Liên Hiệp Quốc - Một tổ chức quốc tế mang tính toàn cầu (Bài 1)

10:09, 18/09/2014

Liên Hiệp Quốc chính thức ra đời vào ngày 24/10/1945 khi Hiến chương Liên Hiệp Quốc được Trung Quốc, Pháp, Liên Xô, Vương quốc Anh, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và đa số các quốc gia ký trước đó phê chuẩn.

Liên Hiệp Quốc chính thức ra đời vào ngày 24/10/1945 khi Hiến chương Liên Hiệp Quốc được Trung Quốc, Pháp, Liên Xô, Vương quốc Anh, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và đa số các quốc gia ký trước đó phê chuẩn. Tên gọi "Liên Hiệp Quốc" đã được Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt sáng lập và được sử dụng lần đầu tiên trong "Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc" vào ngày 1/1/1942, trong đó 26 quốc gia đã khẳng định cam kết tiếp tục cuộc đấu tranh chống lại các nước thuộc phe phát xít.
 
Phía trước tòa nhà là những cột cờ của các nước thành viên Liên Hiệp Quốc
Phía trước tòa nhà là những cột cờ của các nước thành viên Liên Hiệp Quốc

Các quốc gia sáng lập đã quyết tâm thiết lập Liên Hiệp Quốc ( LHQ) thành một tổ chức quốc tế toàn cầu với mục tiêu hàng đầu là bảo đảm một nền hoà bình và trật tự thế giới bền vững. Các mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của LHQ mang tính bao quát, phản ánh mối quan tâm toàn diện của các quốc gia. Các quan tâm ưu tiên này thay đổi tuỳ theo sự chuyển biến cán cân lực lượng chính trị bên trong tổ chức này. Thời gian đầu khi mới ra đời, cùng với sự tăng vọt về số lượng thành viên, LHQ tập trung vào các vấn đề phi thực dân hoá, quyền tự quyết dân tộc và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apácthai. Trong thời kỳ gần đây, LHQ ngày càng quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề kinh tế và phát triển. Gần 70 năm qua cho thấy trọng tâm chính của LHQ là duy trì hòa bình an ninh quốc tế và giúp đỡ sự nghiệp phát triển của các quốc gia thành viên.
 
Tuy nhiên, sự ra đời của LHQ và bản thân Hiến chương LHQ tất nhiên chưa đủ để bảo đảm sự bình đẳng hoàn toàn và triệt để giữa các quốc gia lớn nhỏ. Sự đóng góp của LHQ đối với hoà bình an ninh quốc tế trong gần 70 năm qua là rất đáng kể. Dù vậy, thực tế cho thấy trong nhiều vấn đề, nhiều sự kiện, LHQ không thể hiện được vai trò của mình hoặc có thể nói LHQ chưa làm tròn sứ mệnh của mình. Các siêu cường vẫn có vai trò lớn và nhiều khi giữ vai trò quyết định trong quá trình ra quyết định của LHQ, đặc biệt là cơ cấu và cơ chế hoạt động của Hội đồng Bảo an, Hiến chương LHQ và các cơ quan chuyên môn của LHQ.
 
LHQ gồm 6 cơ quan chính: Đại Hội Đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế- Xã hội, Hội đồng Quản thác, Tòa án Quốc tế vì công lý và Ban Thư ký.
 
Đại hội đồng LHQ là cơ quan đại diện rộng rãi nhất của LHQ , các thành viên Đại hội đồng đều bình đẳng, không phân biệt quốc gia lớn hay nhỏ, mỗi quốc gia thành viên đều được 1 phiếu bầu. Đại hội đồng có các nhiệm vụ chính như: Xem xét và kiến nghị về các nguyên tắc hợp tác trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; bàn bạc về các vấn đề liên quan tới hòa bình và an ninh quốc tế; nghiên cứu và khuyến nghị để thúc đẩy hợp tác chính trị quốc tế, phát triển và pháp điển hóa luật pháp quốc tế; thực hiện các quyền con người và các quyền tự do cơ bản cho mọi người; hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và y tế…
 
Hội đồng Bảo an LHQ có trách nhiệm chính trong việc giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế. Theo đó, Hội đồng Bảo an có thể áp dụng các biện pháp nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột và khi cần thiết, có thể sử dụng các biện pháp, kể cả cưỡng chế và vũ lực, nhằm loại trừ các mối đe dọa, phá hoại hòa bình hoặc các hành động xâm lược.
 
Hội đồng Kinh tế - Xã hội có một trong những mục tiêu chính là: "Thực hiện hợp tác quốc tế trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa hoặc nhân đạo, thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hoặc tôn giáo. 
 
Hội đồng Quản thác là một diễn đàn để các nước thành viên thực hiện quản thác tập thể vì sự toàn vẹn của môi trường toàn cầu và các khu vực chung như đại dương, khí quyển và khoảng không vũ trụ; đồng thời, làm nhiệm vụ cầu nối giữa LHQ và xã hội dân sự trong việc giải quyết các lĩnh vực thuộc mối quan tâm của toàn cầu.
 
Tòa án Quốc tế vì công lý có chức năng chính là giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, các vụ kiện do các quốc gia đưa lên phù hợp với luật pháp quốc tế. Mục tiêu của tòa án là áp dụng các tập quán quốc tế để thiết lập các quy tắc được các quốc gia liên quan chính thức công nhận; các thông lệ quốc tế được chấp nhận như luật; các nguyên tắc chung của luật pháp được các quốc gia công nhận; các phán quyết của tòa án... với sự ủy quyền của Đại hội đồng.
 
Ban Thư ký LHQ: Theo Chương XV của Hiến chương LHQ, Ban thư ký gồm có một Tổng thư ký và một số nhân viên tùy theo nhu cầu của tổ chức. Tổng thư ký do Đại hội đồng bổ nhiệm, theo kiến nghị của Hội đồng Bảo an. Tổng thư ký là viên chức cao cấp nhất của Tổ chức LHQ (Điều 97).Tổng thư ký hoạt động với tư cách là người có cương vị cao nhất của Ban thư ký trong tất cả các cuộc họp của Đại hội đồng, của Hội đồng Bảo an, của Hội đồng Kinh tế - Xã hội và của Hội đồng Quản thác. Tổng thư ký thực hiện các chức năng theo quy định của Hiến chương LHQ và các nhiệm vụ khác do các cơ quan này giao phó. Tổng thư ký trình Đại hội đồng báo cáo hàng năm về hoạt động của LHQ (Điều 98). 
 
(còn nữa)
 
Hải Yến (tổng hợp)