Nguyễn Thái Hiến - người điểm tô đô thị Đà Lạt

09:02, 05/02/2015

Những năm 30 thế kỷ trước, Đà Lạt đã được du khách trao tặng những danh hiệu đẹp đẽ "Xứ sở ngàn hoa", "Miền đất thần tiên"... Những danh hiệu mỹ lệ, hấp dẫn ấy bắt nguồn từ cảnh quan thiên nhiên kỳ thú của đất trời cao nguyên Lang Biang - Đà Lạt và bởi sự tô điểm của khối óc, bàn tay tuyệt xảo của những con người đã khai phá, xây dựng đô thị. Tiêu biểu những con người ấy là nhà nông học Nguyễn Thái Hiến.

Những năm 30 thế kỷ trước, Đà Lạt đã được du khách trao tặng những danh hiệu đẹp đẽ “Xứ sở ngàn hoa”, “Miền đất thần tiên”... Những danh hiệu mỹ lệ, hấp dẫn ấy bắt nguồn từ cảnh quan thiên nhiên kỳ thú của đất trời cao nguyên Lang Biang - Đà Lạt và bởi sự tô điểm của khối óc, bàn tay tuyệt xảo của những con người đã khai phá, xây dựng đô thị. Tiêu biểu những con người ấy là nhà nông học Nguyễn Thái Hiến.
 
Ông Nguyễn Thái Hiến
Ông Nguyễn Thái Hiến
Ông Nguyễn Thái Hiến sinh năm 1898 tại làng An Tứ, xã Văn Tràng, tổng Đô Lương, phủ Anh Sơn nay là huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Năm 11 tuổi ông theo học chữ Nho và dự khóa thi Hương cuối cùng (1918). Sau đó, ông chuyển sang tân học và vào học trường canh nông Tuyên Quang - nơi đào tạo những nhà nông học đầu tiên của nước ta. Năm 1924, tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm làm kiểm lâm ở Phan Thiết, đến năm 1927 chuyển lên Đà Lạt. Bấy giờ Đà Lạt đang bắt đầu hình thành đô thị nghỉ dưỡng vùng núi cao của xứ nhiệt đới Đông Dương. Ông Nguyễn Thái Hiến được viện công sứ Đà Lạt giao làm giám thị lục lộ: trông coi, giám sát việc làm đường sá đô thị và chỉ đạo trồng rau - hoa xứ lạnh trong khuôn viên tòa sứ. Hạt giống hoa - rau viên công sứ đưa từ Pháp sang cung ứng. Quy mô trồng trọt lúc này chỉ giới hạn trong phạm vi thí nghiệm. Lao công phục dịch còn rất thiếu, vì người Pháp hạn chế lao động nhập cư vào Đà Lạt. Ông Hiến thấy đây là dịp để giúp bà con ở quê nhà có công ăn việc làm; ông xin với viên công sứ cho ông tuyển dụng một số nhân công và bảo lãnh về chính trị của họ trước chính quyền. Đây là lớp lao động nhập cư có tổ chức đầu tiên vào Đà Lạt. Những người lao động này, ban ngày làm đường sá; xây dựng nhà cửa; vệ sinh đường phố, vườn tược các công sở... Ban đêm, ngày nghỉ khai hoang lập ấp triển khai trồng rau - hoa dưới sự hướng dẫn trực tiếp của ông Hiến theo cách thức “cầm tay chỉ việc”. Khi công việc tương đối ổn định, hàng tuần, ông yêu cầu họ dành 2 - 3 tối để học chữ quốc ngữ và những kiến thức cơ bản về trồng trọt rau - hoa, chăn nuôi gia súc. Quy định của chính quyền đô thị lúc bấy giờ là khu vực tây bắc (nay là vùng Phan Đình Phùng - Hai Bà Trưng) cho người Việt cư trú. Phía Đông - Nam là công sở và nơi cư trú của người Pháp. Ông Hiến đã dùng ảnh hưởng của mình để xin với chính quyền cho phép dân nhập cư khai hoang lập ấp khu vực phía sau dinh Thống soái (nay là trụ sở UBND tỉnh Lâm Đồng), vì vùng đất ấy là đất đỏ, tầng canh tác dày, gần suối nước và nhất là gần con đường ô tô Đà Lạt - Sài gòn, đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm nối với đường sắt xuyên Việt (nay là khu Tân Lạc - Xuân An). Sở dĩ ông Hiến chọn vùng đất này là bởi sản phẩm của bà con làm ra, lúc đầu chỉ cung ứng cho nhu cầu dân Đà Lạt; nhưng khi sản xuất phát triển, sản phẩm dồi dào phải có thị trường tiêu thụ mới mà tầm nhắm của ông là Sài Gòn, các đô thị Nam Trung bộ... Không chỉ lo việc mở đất cho dân, ông Hiến còn chú tâm đến cả các khâu giống, phân bón, nông cụ, tổ chức thu mua sản phẩm... cho người sản xuất, về giống hoa - rau, ban đầu do một công ty của người Pháp cung cấp. Vì độc quyền, cho nên giá cả cao. Qua một nhà buôn bán lớn người Hoa ở Chợ Lớn, ông Hiến đã nhập giống từ Pháp, giá rẻ, chất lượng cao. Sau đó, ông lập trại sản xuất giống tại Đà Lạt để chủ động nguồn cung cấp và hạt giống thích nghi với thổ nghi - khí hậu - thời tiết Đà Lạt. Cũng như khâu giống, khi sản xuất mở rộng, yêu cầu phân bón hữu cơ tại chỗ không đủ; ông đã liên hệ với một số nhà buôn ở Phan Thiết đặt cơ sở thu mua, cung cấp các loại cá khô loại bỏ, xác mắm cá - một loại phân bón hữu cơ bổ sung rất thích hợp với các loại rau - hoa xứ lạnh. Khoảng năm 1932 - 1933, khi con đường ô tô Đà Lạt - Sài Gòn, đường xe lửa Đà Lạt - Tháp Chàm khai thông, ông Nguyễn Thái Hiến cùng với một số bạn hữu lại xin chính quyền cho chiêu mộ thêm người lập các trại ấp Trại Mát, Đất Làng (Cầu Đất), cầu Quẹo - dọc suối Phan Đình Phùng.
 
Đến đầu những năm 30 thế kỷ trước, dưới sự tổ chức, chỉ đạo rất có hiệu quả của ông Nguyễn Thái Hiến, nhóm lao động nhập cư đầu tiên ở Đà Lạt đã sản xuất được các sản phẩm hàng hóa vùng ôn đới đặc sản của Đà Lạt như, về hoa: có Glaieul, thược dược, marguerite, gebéret, lys, arrum, hortensia, cẩm tú cầu, hoa hồng với 20 loại…; về rau, có: Các loại bắp cải (sú), su hào, sú lơ, cải bắp thảo, các loại xà lách, cà rốt, củ dền, củ cải trắng - đỏ, xanxipi, khoai tây, poarô hành - tỏi, các loại đậu, cần tây, ớt tây, su su, thìa là, cà chua, atisô... Riêng cây atisô, một số nước châu Âu chỉ dùng làm rau ăn; nhưng ông Hiến đã cùng dược sỹ Hoàng Hy Tuần (Hiệu thuốc tây Domart) liên hệ với viện bào chế thành thuốc trị gan, về sau, ngành dược còn chế từ cây này thành các thuốc thông mật, tăng bài tiết mật, hạ cholesterol và urê huyết, mịn da mặt... Các loại cây ăn trái, như: bơ, táo tây (pomme), đào Vân Nam, dâu tây... Các sản phẩm rau - hoa trên tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu sang một số nước Châu Âu, Đông Nam Á.
 
Khi bà con nông dân đã quen tay nghề, làm ăn ổn định, ông Nguyễn Thái Hiến cùng các bạn hữu chí cốt tâm huyết với nghề trồng rau - hoa và có sự quan tâm đến đời sống bà con làm vườn như ông Tôn Gia Huồng, Nguyễn Thái An, Phạm Khắc Quán, Lương Sỹ Bích... hợp doanh mở một Thương điếm - một loại hình hợp tác xã mua bán, chuyên doanh cung cấp lương thực - thực phẩm khô, giống cây trồng, nông cụ, phân bón, thuốc trừ sâu... cho người trồng rau - hoa; thu mua sản phẩm... Cách hoạt động theo phương thức khá “mềm”: hàng hóa bán chịu; bà con giao sản phẩm - định giá theo giá thị trường lúc giao hàng; sau khi tiêu thụ, đôi bên thanh toán sòng phẳng. Cách thức làm ăn này của Thương điếm đã giúp đỡ rất nhiều cho bà con nông dân ổn định - phát triển sản xuất, yên tâm về đồng vốn, vật tư, không lo bị tư thương ép cấp, ép giá...
 
Năm 1938, được sự trợ lực của ông Trần Văn Lý - Quản đạo Đà Lạt, ông Hoàng Trọng Phu - Tổng đốc tỉnh Hà Đông bảo lãnh cho gần 60 gia đình những người lao động có nghề trồng hoa vào Đà Lạt lập ấp Hà Đông ở khu vực quanh hồ Vạn Kiếp. Ông Hoàng Trọng Phu ủy nhiệm cho ông Lê Văn Định - Chủ tịch Hội Tiểu canh nông công nghệ Bắc kỳ phụ trách đưa bà con đến và tổ chức việc ăn ở, lập ấp trại. Ông Nguyễn Thái Hiến đã tích cực giúp đỡ bà con ấp Hà Đông kỹ thuật, kinh nghiệm trồng rau - hoa và các điều kiện sản xuất, đời sống. Đến năm 1940, ông Phạm Khắc Hòe - người Nghệ An, được bổ nhiệm quản đạo Đà Lạt thay ông Trần Văn Lý. Dựa vào quan hệ đồng hương, ông Nguyễn Thái Hiến cùng ông Nghiêm Trang (người Hà Tĩnh) nhờ ông Phạm Khắc Hòe xin chính quyền cho phép hai ông đưa một số dân lao động ở quê vào lập ấp Nghệ Tĩnh ở khu vực đường Nguyễn Công Trứ - Phù Đổng Thiên Vương. Ngoài việc giúp đỡ bà con ổn định việc ăn ở, ông Nguyễn Thái Hiến và các trợ thủ của ông như ông Nghiêm Trang (ấp cầu Quẹo), Nguyễn Thái Siên, Nguyễn Thái Biện (khu Tân Lạc - Xuân An), Nguyễn Thái Thanh, Nguyễn Đăng Hân (ấp Trại Mát), Tôn Gia Trí, Trần Đức Hán (ấp Đất Làng)... đã hướng dẫn kỹ thuật, truyền kinh nghiệm; cử các lão nông tri điền ở ấp mình đến trợ giúp cho bà con ấp Nghệ Tĩnh khai hoang lập vườn, trồng rau - hoa. Khác với ấp Hà Đông được Nhà Nước trợ cấp ban đầu, ấp Nghệ Tĩnh với sự tự lực vươn lên là chính, cho nên chỉ sau hơn hai năm đã bước vào giai đoạn phát triển khá vững chắc.
 
Ông Nguyễn Thái Hiến chính là người khai sáng, người có công đầu của nghề trồng rau - hoa; người tổ chức, xây dựng các loại ấp chuyên canh hoa - rau ở Đà Lạt. Hơn 80 năm trước, ông không chỉ là nhà nông học tài ba mà còn là một doanh nhân chân chính.
 
Một trong những nét đặc sắc khác ở ông Nguyễn Thái Hiến là người đã thiết kế - thi công cảnh quan thơ mộng, quyến rũ của đô thị Đà Lạt. Khi được giao nhiệm vụ trồng hoa ở công sở, nơi công cộng và trồng cây đường phố, ông cho trồng các thảm hoa đủ loại, nhiều màu sắc rất hấp dẫn. Trung tâm Đà Lạt đặt trên một ngọn đồi cao cho nên đường cái từ các thung lũng phía Nam, Tây, Bắc lên; đường quanh các phố thị tạo thành những bậc thang; trên bề mặt những bậc thang ấy và các vùng ven bờ hồ Xuân Hương, Đồi Cù ở phía Đông trung tâm, ven con suối từ hồ chảy về thác Cam Ly... ông Hiến cho giữ nguyên cái bãi cỏ ấy, tu sửa, tôn tạo thành những bãi cỏ mượt mà, xanh mướt; trên mặt các bãi cỏ xen lẫn những cụm hoa thiên nhiên đỏ, trắng, vàng, tím...; các dãy cây dã quỳ hoa nở vàng rực khi trời chớm sang đông chạy dài ven một số con đường phố cũng được giữ lại. Cỏ hoa thiên nhiên nhưng có sự chăm sóc, tu sửa kỹ càng nên không còn chất hoang dã.
 
Với cây bóng mát đường phố, người Pháp có đưa sang một số loài cây vừa tạo bóng mát vừa là cây hoa cảnh. Nhưng do không hợp thổ nghi cho nên không phát triển được. Ông Nguyễn Thái Hiến đã chọn lọc được hai loại cây phù hợp với yêu cầu trên: Cây Mai anh đào và cây Mimosa. Về nguồn gốc cây Mai anh đào, đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Có ý kiến cho rằng giống cây này đưa từ Pondichéry - một thuộc địa của Pháp ở Nam Ấn sang. Một ý kiến khác cho đây là cây bản địa trong rừng Đà Lạt. Nếu là cây có gốc bản địa, sao khắp dải rừng bao la cao nguyên Lang Biang không có. Nhiều cán bộ lâm nghiệp thông thuộc xứ sở này và đồng bào bản địa cũng xác nhận như vậy. Tên Mai anh đào là do ông Hiến đặt theo hình dáng của cây: vỏ, giống cây mai rừng; hoa có dạng và màu sắc như hoa đào; sau đó, một số văn nghệ sỹ thêm chữ anh cho có phần thi vị. Cây mai anh đào có tầm cao vừa phải; độ lớn thân cây tối đa khoảng 20 phân, tán tỏa rộng khoảng 3, 4 mét nên không che khuất cây thông, vốn là cây đặc trưng của Đà Lạt lá nhỏ đủ che nắng hè, nhưng không gây tối; mùa lạnh, nắng nhạt, cây rụng hết lá; vào độ sau Tết Dương lịch hay gần Tết Nguyên đán hoa nở rộ, màu hồng pha chút tím. Ông Hiến đã chọn cây mai anh đào trồng dọc trên các đường phố, quanh các công sở, công viên, trường học, ven hồ Xuân Hương... Mùa hoa Mai anh đào nở, cả bầu trời Đà Lạt rực hồng, đẹp mê hồn.
 
Cây Mimosa do người bạn của ông Hiến làm việc ở tòa công sứ Tân thế giới - thuộc địa Pháp ở Châu đại dương đưa về. Cây cao khoảng 4,5 mét; thân và cành màu cẩm thạch; lá có lông mịn phủ phấn mốc hơi xanh, nắng chiếu vào, mặt lá lóng lánh như tráng bạc, dưới ánh trăng lại ửng vàng lung linh, hoa vàng phơn phớt, nhiều nụ nhỏ kết thành chùm trên ngọn cành cây, tỏa hương thơm rất xa. Mimosa trồng ven các bờ rào công sở, biệt thự, cạnh cây Mai anh đào. Đây là hai loại cây bóng mát đồng thời là cây hoa cảnh độc đáo của đô thị Đà Lạt) mà không một phố thị nào trên đất nước ta có được. Mai anh đào - Mimosa hòa quyện cùng với những cánh rừng thông thân thẳng tắp, lá mượt mà quanh năm và các thảm hoa - cỏ thiên nhiên, nhân tạo khiến cảnh sắc Đà Lạt huyền diệu - thực mà tưởng như mơ. Nguyễn Thái Hiến, người tạo dựng nên cảnh sắc ấy quả là một nghệ sỹ đa tài.
 
Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nguyễn Thái Hiến được mời về Đồng Nai Thượng tham gia Ủy ban Cách mạng Lâm thời của tỉnh. Ông được chính quyền tỉnh cử làm trưởng đoàn cán bộ đưa vàng thu được trong “Tuần lễ vàng” ra Hà Nội nộp Chính phủ. Hoàn thành nhiệm vụ, mặc dù lúc này các tỉnh Cực Nam Trung bộ, Tây Nguyên giặc Pháp đã lấn chiếm, nhưng ông vẫn bất chấp nguy hiểm trở lại Đồng Nai Thượng tìm ủy ban Cách mạng Lâm thời tỉnh để báo cáo công tác, bàn giao hồ sơ biên nhận. Sau đó, ông lên Đà Lạt dò hỏi tin tức gia đình. Ông bị giặc Pháp bắt và trục xuất khỏi Đà Lạt. Trở về quê hương Văn Tràng - Đô Lương, ông tích cực tham gia công tác kháng chiến trong tổ chức Mặt trận Liên Việt xã - huyện và chuyên tâm nghiên cứu y học cổ truyền, chữa bệnh cho dân. Ông là một lương y danh tiếng ở đất Nghệ Tĩnh. Ông mất năm 1956 vì tai nạn. Hưởng dương 58 tuổi.
 
Ngô Diệp