Cảm nhận từ Australia

03:06, 04/06/2014

Australia nằm phía Nam đường xích đạo, cách thành phố Hồ Chí Minh 8 giờ bay. Đất nước này được coi là nơi "đất rộng, người thưa". Diện tích 7,6 triệu km2, nhưng chưa đầy 20 triệu dân sinh sống. Quốc đảo Australia đa sắc tộc, người nhập cư đông đảo; riêng cộng đồng người Việt hơn 200 ngàn người.

Australia nằm phía Nam đường xích đạo, cách thành phố Hồ Chí Minh 8 giờ bay. Đất nước này được coi là nơi "đất rộng, người thưa". Diện tích 7,6 triệu km2, nhưng chưa đầy 20 triệu dân sinh sống. Quốc đảo Australia đa sắc tộc, người nhập cư đông đảo; riêng cộng đồng người Việt hơn 200 ngàn người.
 
 
Australia là cường quốc du lịch, cường quốc thể thao, quê hương của môn thể thao đua chó, đua ngựa. Công nghiệp, nông nghiệp - đặc biệt là kinh tế trang trại, chăn nuôi gia súc. Dọc quốc lộ xuyên Australia từ Bắc xuống Nam, trên các thảo nguyên, hàng triệu con bò sữa ung dung gặm cỏ. Đàn cừu hơn 2 triệu con đem lại cho Australia nguồn lợi lớn từ nguồn lợi xuất khẩu.
 
Hơn 200 ngàn bà con kiều bào từ Australia, nhiều người là trí thức, nghị sĩ, chính khách tên tuổi đã đóng góp đáng kể trong công cuộc đầu tư, góp sức xây dựng quê hương đất nước.
 
Vịnh biển Sydney
 
Từ Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thành phố Hồ Chí Minh sau 8 giờ bay, chiếc máy bay mang số hiệu VN780 của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam từ từ hạ độ cao đáp xuống Sân bay quốc tế Sydney - thành phố cảng nằm ở Đông Nam Australia. Nữ tiếp viên hàng không thông báo: "Australia là một quốc gia nằm tách biệt giữa đại dương nam bán cầu. Quy định bảo vệ môi trường tuyệt đối nghiêm ngặt. Thành thật xin lỗi quý khách, sau đây chúng tôi sẽ phun thuốc diệt khuẩn trong khoang máy bay, trên hành lý và quần áo của quý khách. Thuốc diệt khuẩn đã được Tổ chức Y tế Thế giới kiểm nghiệm, không độc hại đối với con người. Tuy vậy, để an toàn tuyệt đối khi chúng tôi phun thuốc, đề nghị quý khách không mở mắt trong một phút!
 
Tôi đã từng bay trên nhiều chuyến bay quốc tế đến một số quốc gia châu Âu, châu Á, châu Mỹ nhưng chưa một lần nào chứng kiến cảnh phun thuốc diệt khuẩn trước khi máy bay hạ cánh. Tôi ghi lại điều này như một ấn tượng mạnh khi đến thăm đất nước luôn luôn đặt lên hàng đầu vấn đề vệ sinh môi trường. Quả đúng như vậy. Khi làm thủ tục nhập cảnh vào Sydney, tôi quan sát kỹ và thấy việc kiểm tra các vật phẩm mang vào thành phố được tiến hành rất chặt chẽ. Một túi trái cây, mấy cành hoa phong lan đẹp mang từ nước ngoài vào hoặc mấy gói thực phẩm khô... dù có được ai bảo lãnh cũng đều phải bỏ vào khu riêng để lập biên bản thiêu hủy, đề phòng sự xâm nhập các loại vi khuẩn gây bệnh.
 
Australia là một hòn đảo lớn, một phần nằm trong Ấn Độ Dương, một phần nằm trong Thái Bình Dương, mà người Việt Nam quen gọi là nước Úc, cùng với New Zealand và hàng chục đảo, quần đảo lớn nhỏ bao quanh, lập thành Châu Đại Dương - trong đó Australia được coi là cái rốn của cả khu vực tiếp giáp giữa châu Á - Thái Bình Dương với lục địa Nam Cực. Vùng đất này được các nhà hàng hải người Hà Lan phát hiện từ đầu thế kỷ 17. Năm 1770, Giêm Cúc, với tư cách là đại diện cho nước Anh, đã đến Australia. Mười tám năm sau, ngày 26/1/1788, viên thuyền trưởng Arthur Phillip đưa 750 người từ Anh đày sang đây, mở đầu cho thời kỳ di cư và cai trị của người Anh ở lục địa này. Phía Bắc Australia là một vùng lãnh thổ rộng lớn có sa mạc, dân cư thưa thớt, giàu tài nguyên, khoáng sản nhưng chỉ mới khai thác một phần. Bay từ phía Bắc Australia đến Sydney mất 4 giờ bay, gần gấp 3 đường bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Ngồi từ trên máy bay nhìn xuống vùng lãnh thổ phía Bắc, du khách dễ dàng nhận thấy phần núi đá, đồi trọc, bãi cát. Hầu hết các thành phố lớn, đô thị trung tâm dịch vụ, thương mại, các khu du lịch, hải cảng sầm uất... đều tập trung ở phía Nam. Nhìn tổng thể, Australia là đất nước có nền công nghiệp phát triển, đặc biệt là ngành luyện kim, cơ khí, dầu mỏ, khí đốt, sản xuất ô tô, công nghiệp hóa chất, điện tử, than đá... Nông nghiệp Australia phát triển ở trình độ tập trung, chuyên môn hóa cao, cả lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt. Thịt bò, thịt cừu ngon nổi tiếng, xuất khẩu với số lượng lớn tới hơn 70 nước trên thế giới. Cây trái và các loại rau xanh bạt ngàn, đủ các chủng loại nhiệt đới và hàn đới. Năm 1998, đất nước này có tổng sản phẩm quốc dân hơn 400 tỷ USD, mỗi đầu người đạt xấp xỉ 19.400 USD, đứng vào hàng các quốc gia có mức thu nhập cao của thế giới. Năm 2012, trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới, con số này không những không chững lại mà còn tăng gần gấp rưỡi. Australia buôn bán với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi năm xuất khẩu hơn 300 triệu tấn hàng hóa.
 
Trở lại Sydney, thành phố đầu tiên của Australia mà tôi đặt chân đến. Sydney là thành phố cảng, thành phố biển du lịch, trung tâm thương mại sầm uất. Tháng 6, gió lạnh từ hướng biển Nam Cực thổi về, nhiệt độ trong ngày từ 10 đến 14°C. Tuy vậy, dòng người du lịch từ các lục địa vẫn đổ về Syd¬ney. Sydney, thủ phủ bang New South Wales là thành phố lớn nhất Australia, thành lập năm 1842 với 3,7 triệu dân, trong tổng số hơn 6 triệu dân toàn tiểu bang.
 
Tôi cùng hòa vào dòng du khách thăm một số địa danh tiêu biểu của thành phố. Điểm khởi hành đầu tiên là đi du thuyền và ăn tối, nhấm nháp rượu nho Australia nổi tiếng trên vịnh Sydney. Thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố cảng này một vịnh ăn sâu vào đất liền, chạy dài 10km. Trên mặt vịnh, thỉnh thoảng lại nổi lên một vài đảo nhỏ mà trên đó cũng là điểm du lịch dã ngoại lý tưởng của các nam thanh nữ tú. Hai bên vịnh là những tòa nhà cao tầng, khách sạn, khu siêu thị, những rừng cây xanh tốt. Cầu Sydney làm bằng sắt bắc qua vịnh, xây từ thế kỷ trước, quan sát từ xa có nhiều nét hao hao giống cầu Long Biên của Hà Nội. Trên mặt cầu 2 làn đường xe lửa xuôi ngược. Phía dưới chân cầu là hai tuyến đường ngầm xuyên biển với bốn làn xe hơi - vận tốc xe lưu hành dưới xa lộ ngầm từ 100-120km/giờ. Bên bờ vịnh Sydney, gần nửa thế kỷ trước chính quyền thành phố đã cho khởi công xây dựng khu nhà hát OPERA - nổi tiếng thế giới. Nhà hát xây dựng trong 15 năm, khởi công xây dựng năm 1958, khánh thành năm 1973, chi phí xây dựng hơn 95 triệu USD, có sức chứa 2.700 chỗ ngồi. Đây là kiệt tác, biểu tượng của đất nước Australia xinh đẹp. Nhà hát có diện tích 1,8ha, dài 183m, rộng 120m, gồm 580 cột bê tông đóng sâu 25m dưới mực nước biển. Hình thức kiến trúc như những cánh buồm căng trong gió, như những chú thiên nga diễm lệ trên bầu trời cao trong xanh. Nhà hát Opera Sydney do kiến trúc sư Jorn Utzon tài năng thiết kế, xứng danh là một kiệt tác kiến trúc đầy tính nghệ thuật. Với kiến trúc độc đáo, nhà hát có 3 lớp lồng vào nhau như những chiếc vỏ sò. Những cánh buồn tạo thành không gian nhà hát được trang trí bởi một loại gạch sứ đặc biệt, không cần làm sạch và luôn phát sáng lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời. Lớp vỏ bên ngoài nóc của nhà hát nặng 161.000 tấn. Điều ấy gây ấn tượng mạnh của nhà hát là không gian nội thất với các mái vòm theo kiểu kiến trúc Gothic sang trọng, tráng lệ; sân khấu hoành tráng với màn hình cửa sổ lớn nhất thế giới và màn che sân khấu bằng lông cừu, cần tới 6 người mới kéo lên được. Nhà hát Opera Sydney đã được công nhận là di sản thế giới năm 2007.
 
Trong các chương trình ca nhạc quốc tế nổi tiếng hoặc trong một số bộ phim của Australia thường xuất hiện trên truyền hình Việt Nam, khán giả màn ảnh nhỏ vẫn thường thấy khu nhà hát Sydney, với kiểu dáng rất đặc sắc giống như nhiều con sò khổng lồ chụp lên nhau. Phía dưới khu nhà hát là các tầng ngầm đỗ xe hơi, khu ăn uống, bán hàng lưu niệm.
 
Hướng dẫn chúng tôi du thuyền trên vịnh Sydney chiều tối hôm đó, ông Allan C Hill, Phó Giám đốc điều hành Công ty Howard Smith và ông Paul E Broan, phụ trách tiếp thị, cởi mở và thân tình giới thiệu hoạt động du lịch ở Sydney và Australia. Trải rộng tấm bản đồ trên bàn du thuyền, hai ông giới thiệu với chúng tôi hoạt động du lịch ở Sydney và cho biết: Du lịch ở quốc đảo này là động lực của nền kinh tế đất nước, được tổ chức và quy hoạch liên hoàn, khép kín. Thu nhập từ du lịch của Australia hằng năm đạt hơn 10 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 400 ngàn lao động. Du lịch Australia có lợi thế tạo ra nhiều việc làm nhất so với các ngành kinh tế khác. Trong 10 năm tới sẽ có khoảng 10 triệu lượt du khách nước ngoài đến quốc đảo, dự kiến thu về cho đất nước 33 tỷ USD từ ngành du lịch.
 
Để thu hút khách, Australia coi trọng xây dựng, giữ gìn môi trường du lịch, kết hợp nhuần nhuyễn du lịch với văn hóa, du lịch với thể thao. Sự kiện lớn trong các hoạt động du lịch năm 2000 là Đại hội Thể thao thế giới Sydney. Thế vận hội Sydney 2000 có 2 triệu người nước ngoài đến du ngoạn Australia, đem lại cho các ngành kinh doanh liên quan nguồn thu nhập khổng lồ 4 tỷ USD.
 
Ông Allan Hill đã nhiều lần đến Việt Nam trình bày dự án đầu tư du lịch tàu kéo, dịch vụ du lịch biển, đặc biệt là du lịch du thuyền trên biển Vũng Tàu - Côn Đảo và ngược lại, du thuyền trên vịnh Hạ Long, ông nhận xét một cách tinh tường:
 
- Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh rất đẹp và nên thơ. Thành phố Vũng Tàu ở cách thành phố Hồ Chí Minh không xa, có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch - dịch vụ du thuyền. Từ Vũng Tàu du khách lên tàu du lịch đi du ngoạn Long Hải, ghé qua đảo Long Sơn, ngược qua vịnh Gành Rái, sông Thị Vải, Lòng Tàu. Và thật tuyệt vời nếu tuyến du lịch này nối liền với Côn Đảo, vịnh Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Hải Phòng, Quảng Ninh... Rõ ràng Việt Nam có thế mạnh phát triển du thuyền, tuyệt lắm!
 
Ông Allan Hill nêu vấn đề:
 
- Tôi đang có dự định đầu tư cho tuyến du lịch Vũng Tàu đi Côn Đảo. Một vài năm trước mắt, chỉ cần từ 3 đến 4 đôi tàu khách du lịch chạy nhanh, tiện nghi khá, phục vụ tốt, chắc chắn sẽ thu hút nhiều khách...
 
Câu chuyện tâm huyết về những dự án đầu tư cho du lịch ở Việt Nam của người bạn Australia có sức lôi cuốn đối với chúng tôi. Tất cả chỉ mới là ước muốn và dự định. Hy vọng những ước muốn và dự định ấy, một ngày không xa sẽ trở thành hiện thực, cùng với sự phát triển chung của nhiều ngành kinh tế khác.
 
(CÒN NỮA)
 
PHẠM QUỐC TOÀN