Tôi có một học trò cũ hiện đang làm nghiên cứu sinh tại Trường Ðại học Hồ Nam Trung Quốc. Năm nay, anh xin về nghỉ hè, nhân tiện thu thập thêm tư liệu để hoàn thiện luận án. Gặp anh, khi tình hình biển Ðông đang dậy sóng, tôi muốn biết thêm hiệu quả của bộ máy tuyên truyền ở nước láng giềng định mệnh phía Bắc chung quanh mối quan hệ giữa ta và Trung Quốc...
Tôi có một học trò cũ hiện đang làm nghiên cứu sinh tại Trường Ðại học Hồ Nam Trung Quốc. Năm nay, anh xin về nghỉ hè, nhân tiện thu thập thêm tư liệu để hoàn thiện luận án. Gặp anh, khi tình hình biển Ðông đang dậy sóng, tôi muốn biết thêm hiệu quả của bộ máy tuyên truyền ở nước láng giềng định mệnh phía Bắc chung quanh mối quan hệ giữa ta và Trung Quốc. Anh bảo tình hình khá phức tạp. Rất nhiều người do bị xuyên tạc theo lối “phản tuyên truyền” nên hồn nhiên tin là tàu chiến của ta tấn công tàu chiến cũng như tàu giám hải Trung Quốc, thậm chí họ còn tin là lãnh thổ Việt Nam vốn thuộc Trung quốc… Ban đầu tôi lấy làm lạ ở chỗ lương tri của con người nằm ở đâu mà có thể nghe rồi tin theo những lời bịa tác phi lý đến nhường ấy. Nhưng khi đọc lại sách kinh điển của Tàu thì đầu óc của tôi dần dần mới sáng ra…
|
Tiếng hát của những kỹ sư tâm hồn thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà) - Ảnh: BN |
Câu chuyện thứ nhất có tên là “Tam nhân thành hổ” (Có bản chép là “Tam nhân thị hổ”), nghĩa là “Ba người [nói] thành ra có cọp”. Chuyện kể thế này: Vào thời Chiến Quốc, ở Trung Quốc, khoảng thế kỷ 5 trước công nguyên, các nước thường công phạt lẫn nhau, một số nước nhiều lúc phải liên minh với nhau để tồn tại. Ðể chứng tỏ thành ý của mình (nhân tiện cũng là để dò xét nước nó), nước Ngụy và nước Triệu đã lập hiệp ước hữu hảo. Ngụy vương bèn đưa thái tử tới kinh đô Hàm Ðan của nước Triệu. Mặc dù vậy, Ngụy Vương không yên tâm vì vị thái tử còn trẻ tuổi này nên bèn phái đại thần thân tín của mình là Bàng Thông (có bản chép là Bàng Cung) cùng đi.
Bàng Thông là một đại thần rất có tài năng của nước Ngụy, trong triều đình có một số quan lại chống ông, cho nên ông lo có người sẽ thừa cơ hãm hại mình sau khi mình rời khỏi nhà vua nước Ngụy. Cho nên, trước khi khởi hành, ông nói với nhà vua nước Ngụy rằng: “Thưa bệ hạ, nếu một người nói trên phố có một con hổ, bệ hạ có tin không?”. Nhà vua nước Ngụy trả lời: “Ta không tin. Con hổ đâu có thể chạy đến phố?”. Bàng Thông tiếp tục hỏi: “Thưa bệ hạ, nếu có hai người đều nói với bệ hạ rằng, trên phố có một con hổ, thì bệ hạ có tin không?”. Nhà vua nước Ngụy trả lời: “Nếu có hai người đều nói như vậy, thì ta nửa tin nửa ngờ”. Bàng Thông lại hỏi: “Thưa bệ hạ, nếu có ba người đều bảo bệ hạ, trên phố có một con hổ, thì bệ hạ có tin không?”. Nhà vua nước Ngụy trả lời một cách do dự rằng: “Nếu mọi người đều nói như vậy, thì ta đành phải tin”.
Nghe nhà vua nước Ngụy trả lời như trên, Bàng Thông càng lo lắng. Bàng Thông thở dài và nói: “Xin thưa, bệ hạ nghĩ, con hổ đâu có thể chạy đến phố, đây là sự việc ai ai cũng biết. Nhưng vì có ba người nói như thế, thì tin đồn trên phố có con hổ trở thành việc thật. Khoảng cách giữa Hàn Ðan và kinh đô Ðại Lương nước Ngụy chúng ta xa hơn nhiều so với khoảng cách giữa vương cung và phố sá, hơn nữa rất có thể không chỉ có 3 người nói xấu thần sau lưng thần”. Nhà vua nước Ngụy nghe hiểu ý của Bàng Thông, gật đầu nói: “Ý của nhà ngươi ta đã hiểu, nhà ngươi cứ yên tâm mà đi!”. Bàng Thông đi cùng con trai của nhà vua nước Ngụy đến Hàn Ðan.
Bàng Thông rời khỏi nước chưa lâu, quả thật có nhiều người nói xấu Bàng Thông với nhà vua nước Ngụy. Ban đầu, nhà vua luôn biện bạch cho Bàng Thông, nêu rõ ông là một đại thần có tài năng và trung thực. Ðiều không may là, khi đối thủ của Bàng Thông ba lần bẩy lượt nói xấu Bàng Thông với nhà vua, nhà vua nước Ngụy đã tin lời nói của họ. Rồi sau khi Bàng Thông từ nước Triệu trở về nước Ngụy, nhà vua nước Ngụy không cho phép Bàng Thông đến gặp mình. Từ đó, Bàng Thông uất ức, thường bất đắc chí mà tự than rằng: “Than ôi, lòng người hiểm ác, quả nhiên ba người nói thì sẽ phải tin là có hổ thật rồi!”.
Từ câu chuyện thâm thúy này, ta có thể rút ra hai điều sau:
- Sự thực là không có cọp, nhưng nếu nghe liên tiếp ba người nói thì dù là người chín chắn, thận trọng đến đâu cũng phải tin là “có cọp”.
- Từ đó có thể suy ra sự tuyên truyền lâu dài, lặp đi lặp lại nhiều lần thì điều vốn không có thật cũng khiến người nghe rồi phải tin theo.
Ðó là lý do tồn tại trong văn hóa Trung Quốc câu chuyện “Tam nhân thành hổ”. Còn có một câu chuyện tương đồng với chuyện trên có tên là Tăng Sâm giết người. Xin được kể hầu mọi người. Tăng Sâm vốn là học trò Khổng Tử, học giả nổi tiếng thời Chiến quốc, một hiền nhân, không có chút khuyết điểm nào dù là nhỏ nhất về mặt đạo đức. Một lần, Tăng Sâm có việc ra ngoài chưa về, vừa đúng lúc có một người cùng tên Tăng Sâm bị bắt bởi tội giết người. Láng giềng của Tăng Sâm bèn báo tin cho mẹ của Tăng Sâm rằng: “Tăng Sâm bị bắt bởi giết người”. Mẹ của Tăng Sâm rất hiểu con mình, tin chắc rằng Tăng Sâm không thể là kẻ giết người, cho nên tiếp tục dệt vải. Một lát sau, một người khác lại tới nói với mẹ của Tăng Sâm rằng: “Tăng Sâm giết người”. Mẹ của Tăng Sâm bắt đầu nghi ngờ, nhưng vẫn không tin con mình giết người. Lát sau, người thứ ba đến nói với mẹ của Tăng Sâm rằng: “Hiện tại bên ngoài đang bàn tán, nghị luận, mọi người đều nói đích xác Tăng Sâm giết người”. Tăng Mẫu nghe đến đó trong lòng cực kỳ lo lắng, vứt bỏ con thoi, bỏ công việc mình đang làm và vượt tường chạy trốn.
Từ đó, thành ngữ “Tam nhân thành hổ” hoặc “Tăng Sâm giết người” chỉ lưỡi mềm độc quá đuôi ong hoặc sức mạnh của dư luận. Trong tiếng Việt có thành ngữ “lộng giả thành chân” cũng với ý nghĩa tương tự. Nên biết Trung Quốc quản lý báo chí, truyền thông vô cùng chặt chẽ. Chỉ nêu một dẫn dụ tôi được mục sở thị. Vào năm 2010, tôi trong đoàn nhà văn Việt Nam đi tham quan Hồng Công - Ma Cao - Quảng Châu - Thâm Quyến. Riêng ở Hồng Công - xứ cởi mở hơn cả mà chương trình tivi đâu chỉ có chừng 30 kênh, trong khi cước phí internet vô cùng mắc. Quản lý chặt đến thế nên không lấy làm lạ nếu sự tự do về thông tin ở xứ sở đó là vô cùng hạn chế.
Ðể kết thúc, tôi cũng xin học cách nói của người xưa mà nhắc nhở nhau rằng: “Biết mình biết người” mới mong “trăm trận trăm thắng”!
Ðà Lạt, 19/8/2014