Theo tài liệu nghiên cứu của nhiều nhà sử học trên thế giới và Việt Nam, lịch sử Trung Quốc trong suốt 22 thế kỷ, từ các thời Tần, Hán đến giữa thế kỷ XX, không thấy câu chữ nào ghi rằng biển Đông là biển Nam Trung Hoa cùng với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc hiện nay gọi là Tây Sa và Nam Sa)...
Lịch sử Trung Quốc nói gì về Hoàng Sa ?
Theo tài liệu nghiên cứu của nhiều nhà sử học trên thế giới và Việt Nam, lịch sử Trung Quốc trong suốt 22 thế kỷ, từ các thời Tần, Hán đến giữa thế kỷ XX, không thấy câu chữ nào ghi rằng biển Đông là biển Nam Trung Hoa cùng với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc hiện nay gọi là Tây Sa và Nam Sa)...
Các học giả, nhà nghiên cứu, các thư viện lịch sử trên thế giới (kể cả ở Trung Quốc) hiện có nhiều thư tịch cổ Trung Quốc, do người Trung Quốc ghi chép trong chiều dài lịch sử 22 thế kỷ của họ có nhiều chi tiết thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đáng chú ý là tập sách lịch sử Trung Quốc có tựa: “Lịch sử Trung Quốc thời Trung cổ” do Hàn lâm Viện Trung Quốc xuất bản tại thành phố Đài Bắc (Đài Loan) năm 1978, trong đó có bài viết “Nghiên cứu về lịch sử và địa lý” do học giả Hsieh Chiao-Min viết đã có đoạn bình luận đánh giá các cuộc thám hiểm trên đại dương của các triều đại Trung Quốc xưa như sau: “Suốt chiều dài lịch sử, về sự phát triển văn hóa và khoa học, dân tộc Trung Hoa không tha thiết với đại dương”. Theo ông, các tài liệu lịch sử chính thống của Trung Quốc: “Thỉnh thoảng một số triều đại của Trung Hoa gửi những đoàn thám hiểm đến Nhật trong các thế kỷ thứ III và thứ II (Trước công nguyên - TCN) và gửi đoàn thám hiểm đến biển Đông, Ấn Độ, Ba Tư và Phi Châu trong thế kỷ XV.
Điểm rõ nét nhất là tại Thái Bình Dương hầu như không có những vụ xâm nhập quy mô của Trung Hoa suốt chiều dài lịch sử (từ đời nhà Tần thế kỷ thứ III (TCN) đến đời nhà Thanh từ thế kỷ XVII, kéo dài đến thế kỷ XX). Còn dưới đời nhà Minh, thì Minh Thành Tổ có vài lần cử Đô đốc Thái giám Trịnh Hòa chỉ huy những đoàn thám hiểm đến Ấn Độ Dương và Biển Ả Rập nhằm thiết lập bang giao với các quốc gia vùng duyên hải, triển khai con đường tơ lụa tại Ấn Độ, châu Phi và Trung Đông. Những chuyến hải hành của phái bộ Trịnh Hòa thời ấy chỉ đi ngang qua biển Đông nhằm khai phá Ấn Độ Dương. Trạm trú chân duy nhất của đoàn trong khu vực này là Đồ Bàn - thủ đô Chiêm Thành thời bấy giờ (thuộc An Nhơn Bình Định hiện nay). Sau khi Minh Thành Tổ qua đời, triều nhà Minh đã phê phán những cuộc hải trình do Trịnh Hòa chủ trì thời ấy chỉ nặng phần trình diễn là chính và chỉ góp phần làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc thời bấy giờ.
Còn nhà sử gia Triệu Nhữ Quát đời nhà Tống (Trung Quốc) viết trong cuốn “Chư Phiên Chí” đã xác nhận nhiều sự kiện lịch sử quan trọng từ thời Hán như sau: “…Vào năm 111 TCN, sau khi thôn tính Nam Việt “Hán Vũ Đế sai quân vượt biển sang chiếm đất và đặt ra 2 quận Châu Nhau và Đạm Nhĩ (thuộc đảo Hải Nam). Sau đó vào thế kỷ thứ I TCN, Hán Nguyên Đế đã rút quân khỏi đảo Hải Nam. Mãi tới đời nhà Lương và nhà Tùy (cuối thế kỷ thứ VI, đầu thế kỷ thứ VII) họ mới đặt lại quyền cai trị” ở đảo Hải Nam.
Học giả Triệu Nhữ Quát (TQ) cũng viết thêm rằng: vùng quần đảo Hoàng Sa (Vạn Lý Trường Sa) là nơi nguy hiểm, tàu thuyền Trung Hoa ít khi đến gần vì chỉ đi sai một chút là có thể chìm thuyền”. Nhan đề cuốn sách nói trên có tên gọi là “Chư Phiên Chí”, có nghĩa là chép chuyện các phiên quốc (nước ngoài) có những đoạn như: “Vạn Lý Trường Sa nằm ở phiên quốc…”, (phiên Quốc có nghĩa không thuộc về nước Trung Quốc). Như vậy, biên giới trên biển Đông của Trung Quốc vào đời nhà Hán cũng chỉ giới hạn tới đảo Hải Nam là hết, và “Vạn Lý Trường Sa” tức Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh hải của “phiên quốc” Việt Nam.
Một trang trong cuốn chính sử Trung Quốc “Hải Ngoại Kỳ Sự” (1695) của Thích Đại Sán - nhà sư Trung Quốc đời vua Khang Hy cũng thuật lại chuyến du hành tới Việt Nam, ông này nói rằng chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của nước Đại Việt (tức Việt Nam hiện nay).
Vào đời nhà Đường bên Trung Quốc có sách “Đường Thư Nghệ Văn Chí” đã đề cập tới tác phẩm “Giao Châu Dị Vật Chí” của Dương Phu. Cuốn sách này ghi chép những chuyện kỳ dị và những nơi kỳ dị tại Giao Châu (Việt Nam). Sách này chép: “Tại Thất Châu Dương (nhóm An Vĩnh, quần đảo Hoàng Sa) là nơi có nhiều đá nam châm khiến các thuyền ngoại dương có đóng chốt sắt đi qua đều không được…”. Điều này lại một lần nữa xác định quần đảo Hoàng Sa là của Giao Châu xưa (nay là nước Việt Nam). Trong đời Nam Tống, cuốn sách “Lĩnh Ngoại Đại Đáp” của tác giả Châu Khứ Phi cũng xác nhận: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) tọa lạc tại Giao Chỉ Dương” (biển Việt Nam). Chư Phiên Đồ đời Tống cũng xác định: giới hạn lãnh thổ của Trung Quốc với các nước khác là ở Giao Dương (tức Giao Chỉ Dương). Giao Chỉ Dương (Biển Giao Chỉ) chính là Vịnh Bắc Bộ ngày nay của Việt Nam, trong khi Hoàng Sa và Trường Sa lại nằm cách xa Vịnh Bắc bộ hàng trăm dặm về phía nam.
Như vậy, các thư tịch cổ Trung Quốc từ đời nhà Tống đã gián tiếp thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc về Trung Quốc mà thuộc về nước mà Trung Quốc gọi là phiên quốc hay Giao Châu, Giao Chỉ - có nghĩa là nước Việt Nam chúng ta hiện nay.
Vào đời nhà Nguyên (Trung Quốc), thì nước ta khi ấy có tên là nước Đại Việt đã 3 lần đánh tan quân Nguyên - Mông xâm lược và góp phần phá tan kế hoạch Đông Tiến (đánh Nhật) của đoàn quân Mông Cổ bách chiến bách thắng do Thành Cát Tư Hãn thành lập. Sau ba lần xâm lược Việt Nam đều bị đại bại, triều đình Trung Quốc lúc ấy nhận định không thể thôn tính Việt Nam, kể cả trên lục địa lẫn các biển và hải đảo của Việt Nam.
Từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIV, theo chính sử Trung Quốc, thì quân Mông Cổ không hề có ý định xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong cuốn “Dư Địa Đồ” đời Nguyên của tác giả người Trung Quốc Chu Tư Bản đã vẽ và in trong cuốn sách Quảng Dư Đồ của La Hồng Tiên thực hiện năm 1561, theo đó, bản đồ phần cực nam lãnh thổ Trung Hoa chỉ kéo dài đến tận đảo Hải Nam là hết.
Đời nhà Minh cũng có cuốn chính sử tựa đề “Thiên Hạ Thống Nhất Chi Đồ” trong bộ sách “Đại Minh Nhất Thống Chí” (1461), và cuốn Hoàng Minh Đại Thống Nhất Tổng Đồ trong tập sách Hoàng Minh Chức Phương Địa Đồ (1635) cũng đã vẽ bản đồ phần cực nam của Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam (chứ không phải là đường lưỡi bò như hiện nay!).
Trong cuốn Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi (Trung Quốc) gọi biển Đông là Giao Chỉ Dương (tức biển của Giao Chỉ - Việt Nam). Đồng thời trên các bản đồ Trịnh Hòa Hạ Tây Dương, Trịnh Hòa Hàng Hải Đồ cũng không có các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (hay cách nói của Trung Quốc là không có Tây Sa, Nam Sa), trong suốt lộ trình và hải đạo của Trịnh Hòa sau 7 lần đi ngang qua biển Đông để khai phá Ấn Độ Dương (Tây Dương).
Nhiều tài liệu lịch sử đời nhà Minh cũng thể hiện, từ thế kỷ XV, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nguyên là địa bàn ngư nghiệp của vua Chiêm Thành (nước Chiêm Thành) sau đó đã trở thành lãnh thổ của nước Đại Việt (Việt Nam).
(còn nữa)
Nguyễn Tấn Tuấn (tổng hợp)