Đội quân phó cối và những bữa ăn khó quên trên đường chiến dịch...

04:04, 30/04/2014

Đại tá Trần Thịnh Tần đang độ ngoại "bát tuần". Hễ nói chuyện về những ngày đánh Pháp xâm lược là ông hào sảng chẳng khác nào hồi ông đi chiến dịch.

Đại tá Trần Thịnh Tần - nguyên Cục trưởng Cục Quân trang (nay đã sáp nhập với Cục Quân lương thành Cục Quân nhu) đang độ ngoại “bát tuần”. Hễ nói chuyện về những ngày đánh Pháp xâm lược là ông hào sảng chẳng khác nào hồi ông đi chiến dịch. Riêng về chuyện nấu ăn ở mặt trận, ông làm cho người nghe cảm thấy mình như cùng trong cuộc no đói với ông. Ông kể rằng...
 
Ôn lại những sự kiện trong đời quân ngũ là niềm vui của Đại tá Trần Thịnh Tần và người vợ cũng là cựu chiến binh (Ảnh chụp tháng 3-2014)
Ôn lại những sự kiện trong đời quân ngũ là niềm vui của Đại tá Trần Thịnh Tần và người vợ cũng là cựu chiến binh (Ảnh chụp tháng 3-2014)
 
Trong chiến dịch Hòa Bình, Đông xuân 1951-1952, ông là Trung đội phó Trung đội 1, thuộc Đại đội 950, Tiểu đoàn 564, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 (Đồng chí Nguyễn Chuông là Trung đội trưởng - sau là Thiếu tướng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2)... Sau trận tiêu diệt quân địch tại 2 điểm cao 400 và 600 ở Ba Vì (Sơn Tây, nay là Hà Nội) thì đơn vị hành quân về đóng tại đồi cọ thuộc làng Cổ Tiết (Tam Nông, Phú Thọ) chờ lệnh trên. Đón Tết Nhâm Thìn năm ấy, mỗi cán bộ, chiến sĩ được tăng thêm một cân gạo. Đặc biệt, có bánh chè Lam, quà từ Thanh Hóa gửi ra. Đoàn đại biểu nhân dân tỉnh Yên Bái, tỉnh đỡ đầu Trung đoàn 165 (bộ đội thường gọi là "mẹ nuôi") đến thăm, ủng hộ bò, lợn, bánh chưng, bánh dầy. Lính đang hứng khởi về một cái tết “phong lưu”, không ngờ, chiều 30 tết, một chiếc Dakota của địch bay qua. Bỗng nó quay vòng lại, thả một dây bom tọa độ vào làng Cổ Tiết, chạm nơi các "thợ nấu" đang trổ tài chuẩn bị cho buổi liên hoan tất niên. May mà toàn là lính thiện chiến, biết cách trú ẩn nên không có ai việc gì. Nhưng gạo nước, thực phẩm, bò, lợn tung tóe... Té ra, Cổ Tiết là làng trắng (dân sơ tán hết đã lâu lâu), địch đã biết. Nay xuất hiện đám khói (do bộ đội thui bò) nên mới xảy ra cơ sự ấy. Một bài học xương máu để đời. Ngay lập tức, tiểu đoàn được lệnh báo động chuyển quân... Chuẩn bị tết mà rồi không có cỗ tết. Lính tiếc ngẩn ngơ, song chỉ một lúc sau, tâm hồn lại lâng theo bước chân lên phía trước... 
 
Ngày 12-10-1952 (lúc này ông đã là Trung đội trưởng thay đồng chí Nguyễn Chuông được bổ nhiệm làm cán bộ đại đội), đơn vị ông vừa từ bến Mậu A vượt qua sông Hồng được hai hôm để tham gia chiến dịch Tây Bắc. Suốt từ sáng đến chiều truy kích địch, anh nuôi không đuổi kịp đội hình trung đội, lác đác đã có cán bộ, chiến sĩ đói lả, nằm dọc đường... Đến dốc Đá Đen, trung đội ông được cấp trên phát chiến lợi phẩm. Mỗi người nhận một ca đường kính, một hộp thịt bò và hai cân gạo trắng. Đến 10 giờ đêm, trời mưa như sàng gạo, các ông tạm dừng ở một bản người Mông. Cả trung đội trú mưa trong một căn nhà nhỏ. Sau khi sắp xếp chỗ nghỉ cho từng chiến sĩ, ông phân công người nấu cơm, chuẩn bị cho bộ đội tiếp tục truy kích địch. Anh nuôi tụt lại sau quá xa. Loay hoay mãi, ông mượn được một chiếc chảo của dân. Chảo to, gạo trắng, nhưng không có vung đậy... Một sáng kiến nảy ra: dùng lá chuối phủ kín sau khi cơm cạn nước. Trên lá chuối là một tấm bì tải dấp nước (bì tải do anh em vác gạo đem theo). Đêm tối, không đèn. Mọi sự nhìn nhận đều qua ánh lửa bếp trong lò mù mờ, hắt hiu. Cuối cùng, mùi hương gạo cũng bốc lên. Có điều, lúc đầu thơm ngát, sau đó ngả sang mùi khê. Té ra nồi cơm đã diễn biến: sống, khê, nhão, vón. Ấy vậy mà khi chảo cơm đã được mở ra, chỉ một chốc đã hết nhẵn. Mọi người ăn ngon lành với suất thịt hộp của mình. No bụng, còn gói thêm mỗi người một nắm lớn, góp phần đánh địch thêm hăng.
 
Trong trận Trần Đình (Mật danh của trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ) ông là cán bộ biệt phái của Bộ về làm nhiệm vụ tại Tổng cục Cung cấp tiền phương... Tại đây ông chứng kiến “Đội quân phó cối”- một sáng tạo diệu kỳ của hậu cần chiến trường. Số là, để ủng hộ bộ đội đánh giặc, đồng bào Tây Bắc đóng góp trên 10.000 tấn thóc nếp và hàng trăm tấn thực phẩm. Vấn đề khó khăn là biến 10.000 tấn thóc ấy thành gạo! Đồng bào Tây Bắc quen giã gạo bằng tay, ngày nào ăn ngày đó, không quen dự trữ gạo. Cái khó ló cái khôn. Tiền phương Tổng cục Cung cấp quyết định thành lập "Đội quân phó Cối" ngay tại chiến trường. "Đội quân phó Cối" tuyển mộ phó cối trong các đơn vị bộ đội, đơn vị dân công, thậm chí điều từ hậu phương lên. Họ vào rừng chặt tre làm cối xay: bện các thanh tre nhỏ làm áo cối, chẻ tre làm dăm cối, dùng đoạn thân tre nhỏ làm giàng kéo... Hàng trăm chiếc cối xay đã ra đời, quay ầm ầm suốt ngày đêm, giải quyết 10.000 tấn thóc nếp nương thành xấp xỉ 7.500 tấn gạo, đạt gần một phần ba nhu cầu lương thực của quân ta tại mặt trận. 
 
Gạo nếp nương thơm tho và quyến rũ. Hiềm một nỗi, đến bữa thứ 7-8... thì nồi cơm nếp không còn hấp dẫn nữa, kể cả với những chàng lính háu đói nhất, vì ngán và nóng cổ. Nhân dân Tây Bắc có tập quán bao đời nay là trồng lúa nếp và ăn theo cách đồ xôi. Phương tiện trang bị nồi xôi khác hoàn toàn với trang bị cấp dưỡng của bộ đội. Anh nuôi lại cải tiến nồi nấu cơm thường sang nồi hông xôi với 3 bộ phận: Nồi nấu cơm thường dùng; một cái rá bằng tre hơi thưa, sao cho không lọt gạo; một tầu lá chuối hoặc lá môn thục.
 
Nồi nấu cơm thường dùng được bắc lên bếp, nước chế vừa đủ, cho vào nồi một cái đĩa để hạn chế độ sủi bọt khi nước sôi, đặt cái rá lên, vành miệng rá sát miệng nồi mà không tụt xuống. Gạo nếp vo sạch hoặc ngâm kỹ, đổ vào rá, cắm vào vài chiếc đũa để tạo độ thoáng hơi. Khi gạo đổ cao lên khỏi mặt rá thì bắt đầu dùng lá chuối quây lại. Gạo cao đến đâu, quây lá đến đó, càng dày càng tốt, để hơi nước sôi tập trung thoát lên phía trên và giữ gạo thành khuôn. Lượng gạo vượt lên khỏi thành rá có thể là 30-40 phân, dùng lá chuối bịt kín lại úp một cái rá khác lên để lá chuối khỏi bung ra. Gạo nếp khi đã được nấu chín bằng hơi nước sôi thì kết dính với nhau thành xôi. Mang xôi ra, quạt cho bay hết hơi. Hạt xôi se lại, tạo cảm giác ngon miệng, nhất là được chấm với mắm kem hoặc muối mỡ, hạt Phù dung thì không gì bằng. Với cách cải tiến này, đơn vị không còn lo lắng việc nhìn “nồi cơm cười” mà người thì “nhịn như nhịn... cơm nếp”...
 
Trung tá bác sĩ Phạm Thị Tuyết, nguyên cán bộ quân y Cục Hậu cần (Tổng Cục Hậu cần) đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ lúc đang độ tuổi 18 cũng chứng kiến những bữa ăn đặc biệt nơi chiến trường. Bà kể rằng: Những ngày Trần Đình, ta càng thắng lớn thì số thương binh cũng thường nhiều hơn bình thường. Có đêm vài ba trăm người, quá mức thu dung phục vụ của đơn vị. Thành thử có lúc bảo đảm ăn uống không kịp thời, một số thương binh đói. Tất cả bát đũa đều được huy động hết mà vẫn không đủ, phải lấy ống nứa, lá làm bát, lấy que làm đũa nên có thương binh kêu ca. Cấp trên đến kiểm tra, nhân viên phục vụ bị khiển trách, thông báo đến tất cả các cơ sở Quân y chiến dịch. Để khắc phục, đơn vị cho dân công làm thêm lán, Cục Quân y tăng cường các phương tiện. Nhân viên lao vào phục vụ thương binh vô điều kiện. Không ai nghĩ đến ăn, nghỉ cho bản thân. Ngày toàn thắng, vui bao nhiêu thì lại thương nhau bấy nhiêu khi nghĩ lại chuyện cũ...
 
PHẠM XƯỞNG