Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Lào - Việt. Đối với đế quốc Pháp - Mỹ, Điện Biên Phủ là một địa bàn chiến lược, một căn cứ quân sự rất lợi hại trong âm mưu xâm lược của chúng ở vùng Đông Nam Á.
Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Lào - Việt. Đối với đế quốc Pháp - Mỹ, Điện Biên Phủ là một địa bàn chiến lược, một căn cứ quân sự rất lợi hại trong âm mưu xâm lược của chúng ở vùng Đông Nam Á.
|
Hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: HỒ TOÀN |
Trong chiến dịch thu đông 1953-1954, lực lượng địch tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ này gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn pháo binh với trên 40 khẩu pháo, một tiểu đoàn công binh, một đại đội xe tăng, một đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và một phi đội không quân thường trực 14 chiếc, số quân lính địch 16.200 tên. Chúng bố trí 49 cứ điểm thành 8 cụm , mỗi cụm là một hệ thống hỏa lực nhiều tầng. Tám cụm cứ điểm chia thành 3 phân khu. Phân khu trung tâm gồm 2/3 lực lượng, ở ngay giữa Mường Thanh. Phân khu Bắc có các cứ điểm Độc Lập, Bản Kéo và cụm cứ điểm Him Lam. Phân khu Nam là một cụm cứ điểm có trận địa pháo và Sân bay Hồng Cúm.
Sau khi phân tích tình hình các chiến trường, Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ.
17h00 ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng mở cuộc tiến công thứ nhất đánh vào phân khu Bắc, sau 5 ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt gọn hai cứ điểm kiên cố vào bậc nhất của địch là Him Lam và Độc Lập. Sau đó làm tan rã thêm một tiểu đoàn và tiêu diệt cứ điểm Bản Kéo, diệt và bắt sống 200 tên địch, bắn rơi 12 máy bay, mở thông cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm, uy hiếp Sân bay Mường Thanh.
17h00 ngày 30/3/1954, ta mở đợt tiến công thứ hai. Cuộc chiến đấu trên đồi A1 diễn ra hết sức gay go. Hai bên giằng co từng tấc đất. Đến ngày 4/4, mỗi bên giữ nửa đồi A1.
Đánh vào khu Đông, ta diệt 2.500 tên địch, chiếm lĩnh phần lớn các cao điểm.
Quân đội viễn chinh Pháp đã tập trung hầu hết máy bay chiến đấu, máy bay vận tải ở Đông Dương cho mặt trận. Bọn can thiệp Mỹ chi gấp cho Pháp 100 máy bay oanh tạc, 50 máy bay vận tải và cho mượn 29 máy bay hai thân (C.119) để lập cầu hàng không tiếp tế cho Điện Biên Phủ.
Đêm 1/5/1954, ta mở đợt tiến công thứ ba. Quân ta đánh chiếm những cứ điểm còn lại ở phía Đông và phía Tây, bẻ gãy cuộc phản kích của địch. Đêm 3/5, bộ đội ta cách sở chỉ huy địch 300 mét.
17h00 ngày 7/5/1954, sau những trận pháo kích dữ dội, bộ đội ta tiến thẳng vào sở chỉ huy địch, tướng DE Castrie và toàn bộ tham mưu tập đoàn bị bắt sống. Gần một vạn quân địch xin hàng. Ngay đêm đó ta tiến công bắt sống toàn bộ quân địch ở phân khu Nam.
Sau 55 ngày đêm chiến đấu cực kỳ anh dũng, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ta tiêu diệt và bắt sống 16.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, kho xăng, quân trang, quân dụng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneve về giải quyết hòa bình ở Đông Dương vào ngày 20/7/1954. Trong đó nước Pháp và các nước tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Căm pu chia; ngừng bắn ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương; Pháp rút quân; vĩ tuyến 17 là giới tuyến tạm thời tiến tới Tổng Tuyển cử tự do trong cả nước, thống nhất đất nước…
Chiến thắng Điện Biên Phủ thắng lợi kết thúc 9 năm kháng chiến lâu dài và gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược “đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa ở thế kỷ 20 và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” (Lê Duẩn) mở ra một trang sử mới: miền Bắc hoàn toàn được giải phóng và đi lên CNXH cùng miền Nam thực hiện công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại.
NGUYỄN TIẾN QUỲNH (tổng hợp)