60 năm - Bác Hồ với việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội

08:10, 09/10/2014

Sau Hiệp định Giơnevơ, chiều mùa thu ngày 10-10-1954, hàng vạn nhân dân Thủ đô xúc động, trang nghiêm về dự lễ mừng chiến thắng dưới chân cột cờ Hà Nội, lắng nghe những lời kêu gọi, những lời căn dặn kịp thời, sâu sắc của Người. Sự quan tâm của Người về việc tiếp quản và xây dựng Thủ đô những ngày đầu mới được giải phóng cách đây 60 năm vẫn còn nguyên giá trị thời sự. 

Sau Hiệp định Giơnevơ, chiều mùa thu ngày 10-10-1954, hàng vạn nhân dân Thủ đô xúc động, trang nghiêm về dự lễ mừng chiến thắng dưới chân cột cờ Hà Nội, lắng nghe những lời kêu gọi, những lời căn dặn kịp thời, sâu sắc của Người. Sự quan tâm của Người về việc tiếp quản và xây dựng Thủ đô những ngày đầu mới được giải phóng cách đây 60 năm vẫn còn nguyên giá trị thời sự. 
 
Quân ta tiến vào Thủ đô trên đường Nguyễn Thái Học. Ảnh: Tư liệu
Quân ta tiến vào Thủ đô trên đường Nguyễn Thái Học. Ảnh: Tư liệu
 
Ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng (Phú Thọ), Bác đã nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong (Sư đoàn 308) trên đường về tiếp quản Thủ đô. Bác nói: "Trải qua bao thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô, tám chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế, các chú được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn". Rồi Bác ân cần căn dặn: "Khi vào tiếp quản Thủ đô, các chú phải hết sức đề phòng những âm mưu mà kẻ thù của hòa bình sẽ dùng để phá hoại hàng ngũ chúng ta. Các chú phải luôn luôn giữ gìn phẩm chất cách mạng, cán bộ sống gương mẫu, giản dị, bộ đội phải kỷ luật nghiêm minh. Nếu ai cũng giữ vững lập trường cách mạng và làm đúng chính sách thì không sợ một kẻ thù nào cả. Quân đội ta không được vì hòa bình mà rời tay súng"(1). 
 
Ngày 10-10-1954, quân và dân ta tiếp quản Thủ đô Hà Nội, hàng vạn nhân dân Thủ đô xúc động, trang nghiêm về dự lễ mừng chiến thắng dưới chân cột cờ Hà Nội, lắng nghe lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào Hà Nội với niềm tin vững chắc rằng: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”(2).
 
Ngày 15-10-1954, Thủ đô Hà Nội vinh dự được đón Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về. Hôm sau (ngày 16-10), Bác đã có buổi tiếp chuyện thân mật với đại biểu nhân dân Thủ đô. Cuối buổi nói chuyện, Người đã bày tỏ sự tin tưởng: “Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển; để gương mẫu, để dẫn đầu nhân dân cả nước trong công cuộc củng cố hành chính, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước ta; để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta”(3).
 
Tuy bận rộn nhiều công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời giờ để tiếp đón và đi thăm hỏi các tầng lớp nhân dân, cán bộ, bộ đội, nhà máy, trường học tại Hà Nội. Người kêu gọi: “…Bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đày tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”(4). Người giảng giải cho thanh niên, học sinh các trường trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Trưng Vương: “Ngày nay, ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ, thì phải học tập. Bác khuyên lớp này thi đua với lớp khác, trường này thi đua với trường khác, trong việc học và hành, làm cho nền giáo dục của ta phát triển và tốt đẹp”(5). Người đến với các đơn vị tham gia duyệt binh mừng ngày Đảng, Chính phủ trở về Thủ đô: “…Hôm nay, Bác đến thăm các cô các chú có nghĩa là đến thăm toàn quân. Vì ở đây có đủ đại biểu các đơn vị. Khi các cô các chú về đơn vị, Bác gửi lời hỏi thăm và khuyến khích tất cả anh em, chị em cố gắng học tập”(6). 
 
Đầu tháng 11/1954, tại một phiên họp của Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề thực hiện đình chiến, tăng cường cán bộ ngoại giao và một số công việc khác liên quan đến tiếp quản Thủ đô, Chính phủ đã chuẩn y việc tổ chức lại một số cơ quan tại Hà Nội, khôi phục Di tích lịch sử chùa Một Cột và quyết định tổ chức cuộc duyệt binh lớn và biểu tình lớn đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Thủ đô vào ngày 1/1/1955. 
 
Nói chuyện với các đơn vị sẽ tham dự cuộc duyệt binh lịch sử này, sau khi nêu những thuận lợi và khó khăn trước mắt, tạm thời của thời kỳ “chiến tranh chuyển sang hòa bình”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ việc phải ngăn ngừa những tư tưởng không đúng nảy nở từ thực tế. Tiếp đó, Người yêu cầu các đơn vị phải quý trọng của công (tất cả những cái ăn, cái mặc, đồ dùng đều là mồ hôi nước mắt của đồng bào nên phải tiết kiệm, không được lãng phí); quân đội nhân dân phải giữ gìn kỷ luật (không vì hòa bình mà coi nhẹ kỷ luật); phải đoàn kết (thật thà đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ); phải cố gắng học, tích cực thi đua học tập hơn nữa để nhận được giải thưởng của Người, phải giữ gìn sức khỏe và cán bộ chỉ huy trở xuống phải cố gắng toàn diện trong công tác, học tập, phải gương mẫu và tiến trước các chiến sĩ, đặc biệt là “phải hết sức chăm lo mọi mặt về đời sống cho chiến sĩ”. Người nhấn mạnh “muốn làm tốt nhiệm vụ của mình vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ trong cả nước thì nhất định phải làm cho đúng, làm cho được những lời Bác dặn”.
 
Chiều ngày 31/12/1954, Người dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ tới đặt vòng hoa viếng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc tại Đài liệt sĩ Hà Nội. Kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ, diễn từ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận công trạng to lớn của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng dạ của toàn dân, của đất nước, đã thấm nhuần vào tâm hồn của toàn quân và toàn dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng. Sự hy sinh quý giá đó đã góp phần làm cho Thủ đô và miền Bắc được giải phóng, đồng thời “máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh”, vì vậy anh linh của các liệt sĩ sẽ bất diệt trong lòng Tổ quốc. 
 
Từ năm 1964, đế quốc Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh, ném bom phá hoại miền Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên). Theo lời kêu gọi của người, Hà Nội đã chiến đấu với niềm tin tất thắng. Giữa đạn bom, Hà Nội trở thành “trái tim của nhân loại”, là nơi thử thách phẩm giá và lương tri của loài người tiến bộ trước sức mạnh vũ khí tàn bạo của những kẻ xâm lược. Từ năm 1967, dù cuộc chiến đấu đang còn khó khăn ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán rằng chính bầu trời Hà Nội sẽ là nơi diễn ra trận chiến đấu quyết định và Mỹ sẽ thua trên bầu trời Hà Nội sẽ là nơi diễn ra trận chiến đấu quyết định và Mỹ sẽ thua trên bầu trời Hà Nội. Lời tiên đoán đó hoàn toàn xác thực: Thất bại nặng nề trong trận “Điện Biên Phủ trên không” đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari 27-1-1973. Chỉ hai năm sau, khúc ca khải hoàn “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” đã vang lên khắp phố phường Hà Nội hòa cùng trong niềm vui cả nước thống nhất, hòa bình.
 
60 năm sau ngày về tiếp quản Thủ đô, cũng là 60 năm Đảng bộ, các cấp chính quyền và nhân dân Thủ đô thực hiện những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trái tim của cả nước, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội...
 
Tài liệu tham khảo:
(1) Trích "Trưởng thành trong chiến đấu", hồi ký của Trung tướng Vương Thừa Vũ, NXB Hà Nội, 2006, tr.348 và 349).
(2,3,4)- Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, HN, năm 2000 t.7, tr.361-368 - 369-76
(5)- Bác Hồ với Giáo dục, NXB Giáo dục
6)- Sách Hồ Chí Minh: Với các lực lượng vũ trang nhân dân, NXB. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1975, tr.274-277.
 
NGUYỄN VĂN THANH