Những người con gái của biển

03:04, 23/04/2014

Đảo Jeju (còn gọi là Jejudo) là hòn đảo lớn nhất của Hàn Quốc dài 73km, rộng 41km cách đất liền 130km. Trước đây, Jeju còn gọi là đảo Tam Đa vì trên đảo có 3 thứ nhiều nhất: gió, đá huyền vũ và các cô gái (cách đây một thế kỷ có khoảng 30.000 "hải nữ" trên đảo)...

Đảo Jeju (còn gọi là Jejudo) là hòn đảo lớn nhất của Hàn Quốc dài 73km, rộng 41km, cách đất liền 130km. Trước đây, Jeju còn gọi là đảo Tam Đa vì trên đảo có 3 thứ nhiều nhất: gió, đá huyền vũ và các cô gái (cách đây một thế kỷ có khoảng 30.000 “hải nữ” trên đảo). Do hòn đảo mang khí hậu đại dương và chứng tích của núi lửa nên chính phủ Hàn Quốc đang đầu tư Jeju trở thành một “Hawaii” của xứ sở Kim Chi. Hiện nay tại đảo ngọc này thu hút một lượng khách du lịch rất lớn. Trong đó khách hàng tiềm năng dành cho những người đang yêu. Tuy nhiên, không phải người nước ngoài nào đến Jeju cũng biết được vài mươi năm trước đây, phụ nữ trên đảo này là lao động chính, với nghề lặn biển nuôi sống cả gia đình. Và để bảo tồn cảnh quan công việc của phụ nữ xưa, chính phủ giữ lại một làng chài Seongsan làm điểm du lịch. Những hải nữ (Jeju women divers) U60 ở làng này trình diễn mỗi ngày hai sô lặn để bắt bào ngư, hải sâm… chỉ để bán cho khách du lịch.
 
 * * *
 
Những thợ lặn nữ nổi tiếng ở làng chài Seongsan được cả thế giới biết đến và trân trọng vì kiếm sống bằng nghề lặn truyền thống, không có sự trợ giúp của bình hơi. Họ được xem như là biểu tượng của phụ nữ Hàn Quốc xưa. 
 
Thợ lặn nữ trên đảo Jeju
Thợ lặn nữ trên đảo Jeju
 
Tôi đến làng chài ven biển, tìm nhà bà Kang, một trong những người còn sót lại với nghề. Bà ấy vui vẻ dẫn tôi ra biển cùng với nhóm thợ lặn trẻ. Vùng Seongsan sáng nay gió thổi rát mặt, sóng biển chồm lên trắng xóa một cách giận dữ. “Thời tiết này khó lòng xuống biển để đánh bắt” - Bà Kang vừa ngồi xổm trên bờ cát vừa nói, rồi đưa mắt nhìn lên bầu trời với hy vọng sóng êm để ra biển bắt hải sản như thời thơ ấu từng theo các mẹ, các chị ở làng mình. “Chúng ta phải chờ đợi thôi!” - Bà nói với các thợ lặn khác trong lúc họ đang kiên nhẫn đứng trên bờ. Họ là một trong số 4.500 thợ lặn hiện nay có mang theo thiết bị hiện đại. Vào độ tuổi 66, bà Kang được xem như là thợ lặn nữ đàn anh, đàn chị ở ngôi làng này. Bây giờ số thợ nữ già chẳng còn được bao nhiêu. Ngày trước các chị em cảm thấy cuộc đời của mình tối đen như nước biển về đêm. “ Hồi ấy, tôi cầu xin mẹ tôi để tôi được đi học, nhưng chỉ đi vào im lặng. Thay vào đó mỗi ngày mẹ tôi dạy tôi cách bơi cách nín thở, cách tiếp cận bào ngư trong lúc lặn, vì đó là sự sống còn trong gia đình.” - Bà Kang nói.
 
Bây giờ, mỗi lần nhìn lại những người lao động biển với thiết bị mới, những người dân có tuổi tại đây thường nhớ lại những hình ảnh các mẹ các chị năm xưa, đáng tiếc là nhân chứng còn lại mỗi ngày mỗi vắng bóng. Còn chăng là những tấm ảnh hay tượng điêu khắc của các hải nữ nằm ở Viện bảo tàng Haenyeo ở Hadori ngày nay. “Chúng tôi là những thế hệ cuối cùng” - Bà Kang nói trong khi đôi mắt mơ màng nhìn về đại dương mênh mông.
 
Cuộc sống đang thay đổi
 
Vào nửa thập niên 60, số lượng thợ lặn có khoảng 23.000 trong đó chiếm 20% là phụ nữ của đảo, đa số những thợ lặn nữ này đã trên 50 tuổi. Tuy nhiên, những ai còn bám vào nghề không có thiết bị hiện đại vẫn sống trong cảnh nghèo nàn.
 
Tại đảo Jeju hiện nay, nhờ lượng hải sản tươi sống được đánh bắt của nhóm thợ lặn trẻ đã góp phần nâng thêm lợi tức của địa phương. Những người phụ nữ nói rằng mỗi tháng họ kiếm được 2 triệu won bằng nghề thợ lặn và có thể cao hơn nếu làm việc đúng thời vụ như ở Chungcheong. Công việc buộc phải thay đổi từ thập niên 70, theo sự phát triển cơ học của đảo, trong đó hệ thống giáo dục mở rộng cho các con cái của họ. “Năm đứa con cộng với học hành tôi không còn thời gian nữa. Ngày xưa tôi không được đi học, vì thế tôi muốn các con của tôi được đến trường. Bây giờ chúng nó tự hào về tôi, vì tôi đã cho 3 đứa con của tôi học đại học.” - Bà Seon, một người bạn già của bà Kang cho biết.
 
Cơn gió trở nên êm đềm trên vùng biển xanh ngắt, những chiếc phao màu vàng cam như đốm lửa chập chờn hay những dấu chấm bềnh bồng trên nước. Những người thợ lặn nam nữ đang mặc đồ người nhái đi lang thang trên tàu để nghỉ ngơi hoặc chuẩn bị xuống nước ở độ sâu 20m. Khi phải trồi lên họ thở ra một cách bí hiểm, kèm theo tiếng huýt gió, một ngôn ngữ quen thuộc của làng chài.
 
Trên bờ có hai thợ lặn bắt được một ít hải sản, họ đổ ra bào ngư, nhím biển và vài con mực, rồi ngồi xổm trên cát dùng tay búng búng vào con nhím biển. Chỉ vài phút sau, họ đã bán hết số lượng đánh bắt của mình. Nghề lặn được cho là cách giải quyết bền vững sinh thái biển nên được chính phủ khuyến khích. Tuy nhiên, các chuyên gia về sức khỏe cho rằng người phụ nữ tham gia nghề lặn mạo hiểm sẽ trở nên đau đầu ù tai hơn nam giới.
 
Các học giả ở Jeju nói rằng: Từ thế kỷ 19 trở về trước, đàn ông trên đảo đảm nhiệm công việc lặn bắt này. Về sau, khi bị đánh thuế nặng, số tiền họ kiếm được trở nên ít ỏi hơn, riêng phụ nữ theo nghề được miễn thuế. Vì thế, việc lặn biển trở thành một nghề mưu sinh của nữ giới trên đảo. Ngoài ra, trong suốt thời gian đảo Jeju bị người Nhật chiếm đóng (1910-1945). Họ thuê các thợ lặn nữ thu hoạch tảo biển để mang về Nhật đã giúp phụ nữ địa phương có nguồn thu nhập dần dần trở thành nghề chính của chị em.
 
Những thợ lặn nữ thừa nhận rằng họ thường bị các nhà báo và khách du lịch quấy rầy, họ đến chụp ảnh và chuyện trò nhưng không báo trước. Tuy nhiên các thợ lặn nữ cũng cho rằng, cách nhìn nhận bây giờ cũng đã thay đổi “ Người ta thường đứng nhìn kỹ chúng tôi một cách trân trọng, có người còn đánh giá là tuyệt vời.” Bà Kang cùng với một thợ lặn đi cùng vui vẻ đưa ngón tay cái lên cao.
 
 * * *
 
Sự đóng góp văn hóa ở Jeju nơi mà phụ nữ là lao động chính, trụ cột gia đình thời ấy, đã chứng minh sự tương phản chế độ gia trưởng ở một vùng quê. Ngay khi kinh tế bắt đầu phát triển ở Jeju, nhiều thợ lặn đã quyên góp tiền xây dựng trường học và giúp đỡ người già. Giáo sư Yoo Chul nói rằng xây dựng hình ảnh người phụ nữ can đảm tại đây là một trong những đóng góp đáng kể cho văn hóa đảo. Còn Cho Hae Joang giáo sư về nhân chủng học tại đại học Yonsei cho rằng cách tốt nhất để bảo tồn văn hóa là sự kết hợp hình ảnh xưa để lớp trẻ tự hào thế hệ cha ông. Bà Kim Mae Jeong thợ lặn nữ nổi tiếng hiện nay, cũng là người hái ra tiền nhiêu nhất từ nghề lặn của mình “ Sống và làm việc can đảm đó là tính cách đẹp của phụ nữ thời ấy. Hình ảnh này nên đưa vào chương trình giảng dạy về truyền thống giữ gìn biển đảo cho trẻ em bây giờ.” Bà Kim nói.
 
Trần Đại
(dịch theo tạp chí tiếng Anh: Korea-Today, Daughters of the sea số tháng 10 năm 2013)