Những điều lý thú về tỉnh Tuyên Đức ngày đầu thành lập - tìm hiểu qua tài liệu lưu trữ (tiếp theo và hết)

08:08, 14/08/2014

Đồng bào Thượng là tên gọi chung cho các dân tộc thiểu số: Churu, Kơho, Raglai, Gil, Pnomgar, Causré, Mán… Thượng là để chỉ người vùng cao chứ không có ý nghĩa khác. Do địa hình tự nhiên của tỉnh Tuyên Đức có các dãy núi cao và sông suối, tạo nên rừng và thác nước, là nguồn tài nguyên về gỗ quý, thắng cảnh và cũng được chú ý để khai thác nguồn điện khí hóa cho cả Nam phần Việt Nam…

Bài 2: Tài nguyên thiên nhiên, con người và phong tục tập quán
 
Đồng bào Thượng là tên gọi chung cho các dân tộc thiểu số: Churu, Kơho, Raglai, Gil, Pnomgar, Causré, Mán… Thượng là để chỉ người vùng cao chứ không có ý nghĩa khác. Do địa hình tự nhiên của tỉnh Tuyên Đức có các dãy núi cao và sông suối, tạo nên rừng và thác nước, là nguồn tài nguyên về gỗ quý, thắng cảnh và cũng được chú ý để khai thác nguồn điện khí hóa cho cả Nam phần Việt Nam…
 
Đặc điểm địa kinh tế 
 
[links(right)]Do tỉnh mới thành lập, Tuyên Đức chưa có cơ quan cứu tế chính thức, nhưng tại Cầu Đất có 1 Chẩn Y viện và một vài cơ sở bác ái do các Bà Phước phụ trách; Dran, Thanh Hòa, Kadé đều có 1 phòng y tế, có y tá, bà mụ và nhân viên vệ sinh với các giường bệnh và giường dành cho sản phụ; ngoài ra, xã nào cũng có 1 trạm cứu thương. Phong trào nghiệp đoàn: Tại Cầu Đất có 1 nghiệp đoàn công nhân để bênh vực quyền lợi cho thợ thuyền và anh em giúp việc cho Sở Trà. Tổ chức này trực thuộc Văn phòng đại diện Tổng Liên đoàn Lao công tại Đà Lạt. Quận lỵ Dran không có ruộng, chỉ có đất làm vườn trồng rau. Các nhà vườn ở Dran đều gia nhập Hợp tác xã rau có trụ sở tại Đà Lạt. Đại diện cho tổ chức này tại địa phương có Ban quản lý, phụ trách liên lạc giữa các xã viên và Ủy ban Quản trị Hợp tác xã; ngoài ra, còn có một vài hợp tác xã nhỏ tổ chức cho đồng bào Thượng với mục đích cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của họ. Theo thông lệ, người mướn đất để trồng rau hoặc hoa màu, hàng năm phải đóng cho chủ đất 20% số hoa lợi thu hoạch. Trong tỉnh Tuyên Đức, đa số ruộng cấy lúa thuộc quyền sở hữu của người Thượng. Họ thường cho người nghèo cấy rẽ và số tô phải nộp bằng 30% hoa lợi và 1 con trâu hàng năm.
 
Về giao thông
 
Tuyên Đức lúc đó có đường bộ, đường xe lửa và đường hàng không, nhưng không có đường thủy vì dù nhiều sông, nhưng dòng nước có nhiều khối đá ngầm tạo nên nhiều thác ghềnh. Hệ thống đường bộ cơ bản như ngày nay.
 
Đường xe lửa hoàn thành năm 1933, nối liền Đà Lạt với Tháp Chàm. 
 
Tuyến xe lửa từ Đà Lạt đi Nha Trang phải qua Ba Ngòi về phía Bắc và đi Sài Gòn phải qua Ba Ngòi về phía Nam. Quãng đường Đà Lạt – Tháp Chàm thuộc tuyến xe lửa xuyên Việt, có 3 đoạn đường sắt răng cưa, vì phải leo núi và đèo Kronpha đến Đà Lạt và có 5 đoạn đường xuyên hầm. Đường hàng không: Các phi cơ từ Sài Gòn đến Đà Lạt, cũng như đi Pleiku, Kon Tum và Ban Mê Thuột đi Quy Nhơn, Huế, Tourane đều bay qua không phận Dran, trước khi hạ cánh xuống Liên Khàng (Đà Lạt). Đặc biệt, đường Đạ Sar - đường tắt nối Đà Lạt với Nha Trang dài 130 cây số được làm từ tháng 11/1957, với mục tiêu đem lại nhiều lợi nhuận về du lịch, kinh tế và giao thông, vì hai bên đường có nhiều thắng cảnh, trên núi có nhiều loại phong lan quý, với khí hậu rất trong lành nhờ gió biển thổi lên, dọc đường lại có nhiều đồng ruộng màu mỡ, có thể lập được những trung tâm khuyến nông nuôi sống hàng ngàn gia đình. Con đường Đạ Sar lại ăn thông với Ban Mê Thuột qua quận Lack - một địa điểm có nguồn lợi ngũ cốc. Như vậy, ngày đó, khi tỉnh Tuyên Đức được thành lập đã có hướng mở đường đi Nha Trang, Phan Rang và Ban Mê Thuột mà không phải qua đèo Ngoạn Mục hay Djirinh và đồn Kinhđa. Nhờ có phương tiện giao thông dồi dào nên sự liên lạc giữa Đà Lạt và tỉnh Tuyên Đức với Sài Gòn cũng như các tỉnh Cao nguyên Trung phần rất tiện lợi về phương tiện giao dịch đi lại, cũng như tiếp tế thực phẩm và vận chuyển hàng hóa. Xe lửa mỗi ngày có 2 chuyến đến và 2 chuyến đi. Trừ những phi cơ quân sự, ngày nào cũng có một chuyến máy bay hạ cánh và cất cánh ở phi trường Liên Khàng. 
 
Bản thiết kế tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang - Đà Lạt, đoạn BELLEVUE - Dran
Bản thiết kế tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang - Đà Lạt, đoạn BELLEVUE - Dran
 
Sông ngòi
 
Tỉnh Tuyên Đức có hai con sông lớn là Đanhim và Đadung, sông Đanhim chảy qua địa phận tỉnh Tuyên Đức tới quận Djirinh, từ Núi Khôn qua sông Klang và các địa điểm Bosquet (Trạm Bò), Dran, Lebouye, Điêm, Lạc Lâm, Kade, Lạc Nghĩa, Phú Hội, Tchirong-Tamber, Liên Mabrouss, khi tới Liên Khàng, Liên Gougah và Liên Pongour, các dòng nước này đổ xuống trên dưới 20 thước làm thành những thác nước cùng tên hùng vĩ Liên Khàng, Gougah và Pongour. Sông Đadung chảy từ Angkroet qua các địa điểm Purtiang, Liên Guich, Riong Bolienl và Liên Lempatt tạo thành những thác nước nhỏ cùng tên. Vì có nhiều thác nước tạo nên thiên nhiên kỳ vĩ cho miền đất này. Bên cạnh đó có hạn chế vì thác và dòng sông có nhiều đá và thác ghềnh nên sông Đanhim cũng như sông Đadung đều không thuận tiện cho việc thủy vận.
 
Phong tục tập quán thập niên 1950-1960
 
Mỗi sắc dân Thượng có phong tục tập quán riêng biệt, nhưng về tục lệ riêng biệt, tục lệ cưới xin hoặc ma chay thì đại thể gần giống nhau. Lệ cúng rằm: Lệ này tổ chức trong thời gian lúa có bông cho đến khi gặt được. Chủ nhân chia các ngày cúng làm 3 kỳ: Kỳ thứ nhất, khi lúa có bông cúng 1 con gà và 1 ghè rượu; kỳ thứ hai, khi gặt lúa về nhà cúng 1 con gà to và 1 ghè rượu lớn hơn; kỳ thứ ba, khi đập lúa xong và cho vào vựa cũng cúng gà và rượu. Cúng tết: Đồng bào Thượng ăn tết vào sau Tết Nguyên đán chừng 30 ngày. Trong dịp tết cũng như khi ăn đám, đồng bào Thượng đều chém trâu hoặc mổ lợn, giết gà, tùy theo hoàn cảnh của từng gia đình.
 
Tục cưới xin được tổ chức dưới hình thức mẫu hệ, đàn bà cưới chồng. Trong thời gian này, người đàn bà đến ở nhà chồng mới cưới trong 8 ngày. Qua hạn đó, thân nhân và gia đình nhà gái đến nhà trai để rước chồng. Tiệc khoản đãi do nhà gái chịu và tổ chức ngay tại nhà vợ. Theo luật sơn cước, nếu vô cớ người vợ muốn ly dị chồng thì phải bồi thường 30 con trâu, nhưng nếu người vợ trái ý chồng thì người chồng có quyền bỏ không không phải bồi thường gì cả.
 
Nếu trong nhà có 1 người chết, thì để xác lại trong 3 ngày và trước khi đem chôn, tang gia chém trâu để khoản đãi bà con, anh em xa gần đến thăm hỏi. Mỗi nhà có một nhà Mả chung và bất luận người nào chết cũng để xác vào đó. Trong mả đào sẵn một cái hố sâu và rộng, ai chết trước cho xuống trước, ai chết sau cho xuống sau. Cứ thế tiếp tục chồng chất lên nhau. Trên mả có mái che bằng lá như một miếu Thổ thần ở vùng quê Bắc Việt. Khi người chết được phủ sơ sài bằng một lượt đất mỏng, người nhà chia gia tài của người ấy làm ba phần: một phần của người chết được bày trên mả, những của đó cứ để mãi thế, đến mục nát thì thôi chứ không ai được tơ hào, vì sợ thần vật chết; còn hai phần kia chia cho vợ hoặc chồng và con cái của người quá cố. Khi đau ốm, người Thượng mời thầy cúng để lễ và ngậm rễ cây, chưa quen dùng thuốc để trị bệnh.
 
NGUYỄN XUÂN HÙNG - TRẦN THỊ MINH