Du lịch Đà Lạt năm 1937

08:05, 28/05/2015

Tạp chí L'Asie Nouvelle Illustrée (Họa báo Châu Á Mới), xuất bản tại Sài Gòn, số 56 ra ngày 30/11/1937, đăng 14 bài viết chuyên đề về Đà Lạt và tỉnh Đồng Nai Thượng, trong đó hai bài viết về du lịch. Qua hai bài báo này, bạn đọc có thể hình dung ngành du lịch ở thị xã Đà Lạt và tỉnh Đồng Nai Thượng ngày xưa và cảm nhận được sự phát triển của ngành du lịch ở thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng ngày nay.

 

[links()]Tạp chí L’Asie Nouvelle Illustrée (Họa báo Châu Á Mới), xuất bản tại Sài Gòn, số 56 ra ngày 30/11/1937, đăng 14 bài viết chuyên đề về Đà Lạt và tỉnh Đồng Nai Thượng, trong đó hai bài viết về du lịch. 
 
Qua hai bài báo này, bạn đọc có thể hình dung ngành du lịch ở thị xã Đà Lạt và tỉnh Đồng Nai Thượng ngày xưa và cảm nhận được sự phát triển của ngành du lịch ở thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng ngày nay.
 
DU LỊCH ĐÀ LẠT NĂM 1937
 
Đà Lạt cách Sài Gòn 250km theo đường chim bay.
 
Trong thời gian chờ đợi dự án Cam Ranh trở thành một hải cảng cho tàu thuyền nước ngoài ở Biển Đông, du khách phải cập bến Sài Gòn để đến Đà Lạt nhanh nhất.
 
Để đến được cảng Sài Gòn, tàu phải mất: 20 ngày nếu đi từ San Francisco hay Vancouver, 6 - 8 ngày từ Thượng Hải, 10 ngày từ Yokohama, 3 - 4 ngày từ Hồng Công, 3 ngày từ Hải Phòng, 4 ngày từ Manila, 4 ngày từ Batavia, 2 ngày từ Singapore, 8 ngày từ Colombo, 1 ngày rưỡi từ Băng Cốc.
 
Đèo Ngoạn Mục
Đèo Ngoạn Mục

 1) Du khách đến từ phương Bắc (Hồng Công, Hải Phòng) sử dụng con đường cái quan và đường sắt.
 
Dùng hai phương tiện giao thông này, du khách được nhìn thấy nhiều phong cảnh đẹp: Huế, đèo Hải Vân, vịnh Sông Cầu, mũi Varella.
 
Chuyến đi mất 30 giờ. 
 
2) Du khách đến từ phương Nam (Singapore, Băng Cốc, Sài Gòn) có thể dùng đường bộ hay đường sắt.
 
Đường ngắn nhất là quốc lộ 20 (Blao - Djiring - Đà Lạt), đường tốt miền núi, thác nước, rừng cây nhiệt đới.
 
Nếu đi bằng xe lửa (toa giường nằm), chuyến tàu đêm có đầy đủ tiện nghi.
 
Xin báo cho du khách đi bằng đường hàng không Đà Lạt có một sân bay riêng.
 
TUYẾN PHƯƠNG NAM
 
Du khách ưa thích đường sắt đáp chuyến tàu nhanh về đêm. Vào buổi chiều, giã từ Sài Gòn nóng nực, du khách cảm nhận buổi sáng mát mẻ trên cao nguyên.Trong khi xe lửa chạy trên đường răng cưa xuyên qua những đám mây mù gió sớm chưa xua tan, du khách hít thở không khí nhẹ nhàng ngào ngạt hương thông.
 
Có hai con đường bộ: 
 
a) Sài Gòn - Đà Lạt qua Blao (305km)
 
Du khách rời Sài Gòn đến Biên Hòa, sau khi qua khỏi cổng đồn điền Suzannah, rẽ sang trái. Sau khi vượt sông Đạ Huoai, xe leo lên đèo Blao (độ cao 850m), chạy gần thác Bobla (cao 32m), đến Djiring (225km), trung tâm săn bắn (khách sạn).
 
Djiring - Đà Lạt: 80km. 
 
Từ Djiring, con đường vượt sông Đa Nhim (259km), bên trái là thác Pongour - một trong những thác nước đẹp nhất Đông Dương, bên phải là thác Gougah và Liên Khàng (Liên-Khanh).
 
Sau khi qua khỏi Fimnom và Klong, cây thông xuất hiện, phủ các sườn đồi.
 
Xe chỉ còn chạy vài ki-lô-mét trên một đoạn đường lượn dốc ngoằn ngoèo và nhìn thấy những mái ngói đầu tiên, du khách đã đến cao nguyên Lang Biang bao la, xe chạy trên những con đường tráng nhựa của thành phố Đà Lạt. 
 
b) Sài Gòn - Đà Lạt qua Phan Thiết (375km)
 
Đây là con đường bộ thứ hai dài hơn giúp cho du khách đến Đà Lạt qua Phan Thiết.
 
Sau chặng đường Sài Gòn - An Lộc, thay vì rẽ sang trái theo quốc lộ 20, du khách đi thẳng đến Xuân Lộc, Phan Thiết. Xe chạy nhanh trên nhiều đoạn đường dài thẳng tắp. Sau khi ra khỏi rừng cây nhiệt đới rậm rạp, xe tiến vào khu rừng lá buông và mất khoảng 4 giờ thì đến Phan Thiết (198km - khách sạn). Xe tiếp tục chạy giữa ruộng lúa, leo lên đèo Yabach (độ cao 800m) và đèo Haloum (1.030m), núi Braian (1.000m).
 
Từ đèo Datroum (1.200m), xe xuống độ cao 1.000m để đến Djiring (cách Sài Gòn 295km). Từ Djiring, du khách lên Đà Lạt theo con đường đã ghi ở trên.
 
TUYẾN PHƯƠNG BẮC
 
Quốc lộ 1 hay đường xuyên Đông Dương đưa du khách từ phương Bắc đến Nha Trang. Để đến Đà Lạt, du khách chọn con đường sắt Nha Trang - Tháp Chàm (Tourcham) - Đà Lạt hay đường bộ đi ngang qua Phan Rang và Krongpha.
 
Từ Krongpha, con đường leo ngang sườn núi với chiều dài 20km, lên 800m nhờ những khúc ngoặt đột ngột khiến cho du khách có lúc đối diện với những tảng đá lớn, có lúc phóng tầm mắt nhìn thấy phong cảnh trải dài đến vô tận, một đường trắng xóa của biển cả bao la.
 
Phong cảnh càng mở rộng hơn nữa từ Ngoạn Mục (Bellevue), một tấm thảm xanh trải dài dưới chân đèo.
 
Đi thêm 6km, bưu điện Dran hiện ra giữa cánh đồng rộng sông Đa Nhim, đất phù sa đặc biệt màu mỡ, nghề trồng rau rất phát triển. Ngay sau khi ra khỏi Dran, không đi theo đường Fimnom (20km) bên trái, du khách rẽ sang bên phải, đi trên con đường đến Đà Lạt gọi là đường Trạm Hành (Arbre-Broyé), ngang qua Cầu Đất (Entrerays) với Sở Trà, Trạm Bò (Le Bosquet), Trại Mát. 
 
Phan Rang - Đà Lạt: 110km.
 
Nguồn: Voyage à Dalat en 1937. 
L’Asie Nouvelle Illustrée, Saigon, 1937, No 56.
 
NGUYỄN HỮU TRANH trích dịch
(CÒN NỮA)