Năm 1914, chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Lúc bấy giờ, Hà Lan chiếm độc quyền sản xuất quinin - phương thuốc duy nhất chữa bệnh sốt rét.
[links()]
Năm 1914, chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Lúc bấy giờ, Hà Lan chiếm độc quyền sản xuất quinin - phương thuốc duy nhất chữa bệnh sốt rét.
Năm 1917, Yersin trồng canh-ki-na ở Hòn Bà - một ngọn núi cao 1.500m gần Suối Dầu. Lúc đầu cây tăng trưởng tốt nhưng về sau đa số cây chết dần vì đất đai không thích hợp, phải tìm một địa điểm khác màu mỡ hơn. Tuy nhiên, thử nghiệm không vô ích vì một người Việt Nam được đào tạo thực hiện kỹ thuật ươm giống, chăm sóc cây con quá tinh tế, quá chính xác, vấn đề khó khăn gần như đã được giải quyết, chỉ cần thử nghiệm ở nơi khác.
|
Ảnh: Tư liệu |
Tháng 7 năm 1923, ông mang những cây canh-ki-na tốt nhất ở Hòn Bà trồng ở Diom. Ông chọn một ngọn đồi đất đỏ bazan giàu chất đạm để cây canh-ki-na phát triển bình thường và vỏ cây chứa nhiều chất quinin. Lần này, cây phát triển tốt, tỷ lệ quinin trong vỏ cây canh-ki-na tương đương với tỷ lệ quinin trong vỏ cây canh-ki-na ở Java, nhưng cây canh-ki-na bắt đầu trổ hoa từ năm thứ hai trong khi ở Java hiện tượng này chỉ xảy ra vào năm thứ 10. Cây mất cân bằng sinh lý, trổ hoa sớm, cần phải kéo dài thời gian. Yersin và đồng sự tràn đầy hy vọng, tiếp tục nghiên cứu để bước từ lĩnh vực thực nghiệm sang lĩnh vực công nghiệp.
Trạm thử nghiệm cây canh-ki-na Dran (Station d’essai du quinquina de Dran) nằm ở Diom và văn phòng đặt trên ngọn đồi ven đường Dran - Đà Lạt, về sau xây dựng Trường Trung học Đơn Dương.
Năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, Đông Dương bị cô lập, nước Pháp bị bao vây nhưng Đông Dương đã tự túc được quinin, trong đó việc trồng và khai thác cây canh-ki-na ở Diom, Djiring, Lang Hanh, cao nguyên Lang Biang nhỏ (Xuân Thọ ngày nay) là chủ yếu.
*
Nằm trên độ cao trung bình 1.000m so với mực nước biển, với các dòng sông: Đa Nhim, Krong Klet, Dran là địa điểm lý tưởng để xây dựng hồ chứa nước cung cấp cho nhà máy thủy điện ở dưới chân đèo Ngoạn Mục thuộc tỉnh Ninh Thuận.
Từ năm 1939, hãng Sogreath của Pháp đã thiết lập dự án xây đập Đa Nhim với kinh phí ước tính 35 triệu đồng Đông Dương.
Ngoài cung cấp điện cho vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, Nhà máy thủy điện Krongpha còn cung cấp điện cho khu công nghiệp Ninh Chữ sản xuất sút (soude), sản phẩm chứa clor từ muối, cacbua canxi (carbure de calcium), phân đạm,… Sau khi chảy qua Nhà máy thủy điện Krongpha, công suất 200MW, nước từ hồ Đa Nhim sẽ tưới cho 10.000ha đất ở Ninh Thuận.
Theo dự án này, người Pháp xây dựng đập nước từ đồi gần khu vực Tổ dân phố Lạc Thiện đến đồi gần khu vực Tổ dân phố Hòa Bình ngày nay. Như vậy, đập nước ngắn hơn đập hiện nay, hồ rộng hơn nhưng cả trung tâm thị trấn Dran, Tổ dân phố Quảng Lạc, Đường Mới, Hòa Bình,… ngày nay sẽ chìm dưới mặt nước.
Dự án này không thực hiện được. Hơn 20 năm sau, dự án của Nhật thực tế hơn được khởi công.
Dự án của Nhật do hãng Nippon Koei nghiên cứu với kinh phí 39 triệu đô la Mỹ (tiền bồi thường chiến tranh) và một số tiền yên tương đương với 7,5 triệu đô la Mỹ (vay dài hạn).
Ngày 1/4/1961, người Nhật khởi công xây một đập đất dài 1.460m chắn ngang sông Đa Nhim và dòng Krong Klet, tạo thành hồ Đa Nhim rộng khoảng 10km2.
Năm công ty tham gia thực hiện công trình này:
- NIPPON KOEI nghiên cứu lập dự án;
- HAZAMA xây đập đất và đập tràn dài 51,5m với 4 cửa sắt, mỗi cửa rộng 11x13,6m;
- KAJIMA xây đường hầm xuyên núi dài 4.878m, đường kính 3,4m và lắp hai đường ống thép thủy áp dài 2.340m, đường kính 2m, dẫn nước xuống Nhà máy thủy điện Sông Pha;
- DAINAN cưa xẻ gỗ;
- MITSUI lắp đường dây dẫn điện cao thế 230KV dài 252km từ Sông Pha đến Thủ Đức, ngang qua Di Linh và Bảo Lộc.
Năm 1964, khánh thành Nhà máy thủy điện Sông Pha (nay gọi là Nhà máy thủy điện Đa Nhim) có công suất 75MW trong giai đoạn đầu và 150MW trong giai đoạn thứ hai, cung cấp một phần lớn năng lượng điện cho các tỉnh Khánh Hòa; Ninh Thuận; Tuyên Đức, Lâm Đồng (nay thuộc tỉnh Lâm Đồng); Long Khánh, Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Đồng Nai); Gia Định và Sài Gòn - Chợ Lớn (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh).
NGUYỄN HỮU TRANH