Tôi có một người bạn làm văn nghệ quê ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai rất thích bài hát "Thành phố buồn" của nhạc sĩ Lam Phương, nhưng lúc nào bạn ấy cũng khăng khăng bảo rằng: Ca khúc này Lam Phương chỉ viết riêng cho phố núi Pleiku(!).
Tôi có một người bạn làm văn nghệ quê ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai rất thích bài hát “Thành phố buồn” của nhạc sĩ Lam Phương, nhưng lúc nào bạn ấy cũng khăng khăng bảo rằng: Ca khúc này Lam Phương chỉ viết riêng cho phố núi Pleiku(!).
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Dạ Ly trên Báo Thanh Niên chủ nhật số 230 (6448) ra ngày 18 tháng 8 năm 2013 *, nhạc sĩ Lam Phương đã cho biết: “Năm 1970, tôi theo Ban Văn nghệ Hoa Tình Thương lên Đà Lạt trình diễn. Trước vẻ trầm lặng của một thành phố chập chùng đồi núi, sương mù bao quanh những con đường dốc quanh co, cùng nỗi cô đơn tràn ngập tâm hồn, tôi đã viết nên “Thành phố buồn”. Đây là một trong những ca khúc có số lượng xuất bản rất cao.”*
|
Nhạc sỹ Lam Phương |
Những ca từ cứ gợi lên trong chúng ta về một thành phố cao nguyên - nơi có những con dốc quanh co, sương chiều lãng đãng, cơn gió chiều lạnh buốt co ro của những lứa đôi bên đồi thông xanh và nỗi buồn len vào kỷ niệm. Ở đó dễ nẩy sinh tình yêu lãng mạn của trai gái yêu nhau: “Thành phố nào nhớ không em? Nơi chúng mình tìm phút êm đềm. Thành phố nào vừa đi đã mỏi. Đường quanh co quyện gốc thông già. Chiều đan tay nghe nắng chan hòa. Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em. Mắt em buồn trong sương chiều anh thấy đẹp hơn. Một sáng nào nhớ không em ngày chủ nhật ngày của riêng mình. Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa. Người lưa thưa chìm dưới sương mù. Quỳ bên em trong góc giáo đường. Tiếng kinh cầu đẹp mộng yêu đương. Chúa thương tình, sẽ cho mình mãi mãi gần nhau. Rồi từ đó vì cách xa duyên tình thêm nhạt nhòa. Rồi từ đó chốn phong ba em làm dâu nhà người. Âm thầm anh tiếc thương đời đau buồn em khóc chia phôi. Anh về gom góp kỷ niệm tìm vui. Thành phố buồn lắm tơ vương cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn. Và con đường ngày xưa lá đổ, giờ không em sỏi đá u buồn. Giờ không em hoang vắng phố phường. Tiếng chuông chiều chậm chậm thê lương. Tiễn đưa người quên núi đồi,... quên cả tình yêu”.
Ai một lần đến Đà Lạt cũng dễ nhận ra những hình ảnh mà nhạc sĩ Lam Phương đã trải lòng trong bài hát này. Đà Lạt dễ làm cho người ta gần nhau hơn. Lành lạnh. Sương mờ. Gió nhẹ. Đồi dốc quanh co. Tiếng chuông chiều buông lơi và hơi ấm trong bàn tay nhau….
“Thành phố buồn” được viết vào năm 1970, nhưng trước đó mười năm, Lam Phương đã có bài hát “Đà Lạt cô liêu” viết về thành phố này. Bài hát có những câu như thế này: “Chiều lên cho đây khóc đó. Nắng lên khi mình mất nhau. Mây ơi trôi đến phương nào?. Dừng chân chia bớt cơn sầu. Giọt buồn long lanh phiến đá. Vỡ tan trong lòng nước xanh. Người đi cho mắt thâm sâu. Có ai quên thuở ban đầu?. Đời thay như chiếc áo, tình không nơi nương náu. Trên thành phố bâng khuâng, mỗi chiều, mỗi chiều em về. Gót nhỏ in trên lá, phủ quanh con đường mòn với nỗi buồn mênh mông.
Đà Lạt đau. Ai hay? Ai biết? Nhớ anh thông già hắt hiu. Dâng theo con nước ban chiều. Hồn em cũng lắm tiêu điều. Còn đâu trăng thanh suối biếc?. Bóng chim xa đồi ái ân. Rừng xanh tan tác cô liêu. Nhớ anh sương phủ bóng chiều…”. Đây có lẽ là khúc dạo đầu để sau này anh có bài hát “Thành phố buồn” sâu lắng hơn chăng?
Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh 1937 tại làng Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Anh là con trai trưởng trong một gia đình nghèo chỉ còn mẹ và các em. Năm lên mười, anh lên Sài Gòn đi học, bươn chải kiếm sống và tự học nhạc qua những tài liệu viết bằng tiếng Pháp.
Ca khúc đầu tay “Chiều thu ấy” được anh viết khi mới 15 tuổi. Nhưng đến năm 18 tuổi, công chúng yêu nhạc miền Nam trước đây mới biết đến một người viết nhạc: Lam Phương. Một số tác phẩm của anh được nhiều trường học sử dụng trong các chương trình văn nghệ, như: Kiếp nghèo, Nhạc rừng khuya, Trăng thanh bình, Khúc ca ngày mưa, Nắng đẹp miền Nam…
Nhờ nỗ lực hết mình nên Lam Phương đã thoát được cảnh đói nghèo và chuyên tâm cho sáng tác âm nhạc. Tên tuổi cũng dần dà được xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ca khúc của Lam Phương đã tạo ra một dòng nhạc lớn trong nền tân nhạc miền Nam Việt Nam thời kỳ 1960, 1970. Ngoài sinh hoạt âm nhạc, ông còn tham gia cộng tác với ban kịch Thẩm Thúy Hằng và ban kịch "Sống" của kịch sĩ Túy Hồng.
Những người bạn của nhạc sĩ Lam Phương đều có chung nhận xét: Anh là người khiêm tốn và rất bình dị, chân tình và lịch sự.
Sống ở nước ngoài, song nhạc sĩ Lam Phương lúc nào “cũng không nguôi nghĩ về quê cha đất tổ, đến những người thân thương, những khán thính giả, bạn bè bằng hữu quý mến mình”. Và anh cũng “cầu mong an lành và hạnh phúc thường trực ở với mọi người”.*
Một người con Việt Nam xa xứ trĩu nặng nỗi nhớ quê nhà da diết, nhớ những vùng đất mình đã đi qua và gởi lại những ca khúc ấn tượng với đời. Chắc chắn một điều “Thành phố buồn”- ca khúc viết về Đà Lạt của Lam Phương - mãi mãi còn đọng lại trong trái tim của nhiều thế hệ hôm nay và mai sau…
(Nguồn: * Nhạc sĩ Lam Phương: “Tôi không nguôi nghĩ về quê cha đất tổ” do Dạ Ly thực hiện. Bài đăng trên trang 9 Báo Thanh Niên chủ nhật số 230 (6448) ra ngày 18 tháng 8 năm 2013).
TRẦN NGỌC TRÁC