Tuy chưa qua trường lớp quân sự nào nhưng với trí thông minh, nhãn quan quân sự kiệt xuất, Đại tướng đã học tập và kế thừa xuất sắc tư tưởng quân sự của nhân loại, của dân tộc Việt Nam và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ xây dựng và huấn luyện lực lượng quân đội, cho đến phương châm chiến lược, chiến thuật và kế hoạch tác chiến.
[links()]
Thứ ba: Về tài năng quân sự
Tuy chưa qua trường lớp quân sự nào nhưng với trí thông minh, nhãn quan quân sự kiệt xuất, Đại tướng đã học tập và kế thừa xuất sắc tư tưởng quân sự của nhân loại, của dân tộc Việt Nam và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ xây dựng và huấn luyện lực lượng quân đội, cho đến phương châm chiến lược, chiến thuật và kế hoạch tác chiến.
Ngay từ khi chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang, thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bác Hồ đã chỉ đạo đặt nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền và chính trị, còn xây dựng lực lượng tự cường dựa vào nhân dân là chính "Chúng ta sẽ dựa vào sức mình là chính cùng với một ít viện trợ từ nước ngoài. Mọi việc đều do nhân dân mà nên. Người trước súng sau, có nhân dân là có tất cả".
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: Internet |
Những tư tưởng xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, xây dựng một nền chiến tranh nhân dân, xây dựng các lực lượng binh chủng của quân đội, xác định nhiệm vụ của quân đội “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng", xây dựng tinh thần đoàn kết, kỷ luật quân đội của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đại tướng áp dụng một cách nhuần nhuyễn, vì vậy đã xây dựng được một Quân đội Nhân dân Việt Nam vô địch, đánh thắng hai tên đầu sỏ đế quốc to của thời đại là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Với tư cách là Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhưng bao giờ cũng rất quý trọng thương yêu chiến sỹ, khi trả lời với báo chí nước ngoài, Đại tướng nói “Tôi bình đẳng với chiến sỹ của tôi”. Theo lời kể của ông Tô Đình Cắm một trong 34 đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân còn sống, hiện nay ở huyện Đạ Tẻh: “Khi tôi tham gia Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thì tuổi còn rất trẻ, chỉ mới 23 tuổi. Ban đêm, khi ngủ cùng, tôi thường gác chân lên người bác Văn. Lắm lúc bác mắng: Mày ngủ gác quá làm tao không ngủ được! Nói thế nhưng bác vẫn cho ngủ cùng”. Nói về nghiệp cầm quân của mình, Tướng Giáp thổ lộ: "Hạnh phúc lớn nhất của người cầm quân là được ở bên chiến sĩ trên chiến trường". Ta lại nhớ đến câu thơ của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại cáo “Tướng sỹ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” để thấy lòng yêu thương bao la của Đại tướng với chiến sỹ của mình. Đại tướng đã được tôn vinh là “Anh Cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong các phương án kế hoạch chiến đấu bao giờ Đại tướng cũng chọn phương án tổn thất xương máu cho chiến sỹ thấp nhất. Ngay cuộc đối đầu chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, phương châm tác chiến đã đề ra là “Đánh nhanh - thắng nhanh”, nhưng khi đi tham quan thực địa trên chiến trường trước hệ thống phòng ngủ dầy đặc, kiên cố, “một con nhím khổng lồ” của cứ điểm Điện Biên Phủ, được thực dân Pháp rêu rao là cối xay thịt, Đại tướng hết sức trăn trở, với rất nhiều nguyên nhân trong đó nhớ lời căn dặn của Bác "Cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng không được thua, vì thua là hết vốn", đồng thời Đại tướng nghĩ đến sự hy sinh xương máu của đồng chí đồng đội khi gặp một hệ thống phòng ngự kiên cố, nguy hiểm như thế nên Đại tướng đã quyết định chuyển sang phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” để đỡ tổn thất xương máu. Tướng Giáp đã thổ lộ: "Ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình!". Sau này, nhiều tướng lĩnh trong quân đội đã nói nếu đánh theo cách cũ thì nhiều tướng lĩnh và chiến sỹ ta không tham gia được cuộc kháng chiến chống Mỹ và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có thể kéo dài hơn 10 năm nữa. Vì lẽ đó nên Đại tướng được gọi là “Đại tướng hòa bình”.
Về xây dựng nghệ thuật quân sự, chiến lược, phương châm, kế hoạch chiến đấu Đại tướng đã sáng tạo, phát huy cao độ nghệ thuật chiến tranh nhân dân của truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, tư tưởng và sự chỉ đạo sâu sát của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này thể hiện qua 3 trận chiến lớn có tính quyết định lịch sử đó là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954; chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ” trên không năm 1972; Đường Trường Sơn và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.
(còn nữa)
ĐINH ĐỨC CHÍ (Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Lâm Hà)