, thảo luận kỹ phương châm, phương thức hoạt động và tranh thủ học tiếng Mơ Nông. Để giữ bí mật, anh em trong đoàn đều phải đổi tên. Đồng chí Trần Quang Sang, mang tên Ama Tho, đồng chí Phùng Đình Ấm gọi là Ama Cung…
 
Đội công tác Đakmil nhập vào đoàn B.90, tổ chức thành ba đội và một mũi công tác bắc quốc lộ 14. Mũi này, do đồng chí Võ Thế (Ma Thức) phụ trách gồm có các đồng chí: Ma Ta (Lê Văn Hơn), Ma Hơn (Nguyễn Văn Hơn), Ma Nhiên (Nguyễn Văn Thiên) có nhiệm vụ xây dựng vùng buôn Tút, buôn Tia, buôn Ê Bô, buôn U… thành địa bàn vững chắc, bảo đảm đường liên lạc giữa Đakmil với tỉnh Đaklak, xây dựng an toàn Khu và tăng cường nhân sự cho các đoàn phía trước.
 
(còn nữa)
 
Ghi chép: NGUYỄN THÁI HUYỀN