Trong suốt chiều dài 85 năm hình thành và phát triển của Đảng, nhiều địa chỉ trên vùng đất Nam Tây Nguyên đã chứng kiến và ghi dấu những sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại. Tại những "địa chỉ đỏ" ấy, khí thế cách mạng đã được khởi phát, nuôi dưỡng, lớn mạnh và bùng lên, hòa vào hào khí cách mạng của cả nước để chiến đấu cho chiến thắng, chiến đấu cho khát vọng hòa bình…
Trong suốt chiều dài 85 năm hình thành và phát triển của Đảng, nhiều địa chỉ trên vùng đất Nam Tây Nguyên đã chứng kiến và ghi dấu những sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại. Tại những “địa chỉ đỏ” ấy, khí thế cách mạng đã được khởi phát, nuôi dưỡng, lớn mạnh và bùng lên, hòa vào hào khí cách mạng của cả nước để chiến đấu cho chiến thắng, chiến đấu cho khát vọng hòa bình…
Nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Đà Lạt
Đà Lạt những ngày đầu xuân tưng bừng và rộn rã. Dấu ấn của Năm Du lịch Quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt như hòa quyện trong sự bừng dậy của đất trời thành phố vào xuân… Nắng và gió cao nguyên rất đỗi phóng khoáng mà ngọt ngào…
Theo ông Ngọc Lý Hiển - Trưởng Phòng Di sản - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, điều cần lưu ý nhất khi thực hiện trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử là thực hiện đồng thời được hai yếu tố: tuyên truyền về truyền thống đấu tranh cách mạng và hướng đến việc khai thác du lịch. Qua đó, tạo điểm nhấn để thu hút du khách đến với những “địa chỉ đỏ” này…
|
Tọa lạc ở vị trí trung tâm của thành phố, Khách sạn Dalat Palace hiện diện từ gần 100 năm nay. Palace không chỉ vững vàng với vị thế của một khách sạn “5 sao” lộng lẫy bậc nhất thành phố mà còn là một chứng nhân của lịch sử. Chúng tôi đến đây để tìm những dấu tích của quá khứ - nơi tầng gác căn buồng số 2 nhà xe khách sạn là địa điểm mà Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Đà Lạt được thành lập vào những năm 30 của thế kỷ trước. Căn buồng được đặt ở vị trí kín đáo, hiện rộng khoảng hơn 60m2, chiều cao khoảng trên 2m. Để lên căn buồng này, những nhân viên làm việc lâu năm tại Dalat Palace tận tình dẫn chúng tôi khám phá bằng hai lối đi. Lối thứ nhất từ khu vực tiền sảnh, băng qua khu nhà hàng để xuống khu vực bếp ăn và dẫn lối lên căn buồng. Lối thứ hai bắt đầu từ đường Hồ Tùng Mậu, băng qua đường hầm dài khoảng trăm mét, được thiết kế phía dưới tòa nhà, đi hết đường hầm mới qua khu bếp ăn và dẫn lên tầng gác căn buồng số 2. Căn buồng hiện diện qua bao dòng chảy của thời gian, cảm giác khi bước vào căn buồng ấy khiến c húng tôi dâng trào cảm xúc vừa hoài niệm vừa tự hào. Trong quá trình hoạt động của Dalat Palace từ năm 1922 đến nay, khách sạn đã trải qua hai lần sửa chữa lớn vào năm 1941 và 1991; căn buồng vẫn được duy trì cho đến ngày nay.
|
Khách sạn Đà Lạt Palace |
Đến với Palace hôm nay, trong không gian tiện nghi, hiện đại và không kém phần lãng mạn, trong tiếng đàn piano trầm bổng, những câu chuyện về lịch sử và hiện tại được đội ngũ lãnh đạo, nhân viên nơi đây kể lại rất cụ thể, khúc chiết. Chúng tôi càng bất ngờ hơn khi được ông Nguyễn Hữu Cảm, Bí thư Chi bộ kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty Khu Nghỉ mát Đà Lạt (đơn vị quản lý Dalat Palace) cho hay, công ty là một trong 2 đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài tại Lâm Đồng thành lập Chi bộ (đơn vị vừa trực thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu trong năm 2014 - PV), bên cạnh đó còn có tổ chức Đoàn Thanh niên, Công đoàn. Hiện chi bộ có 17 đảng viên sinh hoạt, đội ngũ đảng viên được phát triển đều tại các bộ phận: từ lễ tân đến chăm sóc cây cảnh, công nghệ thông tin…
Trường học diễn ra Hội nghị trù bị Đà Lạt
Hồi ức về Đà Lạt, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ghi những dòng cảm nhận: “Khắp nơi đều thấy những biệt thự lớn, nhỏ, những khách sạn, những con đường để dạo chơi ngắm cảnh. Chung quanh thành phố là những đồi thông nối tiếp. Một thành phố xinh đẹp”. Những dòng cảm nhận ấy được ghi lại vào năm 1946, khi ông đảm nhận nhiệm vụ là Phó đoàn Phái đoàn Đà Lạt (của chính quyền cách mạng) tham dự đàm phán Hội nghị trù bị Đà Lạt. Nội dung đàm phán đã diễn ra tại Trường Trung học Yersin (Trường Cao đẳng Sư phạm ngày nay). Hội nghị khai mạc vào ngày 18.4.1946 và kết thúc vào ngày 11.5.1946. Phái đoàn của ta đến Đà Lạt, nhận chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải đấu tranh để cụ thể hóa các nội dung chủ yếu của Hiệp định Sơ bộ. Đó là Quốc gia tự do (Etat libre): Phải nói rõ nội dung và mức độ tự do, nhất là về lãnh thổ, phải thống nhất hoàn chỉnh; Liên bang (Fédération Indochinoise): Liên bang Đông Dương chỉ thể hiện về mặt kinh tế, nhất định không chấp nhận Chính phủ Liên bang; Liên hiệp Pháp (Union francaise): Nhận tự do liên hiệp với Pháp nhưng quyền hạn và nhiệm vụ của Việt Nam phải định rõ (Việt Nam phải được quyền thảo luận và biểu quyết những vấn đề của Liên hiệp có liên quan đến Việt Nam, tự chủ về kinh tế, không chấp nhận tổ chức quân sự liên bang…).
|
Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp (phải) thăm lại nơi diễn ra Hội nghị trù bị Đà Lạt (chụp lại từ ảnh tư liệu) |
Tại Hội nghị này, phía Pháp đã có nhiều sự sắp đặt và tính toán, hàng loạt bất đồng không được giải quyết. Bên ngoài hội nghị, Pháp thể hiện những hành động ngang ngược làm tình hình càng thêm căng thẳng. Dù vậy, theo chỉ thị của Bác Hồ, phái đoàn ta thể hiện thái độ dứt khoát nhưng khéo léo. Vì vậy phía Pháp không có lý do gì để khước từ cuộc đàm phán chính thức trên đất Pháp như đã quy định trong Hiệp định Sơ bộ 6.3.
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt - địa điểm diễn ra nội dung đàm phán, từng được bình chọn là 1 trong 1.000 công trình kiến trúc độc đáo, tiêu biểu của thế kỉ 20 và được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào năm 2001. Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt hiện bước vào năm học thứ 39 với 2.500 sinh viên. Tại căn phòng diễn ra hội nghị trù bị Đà Lạt, kiến trúc vẫn còn giữ nguyên. Anh Nguyễn Đình Mạnh - Chủ tịch Hội sinh viên Trường giới thiệu rằng, phòng họp ngày ấy nay là phòng họp quan trọng của nhà trường, là nơi giao ban của cán bộ chủ chốt và tổ chức các buổi lễ kết nạp Đảng.
Nhà lao của “tuổi trẻ bất khuất”
Trong nỗi nhớ của nhiều cựu tù, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt vẫn sống mãi bởi nơi ấy ghi dấu một thời đấu tranh ngoan cường, oanh liệt của những thanh thiếu niên yêu nước.
Đầu năm 1971, Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt ra đời do chính quyền Mỹ - ngụy thực hiện âm mưu chia cắt các chiến sĩ nhỏ tuổi ra khỏi môi trường hoạt động và tầm ảnh hưởng của các thế hệ đàn anh. Chúng tập trung 126 anh chị em tù thiếu nhi nhà lao kho đạn Đà Nẵng; thiếu nhi từ các nhà lao Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Bến Tre…, đồng thời các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi bị bắt, bị tù tại nhà lao Côn Đảo và các tỉnh còn lại (trước đó đã dồn về Chí Hòa) bị đưa về Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt. Tên gọi Trung tâm Giáo huấn chỉ là vỏ bọc được đưa ra để che lấp tính chất của một nhà giam. Tại đây, địch sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn như: chuyển một số thiếu nhi thường phạm ở các nhà lao khác đến đây tiếp tay cho chúng thực hiện chính sách “tù trị tù”; giám sát hà khắc không cho thiếu nhi các phòng liên lạc với nhau; thực hiện “nhồi sọ” bằng nhiều hình thức để làm thay đổi ý chí của những tù nhân nhỏ tuổi… Các tù nhân thiếu nhi đã cùng thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh chống lại âm mưu của địch. Đó là phong trào đấu tranh chống chào cờ, phong trào mổ bụng, phong trào tổ chức diệt ác, phong trào nổi dậy làm chủ nhà lao, phong trào vượt ngục… Đến năm 1973, Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt hoàn toàn bị xóa sổ…
|
Các cụm tượng tái hiện hoạt động trong Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt |
Về với Di tích Lịch sử Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt những ngày này, dự án tu bổ, tôn tạo di tích đang được thực hiện với nhiều hạng mục. Công việc được thực hiện tỉ mỉ từ ô cửa sổ phòng ở, từng dãy sạp mà tù nhân thiếu nhi năm xưa nằm… đến những cụm tượng mô phỏng các hoạt động đấu tranh trong nhà lao, mô hình chống vượt ngục, phòng truyền thống… Nơi đây, từ sau giải phóng đã được quân đội tiếp quản, xây dựng Trạm xá H32. Y tá Đỗ Thị Bích Thủy công tác tại đây từ năm 1996 cho biết, trạm xá thực hiện sơ cấp cứu ban đầu cho cán bộ, chiến sỹ và cả nhân dân trong vùng với 15 giường bệnh.
Phía trước và trong khuôn viên khu Di tích, tấm bia “Di tích Lịch sử Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt 1971 - 1973” hiện hữu như nhắc nhở về một giai đoạn lịch sử, về những con người trong lịch sử có cùng chung một “tuổi trẻ bất khuất” như tựa đề cuốn sách vinh danh những thanh thiếu niên ngoan cường…
HẢI YẾN