Châu Á tăng tốc đua vào không gian

08:09, 11/09/2014

Sự kiện Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) phóng thành công con tàu Mangalyaan thăm dò sao Hỏa được xem là phát pháo mới nhất trong cuộc chạy đua không gian đang hình thành giữa các cường quốc châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Sự kiện Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) phóng thành công con tàu Mangalyaan thăm dò sao Hỏa được xem là phát pháo mới nhất trong cuộc chạy đua không gian đang hình thành giữa các cường quốc châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
 
Kế hoạch táo bạo
 
Theo kế hoạch, Mangalyaan sẽ mất 300 ngày để đến quỹ đạo sao Hỏa. Mangalyaan sẽ có nhiệm vụ tìm kiếm dấu vết đặc trưng của khí methane (CH4) trong bầu khí quyển sao Hỏa vốn trước đây đã từng được phát hiện từ quỹ đạo sao Hỏa và các kính viễn vọng quan sát từ trái đất. Tàu Curiosity của NASA gần đây đã không tìm thấy khí này khi đo đạc thành phần khí quyển ở đây. CH4 có vòng đời rất ngắn trong bầu khí quyển sao Hỏa. Thiết bị cảm ứng tìm methane trên sao Hỏa được lắp trên tàu không gian của Ấn Độ sẽ tìm cách đo đạc và đánh dấu các nguồn tạo ra các dòng khí methane tiềm tàng trên sao Hỏa.
 
Cho đến nay, khoảng 2/3 sứ mạng sao Hỏa thất bại, nhiều con tàu không thể rời khỏi quỹ đạo trái đất và phần lớn những chuyến bay khác thậm chí không cất cánh thành công. Sứ mạng thám hiểm sao Hỏa của Nhật Bản năm 2003 đã không thể đưa vệ tinh vào quỹ đạo sao Hỏa. Thử nghiệm đầu tiên của Trung Quốc vào năm 2011 cũng thất bại.
 
Theo CNN, nếu Mangalyaan thành công, đây sẽ là một bước nhảy vọt về công nghệ, đẩy Ấn Độ đứng trước các đối thủ Trung Quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực thám hiểm liên hành tinh, trở thành nước thứ 4 trên thế giới sau Liên Xô (cũ), Mỹ và châu Âu. Mục đích chủ yếu của chương trình thăm dò sao Hỏa này là thử nghiệm công nghệ không gian và thực lực của Ấn Độ với tư cách là một nước mới nổi về nghiên cứu vũ trụ. Cỗ máy thăm dò sao Hỏa này sẽ thu thập các thông tin khoa học về khí quyển và bề mặt sao Hỏa.
 
Ấn Độ hiện chi 68 tỷ rupee (1,1 tỷ USD) mỗi năm cho chương trình không gian và hiện có 20 vệ tinh viễn thông trong quỹ đạo. Những mục tiêu của chương trình không gian Ấn Độ bao gồm viễn thông và giáo dục thông qua vệ tinh, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua công nghệ viễn thám (remote sensing), dự báo thời tiết, phát triển các vệ tinh bản địa và phương tiện phóng vệ tinh. Chính phủ Ấn Độ khẳng định, các sứ mạng không gian của họ rẻ hơn nhiều so với những sứ mạng ở nơi khác. Thử nghiệm lần này tốn 73 triệu USD, khoảng 1/10 so với chi phí của NASA dành cho những chương trình tương tự. Cụ thể, vệ tinh Maven trị giá 671 triệu USD của NASA dự kiến khởi hành cũng trong tháng 11 này
 
Phòng lắp ráp tàu Mangalyaan
Phòng lắp ráp tàu Mangalyaan
 
Nâng cao uy tín quốc gia
 
Sứ mạng sao Hỏa cũng là dấu hiệu của cuộc đua không gian giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia cạnh tranh vị thế tại châu Á. Bay lên hành tinh đỏ trước Trung Quốc rõ ràng là một tính toán lớn của Ấn Độ. Bắt đầu từ năm 2009, Ấn Độ đã đầu tư đặc biệt để thực hiện việc thám hiểm sao Hỏa do Trung Quốc - một đối thủ trong khu vực, đã có sự phát triển nhanh chóng như một cường quốc không gian. Số liệu thống kê năm 2012 cho thấy, Trung Quốc chiếm 14,2% tổng kinh phí đầu tư cho tất cả các nghiên cứu và tài trợ phát triển trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, quốc gia chiếm 31,1%. Các nước châu Âu chiếm 24,1%. Chính sách đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu đang dần đưa Trung Quốc từ vị thế một “dây chuyền lắp ráp” trở thành một tiền đồn phát triển và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao trên toàn cầu. Điều này khiến một số nước láng giềng, đặc biệt là Nhật Bản phải bày tỏ sự lo ngại về những cuộc di cư ngày càng tăng của các nhà khoa học tới Trung Quốc. Hơn nữa, từ năm 2007-2012, số lượng vệ tinh được phóng lên quỹ đạo trái đất trong những năm gần đây của Trung Quốc liên tiếp đứng đầu thế giới. Năm ngoái, Trung Quốc có 8 vệ tinh viễn thám được phóng trong tổng số 24 vệ tinh thuộc 13 tổ chức và quốc gia khác nhau trên thế giới.
 
Một đối thủ đáng gờm khác trong khu vực châu Á phải kể đến là Nhật Bản. Nhật Bản đã tham gia thám hiểm vũ trụ từ những năm 1970 bao gồm những đợt phóng tàu vũ trụ thám hiểm sao chổi Halley và sao Hỏa. Đợt phóng tàu vũ trụ thám hiểm mặt trăng mang tên Kaguya năm 2009 được miêu tả là chuyến thám hiểm mặt trăng lớn nhất kể từ chương trình phóng tàu vũ trụ Aplollo. Nhật Bản cũng đã phóng một vệ tinh quỹ đạo lên mặt trăng vào cuối cuộc hành trình. Nhật Bản đã đặt mục tiêu hạ cánh xuống mặt trăng trước năm 2020 với việc xây dựng một căn cứ trên mặt trăng và sau đó là phát triển tàu vũ trụ có người lái. Những năm gần đây, Hàn Quốc cũng bắt đầu đầu tư thêm vào chương trình vũ trụ. Nước này hợp tác với Nga phát triển tàu vũ trụ nhỏ của riêng mình để có thể tự phóng vệ tinh. Hàn Quốc cũng có tham vọng lâu dài sẽ phóng tàu vũ trụ do người máy điều khiển lên mặt trăng trong thập kỷ tới.
 
Chuyên gia về hàng không Jeff Foust cho rằng cuộc đua vào vũ trụ là để tăng uy tín cho những cường quốc châu Á mới nổi lên hơn là vì lý do kinh tế và an ninh. Ông nhận định: “Việc đầu tư kinh phí và mức độ ưu tiên cho chương trình thám hiểm vũ trụ đã chứng tỏ các quốc gia này giàu mạnh hơn, họ có nhiều nguồn lực để đầu tư vào công cuộc thám hiểm vũ trụ hơn và một phần bởi vì họ nhận thức được những lợi ích về an ninh và kinh tế mà chương trình thám hiểm vũ trụ mang lại. Việc tham gia chương trình thám hiểm vũ trụ giúp nâng cao uy tín của quốc gia và thể hiện với thế giới rằng họ thực sự là những cường quốc mới nổi lên trên thế giới”.
 
Theo SGGP