Liên tỉnh 3, căn cứ đóng tại Khánh Hòa tổ chức hai đội vũ trang tuyên truyền tiến hành xây dựng cơ sở phát triển từ căn cứ lên hướng B.5 (Lak).
[links()]
Liên tỉnh 3, căn cứ đóng tại Khánh Hòa tổ chức hai đội vũ trang tuyên truyền tiến hành xây dựng cơ sở phát triển từ căn cứ lên hướng B.5 (Lak).
|
Nữ thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu |
Đội 1 do đồng chí Đinh Sĩ Uẩn chỉ huy từ sông Trương, tây Bác Ái (Ninh Thuận) xây dựng cơ sở mở đường lên Đồng Mang, Đạ Tro (huyện Lạc Dương, tỉnh Tuyên Đức).
Đội 2 do đồng chí Nguyễn Lâm và đồng chí Ba Thành (Trần Thành phụ trách từ bàn đạp tây Anh Dũng (Ninh Thuận) mở đường lên hướng P’Ró, M’Lọn, huyện Đơn Dương (tỉnh Tuyên Đức).
Trong quá trình hoạt động, đội bị địch chặn đánh quyết liệt không mở được cơ sở. Thường vụ Tỉnh ủy Liên tỉnh 3 quyết định chuyển một số cán bộ, chiến sĩ đội 2 và tăng cường thêm số quân từ miền Bắc vào cho đồng chí Đinh Sĩ Uẩn. Đội đã mở đường vươn tới 10 buôn trên địa bàn Lạc Dương.
Được tin đội công tác tuyên truyền Liên tỉnh 3 lên đến Đầm Ròn (B.5), đồng chí Bùi San cử đồng chí: Năm Khanh, Tiên, Tài, Chi và một tiểu đội người dân tộc gấp rút mở cơ sở liên lạc được với đội công tác của đồng chí Đinh Sĩ Uẩn.
Đội đã xây dựng được 15 buôn làm cơ sở, làm chủ một vùng rộng lớn có hàng nghìn dân nối với vùng giải phóng nam Đaklak.
Ngày 15/5/1961, Ban Cán sự huyện Đức Trọng thành lập, đồng chí Nguyễn Hữu Hồ (Năm Khanh) làm Bí thư, đồng chí Ma Quang, Ma Tiên là ủy viên dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Liên tỉnh 4.
Sau đó, Liên tỉnh 4 đặt thêm trạm 3 ở Đầm Ròn do đồng chí Bình phụ trách tuyến giao liên Liên tỉnh 3 và Liên tỉnh 4.
Trên địa bàn huyện Khiêm Đức, đồng chí Ama Nhao làm Bí thư. Một vùng cơ sở rộng lớn, dân hồ hởi đi theo cách mạng. Tháng 2/1961, cấp trên điều động đồng chí Trần Quang Sang sang Khiêm Đức chăm lo xây dựng phong trào trên địa bàn nam Đạ Đờn tiến về đường 20 (bắc Bảo Lộc) tìm bắt liên lạc với đội vũ trang tuyên truyền phía nam đường 20 để nối đường hành lang về Bình Thuận…
Phía bắc đường 20, quân địch xây đồn, bốt thường xuyên lùng sục càn quét. Đây là một vùng “trắng” vắng bóng cách mạng hoạt động nguy hiểm khó khăn hơn phía nam B.4.
Đội công tác dựa vào dân hai vùng Bon Pò Răng và Đinh Xiết làm bàn đạp, mở cơ sở ra phía đông bắc và đông nam B’Lao (Bắc Bảo Lộc - Tân Rai). Trong một thời gian ngắn, đội đã phát triển được nhiều buôn ở vùng P’Chá, B’Lá vượt lên vùng P’Đa Rang, B’lạng.
Lúc này, ở đây hạn hán mất mùa, lương thực khan hiếm. Anh em trong đội phải ăn rau rừng, bột xà bu thay cơm. Trên đường đi làm nhiệm vụ, đội công tác đã bắt liên lạc được với đồng chí Tư Do đang trên đường đi vận động cách mạng trong quần chúng vùng Tân Rai. Qua đó, đội đã móc ráp được với lực lượng vũ trang Bình Thuận lên.
Theo chỉ đạo của Liên tỉnh 3, ngày 2/9/1960, Huyện ủy Di Linh thành lập một trung đội vũ trang lấy tên là đội Hoàng Sơn có nhiệm vụ xây dựng cơ sở mở hành lang lên phía Bắc Lâm Đồng nối với trục hành lang Nam bắc do B.4 (Quảng Đức) xoi xuống.
Đội Hoàng Sơn do đồng chí Nguyễn Xuân Cảnh (Xuân Du) phụ trách, xuất phát từ buôn B’Rú (cách Di Linh 20km) phát triển lên phía bắc Di Linh. Đội vừa phát động quần chúng, xây dựng cơ sở phối hợp với du kích, đánh với cảnh sát vũ trang của địch, mở hành lang.
Tháng 6/1961, đội vượt đường 20 lên Đinh Trang Thượng, bắt liên lạc được với đội đồng chí Ma Đen cán bộ đội Đ.2 tại Gung Giăng Gia (xã Đinh Trang Thượng), nối được hàng lang Bình Thuận đi ngang qua đất Lâm Đồng.
Để lãnh đạo cách mạng ở địa phương, ngày 31/8/1961, tại buôn B’Lá, Ban Cán sự tỉnh Lâm Đồng được thành lập mang phiên hiệu B.7 (bí danh Cô Mô. Ban Cán sự do đồng chí Trần Quang Sang (Ba Thọ) làm Bí thư. Đồng chí Nguyễn Xuân Cảnh (Xuân Du) và đồng chí Lê Đạo (Ama Nhao) làm Ủy viên do Liên tỉnh 3 trực tiếp lãnh đạo.
Vùng căn cứ phía bắc Lâm Đồng, đơn vị C.200 được tăng cường thêm nhân lực làm nhiệm vụ đưa đón cán bộ, chiến sĩ từ miền bắc vào Trung ương Cục và tăng gia sản xuất để cung cấp lương thực, thực phẩm cho căn cứ và các trạm giao bưu.
Để thống nhất sự chỉ đạo giữa Ban Cán sự B.7 và đơn vị C.200, tháng 12/1961 Trung ương Cục miền Nam bổ sung cán bộ thành lập tỉnh Lâm Đồng do đồng chí Phạm Thuần (Chín Cán) làm Bí thư, đồng chí Tư Nguyện - chính trị viên C.200 làm ủy viên.
Gần ba năm, đường Tây Trường Sơn mới nối liền với Đông Trường Sơn đi trên 4 tỉnh Tây Nguyên đã hoàn thành(1). Tỉnh ủy các tỉnh lo củng cố tăng cường giao liên các trạm bàn giao nhiệm vụ và tổ chức giao bưu - thông tin cho lực lượng vũ trang địa phương.
Ba mươi tháng trời trôi qua, giao bưu - thông tin và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên không quản gian khổ, hy sinh, dũng cảm, mưu trí bảo vệ hành lang, đưa đón cán bộ, chiến sĩ, vận chuyển vũ khí, lương thực, tài liệu… phục vụ Khu ủy 5, Khu ủy 6… Những chiến công sáng ngời ấy đã góp phần vào đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước.
(1) Viết theo lời kể chuyện của các đồng chí Bí thư hoặc Phó Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí Trưởng hoặc Phó Ban Giao bưu vận, Trưởng trạm giao liên tỉnh Tây Nguyên và một số cán bộ B.90 để biên soạn lịch sử.
Ghi chép: Nguyễn Thái Huyền