Điểm đến một chiến công

08:10, 02/10/2014

Xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm), vùng đất đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (20/10/1994) từng ngày thay da đổi thịt với diện mạo mới...

Xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm), vùng đất đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (20/10/1994) từng ngày thay da đổi thịt với diện mạo mới. Cách trung tâm xã chừng 4 km, dọc theo tỉnh lộ 725 là đồi B’Trú cao sừng sững giữa thôn 4 Nao Lùng. Nơi đây là nhân chứng về những sự kiện lịch sử của 39 năm trước không bao giờ phai mờ trong ký ức nhân dân các dân tộc Bảo Lâm
 
Đồng bào dân tộc Mạ căn cứ Bắc (K1) tham gia Đoàn vận tải H50, trên đường tiếp lương, tải đạn
Đồng bào dân tộc Mạ căn cứ Bắc (K1) tham gia Đoàn vận tải H50, trên đường tiếp lương, tải đạn
 
Từ sau Hiệp định Pa-ri (1973) đến đầu năm 1975, trên chiến trường tỉnh Lâm Đồng, quân địch tuy còn đông nhưng tinh thần cực kỳ hoang mang dao động khi nghe tin quân ngụy bại trận ở khắp các chiến trường. Tại vùng Bảo Lâm, Bảo Lộc, sau hai năm chiến đấu chống địch lấn chiếm, đấu tranh thi hành Hiệp định Pa-ri, lực lượng vũ trang được tăng cường, quân ta vẫn giữ vững địa bàn, mở rộng vùng giải phóng, sẵn sàng chuẩn bị phối hợp với chiến trường Tây Nguyên tiến lên giành toàn thắng. 
 
Ngày 10/3/1975, tại căn cứ Bắc đường 20, Huyện ủy K1, tỉnh Lâm Đồng nhận mệnh lệnh của Quân khu ủy Khu 6 về chuẩn bị mở chiến dịch tiến công thị xã B’Lao. Để chuẩn bị chiến dịch, Tỉnh ủy Lâm Đồng, Huyện ủy K1 chủ trương khôi phục và mở rộng, làm mới một số tuyến đường giao thông để phục vụ chiến dịch, đặc biệt là mở rộng, sửa chữa con đường từ dốc Con Ó (Đạ Tẻh) đến buôn B’Trú, Lộc Bắc. Theo yêu cầu của cấp trên, đến ngày 26/3/1975 phải hoàn thành và sẵn sàng chờ lệnh. Chỉ trong một tuần lễ ta đã huy động toàn bộ dân công các xã 1, 2, 3 và 7 của căn cứ Bắc (nay là hai xã Lộc Bắc và Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm) phối hợp với lực lượng cơ giới Ban Kinh tài tỉnh hoàn thành con đường dài 32km để kéo hai khẩu pháo 130 ly và hàng trăm quả đạn pháo từ Tà Lài lên dốc Ma Thiên Lãnh (Đạ Huoai) qua suối Đạ Tranh đến đồi B’Trú. Trong hai tuần lễ chuẩn bị chiến dịch, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân xã Lộc Bắc đã huy động toàn bộ số lượng lúa, thóc trong đồng bào, kể cả lúa giống, để phụ nữ giã gạo, làm ra hàng chục tấn lương thực và hàng ngàn ngày công phục vụ chiến trường; đã hoàn thành xong các tuyến đường và kéo pháo vào trận địa.
 
Đêm ngày 27, 28/3/1975, tại đồi B’Trú, hai khẩu pháo 130 ly đã dồn dập bắn vào sân bay tiểu khu, tòa hành chính ngụy thị xã B’Lao. Những đợt pháo kích chính xác của ta làm cho máy bay địch không cất cánh được và hệ thống phòng ngự của địch bị tê liệt hoàn toàn. Trong thời gian đó, các lực lượng vũ trang tỉnh, huyện cùng Trung đoàn 141 và các đơn vị pháo binh của Sư đoàn 7 tấn công giải phóng thị xã B’Lao, tỉnh Lâm Đồng. Trong chiến dịch mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn thị xã B’Lao, có sự đóng góp sức người, sức của rất to lớn của nhân dân xã Lộc Bắc, trong đó, có chiến công tại đồi B’Trú. 
 
Từ đó đến nay, Đảng bộ, chính quyền và quân, dân xã Lộc Bắc không ngừng phát huy truyền thống anh hùng trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Nhân dân tích cực hàn gắn vết thương chiến tranh, sớm đi vào định canh, định cư, trồng cây công nghiệp dài ngày như: chè, cà phê, rau màu các loại v.v… Đồng thời, phát triển các mô hình kinh tế: VACR “vườn, ao, chăn nuôi, rừng”; thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc của Trung ương, tỉnh, huyện, đã mang lại hiệu quả, đang ngày càng được nhân rộng. Đồng bào các dân tộc Lộc Bắc đoàn kết phấn đấu xây dựng địa phương phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, tích cực hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
 
Các dụng cụ sản xuất của nhân dân Lộc Bắc trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ
Các dụng cụ sản xuất của nhân dân Lộc Bắc trong các cuộc kháng chiến
chống Pháp và chống Mỹ
 
Năm tháng qua đi, dấu vết của chiến tranh đã lùi về quá khứ. Địa danh đồi B’Trú khắc ghi chiến công của một thời oanh liệt, nơi này cần được bảo tồn, xây dựng để trở thành di tích lịch sử, điểm đến của một chiến công.
 
TRẦN NGỌC BIÊN
Ban Tuyên giáo Bảo Lâm