Cảm nhận từ Australia (tiếp theo và hết)

09:06, 12/06/2014

Một trong những ấn tượng sâu sắc khi đến Australia là tính nghiêm ngặt, chặt chẽ trong quản lý đô thị - bắt đầu từ quy hoạch và thực hiện quy hoạch, trong xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, khu dân cư, môi trường, cây xanh, tổ chức và phân công các mô hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quản lý con người...

[links()] Quản lý đô thị
 
Một trong những ấn tượng sâu sắc khi đến Australia là tính nghiêm ngặt, chặt chẽ trong quản lý đô thị - bắt đầu từ quy hoạch và thực hiện quy hoạch, trong xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, khu dân cư, môi trường, cây xanh, tổ chức và phân công các mô hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quản lý con người. Nếu Sydney là thành phố cảng biển, trung tâm buôn bán, thương mại, du lịch, thì thủ đô Camberra có ý nghĩa như một trung tâm hành chính thuần túy, thành phố của các cơ quan quản lý nhà nước, thành phố của công chức; còn Melbourne là thành phố văn hóa, đô thị của các công trình di tích lịch sử, văn hóa, cái nôi của các trường đại học lớn.
 
Tác giả (bên phải) du thuyền trên vịnh
Tác giả (bên phải) du thuyền trên vịnh
 
Vừa đặt chân đến thủ đô Camberra, tôi đến ngay trung tâm trưng bày triển lãm giới thiệu quá trình ra đời, phát triển của thủ đô hành chính toàn liên bang. Bằng các mô hình, tranh vẽ, ảnh tư liệu lịch sử, phòng chiếu phim, toàn bộ quá khứ, hiện tại và cả tương lai của Camberra tái hiện một cách sinh động, có sức lôi cuốn kỳ lạ. Đầu thế kỷ 20, Camberra chỉ là một thung lũng hoang vắng, cánh rừng hoang thưa thớt, đồng cỏ cháy khô. Sau nhiều năm tháng khảo sát thực địa, tổ chức thi thiết kế, ngày 1/1/1911, trong tổng số 137 đồ án dự thi chính quyền Liên bang đã chọn bản thiết kế - đồ án của kiến trúc sư Walter Burby Griltin, xây dựng thung lũng này thành thủ đô hành chính của Australia ngày nay.
 
Walter Burby Griltin đã thiết kế xây dựng thủ đô Camberra, theo đó trục chính của trung tâm thành phố là con sông Đào, một loạt hồ nước lớn, tạo dáng đứng của một tam giác khổng lồ hình thành từ các đại lộ bao quanh các công sở hành chính quan trọng nhất. Những tòa nhà này được xây theo thứ tự cao dần từ bờ sông và hồ. Đồi Thủ Đô (Capital Hill) cùng nhà Quốc hội Liên bang là tiêu điểm của một công trình kiến trúc đặc sắc, dựa trên sự kết nối các yếu tố địa hình, yếu tố hình học, biểu tượng thứ bậc, trung tâm nối với trung tâm. Hệ thống các khối không gian mở được liên kết bởi các cánh rừng bao quanh, những đường phố rợp bóng cây, hành lang bảo vệ dọc hai bên bờ con sông Đào, công viên quốc gia Namadgi. Thành công đáng kể nhất của quá trình đô thị hóa Camberra chính là việc tìm chỗ đứng hợp lý, hài hòa, đẹp mắt với sự hòa quyện tuyệt vời với thiên nhiên, môi trường sinh thái, trong bức thảm xanh khổng lồ của vườn hoa, cây xanh.
 
Hơn 100 năm nay, việc tổ chức thi công xây dựng thủ đô hành chính Camberra vẫn luôn tuân thủ bản thiết kế - đồ án của Walter Burby Griltin. Công trình sư Thomas Wiston và các đồ đệ của Walter Burby Griltin vẫn trung thành với bản vẽ tuyệt hảo của vị kiến trúc sư tiền bối tài năng. Mọi đường đi nước bước, khi đã được hoạch định, xin cứ thế mà làm, khác với lối xây dựng không theo quy hoạch, mỗi thời một ý kiểu “Tân quan tân chính sách" như một số địa phương ở Việt Nam.
 
Không chỉ trong lĩnh vực xây dựng mà cả trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, tính quy hoạch cũng được tuân thủ nghiêm ngặt, chặt chẽ. Là một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, nhưng vùng nào thức ấy. Hầu hết lúa mì, nho, rau, quả... được trồng trọt tập trung tại các tiểu bang phía Bắc. Các bạn Việt kiều tổ chức cho tôi đi xe hơi trên tuyến đường cao tốc dài 700km từ thủ đô Camberra đến thành phố Melboume. Suốt một dải đất rộng bao la, chạy dài hai bên xa lộ xuyên Australia, ngút ngàn tầm mắt là những đồng cỏ xanh, xen lẫn các cánh rừng cây khuynh diệp, nơi lập trang trại nuôi bò, cừu. Người bạn đồng hành Australia, một chủ trang trại ở ngoại ô Camberra vui nhộn, hài hước: “ôi các bạn, từ Camberra đến Melboume, trên là ông trời, dưới là ông bò, ông cừu, rồi đến cánh ta”.
 
Du lịch - văn hóa và thể thao
 
Ở Australia, sự kết hợp giữa du lịch với thể thao, du lịch với văn hóa khá chặt chẽ, quyện chặt vào nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Sự kiện thể thao lớn nhất, một cột mốc thu hút sự chú ý của dư luận và sự quan tâm của hàng triệu du khách thế giới về Thế vận Olympic năm 2000 tại thành phố Sydney.
 
Một ngày sau khi đến Sydney, tôi đến thăm khu du lịch bên ngoài “Làng thế vận hội”. Vinh dự đăng cai thế vận hội năm 2000, chính quyền thành phố, một mặt cho tu sửa và nâng cấp các cơ sở thi đấu cũ, mặt khác cho xây dựng thêm một trung tâm thể thao mới tầm cỡ quốc tế ở khu Homebush, nằm ở phía Tây Sydney. Trên những khu đất hoang, bãi rác, sình lầy ở vịnh Homebush, công trình xây dựng sân vận động Olympic, hệ thống sân bãi, khu thi đấu thể thao hiện đại được thi công xây dựng với tốc độ chóng mặt. Trung tâm bơi lội tầm cỡ thế giới, đường chạy, khu thi đấu điền kinh, võ thuật... bài bản, chuyên nghiệp đâu ra đó. Trung tâm báo chí Olympic được trang bị các thiết bị truyền thông hiện đại, hoàn toàn tự động hóa. Chiều Chủ nhật ngày 13 tháng 6 năm 1999, sân vận động Olympic Sydney được khánh thành, đưa vào sử dụng. Trận đấu giao hữu bóng đá tối 13 tháng 6 được coi là trận đấu khánh thành sân vận động lớn này. Đội tuyển Australia đã hạ gục một đội bóng nhà nghề của nước Anh với tỷ số 3-2. Sự kiện ấy trở thành ngày hội bóng đá, ngày hội thể thao của Australia.
 
Qua nhiều đợt thi đấu quốc tế, Australia luôn chứng tỏ là một cường quốc thể thao. Họ thuộc tốp đầu, trong số các quốc gia đoạt nhiều huy chương vàng, huy chương bạc. Ở Australia có hai môn thể thao có sức hấp dẫn, lôi cuốn du khách, đó là môn thể thao đua ngựa và đua chó Greyhound. Đua chó được coi là một ngành công nghiệp thể thao của quốc đảo. Gần 20 năm nay, môn thể thao đua chó đã được du nhập vào Việt Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa chỉ quen thuộc tổ chức các cuộc đua chó thể thao trên sân vận động Lam Sơn. Môn thể thao đua chó thịnh hành hàng trăm năm nay ở châu Âu, Bắc Mỹ. Từ đầu thế kỷ 11, Hoàng đế nước Anh phê chuẩn một luật chơi, theo đó chỉ có giới quý tộc mới được nuôi giống chó Greyhound. Sau này, Nữ hoàng Vichtoria và Hoàng tử Albert hâm mộ loài chó Greyhound, khuyến khích dân chúng nuôi nhiều chó Greyhound làm bạn thân thiết trong nhà, sử dụng chó đi săn bắn, tổ chức nhiều cuộc đua chó tiêu khiển. Greyhound là loài chó thích chạy và có bản năng ganh đua. Vào cuộc chỉ cần một con chó giả làm mồi đua trước (điều khiển bằng điện) là cả đoàn chó Greyhound lao ra rượt theo con mồi, gắng sức chộp cho bằng được con mồi giả.
 
Nuôi lớn 1,5 tuổi, chó Greyhound bắt đầu đua đến 4-5 tuổi. Giống chó Greyhound hiếu động, sạch sẽ, ít rụng lông, hàng ngày thích chạy nhảy ra ngoài 4-5 lần, mỗi ngày ăn 1kg thịt. Australia vốn là lãnh địa của Anh trong một thời gian dài, nên giống chó Greyhound được du nhập sớm vào quốc đảo cả trăm năm nay. Thoạt đầu chó Greyhound được sử dụng diệt trừ các chú thỏ rừng phá hoại mùa màng, bước khởi đầu của ngành công nghiệp đua chó Greyhound sau này. Tùy theo loại, mỗi con chó Greyhound bán từ 1 ngàn đến 5 ngàn USD, chó đực dùng để lai tạo giống, mỗi con bán giá từ 20 ngàn đến 30 ngàn USD. Tại Australia hiện có 88 trường đua chó, phát triển đều khắp các tiểu bang, với khoảng 3 ngàn trại huấn luyện chó thu hút 15 ngàn người làm nghề nuôi chó, trong đó có trên dưới 500 người được coi là những nhà huấn luyện chó cừ khôi. Hiệu quả thu được từ ngành công nghiệp đua chó khá cao, bình quân đạt 1 tỷ USD, kể cả các hoạt động dịch vụ phục vụ đua chó. Để phát triển ngành thể thao đua chó, luật pháp liên bang và các tiểu bang, ban hành nhiều luật lệ, quản lý nghiêm ngặt chế độ thú y, tiêm chủng, thể thức nuôi chó, tổ chức các cuộc đua.
 
Liên quan đến thú y, ở Australia có hơn 20 bệnh viện chuyên nghiên cứu, chữa bệnh chăm lo sức khỏe chó và các động vật nuôi khác. Trang thiết bị các bệnh viện này hiện đại, tiên tiến. Chúng tôi đến thăm bệnh viện thú y Belmont Veterinary cách trung tâm thành phố Sydney hơn l00km; các bác sĩ thú y ở đây được đào tạo bài bản, dày dạn kinh nghiệm. Tại đây có hệ thống thiết bị hiện đại xét nghiệm máu chó và các động vật nuôi, có hệ thống thu giữ và bảo quản dài ngày tinh trùng chó Greyhound phục vụ cho việc lai tạo giống.
 
Melboune và cộng đồng người Việt
 
Từ thủ đô Camberra, theo đường đi tiếp chặng đường 700km đến Melboune, một thành phố lớn, được mệnh danh là thủ đô văn hóa, nằm ở phía Nam Australia. Melboune cũng là thành phố cảng, thủ phủ bang Victoria, dân số hơn 3 triệu người. Trên đường vào thành phố là những tấm panô lớn ấn tượng: “Bạn sẽ yêu từng tấc đất Victoria”. Melboune nằm hai bên bờ sông Yara thơ mộng, quyến rũ với nhiều danh thắng, các lễ hội, sự kiện văn hóa dân tộc - thể thao. Thành phố có nhiều con đường với độ dốc thoai thoải, nhiều biệt thự kiểu nhà vườn, đầy màu xanh của cây cối. Trung tâm thành phố có nhiều trường đại học nổi tiếng, thu hút hàng vạn sinh viên trong và ngoài nước. Vườn sinh học Hoàng gia, sân bóng chày, Trung tâm quần vợt quốc gia, vườn Mặt Trăng (Lua Park), vườn “Tao Đàn" rộng lớn, phố cổ Colus... lúc nào cũng đông du khách.
 
Trong số hơn 3 triệu dân Melboune, có 1/4 là dân nhập cư từ 140 nước trên thế giới. Tại Melboune có nhiều dãy phố người Việt; với hơn 60 ngàn bà con Việt kiều sinh sống, chiếm 1/3 tổng số Việt kiều sinh sống ở Australia. Australia là nước có đông người Việt nhập cư, chỉ đứng sau Mỹ. Cộng đồng người Việt ở Australia khá đông, nên một số danh thắng tiếng Việt được dịch thuật cùng tiếng Anh, tiểng Hoa, tiếng Pháp trên các ấn phẩm du lịch. Nhiều người Việt bắt nhịp nhanh với cuộc sống hải ngoại, thông minh, học giỏi, sớm thành đạt, trở thành doanh nhân, nhà khoa học, chính khách. Đi trên các đường chính, người ta bắt gặp nhiều nhà hàng, cửa hiệu mang biển hiệu tiếng Việt, xen lẫn với cửa hàng, văn phòng tiếng Anh, tiếng Hoa. Phở Hòa Paster, phở Thìn, phở Hà Nội, Restaurant Phú Quốc, Kim Nam, Vân Mai, lẩu mắm Biên Hòa, hủ tiếu Mỹ Tho, bún bò Huế, chả giò Long Xuyên, tiệm cơm Nam - Trung - Bắc, văn phòng luật sư, kiến trúc sư người Việt... Để tìm một tô phở Hà Nội, tô hủ tiếu Sài Gòn ở Melboune chẳng mấy khó khăn. Gia vị cùng phở còn có đủ loại rau thơm như húng quế, canh giới, tía tô, diếp ngò, rau giá đậu xanh, tương ớt. Sau khi thưởng thức phở nếu khách cần nhâm nhi ly trà Lâm Đồng, trà Thái Nguyên chủ tiệm sẵn sàng đáp ứng. Thế mới biết các loại đồ ăn thức uống Việt Nam trên đất Australia do bà con Việt kiều sắm sửa chẳng thiếu thứ gì.
 
Một tuần ở thăm Australia, chỉ một lần duy nhất tôi ăn bữa tối bằng món ăn Tây trên du thuyền đi vịnh Sydney; các bữa còn lại, đều xài các món ăn Việt, khẩu vị Việt, do chính người Việt định cư ở Australia nấu. Nhiều gia vị như hạt tiêu sọ Bảo Lộc, Gia Lai, nước mắm Phú Quốc, Phan Thiết, mắm, ruốc Vũng Tàu... có đủ. Canh chua cá, lẩu mắm, cá kho tộ, cơm chiên Dương Châu, cơm gạo Tám chẳng thua kém gì mấy nhà hàng ở Hà Nội, Sài Gòn. Nhiều ông tây, bà đầm cũng rất mê các món ăn Việt, nhào vô ăn mệt nghỉ.
 
Anh Hồ Đắc Tú, nhà ở 23/382 đường Toorak, South Yarra 3141, sinh tại Huế, nhận bằng tiến sĩ ngôn ngữ học tại Trường Đại học tổng hợp Melboune, hướng dẫn chúng tôi đi du ngoạn các thắng cảnh Melboune. Giọng Huế nhỏ nhẹ:
 
- Đại bộ phận người Việt ở Australia, ở Melboune đều có tình cảm tốt với quê hương, có quan hệ gắn bó với Tổ quốc, chỉ trừ một số ít có thái độ không thiện chí hoặc quá khích. Trước năm 1975 và những năm sau này, người Việt đến Australia đông dần. Lúc mới đến, họ còn mặc cảm, phiền muộn, càng về sau càng hòa nhập tốt, hướng về quê nhà, gắn với đất Mẹ nhiều hơn. Một số báo tiếng Việt của nhóm quá khích viết bài, đưa tin xuyên tạc, bóp méo sự thật, nhưng đã bị chính bà con trong cộng đồng phê phán.
 
Anh Nguyễn Ngọc Mỹ, một Việt kiều thành đạt quê gốc xã Hà Linh, Hương Khê, Hà Tĩnh là người bạn đã thiết kế, tổ chức cho tôi chuyến đi thú vị này. Anh đến Australia khi tiếng Anh chưa thạo, nghề nghiệp bằng không. Vậy mà chưa tròn ba chục năm vừa học, vừa làm lụng mưu sinh, để nay anh đã là một đại gia cùng bè bạn đưa vốn về Việt Nam, đầu tư nhiều công trình kinh tế, văn hóa, xã hội có ý nghĩa.
 
Đến Australia mà như ở quê nhà vậy. Gặp bạn bè thân quen lâu ngày gặp lại, hoặc chỉ mới lần đầu, tình cảm càng sâu đậm.
 
Tạm biệt Australia mà nhớ xứ sở này đến nao lòng...
 
PHẠM QUỐC TOÀN