Về một tấm bản đồ Trung Quốc ấn hành 2004

03:05, 14/05/2014

Tháng 5.2006, tôi có dịp sang chơi Trung Quốc ở một thị trấn nhỏ - thị trấn Hà Khẩu, đối diện với thành phố Lào Cai của Việt Nam qua sông Nậm Thi...

Tháng 5.2006, tôi có dịp sang chơi Trung Quốc ở một thị trấn nhỏ - thị trấn Hà Khẩu, đối diện với thành phố Lào Cai của Việt Nam qua sông Nậm Thi. Vì là lần thứ hai sang chơi thị trấn này, nên tôi không mấy quan tâm tới những món hàng hóa giá rẻ nhưng kém chất lượng của Trung Quốc, mà ghé thăm một hiệu sách nhỏ để tìm một cuốn sách gì đó về lịch sử hay văn hóa của Trung Quốc mà tôi muốn xem từ nguyên bản. Tuy không có cuốn sách nào vừa ý, nhưng bù lại, ở đó có bán bản đồ Trung Quốc mà tôi cũng đang háo hức để làm đồ dùng trục quan cho các bài giảng liên quan tới lịch sử và văn hóa Trung Quốc. Ngay lập tức cầm lấy một tấm và trả tiền. Không ngờ, cô nhân viên bán hàng hỏi tôi: “Anh là người Việt Nam?”. Tôi trả lời: “Đúng”. Ngay lập tức cô nhân viên bán hàng nói luôn: “Không bán cho người Việt Nam!”. Tôi hỏi lại: “Tại sao?”. “Không bán là không bán. Không giải thích” - cô nhân viên bán hàng trả lời dứt khoát. 
 
 
Không mua được, tôi ra ngoài, tìm đến cô hướng dẫn viên tham quan (người Việt), hậm hực kể lại câu chuyện vừa rồi. Cô hướng dẫn viên tham quan bảo tôi: “Không sao, em sẽ nhờ bác lái xe điện đây mua hộ thầy”. Người lái xe điện vui vẻ nhận lời và độ chừng năm bảy phút sau trở lại với tấm bản đồ trên tay. Ông đưa cho tôi tấm bản đồ với vẻ mặt hết sức căng thẳng và dặn kỹ: “Không được nói với ai là tôi mua tấm bản đồ này hộ anh”. Tôi cám ơn và hứa sẽ không nói điều đó với bất kỳ ai. Đương nhiên là tôi rất vui vì có được tấm bản đồ ưng ý (cũng nói thêm là tôi có thói quen là khi đến một vùng đất lạ, bao giờ tôi cũng tìm mua một tấm bản đồ về vùng đất đó và ở Việt Nam cho đến nay tôi vẫn chưa thấy ở đâu bán bản đồ Trung Quốc), song cũng rất thắc mắc: Tại sao người ta lại không bán bản đồ cho người Việt Nam?
 
Về tới Lào Cai, việc đầu tiên là tôi giở tấm bản đồ ra với hy vọng sẽ ra tìm câu trả lời cho thắc mắc đó. Đó là tấm bản đồ bình thường. Kích thước vừa phải, khổ 65 x 98,5 cm (không tính lề). Phía trên là dòng chữ lớn: Trung Hoa nhân dân cộng hòa quốc địa đồ. Lề bên phải ghi theo hàng dọc: Giao thông bản. Phía dưới bản đồ cũng ghi lại những chữ như thế với cỡ chữ nhỏ hơn. Tóm lại, đây là loại bản đồ giao thông của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nơi xuất bản: Thành Đô địa đồ xuất bản xã. Chịu trách nhiệm biên tập là Trương Quốc Dũng. Ngày ấn hành hàng loạt: 20.3.2004. Số lượng bản in (ấn số): 245001 – 255000, giá bán 8 nguyên (tương đương 16 ngàn VNĐ vào thời điểm đó. Chung quy lại, đây cũng chỉ là một loại bản đồ thông thường như bao tấm bản đồ khác, tại sao họ kiên quyết không bán cho người Việt Nam (và rất có thể là với người nước ngoài nói chung) ?   
 
Tôi tiếp tục xem kỹ hơn các chi tiết trong bản đồ và cuối cùng đã tìm ra câu trả lời: Đó chính là phần phụ lục Nam Hải chư đảo (“các đảo ở Nam Hải”, tức biển Đông  của Việt Nam) ở góc phải phía dưới bản đồ với “hình lưỡi bò 9 đoạn” mà lâu nay chúng ta thường nghe nói, nhưng điều quan trọng hơn là phần chú thích bản đồ (đồ lệ) giải thích  ký hiệu của 9 đoạn đó là: vị định quốc giới, nghĩa là vùng lãnh địa chưa xác định thuộc quốc gia nào. Và như thế mọi việc đã rõ ràng, cho đến năm 2004, Trung Quốc vẫn chưa dám khẳng định với nhân dân Trung Quốc, vùng biển Đông (mà họ gọi là Nam Hải), bao gồm cả “Tây Sa quần đảo” (tức quần đảo Hoàng Sa) và “Nam Sa quần đảo” (tức quần đảo Trường Sa), kéo dài cho tới sát đảo lớn Kalimantan của Inđônêxia, là thuộc chủ quyền Trung Quốc. Phải chăng nhà cầm quyền Trung Quốc sợ lộ thông tin đó ra bên ngoài, nhất là với Việt Nam, nên đã chỉ đạo để các nhân viên bán hàng kiên quyết không bán tấm bản đồ loại này cho người Việt Nam (và có thể là với người nước ngoài nói chung)? Còn với tôi, như vậy là đã có thêm một cứ liệu để khẳng định, chí ít là cho tới tháng 3.2004, Trung Quốc vẫn chưa dám khẳng định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của họ.
 
Từ lâu tôi đã định công bố thông tin này trên các phương tiện truyền thông đại chúng, song vì đã hứa với người lái xe điện mua giùm tấm bản đồ, phần vì mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang hết sức nỗ lực vun đắp lâu nay theo tinh thân “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, nên cứ lưỡng lự, mấy lần cầm bút định viết, rồi lại thôi. Nay nhân việc nhà cầm quyền Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, trực tiếp là Công ước về biển của Liên Hiệp Quốc 1982 mà họ là một nước tham gia, ngang ngược đặt dàn khoan HD 981 nằm sâu vùng thềm lục địa của nước ta, xâm phạm đến chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, bội ước lại những điều họ đã cam kết gần đây với cộng đồng các nước ASEAN, xin lỗi vì đã thất hứa với người lái xe điện năm xưa, tôi phải lên tiếng.
 
Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh. Một quốc gia dù lớn tới đâu, tiềm lực kinh tế, quân sự có hùng mạnh đến mấy, cũng tuyệt đối không có quyền xâm phạm tới chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của một nước khác. Bài học về sự ngông cuồng muốn thống trị thế giới bằng vũ lực của phát xít Đức năm nào vẫn còn đó cho tất cả những kẻ ôm mộng bá quyền. Chiến thắng bao giờ cũng thuộc về những người chính nghĩa.                    
 
Cao Thế Trình