Với chuyến đến thăm và làm việc tại Thái Lan lần này, theo lịch trình đã định trước, từ đường bộ chúng tôi lần lượt đến những nơi mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đặt chân lên xứ sở Chùa Vàng, thời kỳ 1928 - 1930...
Được sự giúp đỡ nhiệt tình, chu đáo của Hội Báo chí địa phương Thái Lan, chúng tôi đã có chuyến du hành đầy lý thú 6 ngày, xuyên vùng Đông Bắc nước Thái: theo dấu chân của Bác Hồ trên đất Thái Lan. Sáng 18/8/2014, tại Sân bay quốc tế Suvannaphum - Bangkok, cố vấn cao cấp Liên đoàn Báo chí Thái Lan, ông Bandhit Rajavatanadhanin và Quyền Chủ tịch Liên đoàn Báo chí Thái Lan đương nhiệm, Chủ tịch Hội Báo chí địa phương Thái Lan, ông Anan Ninmanont cùng Phó Tổng thư ký Hội và 5 đồng nghiệp Thái đón chúng tôi từ cửa máy bay.
|
Chủ tịch Hội kiều bào tỉnh Udon Thani Vũ Duy Chính trao tặng các nhà báo Việt Nam hình ảnh bàn thờ Bác Hồ trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani, ngày 20/8/2014 |
Làm báo kiêm chủ trang trại trồng me
Với chuyến đến thăm và làm việc tại Thái Lan lần này, theo lịch trình đã định trước, từ đường bộ chúng tôi lần lượt đến những nơi mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đặt chân lên xứ sở Chùa Vàng, thời kỳ 1928 - 1930. Trong khoảng thời gian chưa đầy 3 năm, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, sau chuyến đi tìm đường cứu nước từ châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới Người đã đến Thái Lan. Theo Người, Thái Lan là nước bạn láng giềng gần gũi, thân thiết - nơi có đông đảo bà con người Việt một lòng hướng về Tổ quốc yêu dấu. Tổ quốc luôn nồng ấm, khắc sâu trong tâm khảm bà con kiều bào.
Từ năm 1928 - 1930, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lưu lại tại 9 địa phương ở Thái Lan để tham gia nhiều hoạt động yêu nước, mở các lớp học, giáo dục và truyền bá tư tưởng Mác Lênin. 9 địa phương mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đến và lưu lại hoạt động là thủ đô Bangkok, Phichit (tỉnh Phesanulok), Uđon Thani, Nong Khai, Nakhon Phanom, Sakon Nakhon, Mukdaharn, Am nat Charoen, Ubon Ratchathani. Một cuộc hành trình tìm đến những nơi Bác Hồ đã đến trên đất Thái đầy thú vị. Bằng sự nhiệt huyết, giúp đỡ hết mình, các đồng nghiệp Thái Lan hướng dẫn chúng tôi đi xuyên vùng Đông Bắc, trên chặng đường hơn 2.000km, trải dài trên địa bàn 12 tỉnh trong tổng số 20 tỉnh của một khu vực nông nghiệp rộng lớn, trù phú của nước Thái - nhiều địa phương nằm ven hữu ngạn - dọc sông Mekong.
Trên 2 chiếc xe du lịch đời mới, rời Sân bay quốc tế Sunvannaphum - Bangkok chúng tôi đến thẳng cố đô Ayutthaya, cách Bangkok 72km. Phó Tỉnh trưởng, Chánh Văn phòng Tỉnh trưởng, đại diện Báo Thairat khu vực miền Trung, đồng thời Phó Chủ tịch Hội Nhà báo địa phương Thái Lan tiếp đón trọng thị các nhà báo Việt Nam tại một khách sạn sang trọng của cố đô. Sau đó, chúng tôi theo quốc lộ 21 ngược lên hướng Bắc đến huyện Si Thep, thuộc tỉnh Phetchabun, cách Bangkok 345km. Đến huyện lị Si Thep cũng vừa lúc trời vừa sập tối, mưa nhẹ, gió mát, nhiệt độ ngoài trời 28 độ C. Ông Bul Lewd, cựu Chủ tịch Hội Báo chí địa phương tỉnh Phetchabun, cố vấn của Hội Báo chí địa phương - phụ trách vùng Đông Bắc cùng nhiều đồng nghiệp địa phương tiếp chúng tôi tại “tư dinh”.
Bul Lewd bước qua tuổi 69, không chỉ là nhà báo mà ông còn là một trong những chủ trang trại trồng me nổi tiếng của vùng Đông Bắc. Diện tích trồng me của trang trại ông Bul Lewd hơn 100ha, mỗi năm ông thu hoạch hơn ngàn tấn các sản phẩm được chế biến từ me, như me trái đóng hộp xuất khẩu, các loại mứt, bánh kẹo, nước me giải khát. Thăm trang trại, khu vực nhà máy chế biến me, kho lạnh bảo quản sản phẩm me, ông Bul Lewd cho biết:
- Nhà tôi trồng me đã 3 đời nay, tôi là thế hệ thứ 3 trồng me. Giống me ngọt Si Thep, tỉnh Phechabun đứng đầu bảng vùng Đông - Bắc cả về sản lượng và chất lượng, xuất khẩu qua các nước Đông Nam Á, Nhật Bản và Pháp… rất được ưa chuộng. Nhiều nhà báo Phetchabun mở trang trại trồng me từ vài chục năm nay. Nhờ trồng me nên những lúc nguồn thu quảng cáo báo chí giảm sút, báo chí Phetchabun vẫn đứng vững. Cái khó nhất hiện nay của nghề trồng me chúng tôi là thiếu nhân công. Các con tôi đi dạy học hoặc kinh doanh ô tô, hàng điện tử, không có đứa nào kế nghiệp bố mẹ trồng me. Hình như lớp trẻ bây giờ ít quan tâm đến nông nghiệp, làm nghề truyền thống.
Câu chuyện làm báo và nghề trồng me ở Phetchabun cuốn hút chúng tôi đến sáng sớm hôm sau. Ông Bul Lewd đề nghị các đồng nghiệp Việt Nam hỗ trợ về thủ tục để các sản phẩm me ngọt Si Thep - Phetchabun có thể thâm nhập được thị trường Việt Nam, theo phương thức “Dịch vụ báo chí, hai bên cùng có lợi”.
Ông Bul Lewd dẫn chúng tôi đến thăm nhà riêng vợ chồng cô con gái lớn, sinh năm 1970, hiện nay là giáo viên tiếng Anh và giáo viên dạy lịch sử của huyện Si Thep, tỉnh Phetchabun. Biết chúng tôi đang thực hiện cuộc hành trình “Theo dấu chân Bác Hồ trên đất Thái”, cả nhà ông Bul Lewd và các bạn đồng nghiệp Thái Lan rất vui. Ông Bul Lewd nói:
- Được biết các bạn tìm đến những nơi Cụ Hồ Chí Minh đã từng hoạt động tìm đường cứu nước trên đất Thái Lan, chúng tôi vui lắm. Con gái tôi giảng dạy lịch sử biết khá kỹ về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, một người bạn lớn của Thái Lan, một lãnh tụ giải phóng dân tộc không chỉ của Việt Nam mà còn của cả thế giới. Chúc cuộc hành trình của các bạn thành công, chúc quan hệ đoàn kết hữu nghị Thái Lan - Việt Nam và quan hệ báo chí hai nước luôn đơm hoa kết trái.
Sự cố… quà lưu niệm!
Sáng 19/8/2014, bịn rịn chia tay chụp ảnh lưu niệm tại trang trại trồng me của ông Bul Lewd, bữa ăn sáng ở phố huyện kéo dài gần 1 giờ, chúng tôi rời Si Thep lúc 8 giờ 30 để đi Udon Thani. Do lơ đễnh, đã vượt qua chặng đường hơn trăm km từ huyện lị Si Thep đến trung tâm hành chính tỉnh - thành phố Phetchabun, một thành viên của đoàn - người được phân công phụ trách đối ngoại mới sực nhớ đã bỏ quên tại khách sạn những món quà lưu niệm đầy ý nghĩa của cuộc hành trình, mang từ Việt Nam, một sự cố hy hữu.
Các đồng nghiệp Thái Lan tổng huy động “nhân tài - vật lực” khắc phục sự cố. Tuy nhiên, ở vùng miền núi Si Thep này, xe cộ, phương tiện đi lại không đô hội như các đô thị lớn. Đến giờ chót, sự cố vẫn chưa được khai thông, bạn đành phải cho 1 xe quay lại Si Thep để lấy quà. Chúng tôi ai cũng cảm thấy mình đã làm điều không phải, nhưng đành vậy, chỉ biết xin lỗi đã làm phiền bạn. Trưởng đoàn nói vui trên xe: “Anh em ta chưa học tập được đức tính cẩn trọng, chỉn chu, kỹ lưỡng mỗi lần Bác Hồ hành quân đi chiến dịch trong kháng chiến, mỗi chuyến đi công tác của Bác Hồ về địa phương trong thời bình”. Trên xe mọi người bồi hồi xúc động nhắc đến nhiều câu chuyện cảm động về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - ông Thầu Chín trên đất Thái Lan. Ngày xưa, thiếu thốn trăm bề, chỉ có đôi chân đi bộ, đi xe đạp hoặc di chuyển bằng các phương tiện thô sơ mà Bác Hồ đã bôn ba hàng vạn dặm đường tìm đường cứu nước, cứu dân tộc thoát khỏi cảnh nô lệ lầm than.
Chiếc xe đầu đưa chúng tôi cắt đường rừng - rút ngắn được 50km thẳng tiến đến Udon Thani, nơi có đông bà con Việt kiều sinh sống. Udon Thani cũng là một trong những địa phương Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lưu lại hoạt động cách mạng thời kỳ năm 1928 - 1930. Hơn 100km đường rừng đèo dốc uốn lượn, hai bên đường là những cánh đồng ngô đang trổ cờ xanh mướt. Tiếp nối là những trang trại trồng nhãn, trồng me, cây trái, những cánh rừng cao su bạt ngàn xanh tốt. Quả thực, vùng Đông Bắc Thái Lan ruộng đồng trù phú, đất đai màu mỡ, cuộc sống thanh bình.
6 giờ tối, chiếc xe đi đầu tới tỉnh lỵ Udon Thani. Đông đảo bà con Việt Kiều, hội doanh nhân người Việt tại Udon Thani, đại diện Ban Quản lý khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tề tựu đón các nhà báo Việt Nam - Thái Lan.
(còn nữa)
Bài và ảnh: PHẠM QUỐC TOÀN