Vị đại tá già và những ký ức Điện Biên

02:05, 04/05/2014

Sáu mươi năm đã trôi qua, những ký ức hào hùng trong trận chiến "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của người lính Điện Biên năm xưa...

Sáu mươi năm đã trôi qua, những ký ức hào hùng trong trận chiến “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của người lính Điện Biên năm xưa. Khi người lính Hoàng Đăng Vinh, với dáng người nhỏ thó, thúc khẩu tiểu liên Thompson vào bụng tướng De Castries và hô to: “Hô-lê-manh” - Giơ tay lên, sau đó vị tướng bại trận lắp bắp, run sợ nói: “Xin các ông đừng bắn, chúng tôi xin đầu hàng”, là giây phút đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp. 
 
Đại tá Hoàng Đăng Vinh với thú vui chăm sóc cây cảnh những khi nhàn rỗi
Đại tá Hoàng Đăng Vinh với thú vui chăm sóc cây cảnh những khi nhàn rỗi
 
Đại tá Hoàng Đăng Vinh, sinh năm 1935 tại xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Ông hiện đang ở ngõ 95, khu Công binh, phường Vũ Ninh - TP Bắc Ninh. Ở tuổi 79, ông vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh. Mở cổng đón khách với nụ cười tươi, ông bảo: chắc anh lại đến hỏi chuyện về Đại tướng và Điện Biên Phủ chứ gì.
 
“Chứng kiến những tội ác của quân Pháp, tôi xung phong đi bộ đội vì uất hận và muốn thoát xiềng xích của chúng” - ông Vinh bắt đầu câu chuyện. 
 
Ông bắt đầu binh nghiệp vào một ngày tháng 9-1952, khi cùng những trai làng rời xã Tiên Tiến để tới Nho Quan (Ninh Bình), nơi tiếp nhận những tân binh của Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312.
 
Hai lần khiến De Castries run sợ
 
Đúng 17 giờ ngày 7/5/1954, Tạ Quốc Luật - Đại đội trưởng Đại đội 360 chỉ huy 4 chiến sĩ xông vào hầm chỉ huy, bắt sống tướng De Castries cùng toàn bộ các sĩ quan cao cấp của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 
 
 “Vây chung quanh thì rất đông, nhưng trực tiếp vào hầm bắt De Castries chỉ có 5 người, gồm Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật, tôi và đồng chí Bùi Văn Nhỏ vào bắt tướng De Castries. Còn đồng chí Đào Văn Hiếu, Nguyễn Văn Nam làm nhiệm vụ bịt cửa hầm” - ông Vinh kể. 
 
Khi tiến vào hầm, ông Vinh đi trước rồi đến đồng chí Tạ Quốc Luật, đồng chí Nhỏ đi sau. Bên trong hầm có khoảng hơn 20 tên sĩ quan Pháp. 
 
“Chúng tôi tiến đến đâu, sĩ quan Pháp lùi lại đến đó. Khi đến giữa hầm thì chúng dồn cục lại với nhau, có tên chui cả xuống gầm bàn” - ông Vinh cho biết.
 
Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật dùng tiếng Pháp yêu cầu chúng phải đầu hàng, ngay lập tức tất cả đều giơ tay, riêng tướng De Castries vẫn ngồi im, không giơ tay, không đứng dậy. 
 
“Đồng chí Vinh, bắt De Castries phải hàng” - Đại đội trưởng ra lệnh.
 
Ông Vinh tiến về phía De Castries. Mắt ông mở to, môi mím chặt, tay để vào cò súng. Tuy nhiên, khi ông Vinh gần đến nơi thì De Castries liền đứng dậy, giơ tay ra định bắt tay.
 
 “Sao nó lại đòi bắt tay nhỉ. Bắt tay thế nào được” - ông Vinh nghĩ.
 
Luôn tận lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ
 
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Hoàng Đăng Vinh được tặng thưởng 3 huân chương gồm 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất; 2 Huân chương Chiến công hạng Ba; ngoài ra, còn được tặng 2 huy hiệu của Bác Hồ. Năm 1957, ông Vinh về quê Hưng Yên rồi lập gia đình và ông bà sinh được 5 người con. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là lính công binh chiến đấu ở Quảng Bình, Hà Nội và cũng được tặng nhiều huân, huy chương. Ông Vinh về hưu năm 1990 với quân hàm đại tá. 
 
Từ năm 1991- 2007, ông lần lượt là Bí thư chi bộ khu phố, rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường, rồi Chủ tịch Cựu chiến binh TP Bắc Ninh. 
 
“Dù bất cứ ở mặt trận nào, cương vị gì thì cũng đều phải tận tâm, tận lực để giành được thắng lợi với kết quả cao nhất” - đại tá Hoàng Đăng Vinh chia sẻ.

Nhớ khẩu lệnh, ông Vinh quát: “Hô-lê-manh” - Giơ tay lên! Cùng với tiếng quát đanh thép, tay Hoàng Đăng Vinh thúc mạnh khẩu tiểu liên Thompson vào bụng De Castries. Vị bại tướng lùi lại mấy bước, toàn thân run rẩy, miệng lắp bắp một tràng tiếng Pháp.

“Tôi không hiểu gì cả, nhưng sau đó anh Tạ Quốc Luật cho biết De Castries nói “Xin các ông đừng bắn, chúng tôi đầu hàng” - ông Vinh cho biết.
 
“Đấy là giây phút thiêng liêng nhất trong cuộc đời binh nghiệp của tôi” - ông Vinh ánh lên niềm hạnh phúc. 
 
Toàn bộ Bộ chỉ huy của Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng các chiến sĩ dẫn giải về đồi E - nơi Trung đoàn đặt sở chỉ huy ở đó để giao cho cấp trên. 
 
Ông Hoàng Đăng Vinh nhớ lại: Sau đó anh em chúng tôi quay lại và ngồi trên nóc hầm tướng De Castries rồi lấy bi đông nước ra uống. Khi ấy cũng gần tối rồi, mặt trời đang xuống núi. Cái ánh hào quang của mặt trời đã làm cho núi đồi thêm đẹp. 
 
“Nhưng cái hình ảnh đẹp nhất là cảnh quân địch nườm nượp ra đầu hàng và các chiến sĩ của chúng ta ở các hầm hào, trận địa ở các ngọn đồi đều đứng lên hô vang “Hoan hô chiến thắng Điện Biên”. Tiếng hô reo vang vọng khắp Điện Biên Phủ. 
 
Lần thứ hai, ông Hoàng Đăng Vinh lại có dịp đối mặt với De Castries vào ngày 20-5-1954, tại ATK Định Hoá (Thái Nguyên) theo đề nghị từ đoàn làm phim của đạo diễn Roman Karmen (Liên Xô).
 
“Trong chiếc lán to được lợp bằng lá cọ, kê mấy chiếc bàn, tôi được bố trí ngồi đối diện với De Castries”- ông Vinh hồi tưởng.
 
Khi mọi người đã đông đủ, một cán bộ của Cục Điện ảnh chỉ vào Hoàng Đăng Vinh rồi quay sang hỏi De Castries: Ông có biết anh này là ai không?
 
“Nếu không nhầm thì tôi đã gặp người thanh niên này rồi”- De Castries đáp.
 
 “Tôi khen ông có trí nhớ rất khá đấy. Chính người chiến sĩ này đã vào hầm tóm cổ ông ra” - vị cán bộ Cục Điện ảnh đáp lời.
 
Sau một thoáng tái mặt, De Castries nhìn thẳng về phía ông Vinh rồi nói: “Tôi rất hân hạnh nếu được chỉ huy những người lính dũng cảm như anh”.
 
Ngay sau khi lời nói của De Castries được dịch ra tiếng Việt, máu trong người ông Vinh sôi lên, ông bực lắm nhưng chưa biết đối đáp lại thế nào. Mọi ánh mắt đổ dồn về phía tôi chờ đợi.
 
“Lúc đó tôi có được học hành bao nhiêu đâu nên rất bí. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía tôi chờ đợi câu trả lời” - ông Vinh thú thực.
 
Cuối cùng tôi mặt đỏ tía tai, nhìn thẳng vào mặt De Castries nói: “Ông chỉ láo toét! Ông sao có thể chỉ huy được tôi. Chính tôi và các đồng đội đã vào hầm tóm cổ ông ra mà” - ông Vinh kể.
 
Ngay sau câu trả lời của tôi được dịch ra tiếng Pháp, ông Vinh thấy tướng De Castries tím tái và xị mặt lại, còn các bạn trong đoàn làm phim quốc tế cùng cán bộ của ta đều nở nụ cười hài lòng.  
 
Ba lần gặp Đại tướng
 
Vị đại tá già, bảo rằng trong suốt 38 năm binh nghiệp, ông được gặp Đại tướng nhiều lần, tuy nhiên có ba lần khiến ông nhớ nhất. 
 
“Những lần gặp gỡ, Đại tướng rất thân thiện, gần gũi và luôn căn dặn những điều rất quý báu” - ông Vinh cho hay.
 
Lần thứ nhất ông Vinh được gặp Đại tướng là sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông và một số chiến sĩ được về ATK Định Hoá gặp Bác Hồ báo công vào ngày 19-5-1954. Tại đây, Đại tướng đã đến thăm hỏi từng chiến sĩ. Riêng ông Vinh, Đại tướng hỏi đồng chí Vinh bao nhiêu tuổi. 
 
“Thưa Đại tướng, tôi 19 tuổi”.
 
Thế làm sao đồng chí lại chỉ huy được tiểu đội - Đại tướng hỏi tiếp.
 
“Dạ thưa, tôi cứ làm theo các tiểu đội trưởng trước ạ”.
 
Rồi ông Vinh cho biết Đại tướng khen thế là tốt nhưng cũng dặn dò là phải biết sáng tạo. “Phải học người đi trước là đúng nhưng phải sáng tạo, có như thế thì mới hoàn thành nhiệm vụ, bởi nhiệm vụ của chúng ta còn rất nặng nề và còn nhiều khó khăn” - Đại tướng căn dặn.
 
 “Đại tướng không chỉ sâu sát trong chiến đấu mà khi chiến sĩ lập được chiến công, Đại tướng cũng rất quan tâm”- ông Vinh hào hứng kể.
 
Lần thứ hai ông vinh dự được gặp Đại tướng là tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976). Ông Vinh là khách mời của quân đội tại đại hội. Khi giải lao, Đại tướng đã tiến đến và bắt tay ông Vinh, rồi nói: “Nhiệm vụ của quân đội ta lúc này rất nặng nề. Chúng ta vừa phải sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc, vừa phải tích cực tham gia phát triển kinh tế. Đại tướng chúc quân đội ta sẽ giành được những chiến thắng trong phát triển kinh tế như chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”.
 
“Câu nói ấy thể hiện cái tâm và cái tầm của Đại tướng nó sâu sắc lắm” - ông Vinh nói.
 
Lần thứ 3 là dịp kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên Phủ. Khi Đại tướng đến thì liền hỏi ngay: “Đồng chí Vinh có ở đây không?”. Ông Vinh được gọi đến và Đại tướng đã bắt tay ông Vinh rất chặt, rồi nói: “Sau 50 năm còn được gặp nhau thế này là hạnh phúc lắm rồi”. 
 
“Tôi xin nói rằng, câu nói ấy, tình cảm ấy không phải là Đại tướng chỉ dành riêng cho tôi, mà là dành cho tất cả các chiến sĩ Điện Biên đấy. Chúng ta phải hiểu câu nói ấy, tình cảm ấy của Đại tướng theo đúng tinh thần như thế” - ôngVinh khẳng định.
 
Khi được tin Đại tướng mất, ông Vinh đã rất đau buồn và thương tiếc. Ông đã lập bàn thờ Đại tướng tại nhà để tưởng nhớ về người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. 
 
 “Đại tướng vĩ đại quá. Khi Đại tướng mất đi thì cái vĩ đại ấy càng toả sáng. Sự toả sáng của Đại tướng đã làm sáng rọi thêm những điều chân lý cách mạng. Đại tướng mất nhưng Đại tướng còn sống mãi trong chúng ta” - ông Vinh xúc động.
 
Máu đồng đội và đất Điện Biên
 
Sáu mươi năm đã trôi qua. Những ngày này, khi đất nước đang sục sôi kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, dòng hồi tưởng đã đưa đại tá Hoàng Đăng Vinh trở lại ngày 7/5/1954 lịch sử. Đôi mắt người chiến sĩ Điện Biên năm nào chợt rớm lệ. Nhấp thêm ngụm trà như để kìm nén cảm xúc đang trào dâng, ông chậm rãi nhắc nhớ về một thời hào hùng.
 
Sau trận đánh phòng ngự ban đầu, đơn vị của đại tá Hoàng Đăng Vinh tiếp tục đánh các đồi C2, đồi D, đồi E. Có những trận đánh ta với địch giằng co nhau bất phân thắng bại, đành tự ngừng bắn rồi tạm nghỉ. Các chiến sĩ ta ngồi dưới giao thông hào nghỉ. Lúc đó có 2 đồng chí anh nuôi mang cơm và nước lên phát cho chiến sĩ. Cùng với nắm cơm là có một gói lạc chưng với muối và mỡ. Các chiến sĩ ăn rất ngon lành. Cứ cắn một miếng cơm là nhón một hạt lạc. Tay dính muối, mỡ thì các chiến sĩ cứ mút. Sau khi ăn xong thì có một chiến sĩ hô lên: “Này các cậu ơi, nhìn ngón tay mình này”.
 
Lúc đó mọi người mới nhìn sang rồi quay lại nhìn lại ngón tay mình, rồi nhìn cả bàn tay và nhìn sang các đồng đội, khi ấy mới thấy rõ: chỉ có 2 ngón tay là màu trắng, còn lại trên thân thể toàn máu và đất. 
 
Khi đó, một đồng chí đã thốt lên: “Như vậy, trong người chúng mình có máu đồng đội và đất của Điện Biên” - đại tá Vinh nghẹn ngào kể lại.
 
 “Tôi cho rằng không có một câu nói động viên nào sâu sắc và có ý nghĩa hơn thế. Chính câu nói ấy đã cổ vũ đơn vị, tất cả các chiến sĩ, kể cả những người bị thương, đều đồng loạt đứng dậy xung phong tiêu diệt quân thù”- ông Vinh khẳng định.
 
Người lính Điện Biên năm xưa bảo rằng tinh thần chiến sĩ Điện Biên là như thế đấy. Nó không tự nhiên mà có. Nó được bắt nguồn từ truyền thống anh hùng của dân tộc; sự lãnh đạo của Đảng và tài chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 
Có một khoảnh khắc mà đại tá Hoàng Đăng Vinh không thể nào quên trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là khoảng 14 giờ chiều 7/5/1954, trên đường tiến công, ông Vinh và ông Bùi Văn Nhỏ gặp một chiến sĩ bị mảnh đạn pháo bắn dập nát hết cả hai chân, hai tay, đang bò dưới giao thông hào. Thấy vậy, hai ông dừng lại vội lấy băng để băng bó vết thương, nhưng đồng chí ấy không nghe, nói lớn: Đằng nào tôi cũng hy sinh rồi, các đồng chí cứ tiến lên.
 
“Nhưng thương đồng đội lắm, đi làm sao được” - ông Vinh kể.
 
Thấy cứ nhùng nhằng như vậy thì sẽ không thể tiến công, chiến sĩ bị thương hét lớn: “Đằng nào tôi cũng chết rồi, chúng ta phải tiến lên đi”.
 
Người chiến sĩ đau đớn như thế nhưng vẫn nghĩ đến chiến thắng chung rồi động viên đồng đội xung phong chứ không nghĩ cho bản thân mình. 
 
“Và lúc đó nước mắt chúng tôi chảy tràn. Phục và thương đồng đội quá. Chúng tôi đành gạt nước mắt mà tiến lên xung phong tiêu diệt địch”-ông Vinh nói.
 
Đại tá Hoàng Đăng Vinh cũng nói rằng, chiến thắng này đâu phải là công lao của riêng ai. Đó là chiến thắng của toàn dân tộc, của toàn quân, của các chiến sĩ Điện Biên. Người trước ngã xuống, người sau xông lên mới có thắng lợi này.
 
Ghi chép: Văn Duẩn