Ký sự Điện Biên

04:04, 23/04/2014

Cách đây 10 năm - năm 2004, tôi đến Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên. Bây giờ, những ngày đầu tháng 4 này, trở lại vùng đất chiến trường xưa đã có nhiều đổi thay...

Cách đây 10 năm - năm 2004, tôi đến Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên. Bây giờ, những ngày đầu tháng 4 này, trở lại vùng đất chiến trường xưa đã có nhiều đổi thay. Những chứng nhân lịch sử già hơn nhưng cảnh sắc thì lại tươi mới, trẻ trung hơn trong ánh nhìn và nụ cười. Đặc biệt là màu áo xanh quân phục của những Đoàn Cựu chiến binh cũng xanh thắm hơn. Trời Điện Biên mây trắng hơn và những tấm thổ cẩm của miền Tây Bắc cũng đa sắc màu hơn.
 
Một góc thành phố Điện Biên, nhìn từ đồi cao tượng đài Chiến thắng
Một góc thành phố Điện Biên, nhìn từ đồi cao tượng đài Chiến thắng
 
I- TỪ ĐÈO PHA ĐIN ĐẾN MƯỜNG PHĂNG “KHU RỪNG ĐẠI TƯỚNG”
 
Chúng tôi lên Điện Biên lần này đi theo đường số 6 qua Hoà Bình, Sơn La. Cảm giác đầu tiên của miền đất Tây Bắc tất cả đều bản lảng và đắm đuối. Bảng lảng sương mờ giăng, chập chùng đèo dốc. Các bản làng xa mờ tít tắp như được treo vào lưng đồi những nếp nhà sàn lặng lẽ. Và đắm đuối mùa hoa Ban nở. Theo truyền thuyết của người Thái, hoa Ban ca ngợi tình yêu thuỷ chung sắt son của người con gái Thái nết na xinh đẹp tên là Ban với chàng Khum - một chàng trai nhà nghèo nhưng giỏi giang. Chỉ vì không lấy được người mình yêu nên nàng Ban đau khổ và khi chết hoá thành một loài cây mang tên nàng. Mỗi khi mùa xuân đến cây trút lá đâm chồi, nảy lộc và đơm những bông hoa như những cánh bướm ca ngợi tình yêu. Cây Ban thân mộc, không mọc thẳng mà khẳng khiu, uốn khúc. Lá Ban không rậm rạp rất giống hai trái tim đặt cạnh nhau. Ban hoa đỏ và hoa trắng. Mỗi hoa gồm 4 - 5 nhị mang vị ngọt quyến rũ muôn loài ong, bướm. Tên hoa Ban theo tiếng Thái là hoa ngọt. Bà con vùng Tây Bắc coi mùa hoa Ban như nông lịch của mình, phát nương vào lúc hoa nở, tra hạt lúc hoa tàn. Mùa hoa Ban các bà, các chị lúc đi làm nương về trong “ếp” (cái giỏ) đan bằng mây đeo bên mình thường có ít hoa Ban không phải để chơi mà để ăn. Hoa Ban nấu ăn, làm nộm, đồ lên chấm với dấm ớt, măng chua. Năm nào hoa Ban rực rỡ là mùa màng bội thu.
 
Khi xe chúng tôi đến Đèo Pha Đin ai cũng háo hức bởi câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ, đèo Lũng Lô anh hò chị hát”. Đèo Pha Đin có độ dài 32km, là một trong bốn tứ đại đèo vùng Tây Bắc bên cạnh: Đèo Quy Hồ, đèo Khau Phả, đèo Mã Phi Lèng. Pha Đin chính là Phạ Đin theo nghĩa tiếng Thái: Phạ là trời, Đin là đất là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ đèo Pha Đin là một trong huyết mạch quan trọng chuyển vũ khí đạn dược và lương thực với hơn 8 nghìn thanh niên xung phong mở đường tiếp viện. Giặc Pháp cho máy bay oanh tạc liên tục suốt 49 ngày đêm. Đèo Pha Đin với ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn - Sơn La) hứng chịu bom đạn nhiều nhất. Trên đỉnh đèo còn có tấm bia ghi lại dấu ấn lịch sử. Xe dừng lại trên đỉnh đèo mù sương, một dãy hàng quán đơn sơ bán đặc sản của vùng Điện Biên. Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn xuống lưng chừng đèo. Thật lạ, trên đỉnh cao lồng lộng sương gió này lại có những khóm hoa hồng rực rỡ đỏ tươi làm ấm lại lòng người. Tôi lại hồi tưởng cách đây 60 năm bao nhiêu người ngã xuống nơi này, máu của họ thấm vào đất này. Và những bông hồng khoe sắc kia hình như cũng tươi thắm hơn, những nụ hoa bé nhỏ thật kiêu hãnh và thức dậy hồi sinh của một quá khứ bi tráng. Dưới chân đèo là bản làng lác đác có thung lũng Mường Quài trải rộng với ngút ngàn màu xanh. Hai bên đường thỉnh thoảng bắt gặp những chiếc xe máy cũ kỹ của người đi làm nương dựng vào sườn dốc. Đâu rồi vó ngựa thung xa, tiếng mõ trâu chiều thủng thẳng. Một Tây Bắc đã bừng lên sức sống mới hơi hướng của thời hiện đại đã len lỏi thổi vào đây như ngọn gió đẫm ướt sương rừng, khí núi. 
 
Qua ngã ba Tuần Giáo, chúng tôi rẽ vào Mường Phăng thăm lại bản doanh của Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Con đường đi tắt đã được rải nhựa nhanh hơn nhiều so với đường chính dài đến 25 km mà cách đây 10 năm tôi đã đi. Lúc đó nhiều chỗ còn đường đất lắm ổ gà xóc nảy. Mường Phăng bây giờ đã khác trước nhiều. Bản làng như được thay da đổi thịt bởi những nếp nhà sàn khang trang lợp ngói đỏ với những nét hoa văn chạm trổ cầu kỳ. Nếp nhà sàn đồng bào Thái liên quan đến câu chuyện cổ tích về loài rùa gợi ý cho con người hình dáng cái mái vòm “khung mai rùa” (tụp cống). Truyền thuyết của người Thái kể rằng: Thuở khai thiên lập địa, tổ tiên của họ được thần Rùa (tiếng Thái là Phua tấu) dạy cho cách làm nhà theo kiểu cách con rùa đứng. Con người trông vào đấy mà tưởng tượng chân rùa là những cột nhà, mai rùa là mái nhà. Do vậy, hai đầu chái nhà người Thái đen dang khum khum như hình cái mai rùa. Chúng tôi dễ dàng phân biệt nhận ra các bản người Thái đen và Thái trắng bằng cách nhìn vào kiến trúc nhà sàn của họ: Nhà sàn Thái đen không có hàng lan can khác với Thái trắng nhưng hai đầu hồi nhà lại có hoạ tiết Khau cút trông rất mơ mộng và nuối tiếc trông ngóng về một phương trời xa lạ vừa mong mỏi, vừa có chút ngậm ngùi. Khau cút gợi nhớ cuộc thiên di hơn 1.000 năm trước kể từ khi hai anh em Tạo Xuống và Tạo Ngần dẫn quân xuôi dòng Nậm Tao. Lời hẹn buổi loạn li trước khi ngậm ngùi rời quê hương xứ sở của tổ tiên người Thái “Dù ở bất cứ phương trời nào khi làm nhà hãy nhớ gắn trên nóc chái nhà một cái dấu tương tự như hình mặt trăng khuyết, để sau này các thế hệ qua đó mà nhận ra dòng tộc người Thái của mình giữa các dân tộc khác”. Ở khu hướng dẫn du lịch Mường Phăng, có nhiều loại kỷ vật đặc biệt là những bộ sách và đĩa phim, đĩa ca nhạc về chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Người dân Mường Phăng hiền hoà và hiếu khách. Họ bán các sản phẩm làm ra còn tươi rói như: Măng rừng, khoai mài và các dược liệu thuốc Nam, đặc biệt là rất nhiều giò phong lan rừng. Khu rừng nguyên sinh xanh tốt còn gọi là “Rừng Đại tướng” ngút ngàn hoa Ban và hoa Trẩu trắng. Rừng có linh khí tốt, không gian mát mẻ. Tình cờ chúng tôi gặp một đoàn khách nước ngoài. Khi nghe tôi hỏi qua anh phiên dịch hướng dẫn viên của đoàn du lịch: 
 
- Ấn tượng của ông về Mường Phăng?
 
Một người còn rất trẻ nghe nói là giáo sư một trường đại học của Pháp sôi nổi trả lời và giơ cả cánh tay khoáng đạt như muốn ôm cánh rừng thân yêu vào lòng mình.
 
- Thật tuyệt vời. Rừng nguyên sinh rất xanh tốt, không khí trong lành, cảnh quan sạch, đẹp. Một tướng không quân của chúng tôi đến thăm Mường Phăng và nói rằng: “Người Pháp thua là đúng! Thua bộ áo giáp xanh rừng che mắt máy bay. Vũ khí hiện đại của người Pháp bất lực trước hoang sơ bí ẩn và ý chí của người Việt dẻo dai như thớ gỗ rừng càng giông bão càng lớn, càng xoắn càng chắc”. 
 
Tôi cũng được nghe người dân ở đây kể rằng: Các già làng của bản không biết có bộ đội ở trong rừng. Chỉ khi chúng ta toàn thắng Điện Biên Phủ, cả cánh rừng vỡ oà bởi tiếng hò reo náo nhiệt mới biết trong đó có Bộ chỉ huy chiến dịch, mới biết  công tác phòng gian bảo mật tuyệt đối biết chừng nào. Ấn tượng với tôi khi đến Mường Phăng là cô gái trẻ Cà Thị Minh - người dân tộc Thái đen - Hướng dẫn viên. Khi nghe tôi tò mò hỏi: “Anh cứ tưởng Thái đen là da đen nhưng sao trông em lại trắng hồng thế này” - Minh cười: “Thái đen và Thái trắng không phải phân biệt ở màu da đâu anh ạ… Những búi tóc tằng cẩu trên đầu là người đã có chồng”. Vâng Minh đã có chồng, cô tằng cẩu mái tóc dài của mình. Người Thái rất chú trọng mái tóc. Bà mẹ thường ngồi trên bậc cầu thang nhà sàn chải tóc cho con gái và đưa ra tắm suối. Mái tóc suối lùa vào mái tóc dài đen thật mềm mại được gội bằng lá rừng, hương thơm thật quyến rũ thoang thoảng và đằm thắm. Cà Thị Minh có lúm đồng tiền rất duyên và cũng khá tinh nghịch khi dạy tôi câu đầu tiên bằng tiếng Thái: “Cốn ta chân lé, cốn mái lẩu máu đầy - phù thẩu lé sao hám bấu đầy” nghĩa là: “Người tình nhìn người say không được, người già nhìn gái tơ không được”. Tôi có cảm giác đất và người Mường Phăng thật thơ mộng và đắm đuối. Đắm đuối cả làn khói cơm nếp thơm, đắm đuối cả khúc suối chợt thắt lại, chợt mở ra. Đắm đuối đôi mắt cô gái Thái đa cảm, đắm đuối cả hàng cúc bạc như những con bướm trắng đính hờ trên bộ ngực phập phồng thắt eo lưng duyên dáng. 
 
Trên đoạn đường dài gần cây số vào khu lán làm việc của Đại tướng và Bộ chỉ huy chiến dịch, Cà Thị Minh kể cho tôi nghe lần Đại tướng về thăm vào tháng 4 năm 2004. Lúc đó cô còn là học sinh trung học. Khi máy bay trực thăng đưa Đại tướng rời sân bay Điện Biên đến Mường Phăng, hàng vạn đồng bào đứng chờ để đón chào Đại tướng. Vấn đề đặt ra làm sao đưa được Đại tướng vào hầm Sở chỉ huy năm xưa. Với sức khoẻ 93 tuổi lúc đó Đại tướng không thể đi bộ được. Nhiều phương án được đưa ra: Có người đề nghị cõng Đại tướng, người thì đề nghị dùng võng để khiêng Đại tướng nhưng Đại tướng không đồng ý với các phương án này. Ngay trong đêm, Đại tá Lưu Trọng Lư - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Điện Biên lúc đó đã quyết định sử dụng hàng trăm bộ đội và nhân dân địa phương thức trắng mở một con đường có thể cho ô tô chạy từ bãi đỗ trực thăng vào trong rừng. Lúc ấy là mùa mưa, nền đất xốp các anh đã dùng các tấm ghi sắt trải ra từ bãi đỗ trực thăng vào đến hầm Đại tướng.
 
Chúng tôi đi trên con đường xếp bằng đá khoảng 200m bắt gặp đầu tiên là khu lán của bộ phận thông tin liên lạc. Tiếp đó đi khoảng 800m là đến Sở chỉ huy. Ngôi lán làm việc của Đại tướng thật đơn giản, vách tre, mái lợp lá. Giường nghỉ và bàn làm việc cũng bằng tre, cạnh phòng Đại tướng là gian ở của chú cận vệ. Khi bước vào căn lán giản dị, bỗng nhiên Cà Thị Minh kêu lên: Ôi, có con rắn lột xác kìa.! Chúng tôi nhìn lên mái lán, quả thật có vỏ xác rắn màu trắng ở trên kèo tre. Đúng là một ngày may mắn, dân gian thường có câu: ra đường gặp rắn thì đi. Nhưng tôi lại xúc động trước sự phát hiện bất ngờ của Minh ngày nào cô cũng dẫn khách du lịch vào đây, không có sự thay đổi nhỏ nào của các di tích qua được đôi mắt cô gái Thái xinh đẹp này. Cũng như khi chỉ cây hoa Ban trắng trước lán Đại tướng, cô thốt lên: “Hoa nở đẹp quá! Hoa trước lán Đại tướng là hoa của tình yêu”, và hoa Trẩu rắc trắng li ti thơm ngát. Hình ảnh Đại tướng như “Già làng, trưởng bản của Mường Phăng”. Tôi bắt gặp cây bưởi trước cửa hầm của Đại tướng. Cách đây mười năm, khi về thăm lại Điện Biên Phủ, Đại tướng đã trồng cây đa lưu niệm, và trong câu chuyện với đồng bào Mường Phăng ông nhắc đến chuyện ba cây bưởi năm xưa trước cửa hầm cạnh lán của Đại tướng - đường hầm thông sang lán của Tướng Hoàng Văn Thái. Đó là 3 cây bưởi được gieo từ hạt của ba quả bưởi Đoan Hùng mà tỉnh Phú Thọ tặng. Đúng dịp Tết Giáp Ngọ năm 1954, Đại tướng cho gọi ông Đỗ Hải, Đại đội trưởng cảnh vệ bảo vệ Sở chỉ huy đến giao cho nắm hạt bưởi: 
 
- Đồng chí đem những hạt bưởi này gieo xuống chỗ đất tốt để thế hệ sau được ăn quả. 
 
Chẳng bao lâu ba cây bưởi con mọc lên theo thế “kiềng ba chân” trước cửa hầm. Theo thời gian ba cây bưởi không còn, nhưng người dân Mường Phăng đã trồng lại ba cây bưởi Đoan Hùng mới đã ra quả cách đây ba bốn năm. Cà Thị Minh kể: “Đến mùa bưởi ra hoa em thường đứng rất lâu dưới vòm lá rộng. Khi có gió rung nhẹ nhiều bông hoa rơi xuống tóc em. Mẹ bảo nhặt hoa của cây bưởi Đại tướng về gội tóc thơm rất dịu và lâu phai”. Mỗi ngày Minh đi bộ trung bình 10 cây số để hướng dẫn các đoàn khách mà không biết mệt. Vì theo cô đi dưới cánh rừng toàn hương thơm cây cỏ, hoa lá, thỉnh thoảng xuống dòng suối róc rách mát chảy len lỏi rửa mặt là tỉnh cả người. Tôi hỏi: 
 
- Ấn tượng nhất của em ở khu rừng Đại tướng là gì?
 
Minh chỉ vào đường hầm cạnh cây bưởi:
 
- Đây chính là công trình vĩ đại của người lính công binh tài hoa và tài nghệ. Không có la bàn hướng dẫn, họ đào từ hai phía, nghe tiếng cuốc đào mà định hướng, chỉ có chệch nhau chừng nửa mét. Đường hầm Đại tướng hình thang trần lát bằng gỗ cây dài 69m. Đường hầm của cố vấn Trung Quốc hình vòm quả trứng không lát cây nhưng cũng rất chắc chắn, dài 25 m. Tất cả đều được kiến tạo bằng đôi tay của những người lính vốn xuất thân từ dân đào mỏ than ngoài Quảng Ninh. 
 
Ở khu rừng Mường Phăng là khu bếp Hoàng Cầm. Thật lạ, trong chiến dịch Điện Biên Phủ có 3 người lính đều mang tên Hoàng Cầm: Đó là Tướng Hoàng Cầm, lúc đó là Trung đoàn trưởng; nhà thơ Hoàng Cầm là Trưởng đoàn Văn công và Tiểu đội trưởng anh nuôi Hoàng Cầm - người lính nông dân bình dị này đã sáng tạo ra cái bếp Hoàng Cầm thật kỳ diệu bắt đầu từ những ký ức tuổi thơ của mình đào hang bắt cua đồng và quạt khói hun chuột trên các bờ ruộng. Tôi bắt gặp ánh mắt nhìn ngạc nhiên trầm trồ thán phục của các du khách nước ngoài trước công trình bé nhỏ là cái bếp nổi tiếng đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. 
 
Cựu chiến binh về thăm chiến trường Điện Biên Phủ
Cựu chiến binh về thăm chiến trường Điện Biên Phủ
 
II-  CÓ MỘT ĐIỆN BIÊN HUYỀN THOẠI
 
Trước lúc lên thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ, tôi đã vào quê hương anh hùng Phan Đình Giót ở xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Ở đây còn có người em ruột của ông là Phan Đình Giát, năm nay đã 94 tuổi ở trong ngôi nhà tình nghĩa được xây cách đây mấy chục năm. Gặp tôi, ông Giát chống gậy bước ra run run nắm lấy tay và dặn dò:
 
- Cháu lên Điện Biên nhớ vào nghĩa trang thắp hương cho cụ Giót với nhé. Tôi nay tuổi già sức yếu, mong mỏi được ra Điện Biên một chuyến nhưng chắc không đi nổi. 
 
Trên bàn thờ là tấm hình của anh hùng Phan Đình Giót với khuôn mặt chữ điền, phúc hậu, tươi cười trẻ mãi với tuổi thanh xuân. Ông Giát kể: Ngày nhỏ bố mất sớm, hai anh em sống cùng mẹ trong ngôi nhà tranh dột nát. Cả hai phải đi ở đợ từ lúc 6 đến 7 tuổi. Phan Đình Giót lấy vợ cùng làng, nghèo không có thước đất cắm dùi phải đi ở rể, làm mướn. Họ có một đứa con trai mất khi mới 7 tháng buổi, anh Giót mang chôn ở góc vườn. Sau khi anh Giót mất, vợ anh tái giá đi bước nữa. Ở xã Cẩm Quan có tượng đài anh hùng Phan Đình Giót trong khuôn viên khá rộng nhưng nay đã xuống cấp nhiều. Ở phía sau tượng đài có gian nhà bảo tàng nhỏ cất giữ một số kỷ vật của anh hùng Phan Đình Giót do Sư đoàn 312 tặng, bao gồm: Chiếc áo trấn thủ đã sờn rách, chiếc bi đông uống nước đã tróc sơn, khẩu tiểu liên sét rỉ và một thanh kiếm đã cùn mòn. Tất cả được để trong chiếc tủ kính cũ kỹ. Bên phía kia đường đối diện với tượng đài là Trường THCS Phan Đình Giót. Các em đang giờ ra chơi, những bộ đồng phục học sinh ngời lên tươi tắn trong sắc nắng xuân. Ở thành phố Hà Tĩnh có con đường mang tên Phan Đình Giót khá rộng rãi. Tên anh đã trở thành bất tử. 
 
Trong nghĩa trang Điện Biên, ngoài bốn ngôi mộ có tên, còn 640 mộ mà tấm bia nào cũng chỉ ngời lên ngôi sao không tuổi tên, không quê quán. Chúng tôi gọi các anh bằng cái tên chung: Chiến sĩ Điện Biên! Chiến sĩ Điện Biên mũ nan tre, chân dép lốp cao su, ngủ hầm, cơm vắt! Huyền thoại bao giờ cũng nhuốm sắc màu lãng mạn. Hút trên vòm trời xanh trong Điện Biên một đàn chim bay về phía núi như vong linh của các anh trở lại rừng. Mỗi ngôi mộ là một phím đàn trắng trong bản hợp âm (hay phúc âm của phục sinh) của sự sống. Tôi bồi hồi nhớ lại câu chuyện nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh cùng quê Hà Tĩnh với Phan Đình Giót kể lại lúc nhà thơ là diễn viên “văn công nhí” lên mặt trận Điện Biên phục vụ bộ đội. Khi đến đơn vị Phan Đình Giót là Sư 316 gặp anh Giót đang đào chiến hào. Khi biết có đồng hương cùng quê, anh Giót mừng lắm và nhờ gửi thư về cho vợ. Phạm Ngọc Cảnh tìm giấy bút đưa cho anh, Phan Đình Giót bảo: “Tớ mà viết được thì nhờ cậu mần chi. Thôi cậu viết giúp tớ”, hóa ra anh Giót lõm bõm đôi chữ thôi, nhà nghèo làm gì được đi học. Anh Cảnh chắp bút, anh Giót ký vào. Năm 1955, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đưa thư về quê thì chị vợ anh Giót đã tái xuân. Gặp nữ nghệ sỹ Kim Ngọc cùng đoàn văn công với Phạm Ngọc Cảnh, anh Giót nói với cô nữ văn công xinh đẹp: “Các cậu nghèo lắm, quần áo biểu diễn chẳng có màu sắc gì. Nếu lần này mà tôi vào trận địa lấy được vải dù, vải vóc màu sắc, son phấn thì sẽ dành tặng hết cho văn công”. Nhưng lời hứa của anh không thành. Phan Đình Giót đã hy sinh khi đánh xong quả bộc phá thứ chín phá hàng rào cứ điểm Him Lam nhưng lô cốt số 3 vẫn quét đạn ngăn chặn bộ đội ta. Anh bị thương nặng, trườn lên và ngã lưng lấy thân mình lấp lỗ châu mai bịt chặt khẩu đại liên của địch đến nỗi người anh cháy đen không còn nhận dạng được, chỉ khi đồng đội móc túi áo lấy ra tấm bia nhỏ ghi tên: Phan Đình Giót. Anh là người hy sinh ngày 13 – 3 - 1954, mở màn chiến dịch. Bây giờ anh nằm cạnh anh hùng Trần Can, hy sinh ngày 7 – 5 - 1954 kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Đối diện với hai ngôi mộ của các anh, phía bên kia nghĩa trang là hai nấm mộ của Tô Vĩnh Diện - lấy thân chèn pháo và Bế Văn Đàn - lấy thân làm giá súng. 
 
Khi biết Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mời nhân chứng tham gia chiến dịch Điện Biên lên xác minh hiện vật, tôi nhờ cô bạn ở Báo Điện Biên Phủ liên hệ cho tham gia gặp gỡ và ghi chép lời kể của nhân chứng lịch sử. Đó là ông Lâm Đức Hạp. Tháng 1 - 1953 ông lên đường sang Trung Quốc học Trường Sĩ quan Cao xạ Thẩm Dương, sau đó về Trung đoàn pháo cao xạ 367 kéo pháo tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông kể: Đội hình hành quân cơ động, bộ binh đi trước mở đường và tham gia vừa kéo pháo, vừa đào hầm trú ẩn. Mỗi khẩu pháo nặng trên 2 tấn phải huy động một đại đội bộ binh (trên 100 người) cùng 7 pháo thủ. Chỉ huy phân chia đơn vị thành 3 tốp, mỗi tốp 30 người thay nhau kéo. Mỗi khẩu pháo được trang bị 3 dây tời, mỗi dây to chừng cổ tay, dài 50 mét. Khi kéo, dây tời được buộc vào càng pháo. Hễ pháo nhích lên được tí nào thì hai pháo thủ liền nhích thanh gỗ chèn lên theo không cho pháo trượt trở lại. Có những đoạn dốc đứng, phải buộc dây tời lên đỉnh dốc ra sức quay tời quấn vào những gốc cây to, người bên dưới thì cố sức đẩy lên. Anh hùng Tô Vĩnh Diện đã hy sinh trong những ngày kéo pháo oanh liệt. Khi đến dốc Chuối, khẩu pháo mang số hiệu 510681 của Khẩu đội Tô Vĩnh Diện bị mảnh đạn của địch cắt đứt dây tời. Khẩu pháo theo đà lao nhanh xuống dốc, hất văng pháo thủ lái pháo xuống vực. Pháo thủ Tô Vĩnh Diện nhanh chóng dùng hết sức mình bẻ lái và chèn mình để cứu bằng được pháo. 
 
Lên Điện Biên lần này, chúng tôi gặp rất nhiều đoàn cựu chiến binh và đặc biệt là du khách nước ngoài. Trong lần trò chuyện với anh bạn phóng viên giỏi tiếng Pháp với một nhà báo phương Tây, tôi được biết những chi tiết rất thú vị quanh Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đó là một tập đoàn quân sự mạnh, được trang bị vũ khí tối tân với những binh đoàn lính lê dương thiện chiến lừng danh của nước Pháp, nhưng tên đặt các cứ điểm quân sự lại bằng tên các phụ nữ mĩ miều, quí tộc và duyên dáng đúng với phép lịch sự văn minh của người Pháp: Bản Kéo tên là An ne marie; Đồi Độc Lập là cô nàng Ga brie lle, Hồng Cúm là I sa Be’ lla… liên tưởng đến sự ngọt ngào, mềm mại không ngờ lại là những mồ chôn ác mộng. Có một điều trùng hợp kỳ lạ như là số mệnh của tướng Na Va. Ông nhận lệnh Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương vào ngày 7 – 5- 1953 thì 365 ngày sau đúng tròn 1 năm - ngày 7- 5- 1954 Điện Biên Phủ thất thủ chấm dứt sự nghiệp nhà binh sáng chói của viên tướng này. Do đó, có câu chuyện huyền thoại rằng, khi được tin Na Va sắp sang Đông Dương, một thầy bói ở Hà Nội đã bấm độn phán rằng: “Đứng lên đi ra hôm nào, đi về ngã xuống hôm đó”. 
 
Có một điều kỳ lạ rất hiếm thấy trong chiến tranh, đó là sau trận đánh mở màn đầu tiên ở đồi Him Lam ta đã giành chiến thắng, được phép của “Tướng Giáp” (theo cách nói của nhà báo phương Tây), một cha đạo cùng với đại uý quân y Pháp và một số binh lính được phép lên Him Lam lấy thương binh. Đội tải thương đã nhặt được 300 xác lính, có 14 lính bị thương. Khi lấy thương binh xong, quân địch được lệnh phản công chiếm lại đồi Him Lam nhưng binh sĩ mất tinh thần đã khiếp đảm đành ngậm ngùi chấp nhận để mất “cô Be atritx”- một cứ điểm đề kháng quan trọng. Trong số hơn 10 ngàn tù binh bị bắt sống chiều ngày 7- 5 có duy nhất một nữ tù binh nữ - một nữ hoàng của mặt trận đã làm say lòng bao sĩ quan và binh lính Pháp ở Điện Biên - một nữ y tá xinh đẹp chứ không phải là tên như các quả đồi của cứ điểm: Cô Ge ne viave de Ga lla rd khoảng 30 tuổi, nguyên là tiếp viên hàng không đến từ Pari. Cô lên mặt trận Điện Biên cùng chiếc máy bay tải thương nhưng bị kẹt lại cùng tổ lái vì máy bay bị trúng đạn hỏng nặng. Phút cuối cùng tướng Đờ Cát cho gọi cô về sở chỉ huy trong chiếc hầm Boong ke kiên cố trước lúc kéo cờ trắng ra hàng. Lúc chúng tôi đến thăm hầm Đơ cát tơ ri, tình cờ gặp đoàn cựu chiến binh trong đó có đồng đội với Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật - người dẫn đầu một tổ 5 xung kích chọc thẳng mũi nhọn về chỉ huy sở của tướng giặc Đờ cát tơ ri. Người bạn đồng đội của anh Luật kể lại: Lúc đó đại liên của địch từ các đồn, lựu đạn của địch từ các giao thông hào vẫn bắn, ném ra như mưa. Bốn chiếc tăng lớn kiểu Mỹ vẫn lồng lộn chạy quanh chỉ huy sở bắn lung tung. Nhiều cờ trắng của địch đã bắt đầu mọc trên giao thông hào, trước lỗ châu mai giặc. Hầm chỉ huy của Đờ cát tơ ri ở sâu dưới đất ngang dọc tới 10, 20 thước, có hai lối lên xuống. Bọn giặc ngoan cố ở dưới hầm ném lựu đạn lên. Quả thủ pháo đầu tiên của chiến sĩ Nhỏ ném lọt vào cửa hầm nổ vang. Trong khi đó cửa hầm thứ hai đã bị ta bịt chặt. Khói lựu đạn chưa tan, một tên sĩ quan giặc đã giơ tay từ dưới bò lên mặt sám ngắt. Hắn run run nói với chiến sĩ ta: “Toàn bộ tư lệnh Điện Biên Phủ chúng tôi xin hàng”. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật và hai đồng chí xuống một cửa hầm, hai đồng chí khác xuống cửa hầm thứ 2. Trong hầm giặc máy điện vẫn chạy rầm rầm, đèn điện vẫn sáng. Vừa thấy bóng quân ta, Đờ cát tơ ri và Bộ tham mưu hơn 20 thằng, tất cả xếp hai hàng giơ tay. Cạnh bàn giấy tên tướng giặc một đống giấy còn đang âm ỉ cháy. Trên bàn rượu bày lỏng chỏng. Đờ cát tơ ri nói: “Tôi hạ lệnh cho quân lính tôi ra hàng và phi cơ không được ném bom nữa.” Sau này theo báo Paris Mateh số 208 ra ngày 22-5-1954 đã viết về những cú điện thoại của Đờ cát tơ ri trước giờ thất thủ. 17 giờ ngày 7-5-1954 cuộc đàm thoại cuối cùng giữa Đờ cát tờ ri và Cô-Nhi qua máy vô tuyến điện đã diễn ra ngắn gọn: 
 
Đờ cát tơ ri: - Thưa tướng quân của tôi, tình hình thật trầm trọng. Tôi nghĩ rằng kết thúc đã đến gần. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng.
 
- Vâng, vâng tôi hiểu rõ. Ngài sẽ chiến đấu đến cùng - Cô Nhi trả lời - Không có vấn đề kéo cờ hàng, có phải không? 
 
- Không, chúng tôi sẽ phá hủy các đại bác, đồ quân dụng và máy vô tuyến điện vào lúc 17 giờ 30 phút.
 
- Xin cám ơn. Cô - Nhi trả lời chỉ một câu.
 
Đờ cát tơ ri nói thêm: 
 
- Chúng tôi sẽ chiến đấu đến phút cuối cùng. Tạm biệt tướng quân. Nước Pháp muôn năm! 
 
Nhưng các tướng Cô - Nhi và Na -Va lại không biết nội dung của một cuộc đàm thoại cũng vào ngày thứ 6, mồng 7- 5- 1954 Đờ cát tơ ri còn kịp gọi về cho vợ ở Hà Nội 3 giờ trước khi Điện Biên Phủ thất thủ. Trong tiếng nổ của đạn pháo, Đờ cát tơ ri bình tĩnh nói với vợ: “Em yên tâm đừng lo ngại gì. Anh sẽ bị bắt làm tù binh và như thế anh hy vọng sẽ trở về gặp em”. 
 
Một điều trùng hợp thật thú vị là cuộc hành quân đổ bộ xuống Điện Biên Phủ có tên là “Hải Ly” (tiếng Pháp là Cas tor) tên một giống chuột hay chui rúc vào những hang hóc ngầm dưới nước và có biệt tài về xây dựng tổ. Số phận thật hẩm hiu chọn biểu tượng “chuột” đã biến 16 ngàn tên vừa quan vừa lính thành “chuột người” chen chúc trong các hầm hào quân y hôi thối dọc theo các giao thông hào lầy lội và kết cục thật bi thảm. 
 
Một kỳ tích trở thành huyền thoại trong chiến dịch Điện Biên Phủ là lực lượng dân công hỏa tuyến dùng các phương tiện vận tải thô sơ chở hàng lên mặt trận. Vào thăm Bảo tàng chiến thắng, tôi thật xúc động khi được nghe hướng dẫn viên giới thiệu về chiếc xe Cút- kít mà bánh xe chủ nhân đã dùng tấm hoành phi sơn son thiếp vàng của bàn thờ nhà mình đóng thành bánh xe tròn chở hàng. Tôi gặp ở đây những chiếc xe đạp được gia cố lại, khung gá thêm mấy thanh sắt chịu lực để có thể chất hàng nặng. Nan hoa bánh xe nhỏ thì thay bằng cỡ lớn. Một đoạn tre nối dài ghi đông để có chỗ nắm, phanh xe cũng được chuyển ra phía sau cho tiện, bởi khi đi đêm một tay phải điều khiển ghi đông, tay kia phải cầm đuốc soi đường. Một nhà báo Pháp đã ví những chiếc xe đạp thồ này là “dòng sông sắt huyền thoại”. 
 
Huyền thoại dù kỳ tích bao nhiêu thì cũng bắt đầu từ thực tế đời sống cụ thể, vùng đất và con người cụ thể. Đến Điện Biên trong những ngày này chúng tôi được sống trong không khí thân thiện, cởi mở của người nơi đây. Theo cách nói của người Thái: “Đũa cong không ăn được - bụng cong không ở được”. Tôi còn nhớ một câu thơ của tác giả người Thái Lò Khung Ín trong bài Siềng Suồi (Tiếng thoi): “Ải tằng ký đó suồi - Êm sót phim lóng hụt” dịch nghĩa là: “Bố chuốt con thoi đựng khung cửi - Mẹ giăng vải mắc sợi cho em”. Ở Điện Biên có một nét sinh hoạt rất đặc biệt, đó là các bản “Văn hóa cộng đồng”. Chúng tôi đã vào dự cuộc vui liên hoan với bà con bản Mển. Từ quốc lộ 12 con đường bê tông thẳng tắp giữa màu xanh ngô lúa dẫn chúng tôi vào bản. Những người dân bản là những hạt nhân văn nghệ “cây nhà lá vườn” nâng chén rượu chúc cho “mọi sự vuông tròn” trong sự đầm ấm hiếu khách. Bản Mển đúng là bản mến, mến khách, mến người, thật lưu luyến và giữ nguyên hương vị hiếm hoi được chưng cất bay lên từ lời ca điệu múa như chưng cất men rượu làm say lòng người. Chúng tôi nghe tiếng thoi đưa lách cách nhịp nhàng với vẻ đẹp lạ kỳ của những tấm thổ cẩm sắc phục áo Thái, khăn Piêu, các sắc màu tự nhiên đan vào nhau, dệt vào nhau tổng phổ thành một hòa sắc đồng điệu ấm áp. 
 
Thành phố Điện Biên đã thay da đổi thịt nhanh chóng. Cái tên Him Lam năm nào nay được đặt cho khu du lịch sinh thái với lối kiến trúc đậm chất Tây Bắc mà vẫn phóng khoáng hiện đại. Vào chợ Điện Biên có nhiều loại sản phẩm quí nhưng ấn tượng nhất với tôi vẫn là đặc sản “rượu ngâm sâu Chít” được coi là “đông trùng hạ thảo” của Việt Nam, rất bổ dưỡng và quí hiếm. Anh bạn làm báo người dân tộc Thái đi cùng tôi giải thích: “Đây là loại côn trùng sống trong thân cây Chít, để biết cây nào có sâu Chít, người thu hái sẽ lựa chọn những cây có dấu hiệu bệnh không thể ra hoa (đó chính là cây bị ấu trùng ký sinh). Người dân bắt sâu Chít vằng cách “chẻ” đôi ngọt chít để moi sâu ra. Những con Chít tươi rói có màu trắng, sữa căng mộng, dài khoảng 35mm. Người thu hoạch tìm những cây Chít bị cụt ngọn cắt ngang thân ở phía trên khoảng 50- 60cm. Sâu Chít có vị ngọt, tính ôn. Rượu ngâm lâu sẽ thấy lớp chất béo nổi lên vàng sánh. Thật ra con sâu Chít là trứng của bướm trắng. Ban đầu nó chỉ nhỏ tí tẹo như con muỗi. Khi ăn hết nõn hoa cây Chít thì sâu béo tròn căng mọng tươi roi rói. 
 
Tạm biệt thành phố Điện Biên Phủ, chúng tôi được biết một tin vui là HĐND tỉnh Điện Biên trong phiên họp ngày 31- 3- 2014 đã quyết định đổi tên đường 7- 5 thành đường mang tên Võ Nguyên Giáp- vị Đại tướng huyền thoại. Đây là con đường đẹp nhất, có qui mô lớn nhất địa bàn thành phố đi qua nhiều điểm di tích quần thể chiến trường Điện Biên Phủ như: Trung tâm đề kháng Him Lam, tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ A1, Bảo tàng chiến thắng… Trên đồi cao có dựng tượng đài chiến sĩ Điện Biên. Một tổ hợp điêu khắc đầy ấn tượng gồm 4 nhân vật: một chiến sĩ phất cờ chiến thắng tượng trưng cho những người lập nên chiến công lịch sử của quá khứ. Một chiến sĩ bế trên tay cháu bé tượng trưng cho thế hệ tương lai nối tiếp cha ông, và đặc biệt phía sau là hình ảnh người chiến sĩ bồng súng trong tư thế cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Điện Biên Phủ là vùng biên ải, tên Điện Biên do vua Thiệu Trị đặt năm 1841 đổi tên từ châu Ninh Biên- Điện nghĩa là vững chắc, biên là vùng biên giới- Điện Biên là biên giới vững chãi. Thời gian mưa nắng không thể làm phai màu tượng đồng mà càng ánh lên lấp lánh những huyền thoại của lịch sử. Và phía xa từ sân bay Điện Biên, chiếc máy bay chở khách của Hãng Hàng không Việt Nam đã cất cánh bay lên từ vùng đất trầm tích lịch sử. Có một Điện Biên canh cánh ở bên lòng…
 
NGUYỄN NGỌC PHÚ