Giỗ Tổ Hùng Vương từ rất lâu đã trở thành ngày lễ trọng đại của cả dân tộc Việt Nam. Dù ở đâu, người Việt Nam đều nhớ ngày Giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất Tổ - Đền Hùng, xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ; điểm hội tụ văn hóa tâm linh của người Việt Nam
Rước kiệu về Đền Thượng trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu du lịch thác Prenn năm 2014 Ảnh: VĂN BÁU |
Theo những tài liệu hiện còn lưu lại và những nghiên cứu cho thấy, hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử, cách đây hơn 2000 năm. Dưới thời Thục Phán - An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”. Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại phong kiến Việt Nam ngay khi mới lên ngôi, đã từng bước xác lập “ngọc phả” về thời đại Hùng Vương, khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với đất nước. Năm 986 dưới triều Lê Đại Hành, có bản Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền, lần đầu trong lịch sử xuất hiện tài liệu ghi chép một cách tường tận, chi tiết về 18 đời Vua Hùng, sau được sao lại vào năm Khải Định thứ 4 (1919). Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”. Như vậy, có thể hiểu từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ và họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính.
Múa mừng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: Thanh Toàn |
Sau Cách mạng tháng Tám (1945), Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng - Giỗ Tổ. Ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22 về những ngày nghỉ tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Lần đầu sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, Người đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Những lần về thăm Đền Hùng Bác thường nhắc nhở: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”. Ban Bí thư Trung ương Đảng ra thông báo Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ lớn trong năm; Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch); Chính phủ ban hành Nghị định về Nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào các năm: Năm chẵn (có chữ số cuối cùng là “0”); Năm tròn (có chữ số cuối cùng là “5”); Năm lẻ (là năm có các chữ số cuối cùng còn lại). Theo các văn bản này, lễ Giỗ Tổ được tổ chức vào Ngày Quốc giỗ mồng 10 tháng 3 âm lịch tại nơi thờ tự chính thức của các Vua Hùng - Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc tỉnh Phú Thọ. Trong ngày lễ này, nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, người Việt Nam ở nước ngoài có thể hành hương về miền Đất Tổ để cúng giỗ. Còn tại các đền thờ Vua Hùng và những nhân vật có công với đất nước dưới thời đại Hùng Vương, cộng đồng người Việt ở trong nước cũng như ở nước ngoài, tùy theo điều kiện, con cháu có thể tổ chức nghi thức giỗ vọng, cùng hướng về nơi đặt đền thờ các Vua Hùng để tưởng nhớ đến tổ tiên, cội nguồn chung của cả dân tộc.