Sáng sớm ngày 20/8/2014, chúng tôi rời Uđon Thani. Hành trình được xác định: Đến Nong Khai, vượt cầu Hữu Nghị bắc qua sông Mê Kông đến thủ đô Viên Chăn của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Trở lại Nong Khai, Thái Lan trong cùng buổi sáng...
[links()]
Sáng sớm ngày 20/8/2014, chúng tôi rời Uđon Thani. Hành trình được xác định: Đến Nong Khai, vượt cầu Hữu Nghị bắc qua sông Mê Kông đến thủ đô Viên Chăn của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Trở lại Nong Khai, Thái Lan trong cùng buổi sáng. Chuyện đi lại giữa 3 nước: Việt Nam - Thái Lan - Lào thật thuận tiện. Buổi trưa, đến tỉnh Bueng Kan, gặp và làm việc với Tỉnh trưởng, gặp Hội người Việt tại Bueng Kan. Buổi tối đến tỉnh Nakhon Phanom, thăm làng Hữu nghị Thái - Việt, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trên bờ Tây - Hữu ngạn sông Mê Kông.
Rất thực tế khi các công ty du lịch lữ hành quảng bá, một ngày theo đường bộ có mặt ở 3 quốc gia: Việt Nam, Lào, Thái Lan, thưởng thức văn hóa ẩm thực 3 nước. Từ Uđon Thani đến Nong Khai chỉ mất 45 phút xe hơi. Nong Khai là tỉnh cực bắc của vùng đông bắc Thái Lan, ngăn cách với CHDCND Lào chỉ bằng con sông Mê Kông. Nong Khai tiếp giáp các tỉnh Nakhon Phanom, Sakon Nakhon, Uđon Thani, Loei.
|
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở bản Mạy - làng Hữu nghị Thái - Việt, tỉnh Nakhon, Phanom |
Nong Khai với 7.323,3km
2, dân số hơn 900.000 người, trong đó, cộng đồng người Việt hơn 5.000 người. Cuối năm 1928 đầu năm 1929, Nguyễn Ái Quốc - Thầu Chín đã hoạt động và đi lại thường xuyên giữa Uđon Thani, Nong Khai và Nakhon Phanom. Người cùng sinh sống, lao động, sinh hoạt với bà con Việt kiều. “Thầu” tiếng Thái - Lào để chỉ những bậc trưởng lão, biểu thị sự tôn kính - mặc dù lúc đó Nguyễn Ái Quốc mới bước vào tuổi 40. Thầu Chín cuốc đất trồng rau, cày ruộng trồng ngô, cấy lúa, nuôi gà lợn, chăn bò, vận động bà con tham gia phong trào yêu nước. Nong Khai trở thành địa chỉ đỏ gắn bó với Nguyễn Ái Quốc ở cực bắc của vùng đông bắc Thái Lan. Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nong Khai, tọa lạc trên khu đất rộng gần 1ha, được bà con Việt kiều xây dựng, tôn tạo khang trang, trở thành nơi hành hương - tham quan của nhiều du khách, trong đó có nhiều bà con người Việt. Hội Người Việt ở Nong Khai được thành lập từ đầu những năm 80 thế kỷ XX. Hiệp hội doanh nhân Thái - Việt ở Nong Khai thành lập năm 2005, thành viên tích cực của Hiệp hội doanh nhân Thái - Việt vùng đông - bắc, tham gia nhiều hoạt động xã hội từ thiện, hỗ trợ giúp đỡ bà con Việt kiều có hoàn cảnh khó khăn; có nhiều đóng góp tôn tạo Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đây.
Từ Uđon Thani đến Nong Khai, chúng tôi vượt cầu Hữu Nghị đến thủ đô Viên Chăn thăm Tháp Thạt Luổng, tòa tháp lớn lộng lẫy uy nghi - biểu tượng của nền văn hóa phật giáo trên đất nước hoa chăm-pa; thăm bãi Phật, Khu di tích Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản; tượng đài Độc Lập; chụp ảnh trước dinh Thủ tướng Chính phủ Lào, ăn cơm lam bên dòng Mê Kông.
Hầu hết các thành viên trong đoàn đến Viên Chăn lần đầu. Đến Viên Chăn từ ngã Tây - Thái Lan - qua Lào có sự độc đáo và thú vị riêng. Cũng như Hà Nội, thủ đô của xứ sở Vạn Tượng - Triệu Voi đang là mùa thu, cây cối xanh tươi, khí hậu mát mẻ. Hoa chăm pa nở trắng ngần, tinh khiết ẩn mình trong những khu biệt thự cổ kính. Những cây hoa sữa trên một số tuyến phố Viên Chăn nở hoa, mùi thơm thoang thoảng, thật dễ chịu. Đến Viên Chăn lại nhớ về Hà Nội, nhớ Bác Hồ kính yêu yên nghỉ ngàn thu nơi Quảng trường Ba Đình lịch sử, nghĩ về mối tình đặc biệt Việt - Lào, mà Bác Hồ và Hoàng thân Xu-pha-nu-vong cùng các vị lãnh đạo tiền bối của cách mạng Lào đã dày công vun đắp, trải qua năm tháng thử thách, tiếp tục đơm hoa kết trái. Một vòng tham quan thành phố Viên Chăn hiền hòa xinh đẹp, chúng tôi vòng trở lại Nong Khai để đến tỉnh lỵ Bueng Kan, quãng đường hơn 150km.
13 giờ, chúng tôi đến Bueng Kan. Tỉnh trưởng, Phó tỉnh trưởng và phu nhân tiến sĩ y khoa, nhiều quan chức địa phương và các đồng nghiệp Hội Báo chí tỉnh Bueng Kan cùng hơn 50 bà con Việt kiều đã tề tựu chờ đón các nhà báo Việt Nam từ 11 giờ 30. Cuộc đón tiếp trọng thị diễn ra tại khách sạn 4 sao The One thuộc sở hữu của một doanh nhân người Việt, ông Nguyễn Kế. Tình cảm các bạn Thái Lan và bà con Việt kiều dành cho chúng tôi trọng thị, thật nồng ấm. Theo phong tục đón khách quý, Tỉnh trưởng tự tay mình quàng lên cổ mỗi thành viên của đoàn nhà báo Việt Nam một vòng hoa lan, ông chân thành bày tỏ tình cảm của mình:
- Hôm nay chúng tôi rất vui mừng có mặt tại đây đón các bạn. Chúng tôi được biết, các bạn chỉ ghé qua Bueng Kan - trên đường đến làng Hữu Nghị Thái - Việt ở tỉnh Nakhon Phanom, nơi trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “khởi nguồn” tổ chức nhiều hoạt động yêu nước giành độc lập dân tộc cho Việt Nam. Nhân dân Thái Lan, trong dó có nhân dân Bueng Kan luôn luôn tôn kính, quý trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tất cả tình cảm sâu nặng của mình. Người là danh nhân văn hóa thế giới, một nhà lãnh đạo suốt đời vì nước, vì dân.
Ngài Tỉnh trưởng tặng chúng tôi huy hiệu và tập sách quý giới thiệu tỉnh Bueng Kan, rồi xin chia tay, để kịp chủ trì một cuộc tiếp tân quan trọng vào lúc 14 giờ.
Ngài Phó Tỉnh trưởng Tewan Sannikorn và phu nhân tiến sĩ y khoa thay mặt Tỉnh trưởng tiếp đoàn. Ngài Phó Tỉnh trưởng cho biết:
- Bueng Kan tiếp giáp Nong Khai, Uđon Thani, Nakhon Phanom, Sakon Nakhon - tuy chưa có di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh, nhưng thời ông Thầu Chín - Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Thái Lan, không ít lần Người đến đây và nghỉ lại tại Bueng Kan. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu đậm trong lòng bà con người Việt, người Thái dọc các địa phương nằm ven dòng sông Mê Kông.
Ông Lê Văn Dần, Chủ tịch cộng đồng người Việt Nam và người Thái gốc Việt tại tỉnh Bueng Kan kể lại:
- Bà con người Việt tại Bueng Kan có hơn 4.000 người. Hầu hết bà con định cư tại Bueng Kan có nguồn cội quê hương từ 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, đã định cư từ 70 - 80 năm nay. Cuộc sống bà con ổn định, một số người có khách sạn, công xưởng, trang trại, trang trại cây trái, cao su.
Chủ tịch Lê Văn Dần như thủ thỉ trò chuyện, nhắc đến khó khăn của không ít bà con ngày đầu định cư, sự phấn đấu vượt lên để phát triển, đổi đời những năm sau đó. Ông tâm tình, nói với chúng tôi cũng là sự nhắc nhở cho chính mình:
- Hội chúng tôi còn phải cố gắng nhiều hơn để tập hợp bà con trong một mái nhà chung. Chúng tôi tổ chức cho bà con đến Nong Khai, Uđon Thani, bản Mạy ở Nakhon Phanom thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm làng Hữu nghị Thái - Việt, qua đó mà ngầm nói với bà con, nhất là tầng lớp thanh niên phải luôn hướng về quê hương đất nước. Tình thân hữu, đoàn kết, hợp tác giữa bà con người Việt và bà con người Thái, với chính quyền tỉnh, huyện tốt đẹp, đồng lòng đồng sức.
Chỉ vài ba giờ ngắn ngủi lưu lại ở tỉnh Bueng Kan mà bao nhiêu chuyện có thể tâm tình. Bà con cộng đồng người Việt đón chúng tôi như đón những người thân thiết đi xa trở về. Chúng tôi cảm nhận ở bà con cần sự chia sẻ, gắn bó nhiều hơn, hỗ trợ nhiều hơn từ trong nước. Chúng tôi đón nhận từ trái tim của bà con tình yêu bao la, sự tôn thờ, thành kính, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi cảm nhận được tình cảm từ các nhà lãnh đạo địa phương, ngài Tỉnh trưởng, Phó Tỉnh trưởng, các quan chức cộng sự cấp tỉnh, cấp huyện tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác tin cậy, chân thành.
15 giờ 30 chúng tôi tạm biệt Bueng Kan trong tình cảm ấm cúng, lưu luyến...
Kỳ cuối: Làng Hữu nghị Thái - Việt
PHẠM QUỐC TOÀN