Con đường mang tên Yết Kiêu - Dã Tượng và câu chuyện lịch sử về sự trung thành khắc trong di sản tư liệu thế giới

09:12, 25/12/2014

Câu chuyện về hai gia thần thân tín của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn khắc trong Mộc bản Đại Việt Sử ký toàn thư - Di sản tư liệu của thế giới đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV là một minh chứng anh hùng về con người và dân tộc Việt Nam.

Tại Đà Lạt có hai con đường mang tên hai vị công thần trung thành, dũng cảm, tài giỏi của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là Yết Kiêu và Dã Tượng, đây là những vị anh hùng có công lớn giúp nhà Trần chống giặc Nguyên Mông vào thế kỷ XIII. Có thể nói, trong lịch sử dân tộc Việt Nam, việc quân đội nhà Trần ba lần chặn đứng vó ngựa của đạo quân xâm lược khét tiếng hung hãn nhất thế giới, đã tạo ra một kỳ tích của một nước nhỏ nhưng không yếu, ghi dấu ấn vào trang sử vẻ vang về tinh thần chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Có được thành công đó, chính là nhờ vào tinh thần đoàn kết, bất khuất của những con người kể như rất đời thường, nhưng đã để lại cho lịch sử hôm nay và mai sau bài học sâu sắc về lòng quyết tâm chống giặc ngoại xâm và một tinh thần Việt Nam quật khởi. Câu chuyện về hai gia thần thân tín của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn khắc trong Mộc bản Đại Việt Sử ký toàn thư - Di sản tư liệu của thế giới đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV là một minh chứng anh hùng về con người và dân tộc Việt Nam.
 
 Tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng Yết Kiêu và Dã Tượng
Tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng Yết Kiêu và Dã Tượng
 
Yết Kiêu là người có biệt tài thủy chiến. Dã Tượng là người có biệt tài thuần phục và chỉ huy đội voi rừng. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, hai ông đã lập được nhiều chiến công hiển hách, góp phần làm nên nhiều chiến thắng lịch sử. Năm 1285, khi quân Nguyên ồ ạt kéo sang xâm lược nước ta lần thứ 2. Trong trận đánh này, đã ghi dấu trong lịch sử một câu chuyện hết sức cảm động về sự trung thành của Yết Kiêu đối với chủ tướng, đây cũng là nhân tố giúp cho đội quân Đại Việt thoát khỏi việc bị bao bây của quân giặc, từng bước giữ được thế trận, giành thắng lợi về sau. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư đã khắc như sau: Trong trận chiến ở Bãi Tân, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dùng thuyền ra trận, ông giao cho Yết Kiêu ở lại giữ thuyền, còn Dã Tượng thì đi theo hộ vệ. Do sức mạnh của quân địch quá lớn, quân Trần đã không cản nổi bước tiến vũ bão của quân giặc, nên thủy quân đóng ở Bãi Tân làm chặn hậu cũng chạy tan tác cả, lúc này, Hưng Đạo Vương định rút lui theo đường núi. Dã Tượng thấy vậy liền thưa: “Yết Kiêu chưa thấy Đại Vương thì nhất định không chịu rời thuyền”. Hưng Đạo Vương liền quay lại Bãi Tân, quả nhiên thấy Yết Kiêu vẫn cắm thuyền đứng đợi, bất chấp hiểm nguy có thể xảy đến. Vừa vui mừng, vừa cảm động, Hưng Đạo Vương đã thốt lên rằng: “Chim hồng hộc muốn bay cao tất phải nhờ ở sáu trụ xương cánh. Nếu không có sáu trụ xương cánh ấy thì cũng chỉ như chim thường thôi”. Nói xong, liền lên thuyền mà đi, giặc không sao đuổi kịp. Hưng Đạo Vương rút về Vạn Kiếp, chia quân đóng giữ ở Bắc Giang.
 
Trong các cuộc chiến, Yết Kiêu còn dùng tài bơi lặn của mình để xâm nhập sâu vào hàng ngũ địch, đục thủng và đánh chìm các thuyền chiến của giặc, mang lại nhiều chiến công vang dội, đóng góp lớn cho các cuộc kháng chiến. Mùa đông, Yết Kiêu đã không quản giá rét, đêm đêm lặn xuống biển, nằm dưới đáy thuyền, lấy dùi sắt nhọn đục thủng thuyền. Thuyền giặc bị nước biển chảy ồ ạt vào, chìm ngay. Quân giặc sợ lắm. Lúc đầu chúng không hiểu vì lẽ gì. Sau giặc giăng lưới vây bắt được Yết Kiêu. Chúng hỏi ông: “Nước mày có bao nhiêu người có tài bơi lặn như mày?” Ông đáp: Nước Nam có rất nhiều người có tài bơi lặn như tôi. Hiện nay, họ vẫn ẩn nấp ở dưới biển để đục thuyền, chỉ có mình tôi chẳng may bị bắt. Nếu các ông tha tôi ra, tôi sẽ dẫn đến chỗ họ ẩn nấp. Bọn giặc tưởng thật, chúng lấy một chiếc thuyền nhẹ chở ông đi. Thừa lúc giặc sơ ý, ông liền nhảy xuống biển, lặn trốn về doanh trại, tiếp tục cùng quân dân ta đánh giặc cứu nước.
 
Năm 1288, trên đường hành quân chuẩn bị cho trận Bạch Đằng lịch sử, con voi chở Hưng Đạo Đại Vương bị sa lầy, chìm dần xuống bùn. Dù đã dùng nhiều cách nhưng rồi con voi chiến thân thiết của Hưng Đạo Vương cứ lún dần, lún dần. Dã Tượng và Hưng Đạo Vương nhìn người bạn đường chiến đấu sắp hy sinh mà quặn lòng đau xót. Dã Tượng bèn quỳ xuống trước mặt Hưng Đạo Vương xin người lên ngựa đi tiếp cho kịp ra quân, còn mình ở lại rồi sẽ đuổi theo sau. Trong trận đánh đó, Dã Tượng giữ một cánh quân trên núi Tràng Kênh, đánh tan đám quân của Phàn Tiếp, máu giặc nhuộm đỏ cả khúc sông, Dã Tượng chiến đấu với địch như chỗ không người, khiến cho Phàn Tiếp khiếp sợ bỏ lính, để nguyên tên găm trên người nhảy xuống sông chạy trốn, nhưng vẫn bị quân Trần bắt sống. Trận quyết chiến Bạch Đằng thắng lợi, toàn bộ đạo quân của địch đã bị tiêu diệt và bị nhấn chìm trong sóng nước. Cuộc kháng chiến lần thứ ba của quân dân Đại Việt giành được thắng lợi rực rỡ. Từ đó giặc Nguyên Mông từ bỏ ý đồ xâm lược nước ta.
 
Có thể nói, sức mạnh của nước Đại Việt thời Trần bắt nguồn từ sức sống mãnh liệt, từ lòng yêu nước trong từng cá nhân, dù họ chỉ là những gia nô, nhưng với chí khí đấu tranh bất khuất, tinh thần đoàn kết và lòng trung thành tuyệt đối đã giúp cho đội quân của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn bách chiến bách thắng, ba lần đánh thắng đạo quân xâm lược hung hãn nhất thời đại, quét sạch bè lũ xâm lược ra khỏi bờ cõi, đem lại hòa bình ấm no cho nhân dân. Yết Kiêu và Dã Tượng đã trở thành những vị anh hùng tận trung vì đại nghĩa cứu nước, xứng đáng sánh ngang hàng với các bậc hào kiệt trong lịch sử, là những tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau.
 
PHẠM THỊ YẾN (Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)