Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh thứ 4 vận chuyển quá cảnh đường biển - đường không

08:04, 29/04/2015

Trong cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hậu phương lớn miền Bắc đã chi viện cho chiến trường  miền Nam một khối lượng nhân tài vật lực khổng lồ. Khối lượng ấy được chuyển tải bằng 5 con đường: đường bộ - cơ giới, đường biển, đường ống xăng dầu và đường quá cảnh biển - hàng không, đường chuyển ngân.

Trong cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hậu phương lớn miền Bắc đã chi viện cho chiến trường  miền Nam một khối lượng nhân tài vật lực khổng lồ. Khối lượng ấy được chuyển tải bằng 5 con đường: đường bộ - cơ giới, đường biển, đường ống xăng dầu và đường quá cảnh biển - hàng không, đường chuyển ngân.
 
Một trong những con tàu không số đang vận chuyển vũ khí vào miền Nam. Ảnh: Tư liệu
Một trong những con tàu không số đang vận chuyển vũ khí vào miền Nam. Ảnh: Tư liệu

Đầu những năm 1960, phong trào cách mạng ở miền Nam phát triển, yêu cầu về sự chi viện nhân tài vật lực ngày một lớn. Thời gian này, việc vận chuyển trên tuyến đường mòn Trường Sơn mới chỉ bằng các phương tiện thủ công; đường mòn trên biển Đông đang trong giai đoạn thăm dò. Trong khi đó, hàng viện trợ, nhất là vũ khí, hàng vật tư quân sự, thuốc men… do Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu viện trợ đã khá dồi dào; nhưng Liên Xô và Trung Quốc đang xảy ra sự bất đồng nghiêm trọng về quan điểm chính trị, việc chuyển tải hàng viện trợ bằng đường quá cảnh qua Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Để vận chuyển khối lượng hàng viện trợ ấy cho miền Nam, nhất là chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ, Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương đã chọn hướng bằng đường tàu biển qua hải cảng Xi Ha Núc Vin của Campuchia. Bấy giờ, Thái tử Xi Ha Núc là Quốc trưởng vương quốc Campuchia; ông là người có cảm tình đặc biệt với Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Mặt khác, những năm 1950, Chính phủ ta đã cử giáo sư Ca Văn Thỉnh làm đại sứ vương quốc Campuchia. Ông Xi Ha Núc rất kính phục giáo sư Ca Văn Thỉnh khi học Trung học ở Sài Gòn. Chính nhờ những mối quan hệ tốt ấy, cho nên Quốc vương Xi Ha Núc đã cho phép ta sử dụng cảng Xi Ha Núc Vin với một quy chế đặc biệt, đất liền Campuchia để vận chuyển và lập kho chứa hàng hóa dọc biên giới và giao cho quân đội Hoàng gia bảo vệ kho tàng ở cảng, biên giới và hỗ trợ việc chuyển tải. Tất nhiên, ngoài quan hệ hữu nghị, chúng ta cũng phải chịu một khoản phí tổn không nhỏ cho các cán bộ, sỹ quan cao cấp của Bộ Quốc phòng và các bộ liên quan, sỹ quan và lính hộ tống, canh gác. Mấy năm sau, tướng Lon Non - Tham mưu trưởng Quân đội Hoàng gia đòi chia 1/3 vũ khí cho họ. Trong ba năm (1966 - 1969) chi phí “lót đường” đã gần 37 triệu đô la Mỹ. Trung ương cục miền Nam đã thành lập Đoàn hậu cần 17, chuyên trách công tác tổ chức tiếp nhận hàng viện trợ của miền Bắc và nước bạn, chuyển về kho biên giới, phân phối cho các chiến trường khu 6, 8, 9, Đông Nam Bộ. Phụ trách Đoàn 17 là ông Nguyễn Gia Đằng tức Tư Cam - một chiến sỹ lão luyện, tận tụy trung thành tuyệt đối với cách mạng trên mặt trận hậu cần. Biên chế chính thức của Đoàn 17 chưa đến 100 người, lực lượng hỗ trợ gần 600 người là Việt kiều, người dân, binh lính, sỹ quan quân đội Campuchia có cảm tình với cách mạng Việt Nam. Lực lượng chủ công đảm trách việc chuyên chở hàng viện trợ cho đoàn hậu cần 17 là Công ty thương mại - vận tải Hắc Lỷ. Công ty này được cấp giấy phép của chính phủ Campuchia. Bề ngoài công ty Hắc Lỷ hoạt động kinh doanh như một hãng buôn - vận tải lớn của Campuchia; nhưng bên trong có nhiệm vụ thu gom hàng hóa nội địa Campuchia, Thái Lan để cung ứng cho các chiến trường B2. Chủ Công ty Hắc Lỷ là nhà đại tư sản Đức Phương - một cán bộ giàu tài năng và đức độ của Tổng Cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng nước ta. Ông Đức Phương, ngoài tài kinh doanh còn có mối quan hệ rộng rãi, thân hữu và khôn khéo với các quan chức cao cấp của Chính phủ và các tỉnh, nhất là Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh cho nên hoạt động khá trôi chảy.
 
Hàng hóa viện trợ từ kho đầu mối biên giới về đến các khu là một đoạn đường cực kỳ gian khổ, nguy hiểm; nhưng các chiến sỹ của Đoàn 17 và thanh niên xung phong, dân công, chiến sỹ hậu cần các khu đã dũng cảm, mưu trí chuyển tải gần như toàn bộ hàng hóa về đến tay bộ đội. Con đường quá cảnh đường biển này hoạt động đến năm 1970, bởi cuộc đảo chính của tướng Lon Non và Xi Rích - Ma Tắc. Gần 10 năm hoạt động, con đường này đã tiếp nhận, chuyển tải hơn 30.000 tấn vũ khí, 1.500 tấn quân trang, 1.000 tấn quân y, 70.000 tấn gạo và 6.000 tấn muối. Khi con đường qua cảng Xi Ha Núc Vin chấm dứt, Đoàn 17 và các chiến sỹ hậu cần chuyển qua hướng tiếp nhận hàng viện trợ từ các kho của Đoàn 559 ở Đông Bắc Campuchia. Bộ đội giải phóng đã giúp cho các lực lượng chống đối chính phủ Lon Non giải phóng các tỉnh Đông Bắc Campuchia; vì vậy việc chuyển vận hàng hóa về chiến trường B2 khá thuận lợi, chỉ trong 2 năm 1970 - 1972 con đường Đông Bắc Campuchia đã chuyển hơn 26.000 tấn vũ khí và hàng hóa các loại, hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ vào Nam Bộ và ra Bắc công tác, chữa bệnh.
 
Con đường chi viện quá cảnh cho miền Nam còn một phương tiện đặc biệt nữa là hàng không quân sự và dân sự. Con đường này vừa tương đối an toàn, hiệu quả cao, tốc độ nhanh. Cuối tháng 2 năm 1960, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp vào Quảng Bình - Vĩnh Linh xem xét địa thế, tình hình và gợi ý mở tuyến đường hàng không nhằm rút ngắn đường vận tải từ Bắc vào Nam. Nhiệm vụ này do Đoàn 919 đảm đương. Hàng hóa được máy bay quân sự thả dù xuống Làng Ho, về sau, mở được sân bay ở Tà Khống - tỉnh Xêpôn Hạ Lào, hàng hóa, cán bộ, bộ đội được Đoàn 559, Đoàn 17 chuyển vào các chiến trường miền Trung, Nam Trung bộ và Nam Bộ… Từ năm 1960 đến tháng 4 năm 1975, Đoàn 919 đã chuyển xuống Đông Bắc Campuchia hơn 30.000 tấn vũ khí - hàng hóa quân sự, thuốc men, lương thực - thực phẩm… và 60.000 lượt bộ đội, cán bộ. Con đường hàng không dân sự hoàn toàn công khai nhưng lại tuyệt đối bí mật, rất an toàn. Ta sử dụng hãng hàng không Cambodia và France. Máy bay dân dụng từ Hà Nội đi Phnom Pênh và ngược lại hoặc từ Phnom Pênh đi Quảng Châu, Hồng Kông và ngược lại. Tuyến đường này chuyên chở các cán bộ cao cấp, thương binh nặng, phụ nữ, trẻ em và hàng hóa đặc biệt. Giấy tờ của hành khách, hàng hóa đi lại đều giả nhưng rất tinh vi. Nhân viên hành nghề ở các sân bay quá cảnh là người Hoa, Khơ Me, Lào, Ấn kiều, Pháp… có cảm tình với cách mạng Việt Nam và là những người giỏi, có tín nhiệm của các hãng hàng không Cambodia và France.
 
Con đường quá cảnh biển - hàng không cùng các con đường Hồ Chí Minh huyền thoại khác đã góp những công tích hết sức lớn lao vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.
 
NGÔ DIỆP