"Đã gần 40 năm trôi qua, đến những ngày này, tôi cảm nhận, những câu nói đầy niềm tin vào thắng lợi trong lửa đạn cùng tác phong chỉ huy của vị tướng đã luôn khắc sâu trong tâm khảm của mình". Đó là chia sẻ xúc động của tiến sĩ Nguyễn Cử…
“Đã gần 40 năm trôi qua, đến những ngày này, tôi cảm nhận, những câu nói đầy niềm tin vào thắng lợi trong lửa đạn cùng tác phong chỉ huy của vị tướng đã luôn khắc sâu trong tâm khảm của mình”. Đó là chia sẻ xúc động của tiến sĩ Nguyễn Cử…
Tiến sĩ Nguyễn Cử nay đã 74 tuổi nhưng vẫn là nhà khoa học có niềm đam mê mãnh liệt với sinh thái rừng. Duyên ngộ, tôi được diện kiến người đồng hương Hà Tĩnh ấy tại Đà Lạt khi ông đang say mê nghiên cứu bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà. Chúng tôi trò chuyện như ngô rang. Ở ông, sau những câu chuyện về khoa học là lung linh và đau đáu những kỷ niệm về một thời quân ngũ…
|
Đại tướng Văn Tiến Dũng (giữa), tướng Đinh Đức Thiện (bìa phải) và Nguyễn Cử đến tận lán chúc mừng sinh nhật Đại tướng bằng con thú nhồi bông là sản phẩm của Nguyễn Cử (MĐ chụp lại). |
Câu chuyện bắt đầu từ tháng 5 năm 1972. Trong đợt vét tuyển quân, những người ra trận có Nguyễn Cử 32 tuổi. Đó là cậu sinh viên năm thứ 3, ngành Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ngay năm đầu quân ngũ, Nguyễn Cử được kết nạp Đảng và vào “cứ” của Trung ương cục… Hồi ức hào hùng chiến trường xưa ùa về với Nguyễn Cử. Ông kể say sưa, ắp đầy chất lãng mạn cách mạng: Năm 1975, tại H21 (Trường Văn hóa quân đội), sau giờ ăn trưa, khi tôi đang trên đường vào khu rừng phía sau để tìm rau rừng thì có người gọi về. Tôi liền quay lại hậu cứ và nhận được lệnh hành quân (về sau mới biết được dẫn đến một trong các căn cứ dã chiến của Bộ Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh)… Vội vàng từ giã các đồng đội, Nguyễn Cử ngắm lại đàn gà phía sau nhà đang ngơ ngác nhìn chủ, rồi vội vã lên xe máy, theo bộ đội dẫn đường băng rừng. Cơ quan Trung ương cục ở khu rừng Chàng Riệc thuộc tỉnh Tây Ninh, tên mật gọi lúc đó là “R”. Địa danh lịch sử này TS Nguyễn Cử có dịp quay lại cách đây vài năm, khi ông đến làm việc ở Vườn Quốc gia Là Gò - Xa Mát…
TS Nguyễn Cử kể tiếp: Ngay chiều ngày hôm đó, trong khu lán trại đơn sơ, tôi được dẫn đến gặp tướng Đinh Đức Thiện. Về sau, tôi mới biết đó là ông Sáu Thiện. Ông là một trong các Phó tư lệnh, còn Đại tướng Văn Tiến Dũng là Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh! Tháng 4/1975, sau hàng loạt thất bại của phía Mỹ - Ngụy, khi Buôn Ma Thuột, rồi đến Bình Long, Phước Long và vùng duyên hải - thành phố Nha Trang cũng vừa được giải phóng; các binh đoàn của ta ồ ạt tiến quân trên các gọng kìm… Một không khí chiến thắng bao trùm. Tôi bối rối khi lần đầu tiên trong đời lính được gặp mặt vị tướng tại chỉ huy sở! Bằng tên gọi thân mật, ông Sáu hỏi tôi đi đâu? Tôi mạnh dạn trả lời: “Dạ thưa bác, cháu đã cùng đơn vị cuối cùng vượt Trường Sơn và được phân công dạy học tại Trường Văn hóa H21. Từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cháu đi nghĩa vụ quân sự ạ…”. Ông Sáu tiếp lời tôi: “Thôi bây giờ hết giặc rồi, đi làm kinh tế với tao…”. Tôi không hiểu tại sao lúc này, khi tiếng súng đang rền vang, ông đã nói với tôi câu nói tràn đầy niềm tin như thế! Vào giờ phút đó, tôi chưa dám nghĩ rằng ông đã nói đúng, mặc cho trong những ngày này nguồn tin từ các cuộc giao ban buổi sáng của các tướng lĩnh trong căn cứ đã cho hay trên khắp mọi mặt trận cuộc chiến đấu đang diễn ra sôi động, các cánh quân của ta đang thần tốc tiến về Sài Gòn!…
Những cơn sốt rét rừng tấn công ông Sáu Thiện. Nằm trên giường bệnh nhưng giọng nói của vị tướng chỉ huy hậu cần vẫn vang lên: Nào hãy cấp quân lương cho đơn vị A; nào phát lệnh chuyển vũ khí cho cánh quân B; rồi một vài vị chỉ huy được ông gọi đến giao nhiệm vụ…Trong những ngày tổng công kích, tất cả các loại xe trên mọi ngả đường được lệnh đều phải hướng ra mặt trận. Trên giường bệnh dã chiến, ông Sáu chỉ mặc bộ đồ bà ba, hai túi áo của ông luôn có bao thuốc lá “Điện Biên” bao bạc có in rõ hình vẽ màu xanh căn hầm của tướng Đơ-cát ở mặt trận Điện Biên Phủ năm xưa… Một hôm, có cán bộ Cục Quân nhu đến để đo may áo quần cho ông Sáu khi về Sài Gòn, ông đã nói vui: “Cứ vào trong đó xem các cụ cùng độ tuổi ăn mặc kiểu gì thì hãy may cho tôi y hệt”. Anh cán bộ quân nhu lúng túng… Có lẽ, đó cũng là những giây phút người chỉ huy “xả tress” và ông đã tạo một không khí thật ấm áp, chan hòa tình đồng đội...
Những ngày đầu về Sài Gòn, Nguyễn Cử may mắn tiếp tục ở bên cạnh ông Sáu Thiện. Một hôm, Nguyễn Cử thấy ông Sáu có giấy mời họp tại Đà Lạt. Đoán già đoán non: Có lẽ đây là cuộc họp quan trọng trong không khí chiến thắng. Đại tướng Văn Tiến Dũng đã viết thư cho ông Sáu bằng bút chì trên tờ lịch để bàn. Ngắm nhìn nét chữ của Đại tướng, ông Sáu thốt lên: “Không phải nói nhiều, lương thực, súng đạn… cho bộ đội trên các mặt trận luôn được cung cấp đầy đủ”. Có lẽ, đó là câu tổng kết ngắn gọn của vị tướng hậu cần sau chiến dịch lịch sử!
“Đã gần 40 năm trôi qua, đến những ngày này, tôi cảm nhận, những câu nói đầy niềm tin vào thắng lợi trong lửa đạn cùng tác phong chỉ huy của tướng Sáu Thiện đã luôn khắc sâu trong tâm khảm của mình!”. Nội dung trên được ghi lại qua lời kể của TS Nguyễn Cử trong những ngày tháng 4 lịch sử…
MINH ĐẠO