Nhớ lại lễ tang Bác ở nước ngoài

09:08, 21/08/2014

Năm 1969, ngày Bác Hồ mất, chúng tôi đang là những sinh viên, nghiên cứu sinh và thực tập sinh VN tại nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Từ ngày ấy đến nay đã hơn 40 năm trôi qua, giờ nhớ lại giây phút ấy tôi vẫn thấy bồi hồi xúc động.

Năm 1969, ngày Bác Hồ mất, chúng tôi đang là những sinh viên, nghiên cứu sinh và thực tập sinh VN tại nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Từ ngày ấy đến nay đã hơn 40 năm trôi qua, giờ nhớ lại giây phút ấy tôi vẫn thấy bồi hồi xúc động.
 
Lễ truy điệu Bác tại thành phố Saalfeld, Cộng hòa Dân chủ Đức (1969)
Lễ truy điệu Bác tại thành phố Saalfeld, Cộng hòa Dân chủ Đức (1969)
 
Sáng sớm ngày 3/9 năm 1969, tôi đến câu lạc bộ dành cho học sinh, sinh viên Việt Nam tại ký túc xá, tôi vô cùng sửng sốt, choáng váng trước dòng chữ ai đó ghi trên bảng đen: Bác Hồ đã mất vào sáng hôm qua (2/9). Quá đột ngột và trong tâm thức tôi không tin đó là sự thật. Tôi vội vàng đi tìm cô cậu nào đã viết dòng tin ấy.
 
Vừa bước ra khỏi câu lạc bộ, tôi gặp ngay anh Nguyễn Đình Khởi, phó đoàn, tôi hỏi ngay:
 
- Anh có biết đồng chí nào viết tin Bác Hồ đã mất trên bảng kia không?
 
- Tôi đã viết tin ấy đấy! Tối qua tôi nghe đài BBC...
 
Tôi quát:
 
- BBC! BBC! Cái gì? Anh có biết đây là vấn đề hệ trọng của quốc gia, của Đảng và của Nhà nước ta không? Không thể tùy tiện “công bố” khi chưa có thông báo gì từ Tòa Đại sứ, anh hiểu không? Anh vào xóa ngay dòng tin ấy đi. Anh phải chịu trách nhiệm về việc này.
 
Trao đổi với anh Khởi xong, tôi rất băn khoăn, phải chăng đó là sự thật? Tôi quyết định gọi điện thoại cho Tòa Đại sứ tại Bá Linh. Từ đầu dây bên kia, tôi nghe giọng nói nghẹn ngào của đồng chí Đại sứ Nguyễn Việt Dũng.
 
- Đúng! Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã mất. Hiện giờ Sứ quán đang rất bận, không thể chỉ đạo cụ thể, đồng chí hãy mở Đài Tiếng nói Việt Nam phát trực tiếp từ Hà Nội, cứ theo hướng dẫn của đài Hà Nội mà tổ chức tang lễ truy điệu Bác trong điều kiện có thể.
 
Được chỉ thị của đồng chí đại sứ, tôi họp lãnh đạo đoàn để chuẩn bị làm tang lễ truy điệu Bác. Nhưng trước hết phải có vải đỏ, vải đen để may Quốc kỳ và băng tang. Tôi liên hệ với bạn và được bạn đáp ứng đầy đủ.
 
Tôi phân công các nữ sinh gấp rút may cờ và băng tang, hoa và các thứ cần thiết, các bạn nam lo bàn ghế và trang trí.
 
Mọi việc xong xuôi, đúng ngày 4/9 năm ấy, Lễ truy điệu Bác được cử hành trọng thể tại câu lạc bộ ký túc xá. Chúng tôi để tang Bác đúng bảy ngày và cắt cử trực ban bàn thờ Bác 24/24 giờ theo đúng nghi thức. Kể tờ ngày ấy toàn thể sinh viên, học sinh trong Đoàn đều mặc quần áo màu đen, cấm vui chơi, ca nhạc, nhảy múa.
 
Về phía bạn đến viếng Bác có: Đoàn đại biểu Hội đồng thành phố Saalfeld, Đoàn Thanh niên Tự do Đức, Đoàn Thiếu niên Ernst Thalmann, Đoàn đại biểu trường học, Đoàn đại biểu hãng Carl - Zeiss... nơi anh em đến thực tập, các đoàn đều thể hiện sự đau buồn sâu sắc trước tổn thất to lớn của nhân dân ta. Đặc biệt có một bà mẹ người Tiệp lấy chồng người Đức, nguyên là sĩ quan của Đức Quốc Xã, lúc đó, mẹ đang phục vụ tại ký túc xá cho đoàn học sinh, sinh viên Việt Nam. Chiều 4/9, mẹ đến gặp tôi, mẹ vừa nói vừa khóc, nước mắt chảy thành dòng xuống hai gò má già nua vì tuổi tác, mẹ nói:
 
- Hồ Chí Minh là lãnh tụ của nhân dân Việt Nam cũng là lãnh tụ của nhân dân Đức và là lãnh tụ của giai cấp cần lao trên thế giới. Nhưng tại sao chúng nó (Chỉ phía lãnh đạo người Đức tại ký túc xá) không cho mẹ vào viếng Bác Hồ? Sao chúng nó lại có sự phân biệt đối xử như thế?
 
Tôi an ủi và hứa sẽ thu xếp để mẹ được vào viếng Bác. Hôm sau, mẹ đến rất sớm, tay ôm bó hoa tươi và bản điếu văn in rất trang trọng. Mẹ đặt hoa lên bàn thờ, mặc niệm trước di ảnh Bác và đọc điếu văn. Sau đó, tôi tiếp mẹ ở phòng khách. Mẹ lấy khăn tay thấm nước mắt, mẹ nói:
 
- Mẹ đã đọc nhiều di chúc của nhiều lãnh tụ trên thế giới, nhưng không có di chúc nào hay như di chúc của Bác Hồ, mẹ cứ nhắc đi, nhắc lại: Thật là một con người vĩ đại! Một con người vĩ đại!
 
Tôi đưa mẹ ra xe, mẹ nói nghẹn ngào: Lần nữa mẹ chia buồn cùng các con!
 
Sau lễ tang Bác, sinh viên nghiên cứu sinh Á - Phi hễ gặp người Việt Nam chúng tôi đều đứng nghiêm đưa tay lên hô: Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!... ba lần để tỏ lòng tôn kính và khâm phục cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân ta.
 
Hơn 40 năm trôi qua, tôi vẫn giữ mãi ấn tượng về lễ truy điệu Bác được tổ chức ở Đoàn học sinh, nghiên cứu sinh chúng tôi tại Cộng hòa Dân chủ Đức.
 
Bản dịch Điếu văn của Hội đồng thành phố Saalfeld
 
HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ SAALFELD
 
Saalfeld, 5/9/1969
 
Các đồng chí kính mến!
 
Nhân dân lao động thành phố Saalfeld chúng tôi lấy làm đau buồn khi nhận được tin về cái chết của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
 
Với danh nghĩa Hội đồng thành phố và thay mặt cho toàn thể nhân dân thành phố, chúng tôi xin chia buồn thống thiết nhất về sự ra đi của đồng chí Hồ Chí Minh - Chủ tịch Đảng và Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
 
Nhân dân lao động thành phố chúng tôi vô cùng đau đớn trước tổn thất lớn lao này của nhân dân Việt Nam về cái chết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Với chúng tôi, trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương vĩ đại trong cuộc đấu tranh không mệt mỏi và sáng suốt chống lại chủ nghĩa đế quốc áp bức vì tự do độc lập cho nhân dân mình.
 
Chúng tôi tôn vinh Hồ Chí Minh là người anh hùng cách mạng vĩ đại và cũng là người anh hùng trong phong trào cộng sản trên toàn thế giới của thế kỷ 20.
 
Chúng tôi xin đảm bảo rằng chúng tôi sẽ tăng cường và luôn luôn sát cánh bên cạnh các đồng chí.
 
Chủ tịch Hội đồng thành phố 
 
TRIEBEL
 

 

NGUYỄN TÙNG CHÂU