Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người học trò, người kế thừa xuất sắc tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (tiếp theo)

03:04, 09/04/2014

Nghệ thuật quân sự được Đại tướng vận dụng sáng tạo ở các điểm sau: Khi thực dân Pháp được sự hỗ trợ của đế quốc Mỹ xây dựng cứ điểm Điện Biên Phủ hùng mạnh đã viết thư khiêu chiến nhử ta đánh nhưng ta chưa đánh ngay để quân thù mỏi mệt; rồi tiến hành đánh các mặt trận khác ở Thượng Lào, Hải Phòng, Phú Yên, Kon Tum, Đắc Lắc, Long An để phân tán, chia lửa cho Điện Biên Phủ...

Về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ:
 
[links(right)]Nghệ thuật quân sự được Đại tướng vận dụng sáng tạo ở các điểm sau: Khi thực dân Pháp được sự hỗ trợ của đế quốc Mỹ xây dựng cứ điểm Điện Biên Phủ hùng mạnh đã viết thư khiêu chiến nhử ta đánh nhưng ta chưa đánh ngay để quân thù mỏi mệt; rồi tiến hành đánh các mặt trận khác ở Thượng Lào, Hải Phòng, Phú Yên, Kon Tum, Đắc Lắc, Long An để phân tán, chia lửa cho Điện Biên Phủ; huy động sức người, sức của cả miền Bắc vào chiến dịch; đưa hỏa lực pháo vào được đỉnh cao của trận địa để phát huy sức mạnh; đồng thời phát huy cao độ tinh thần chiến đấu của chiến sỹ và nhân dân cho chiến dịch và cuối cùng là thay đổi phương châm cách đánh vào phút chót, từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
 
Phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” đã được xác định khi bắt đầu chiến dịch, nhưng khi khảo sát trận địa phòng thủ kiên cố, vững chắc và nguy hiểm của địch, Đại tướng nhớ Bác Hồ đã từng nói “Nếu như con hổ dừng lại sẽ bị đâm thủng bởi ngà voi sắc bén, nhưng nó sẽ không dừng lại, nó mai phục trong rừng rậm ban ngày, chú hổ sẽ lao lên lưng voi vào ban đêm cào xé con voi, rồi lại biến mất, chú hổ sẽ tiếp tục tấn công cho đến khi con voi chết vì kiệt sức và mất máu. Điện Biên Phủ sẽ là mồ chôn của voi”. Đồng thời, Đại tướng nhớ chỉ thị của Bác “Trận chiến này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”. Cùng với nhãn quan thiên tài quân sự phân tích tình hình, Đại tướng đã chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, “cuộc chiến dài hơi, nghiền nát từng phần của quân địch”, với quyết tâm sắt đá của ta đã làm nên thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh: TL
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh: TL
 
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
 
Khi chiến thắng Điện Biên Phủ trở về, cả nước đang trong không khí phấn khởi, bạn bè quốc tế đang khâm phục, Bác đã nhắc Đại tướng là chuẩn bị lực lượng và tinh thần để đánh một kẻ thù nguy hiểm hung bạo và hùng mạnh nhất thời đại, đó là đế quốc Mỹ, và điều đó đã xẩy ra. Đến khi ta đánh Mỹ lập được những chiến công hiển hách, nhưng năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiên đoán: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Vì vậy, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân đội ta đã xây dựng lực lượng, chuẩn bị vũ khí khí tài, xây dựng kế hoạch cách đánh B52. Tháng 5/1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bất ngờ nêu câu hỏi với các cán bộ tham mưu tác chiến của Quân chủng phòng không: “Tỷ lệ B52 bị bắn rơi mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển, mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?”, câu hỏi khích tướng đó đã làm ban tham mưu tác chiến hoàn thiện kế hoạch đánh B52 tốt hơn. Khi chỉ huy đánh cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B52, Đại tướng đã kêu gọi "Cả nước đang hướng về Hà Nội. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội". Cùng với quyết tâm của quân và dân Hà Nội, chúng ta đã làm nên một Điện Biên Phủ trên không năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký hiệp định Pari và rút quân khỏi Việt Nam năm 1973.
 
Đường Trường Sơn và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để hỗ trợ sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, với con mắt bậc thầy về hậu cần và điều hành quân sự, Đại tướng đã chỉ đạo mở con đường huyết mạch Trường Sơn vào ngày 19/5/1959. Trước sự đánh phá điên cuồng của máy bay và đạn pháo của địch nhưng với quyết tâm Đại tướng đề ra khẩu hiệu “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến chứ không đi chui rúc nữa”, con đường huyết mạch, Trường Sơn - Hồ Chí Minh huyền thoại đã hình thành, cùng với con đường Hồ Chí Minh trên biển góp phần cho cách mạng miền Nam giành được thắng lợi cuối cùng. Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh và con đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành huyền thoại, trở thành biểu tượng khát vọng tự do, độc lập và CNXH của dân tộc Việt Nam, là con đường hiển hách của thời đại Hồ Chí Minh.
 
Sau thắng lợi “điểm huyệt” Buôn Mê Thuật và giải phóng Đà Nẵng, thời cơ giải phóng miền Nam đã đến, Đại tướng đề xuất mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và đã được Bộ Chính trị đồng ý. Nhớ lại lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập tự do”, trong phút hào sảng Đại tướng đã viết mật lệnh sáng ngày 7/4/1975: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!". Mệnh lệnh đó đã thôi thúc bao con tim, khối óc xông lên chiến trường giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
 
(còn nữa)
 
ĐINH ĐỨC CHÍ (Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Lâm Hà