Sau hai lần 55 ngày đêm chiến đấu

03:05, 07/05/2014

Mấy hôm sau ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975, Tổng Bí thư Lê Duẩn bay vào Nam thăm đồng bào, đồng chí, chiến sĩ. Cùng đi có Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Bước xuống máy bay, ôm hôn các vị chỉ huy chiến trường Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Trần Văn Trà... ra đón tại chân cầu thang, Tổng Bí thư Lê Duẩn tuyên bố: "Đây là thắng lợi của toàn thể nhân dân Việt Nam!".

Mấy hôm sau ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975, Tổng Bí thư Lê Duẩn bay vào Nam thăm đồng bào, đồng chí, chiến sĩ. Cùng đi có Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Bước xuống máy bay, ôm hôn các vị chỉ huy chiến trường Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Trần Văn Trà... ra đón tại chân cầu thang, Tổng Bí thư Lê Duẩn tuyên bố: “Đây là thắng lợi của toàn thể nhân dân Việt Nam!”.
 
Nhân dân ta đón mừng tin giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975
Nhân dân ta đón mừng tin giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975
 
Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Sở chỉ huy quân ta đóng tại Mường Phăng trên rặng núi cao phía Đông lòng chảo Mường Thanh. 
 
Mường Phăng tiếng Thái có nghĩa là Bản Lạnh. Phong cảnh rất đẹp, và chỉ cần trèo lên đỉnh núi phía sau là nhìn thấy cả cánh đồng và những nơi đóng quân của địch. “Hạnh phúc lớn nhất của người cầm quân là được ở bên bộ đội ngay tại mặt trận” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp vui trong lòng.
 
Chiều ngày 7 tháng 2 năm 1954, tại Sở chỉ huy, Đại tướng Tổng tư lệnh nhận điện thoại trực tiếp của tướng Lê Trọng Tấn, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312: “Báo cáo, tướng Đờ Cát và toàn bộ chỉ huy Pháp ra hàng hiện đang đứng trước mặt tôi!”.
 
Mười mấy nghìn quân Pháp tại Điện Biên Phủ lũ lượt đầu hàng. Nhà báo Trần Cư viết trên tờ Quân đội Nhân dân xuất bản ngay tại chiến hào: “Ở Mường Thanh quân địch ra hàng như nước chảy”. Đại tướng vội viết điện báo cáo Trung ương và Chính phủ quân ta đã toàn thắng. Và ngay sau đó, cho ra thông cáo đặc biệt để Đài Tiếng nói Việt Nam kịp thời truyền tin vui đến với đồng bào cả nước trong đêm. Hôm sau, mặt trận đã nhận được thư của Hồ Chủ tịch khen bộ đội, dân công, thanh niên xung phong, đồng bào tại mặt trận Điện Biên Phủ.
 
Do chênh lệch múi giờ, lúc này ở Paris cũng đang ngày 7/5/1954. Thủ tướng Pháp Jean Daniel mặc bộ đồ đen đến Quốc hội Pháp đang họp báo tin Điện Biên Phủ thất thủ. Một bầu không khí ảm đạm trùm xuống thủ đô nước Pháp đang chuẩn bị kỷ niệm mừng ngày toàn thắng phát xít Đức chín năm trước, ngày 9 tháng 5 năm 1945.
 
Đại tướng nhớ lại, đêm chiến thắng ông ngả mình trên chiếc đệm cỏ tranh tại bản doanh Mường Phăng thao thức không sao ngủ được. Lá cờ Tổ quốc đã bay cao trên chiến trường. Bao đơn vị quân đội, những chiến sĩ anh hùng, những bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và dân thường đã góp phần vào chiến thắng - và không riêng tại Điện Biên Phủ - một số trong họ đã dũng cảm hy sinh. 
 
Hai ngày sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi thăm chiến trường Mường Thanh.
 
Qua khỏi Him Lam, đột ngột hiện ra cánh đồng hình lòng chảo. Đại tướng từng có mặt ở thị trấn Đông Khê, thị xã Cao Bằng, thị xã Lạng Sơn sau chiến thắng nhưng chưa bao giờ ông nhìn thấy cảnh chiến trường hùng vĩ và khốc liệt như đây. Trên là trời, dưới là hầm hố, dây thép gai, xe cộ, súng đạn ngổn ngang, xác một chiếc máy bay Pháp cắm đầu xuống đất không xa Sở chỉ huy của Đờ Cát. Chung quanh bát ngát một màu đất đỏ bị cày xới và những chiếc dù trắng ngổn ngang do quân Pháp thả hàng tiếp viện vũ khí, quân trang ném xuống.
 
Tư lệnh phó Cao Văn Khánh mời Đại tướng vào xem Sở chỉ huy của Đờ Cát. Đêm hôm ấy Đại tướng nghỉ lại nơi đây. “Hạnh phúc của người cầm quân là được ở bên bộ đội tại mặt trận”, Đại tướng viết - và còn gì vui hơn khi vị tướng chiến thắng được ngủ qua đêm ngay tại Sở chỉ huy của đối thủ vừa bị mình đánh bại và bắt làm tù binh - tôi mạo muội bình. Đêm nay, mọi người cùng nghĩ tới bao đồng chí, đồng bào đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường. Thắng lợi vĩ đại này đâu phải công lao của riêng ai!
 
Chuyến đi thứ hai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vào một thời điểm lịch sử khác, hai mươi mốt năm sau, ngày 30 tháng 4 năm 1975.
 
Trưa 30-4, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân tại Hà Nội nhận được điện báo khẩn cũng của tướng Lê Trọng Tấn, chỉ huy cánh quân phía Đông giải phóng Sài Gòn: “Lúc 11 giờ 30, một đơn vị quân đội ta đã cắm cờ lên Dinh Độc lập”.
 
Năm cánh quân ta từ năm hướng đã hợp điểm tại Sài Gòn.
 
Lúc này Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đang họp tại Tổng hành dinh QĐND tại thủ đô để theo dõi và chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh. Hội nghị tạm ngừng. Các vị lãnh đạo Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… cùng ra cả ngoài hành lang. Phấn khởi, nghẹn ngào, xúc động, nhiều vị trào nước mắt nói không ra lời. Lúc này tại Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh trong Nam, các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng cũng đều lặng người ôm hôn các đồng đội, đồng chí có mặt xung quanh. Tướng Trần Văn Trà, tướng Đinh Đức Thiện - những vị chỉ huy thường ngày cương nghị, quyết liệt đến vậy mà lúc này các đôi mắt đều đỏ hoe...
 
Chỉ mười lăm phút sau giờ khắc lịch sử ấy, Đài Tiếng nói Việt Nam ngưng buổi phát thanh thường lệ, phát đi phát lại bản tin ngắn làm vỡ òa niềm phấn khởi của triệu triệu người đón đợi: Thành phố Sài Gòn đã giải phóng. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã giải phóng Sài Gòn.
 
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
 
Buổi chiều, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội lần lượt rời Tổng hành dinh trở về nhà. Mặt trời khuất bóng, thành phố Hà Nội lên đèn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nán lại một mình trong phòng, xử lý một vài việc cần thiết, lòng vui náo nức mà sao nước mắt cứ trào ra. “Giá như còn có Bác Hồ trong ngày chiến thắng hôm nay...”.
 
Nhật báo Pháp Le Parisien ngày 8/5/1954 đưa tin Điện Biên Phủ thất thủ
Nhật báo Pháp Le Parisien ngày 8/5/1954 đưa tin Điện Biên Phủ thất thủ
 
Ông rời cơ quan Tổng hành dinh lên xe, bảo đồng chí lái xe cho đi dạo một vòng quanh Hà Nội. Toàn thủ đô đang như sục sôi mừng vui toàn thắng. Cả một rừng cờ hoa dậy lên ngập tràn thành phố không rõ từ lúc nào. Nhà nhà treo cờ, người người xuống phố, mỗi lúc một đông hơn. Dân thủ đô tấp nập đông vui như trẩy hội. Trong lúc này, nhân dân cả nước đâu đâu cũng tưng bừng.
 
Đêm nay thủ đô Hà Nội và toàn miền Bắc chung vui với thành phố Sài Gòn, với miền Nam ruột thịt vừa giải phóng hoàn toàn. Chợt nhận ra, có một sự trùng hợp lịch sử vô cùng thú vị của dân tộc Việt Nam ta, không thể có ở bất kỳ đâu trên thế giới, và chắc chắn trong tương lai cũng sẽ chẳng bao giờ được lặp lại ở bất kỳ đâu. Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và cuộc tổng tiến công và nổi dậy chiến lược kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn năm 1975 cùng có độ dài thời gian 55 ngày đêm chiến đấu.
 
Đêm nay, 30 tháng 4 năm 1975, lại một đêm khó ngủ của các nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước ta, một đêm khó ngủ nữa của Đại tướng Tổng Tư lệnh và những người chiến thắng. 
 
Mấy hôm sau, Tổng Bí thư Lê Duẩn đáp máy bay vào thăm đồng bào, đồng chí, chiến sĩ trong Nam. Cùng đi có Đại tướng Tổng Tư lệnh. Các vị lãnh đạo từ thủ đô Hà Nội vào xuống máy bay ôm hôn, xiết chặt các vị chỉ huy tại chiến trường Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Trần Văn Trà... ra đón tại chân cầu thang. Tổng Bí thư Lê Duẩn tuyên bố: “Đây là thắng lợi của toàn thể nhân dân Việt Nam!”.
 
Thế hệ trẻ Điện Biên hôm nay. Ảnh: TTXVN
Thế hệ trẻ Điện Biên hôm nay. Ảnh: TTXVN
 
Ước vọng thiêng liêng và suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thống nhất đất nước trong độc lập, tự do đã trở thành hiện thực. Bắc Nam sum họp, vui nào vui hơn. Dù Bác Hồ đi xa đã ngót sáu năm, tất cả mọi người hôm nay cùng có chung cảm nghĩ: Vẫn có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.
 
Phan Quang