Phát huy hơn nữa vị thế, vai trò Việt Nam tại LHQ (Bài 2)

09:09, 25/09/2014

Ngày 20/9/1977, Việt Nam (VN) đã chính thức trở thành thành viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Hoạt động của VN tại LHQ trong 37 năm qua đã triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Bạn bè thế giới thực sự đã xem VN là một người bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm...

[links()] Ngày 20/9/1977, Việt Nam (VN) đã chính thức trở thành thành viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Hoạt động của VN tại LHQ trong 37 năm qua đã triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Bạn bè thế giới thực sự đã xem VN là một người bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm. VN đã triển khai đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên nhiều hướng, trong nhiều khuôn khổ và nhiều hình thức khác nhau để góp phần tăng cường hơn nữa vai trò và vị thế của VN là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của LHQ.
 
  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, năm 2007
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon tại
trụ sở Liên Hiệp Quốc, năm 2007
 
Việt Nam đã được bầu vào nhiều vị trí quan trọng như thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội (1998-2000), Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (1991-1993, 1997-1999 và 2003-2005), Hội đồng Chấp hành Chương trình Phát triển và Quỹ Dân số (2000-2002), Ủy ban Nhân quyền (2001-2003), Hội đồng Ðiều hành Liên minh Bưu chính Thế giới (1999-2004), Liên minh Viễn thông Quốc tế (2003-2007)... Trong đó, nổi bật nhất là việc VN đã được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 với số phiếu rất cao và đã hoàn thành xuất sắc trọng trách này. VN luôn là nước tích cực tham gia và có nhiều đóng góp thiết thực vào cả 3 lĩnh vực thuộc quan tâm chung của LHQ là hòa bình - an ninh, phát triển và bảo đảm quyền con người. Trên lĩnh vực hòa bình - an ninh, cùng với đại đa số các nước Không liên kết, đang phát triển, VN nhất quán ủng hộ giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột, tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, giải trừ quân bị, chống chạy đua vũ trang. Chúng ta là thành viên của hầu hết các điều ước quốc tế về giải trừ quân bị như Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Công ước Cấm Vũ khí Sinh học (BWC), Công ước Cấm Vũ khí hóa học (CWC), Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), Hiệp định Bảo đảm hạt nhân và Nghị định thư bổ sung của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân...
 
Một mốc son mới trên tiến trình hội nhập quốc tế của VN là việc lãnh đạo cấp cao của nước ta tuyên bố VN quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. VN đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. LHQ đã chọn VN là một trong 8 nước để triển khai thí điểm mô hình “Một LHQ”. Sáng kiến này đã có những thành công nhất định, tăng cường tính gắn kết và nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ VN của hệ thống các tổ chức LHQ. Ðây là đóng góp thiết thực vào quá trình cải tổ hệ thống LHQ hiện nay và là nền tảng cho khuôn khổ hợp tác ngày càng hiệu quả hơn giữa VN và LHQ trong thời gian tới.
 
Trên lĩnh vực bảo đảm quyền con người, VN đã và đang luật hóa và bảo đảm ngày một tốt hơn trên thực tế các quyền của người dân. Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa VN năm 2013 đã có những quy định chi tiết hơn về các quyền con người và quyền công dân cơ bản, đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang ngày càng được hoàn thiện, đồng thời tiếp cận ngày càng gần tới các tiêu chuẩn của quốc tế… Trong một năm rưỡi từ giữa 2010 đến cuối 2011, VN đã đón 3 báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền con người, việc mà rất ít nước làm được. Qua đó. LHQ đã nhận định VN là một trong những nước thực hiện tốt nhất quyền của người thiểu số trên thế giới và đã đạt được thành tựu to lớn về xóa đói giảm nghèo, nâng cao điều kiện sống của người dân.
 
Thông qua các diễn đàn của LHQ, VN đã giới thiệu một cách có hiệu quả đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị, rộng mở, cùng những thành tựu toàn diện của công cuộc đổi mới của VN. Qua đó, chúng ta cũng tiếp cận được những kinh nghiệm và sự trợ giúp quý báu của LHQ và các nước, phục vụ phát triển đất nước.
 
Trong thời gian qua, với những diễn biến phức tạp trên biển Ðông, VN kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh này, thông qua các diễn đàn của LHQ, VN đã nhiều lần khẳng định chủ quyền hợp pháp và kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ chủ quyền.
 
Với đường lối đối ngoại đúng đắn của Ðảng và Nhà nước, với kinh nghiệm và thành tựu đã tích lũy được trong hoạt động ngoại giao đa phương nhiều năm qua, cùng sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta có cơ sở thuận lợi để góp phần giữ vững môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, và tích cực đóng góp cho cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
 
HẢI YẾN (tổng hợp)