Nhớ về người nữ chiến sĩ năm xưa

09:01, 29/01/2015

Câu chuyện được kể cách đây đã hơn ba mươi năm, nhưng vẫn sống mãi trong tôi. Bắt đầu từ lá thư của đồng chí Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Nay là Thủ tướng Chính phủ) gửi cho một người phụ nữ - từng là nữ đồng chí hoạt động trong những ngày cuối năm 1944 tại Chợ Chu, huyện Định Hóa vào lập nghiệp ở Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng...

Câu chuyện được kể cách đây đã hơn ba mươi năm, nhưng vẫn sống mãi trong tôi. Bắt đầu từ lá thư của đồng chí Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Nay là Thủ tướng Chính phủ) gửi cho một người phụ nữ - từng là nữ đồng chí hoạt động trong những ngày cuối năm 1944 tại Chợ Chu, huyện Định Hóa vào lập nghiệp ở Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Lá thư được ông Nguyễn Duy Anh gửi qua Văn phòng Tỉnh ủy Lâm Đồng và chuyển đến cho gia đình bà Nguyễn Thị Kim Liên. Bà Nguyễn Thị Bích Liên đã chuyển cho tôi bức thư và một tấm ảnh chụp chung với đồng chí Phạm Văn Đồng khi ông đến thăm gia đình bà ở thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà sau này.
 
Bà Nguyễn Thị Bích Liên tâm sự: “Những ngày cuối năm 1944, cả thị trấn Chợ Chu xôn xao về một tin đồn là có một đạo quân giải phóng mới thành lập ở Cao Bằng. Trận đầu ra quân đã đánh thắng giặc Pháp, làm cho chị em chúng tôi phấn chấn vô cùng. Sau đó, đội quân này do anh Văn (tức Võ Nguyên Giáp) lãnh đạo đã về đến thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa chúng tôi. Trong đoàn có chị Cầm, chị Thanh là con gái. Tôi thoáng nghĩ: Các chị cũng là con gái như mình mà các chị xung phong đi bộ đội, thì mình cũng đi được.  
 
Về Chợ Chu được vài ngày, đoàn quân giải phóng lại lên đường sang địa phương khác lúc nào không hay. Thế là cả tuần sau đó, ngồi ở đâu làm việc gì, chúng tôi cũng bàn chuyện tham gia quân giải phóng.
 
Ngày còn ở thị trấn Chợ Chu, chúng tôi có 18 chị em cùng nhau trốn nhà lên rừng theo bộ đội. Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng nửa tháng lương thực dự trữ và đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Một số thanh niên trong thị trấn đã giúp chúng tôi mang gạo, áo quần, chăn màn lên giấu kín trong núi Nà Mò - một bản ở xã Bảo Cường, Định Hóa. Đợi gà gáy sáng, chị em chúng tôi đến điểm tập trung.
 
Ròng rã hơn nửa tháng trời, ăn hết lương thực mà chúng tôi chẳng tìm đâu ra bộ đội. Ở lại cũng căng, về nhà thì sợ bố mẹ mắng. Cuối cùng, chị Trang, chị Gái tình nguyện về thị trấn và đến từng nhà để xin lỗi bố mẹ.
 
Hóa ra nửa tháng qua, đơn vị giải phóng quân lên khởi nghĩa ở Bắc Cạn (Chợ Mới), sau về lại Chợ Chu củng cố phong trào. Về đến đây, anh Lê (tức anh Giản), anh Văn (Võ Nguyên Giáp) nghe tin có một số chị em có tinh thần như thế, đã tập hợp chúng tôi lại mở một lớp học tập cương lĩnh Mặt trận Việt Minh ở xã Bình Trung (Định Hóa). Tại đây, tôi đã đổi tên Bạch Thái thành Ngọc Bích để dễ hoạt động.
 
Học tập được một thời gian ngắn, anh Lê, anh Văn tuyển 3 người trong 18 chị em chúng tôi đi hoạt động chính quy, trong đó có chị Gái, chị Minh, chị Châu - không có tôi. Các chị em khác về các địa phương mở lớp tự vệ chiến đấu tại chỗ. Vì lúc ấy, các anh chị thấy tôi nhỏ tuổi, ốm yếu, sợ không chịu được gian khổ, nên không chọn đi chính quy. Thấy tôi khóc nức nở, các anh chị mủi lòng, cuối cùng đành phải cho tôi đi. Nhưng rõ ràng sức khỏe của tôi không được tốt thật. Các anh chị giao cho tôi một dao găm, hai quả lựu đạn, một khẩu súng, ba mươi viên đạn. Kết cục, còn 27 viên đạn tôi không mang nổi, phải nhờ các anh chị khác trong đơn vị vác hộ.
 
Tôi theo các anh chị trong đơn vị đi tuyên truyền, hoạt động củng cố phong trào, xây dựng các hội cứu quốc đầu tiên. Chúng tôi đến đâu, khởi nghĩa xong, lập chính quyền nhân dân ngay tại đó. Hoạt động ở Định Quán một thời gian, chúng tôi chuyển sang châu Tự Do.
 
Trong lúc này, Nhật - Pháp đang đánh nhau. Trung ương và Bác Hồ nhận định thời cơ khởi nghĩa đã đến. Và cũng lúc này, phát xít Nhật đang ở bên tỉnh Tuyên Quang. Cũng thời gian này, tên Ngọc Bích của tôi bị lộ, bọn giặc truy tìm, treo thưởng cho kẻ nào bắt được cán bộ mang tên Ngọc Bích. Các đồng chí lãnh đạo đã đặt tên mới cho tôi là Bích Liên và cái tên Bích Liên thân thương trìu mến này đã gắn bó với cuộc đời tôi cho đến hôm nay”.
 
Bà Bích Liên tiếp tục câu chuyện về một thời không thể nào quên. Bà kể tiếp: “Một hôm chúng tôi đang hoạt động củng cố phong trào ở châu Sơn Dương, thì có lệnh thu quân của anh Văn về lại cây đa Tân Trào để chuẩn bị tổng khởi nghĩa.
 
Trên đường từ châu Sơn Dương về lại Thái Nguyên, tôi bị sốt rét nặng. Anh Văn và anh Lê gửi tôi cho gia đình đồng chí chủ tịch xã chăm sóc. Đồng chí này có người mẹ là thầy lang chữa bệnh bằng thuốc nam rất giỏi. Đoàn quân tiếp tục về Tân Trào. Tôi nằm lại nhà đồng chí chủ tịch xã mà ruột gan như lửa đốt. Điều trị được một tuần thì tôi khỏe lại.
 
Mấy ngày ngóng đợi đơn vị, vào một buổi sáng, trung đội anh Hồng Thái ở Cao Bằng được lệnh của anh Văn ghé qua nhà đồng chí chủ tịch xã đón tôi. Lúc đó, trung đội anh Hồng Thái trực thuộc chi đội của anh Đàm Quang Trung.
 
Về đến Thái Nguyên, chi đội anh Lâm Kinh (tức Lâm Cẩm Như) và Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do anh Đông làm đội trưởng đã mở trận đầu tiên đánh vào Thái Nguyên. Tổ 3 người chúng tôi, có chị Thanh, anh Ngọc Dương và tôi đã tổ chức truy kích địch.  Trong giờ phút “thừa thắng xông lên” do đêm tối, mũi súng tôi mang đâm vào bức tường trước mặt, tôi bị báng súng vỗ vào ngực chấn thương. Anh Dương và chị Thanh cõng tôi về một đồn điền của Pháp ở Thái Nguyên để điều trị. Hai hôm sau tôi lành bệnh, lại cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu.
 
Đánh xong trận Thái Nguyên, chúng tôi lên thuyền xuôi về đồng bằng. Nước trên sông cuồn cuộn chảy xiết, lũ ào ạt tràn từ Phúc Yên sang Bắc Giang. Đoàn quân của chúng tôi đã đến đình Yên Viên và nghỉ lại.
 
Về đến đây, đơn vị chúng tôi thông báo cho anh em trong thành Hoàng Diệu biết là đoàn quân giải phóng trên chiến khu đã về. Các anh chị đã dùng xe cam-nhông chuyển quân trang, quân dụng sang để trang bị cho anh chị em quân giải phóng.
 
Riêng các chị em chúng tôi, từ trước đến nay chưa được cấp phát áo quần bộ đội, vì lúc đó quân đội ta chưa có sắc phục rõ ràng. Các anh lãnh đạo yêu cầu chúng tôi mặc nguyên áo dài chàm, đội mũ bê rê chàm cùng đoàn quân phối hợp tiến về Hà Nội.
 
Đơn vị chúng tôi đến gần cầu Long Biên thì lính Nhật ở đây chưa nhận được lệnh của bọn chỉ huy nên chúng chưa chịu cho chúng tôi vào. Trong lúc dừng chân, chúng tôi tranh thủ tản ra các phố Gia Lâm tuyên truyền, vận động quần chúng; nói rõ mục đích tôn chỉ của quân đội cách mạng là vì nhân dân phục vụ.
 
Khi có lệnh vào thành Hà Nội, kỷ niệm mà chúng tôi nhớ mãi - đó là một rừng người ào ào tràn xuống lòng đường, ven đường, đứng chật trên ban-công nhà mình để được xem cho rõ quân giải phóng. Suốt các nẻo đường, nhân dân hô vang khẩu hiệu do tự đáy lòng mình bộc bạch ra: Quân giải phóng muôn năm! Nữ giải phóng quân muôn năm!...
 
Ngày 19 tháng 8 năm 1945, chúng tôi trong đoàn quân tiến về Hà Nội đã tham gia duyệt binh ở Vườn hoa Ba Đình. Ngày mồng 2 tháng 9, thay mặt Trung ương, Bác Hồ đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chúng tôi không làm sao quên được hôm ấy trong nắng ấm mùa thu cách mạng, dưới rừng cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay. Hà Nội như sáng lên trong một ngày hội lịch sử. Hạnh phúc đến không ai ngờ được ấy càng làm cho chúng tôi thêm nhớ về vùng đất chiến khu một thời Bác Hồ và Trung ương đã ở và lãnh đạo kháng chiến. Một ông Ké người Nùng. Nay trên quảng trường lớn, Bác Hồ vẫn bình dị với chòm râu bạc, vầng trán cao rộng, đôi mắt ngời sáng đang dõng dạc đọc từng lời trong bản Tuyên ngôn độc lập. Một rừng người hô to và mạnh mẽ trong những cánh tay giơ cao biểu thị tấm lòng trước sau như một của nhân dân đối với chính quyền cách mạng non trẻ. 
 
Sau ngày hội lớn của dân tộc, chúng tôi được phân công về các đơn vị. Riêng tôi được về công tác ở Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Bắc Thái.
 
Tháng 10 năm 1949, tôi vừa tròn 21 tuổi và xây dựng gia đình với anh Hoàng Trọng Nghĩa - còn có tên khác là Cao Văn Tỵ. Chồng tôi cũng là chiến sĩ trong đoàn quân giải phóng từ tháng 7 năm 1945 và đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong trận Võ Nhai. Năm 1947 là bí thư chi bộ, chính trị viên đại đội chủ lực của tỉnh. Chồng tôi tiếp tục tham gia tiểu phỉ ở Lạng Sơn. Đến tháng 12 năm 1966, chồng tôi ngã bệnh vì bị sốt xuất huyết, lúc đó tôi mới sinh cháu út chưa tròn 10 tháng tuổi.
 
Từ khi chồng mất, tôi một mình gánh vác gia đình 8 miệng ăn vô cùng gian khổ. Nhưng nhờ các con tôi thương mẹ, đỡ đần cho mẹ. Tôi đã vượt qua tất cả để nuôi các con ăn học, khôn lớn.
 
Năm 1977, tôi tình nguyện đưa cả gia đình lên thị trấn nông trường Nam Ban, huyện Đức Trọng xây dựng vùng đất mới của Hà Nội ở Lâm Đồng, nay là huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Năm 1983, đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã ghé nhà thăm và động tôi cùng gia đình cố gắng xây dựng cuộc sống ngày càng phát đạt trên vùng đất mới. Những lời nói chân thành của đồng chí Phạm Văn Đồng càng gợi lên trong tôi những ngày tháng trên chiến khu ngày nào biết bao kỷ niệm”. 
 
Gặp lại đồng chí Phạm Văn Đồng ngay trên chính quê hương Lâm Đồng càng làm cho bà thêm trân trọng những gì mà các lãnh đạo Trung ương vẫn còn nhớ đến bà, quan tâm đến bà và gia đình của bà. Bức ảnh kỷ niệm đồng chí Phạm Văn Đồng với bà và người con trai thứ của bà năm 1983 vẫn còn đây. Bức ảnh nhắc lại một thời với một con người - nữ đồng chí xinh đẹp tuổi mới 17 đã sớm có mặt trong đoàn quân cách mạng mới ra đời chưa được bao ngày. Người nữ chiến sĩ năm xưa ấy, người phụ nữ đảm đang ấy nay đã không còn - nhưng những gì bà kể cho tôi nghe dạo đó, bây giờ vẫn còn hiển hiện trước mắt tôi.
 
TRẦN NGỌC TRÁC