Những điều lý thú về tỉnh Tuyên Đức ngày đầu thành lập - tìm hiểu qua tài liệu lưu trữ

08:08, 07/08/2014

Qua 56 năm, tỉnh Tuyên Đức và Cao nguyên Trung Phần đã có rất nhiều biến động và thay đổi, nhưng việc tìm thấy tài liệu xác định nguồn gốc ra đời có giá trị rất lớn về mặt lịch sử và cũng là điều rất thú vị, mà chắc chắn công chúng rất quan tâm. 

Trong quá trình sưu tầm tài liệu lưu trữ quý phục vụ công tác trưng bày triển lãm về Đà Lạt - Lâm Đồng xưa, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đã tìm được nguyên bản tài liệu “Sắc lệnh số 261/NV” về việc thành lập tỉnh Tuyên Đức có trụ sở tại Đà Lạt, do Tổng thống Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ - Ngô Đình Diệm ký ngày 19 tháng 5 năm 1958, kèm theo chữ ký của Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Tài chánh và Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng. Qua 56 năm, tỉnh Tuyên Đức và Cao nguyên Trung Phần đã có rất nhiều biến động và thay đổi, nhưng việc tìm thấy tài liệu xác định nguồn gốc ra đời có giá trị rất lớn về mặt lịch sử và cũng là điều rất thú vị, mà chắc chắn công chúng rất quan tâm. 
 
Sắc lệnh của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa v/v thành lập tỉnh Tuyên Đức, ngày 19 tháng 5 năm 1958
Sắc lệnh của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa v/v thành lập tỉnh Tuyên Đức,
ngày 19 tháng 5 năm 1958
 
Bài 1: Vì sao có tỉnh Tuyên Đức
 
Sắc lệnh thành lập tỉnh Tuyên Đức dựa trên 7 loại văn bản: “Sắc lệnh số 4-TTP ngày 29 tháng 10 năm 1955 và các văn kiện kế tiếp ấn định thành phần Chánh phủ”; “Dụ số 57a ngày 24/10/1956 cải tổ nền hành chánh nước Việt Nam”; “Sắc lệnh số 143A/TTP ngày 23/10/1956 đổi Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt gọi là Bắc Phần, Trung Phần và Nam Phần”; “Sắc lệnh số 147-A/NV ngày 24/10/1956 chia Trung Phần ra làm hai miền là Cao Nguyên Trung Phần và Trung Nguyên Trung Phần”; Các Sắc lệnh số 35-QT/TD ngày 31/12/1952, 4-QT/TD ngày 13/4/1953 và 307-NV ngày 13/10/1955 ấn định quy chế của đô thị Đà Lạt; Các Dụ số 4-QT/TD ngày 10/11/1950, số 11-QT/TD ngày 4/5/1951, 22-QT/TD ngày 30/10/1951 và 6-QT/TD ngày 12/12/1953 ấn địa địa giới của đô thị Đà Lạt; Đề nghị của Bộ trưởng Nội vụ. Sắc lệnh quy định: “Điều thứ nhất: Nay thành lập tại Cao nguyên Trung Phần một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Tuyên Đức, trụ sở đặt tại Đà Lạt.”… Sắc lệnh này cũng chuyển giao quận Dran từ tỉnh Lâm Đồng về tỉnh Tuyên Đức; Thị trưởng Đà Lạt kiêm nhiệm chức vụ Tỉnh trưởng Tuyên Đức và thi hành chức vụ sau này với những quyền hạn, trách nhiệm của một Tỉnh trưởng ấn định tại Dụ số 57 - a ngày 24 tháng 10 năm 1956; tỉnh Tuyên Đức thuộc Đệ tứ Quân khu.
 
Cùng với tài liệu về “Sắc lệnh” là các tài liệu liên quan, như: Ngày 23/7/1958, Việt Nam Thông tấn xã (buổi sáng) đã có bài “Tỉnh Tuyên Đức” trong mục “Tìm hiểu nước nhà”. Bài báo viết: “Tuyên Đức nguyên là tên một ông vua thuở xưa có đức hạnh và tài năng, hướng dẫn trăm họ làm ăn trong cảnh thái bình và hòa mục yên vui. Danh hiệu Tuyên - Đức được đặt cho một tỉnh mới thành lập tại Cao nguyên - Trung Phần, ngụ ý mong mỏi nhân dân Kinh - Thượng trong tỉnh lúc nào cũng hòa hợp, đoàn kết, sống một cuộc đời tươi sáng, phú cường, tôn trọng nhân vị và đề cao đức độ của Thánh Hiền…”. Bài báo phân tích lý do vì sao Tổng thống Ngô Đình Diệm cho sáp nhập quận Dran vào tỉnh Tuyên Đức vì, “…sau mấy lần lên kinh lý Cao nguyên Trung Phần, Người đã nghiên cứu tại chỗ những điều kiện về địa dư, kinh tế của Dran cùng những triển vọng khác của quận này. Về mặt địa lý, quận Dran dính liền với thành phố Đà Lạt, tính chất khí hậu và thảo mộc đều giống nhau. Hơn nữa, trong hệ thống giao thông liên lạc đường từ Dran tới Đà Lạt gần hơn là xuống tỉnh lỵ Lâm Đồng. Thêm vào đó, sân bay Liên Khàng, tuy thuộc quyền lý trị của đô thị Đà Lạt lại nằm trong địa phận Dran. Quốc lộ số XI nối liền Đà Lạt với Nha Trang cũng như quốc lộ số 20 ăn thông Đà Lạt với Sài Gòn cũng thuộc một phần đất Dran. Như vậy, quận Dran có một tính cách rất quan trọng về mặt du lịch. Đó là một trong những lý do chính thúc đẩy sự sáp nhập quận này vào thành phố Đà Lạt mà cả hai đều thuộc lãnh thổ tỉnh Tuyên Đức mới thành lập. Tỉnh Tuyên Đức có một vị trí bao quanh Đà Lạt, Bắc giáp Ban Mê Thuột, Nam và Tây giáp tỉnh Lâm Đồng, Đông giáp các tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa”.
 
Ngày 30/9/1958, Tổng thống Ngô Đình Diệm lại ký Nghị định số 343-NV quy định các đơn vị hành chánh của tỉnh Tuyên Đức (tỉnh lỵ Đà Lạt), gồm: Đơn Dương (quận lỵ Đơn Dương - Dran cũ), Đức Trọng (quận lỵ Tùng Nghĩa), Lạc Dương (quận lỵ Bình Ninh - B’Nheur cũ). Nghị định này cũng đổi tên Liên Khàng thành Liên Khương. Ngày 22/10/1958, Tổng Giám đốc Ngân sách và Ngoại viện trực thuộc Tổng Thống phủ ra Công văn số 26.942-TTP/ NSNV/VP về quy định mã số các tỉnh Lâm Đồng (54), Tuyên Đức (58) và Đà Lạt (57). Tiếp theo, là Nghị định số 592/BNV/HC/P7/NĐ quy định các đơn vị hành chính đến cấp tổng, xã của các quận Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương của tỉnh Tuyên Đức. Theo đó, 3 quận kể trên có 11 tổng và 28 xã.
 
Dân số tỉnh Tuyên Đức ngày thành lập có tổng cộng 106.325 người, gồm người Kinh, Thượng và ngoại kiều: Đà Lạt 60.000 người, Dran 46.325 người. Dran được hợp nhất với Fyan ngày 2/1/1946, trước là hai tổng khác nhau thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng (được thành lập năm 1899), cùng với vài tổng Thượng khác hợp lại thành huyện Dran, sau đổi thành quận Dran, trở nên sầm uất từ năm 1920 trở đi với đường xe lửa nối liền Hà Nội - Sài Gòn, qua Tháp Chàm, đến Đà Lạt. Theo bài báo “Tỉnh Tuyên Đức”: “Bấy giờ, các sở thầu người Âu cũng như những đồn điền của họ đều đặt trụ sở tại Dran thi đua tuyển mộ nhân công đến khai thác vùng này. Đồng thời, những thương gia Việt Nam và Hoa Kiều cũng kéo nhau đến lập nghiệp buôn bán, mở phố và họp chợ ở gần quận lỵ. Theo chân họ là những thợ thuyền và nông dân các vùng “người nhiều - đất hiếm” cũng tìm tới đó, đốn cây, phát cỏ, lập trại nông nghiệp, hoặc chăn nuôi, sinh sống tăng thêm sự náo nhiệt cho địa phương và góp phần xây dựng Dran mỗi ngày thêm trù mật, phú cường”. Dân số Dran lúc bấy giờ có 21.000 người Kinh, 25.000 người Thượng, 300 Hoa kiều, 25 người Âu. Trong đó, có 11.743 người di cư tới, số dân sống tại quận lỵ và trong các đồn điền, xí nghiệp chiếm 30% tổng dân số toàn quận Dran, tính trung bình, mỗi cây số vuông có khoảng 111 người. Về văn hóa, Việt Nam Thông tấn xã viết: “Riêng tại tỉnh Tuyên Đức, trong ngành văn hóa đã có những cải tiến lớn lao. Trong các làng Kinh cũng như làng Thượng đều có các trường sơ học hoặc tiểu học. Ngoài ra, các lớp bình dân cũng được thiết lập ở khắp các nơi, giúp đồng bào Kinh - Thượng thất học từ trước, có cơ hội biết đọc và biết viết chữ Quốc ngữ.” Lúc đó, có 8 trường tiểu học công lập, 2 trường tiểu học do ngân sách ngoại viện đài thọ, 3 trường tiểu học tư thục và một số trường tiểu học tư thục do các dòng Thiên Chúa Giáo và Cao Đài tổ chức. Trong niên học 1957-1958, có 49 lớp học, với 36 giáo viên và 1.850 học sinh.
 
(Xem tiếp kỳ sau: Bài 2: Tài nguyên thiên nhiên, con người và phong tục tập quán). Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
 
NGUYỄN XUÂN HÙNG - TRẦN THỊ MINH
Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV