Nằm dưới chân đèo Dran (cách Đà Lạt 36km) và cách đầu đèo Ngoạn Mục (Bellevue) 6km, cách Phan Rang 74km, có vị trí thuận lợi cho giao thông nên hành khách thường dừng chân tại làng Càn Rang (thường gọi Dran) trước khi lên đường từ Phan Rang lên Đà Lạt.
[links()]
Ngày 1-11-1899, tỉnh Đồng Nai Thượng (Haut-Donnai) được thành lập, tỉnh lỵ đặt tại Djiring (nay là thị trấn Di Linh). Trước ngày thành lập tỉnh Tuyên Đức (19-5-1958), tỉnh Đồng Nai Thượng gồm có 3 quận:
- Djiring với 188 làng, gồm có huyện Di Linh và một phần đất phía bắc tỉnh Bình Thuận ngày nay;
- Blao với 159 làng, gồm có thành phố Bảo Lộc và các huyện: Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên ngày nay;
- Dran - Fyan với 274 làng, gồm có các huyện: Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương, Đam Rông và phần đất phía nam núi Chư Yang Sin thuộc tỉnh Đắc Lắc ngày nay.
Quận lỵ Dran - Fyan đặt tại làng Càn Rang (nay là Tổ dân phố I, II, III thị trấn Dran) ở hữu ngạn sông Đa Nhim.
Không rõ làng Càn Rang được thành lập từ năm nào vào đầu thế kỷ XX. Đình làng Càn Rang còn lưu giữ một bản sắc phong được ban nhân dịp lễ đăng quang vua Duy Tân (1907).
Nằm dưới chân đèo Dran (cách Đà Lạt 36km) và cách đầu đèo Ngoạn Mục (Bellevue) 6km, cách Phan Rang 74km, có vị trí thuận lợi cho giao thông nên hành khách thường dừng chân tại làng Càn Rang (thường gọi Dran) trước khi lên đường từ Phan Rang lên Đà Lạt.
|
Thị trấn Dran nhìn từ trên cao. Ảnh: Sưu tầm |
Cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, một số người Pháp và người Anh đã dừng chân ở Dran, viết về Dran và vùng Đơn Dương:
Ngày 11-2-1881, bác sĩ Paul Néis và trung úy Albert Septans khởi hành từ Bà Rịa, lên đường thám hiểm thượng lưu sông Đồng Nai. Trên đường đi, ông đã đến Kran (nay thuộc xã Proh, huyện Đơn Dương) ngày 11-3-1881, Diom (nay thuộc xã Lạc Xuân) ngày 13-3-1881, Melone (nay là thị trấn Thạnh Mỹ) ngày 15-3-1881, sau đó lên cao nguyên Lang Biang. Đây là hai người Pháp đầu tiên đến vùng Đơn Dương ngày nay.
12 năm sau, ngày 21-6-1893, bác sĩ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Lang Biang. Trên đường xuống Phan Rang, ông men theo thung lũng sông Đa Nhim, đi ngang qua Diom (nay thuộc xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương).
Tháng 3 năm 1899, ông tháp tùng Toàn quyền Paul Doumer, cưỡi ngựa từ Phan Rang lên Đà Lạt, Đăng Kia. Theo hồi ký của Alexandre Yersin, ngày 26-3-1899, khi trời vừa sáng, đoàn người bắt đầu leo núi. Con đường đèo thật gập ghềnh và hiểm trở, mọi người phải dắt ngựa đi bộ. Họ đến Dran vào lúc 10 giờ. Trên cao nguyên chưa có một người Việt nào sinh sống. Dran chỉ là một buôn Thượng mà dân cư đều bị bệnh sốt rét hoành hành. Sau khi tắm sông và vội vàng ăn trưa, họ lại lên đường đi tiếp chặng cuối.
Năm 1899, bác sĩ Etienne Tardif tháp tùng phái đoàn Guynet nghiên cứu xây dựng con đường từ Nại (gần bãi biển Ninh Chữ) lên cao nguyên Lang Biang. Trong tác phẩm La Mission du Lang-Bian (Phái đoàn Lang Biang) (1899-1900) do Nhà xuất bản Ogeret và Martin in tại Vienne (Áo) năm 1902, ông cho biết sau khi thám sát cao nguyên Lang Biang, trên đường về lại Phan Rang, ông có đến Karran (Càn Rang) vào lúc 2 giờ chiều ngày 15-6-1899. Ông đã ghi nhiệt độ lúc bấy giờ là 22
o; vào lúc 3 giờ chiều, trời đổ mưa. Vào lúc 5 giờ sáng ngày 16-6-1899, nhiệt độ là 16,5
o.
|
Thuyền độc mộc vượt sông Đa Nhim ở Dran |
Trong chương V viết về các trạm ở dọc đường từ Phan Rang lên Đăng Kia, ông cho biết thêm:
“Trạm Dran nằm trong thung lũng sông Đồng Nai (Donai), trên độ cao 1.000m. Trước khi đến sông Đồng Nai, con đường mòn chạy ngang vùng đầm lầy, cách Dran 1km. Con đường mòn tiếp tục đi ngang qua khu rừng thưa, mặt đất như một tấm sốp thấm nước ao tù, lam sơn chướng khí rất nguy hiểm.
Gần bờ sông con đường mất hút giữa đám lau sậy. Trạm Dran có vẻ như khá an toàn. Cách sông Đồng Nai khoảng 100m, trạm Dran nằm giữa một cánh đồng cỏ và đất vừa mới khai hoang. Xa xa là làng của người Thượng với những cánh đồng lúa rộng lớn.
Cuối tháng 10 năm 1899, trạm Dran quá nghèo nàn đang trong thời kỳ sửa chữa và thay đổi hoàn toàn. Về sau, tôi sẽ trở lại.
… Ngày 15-2-1900, một con đường thực sự, dễ lưu thông, rất tiện dụng, nối Xóm Gòn (Somgon) với Dran.
Vượt sông Đồng Nai ở Dran khá dễ dàng nhờ một dây cáp bằng sắt có ròng rọc và một chiếc phà do hai thuyền độc mộc kết lại với những tấm ván gỗ.
… Dran là căn cứ cung cấp nhu yếu phẩm cho các trạm: Trạm Hành (Arbre-Broyé), Cầu Đất (Entrerays). Hai con la, chuyển từ Bắc Kỳ vào, chở mỗi chuyến từ Dran lên Trạm Hành hay Trạm Bò 100 ký gạo tùy theo nhu cầu”.
(Còn nữa)
NGUYỄN HỮU TRANH