Đèo Hải Vân còn có tên gọi khác là đèo Ải Vân, hay đèo Mây, dài khoảng 20km, uốn lượn như dải lụa giữa không trung, vắt qua các sườn núi chạy dài bờ biển. Đèo Hải Vân xưa thuộc về đất Chiêm Thành, là ranh giới giữa hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam.
Đèo Hải Vân còn có tên gọi khác là đèo Ải Vân, hay đèo Mây, dài khoảng 20km, uốn lượn như dải lụa giữa không trung, vắt qua các sườn núi chạy dài bờ biển. Đèo Hải Vân xưa thuộc về đất Chiêm Thành, là ranh giới giữa hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam. Dưới thời nhà Trần, vào khoảng thế kỷ thứ XIV (1306), vua Trần Anh Tông đã nhận vùng đất Châu Ô, Châu Lý làm lễ vật dâng cưới của chúa Chiêm Thành là Chế Mân cho Đại Việt. Năm Hưng Long thứ 15 (1307) Trần Anh Tông cho đổi Châu Ô và Châu Lý thành Thuận Châu và Hóa Châu. Châu Thuận nay là tỉnh Quảng Trị, Châu Hóa nay là Thừa Thiên và huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Năm 1307, đèo Hải Vân đã chính thức trở thành đơn vị hành chính của quốc gia Đại Việt.
|
Mộc bản khắc về việc vua Minh Mạng cho xây dựng Hải Vân quan |
1. Xây dựng Hải Vân quan
Cửa ải Hải Vân nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, được xây dựng từ đời nhà Trần. Quy mô của Hải Vân quan là cửa trông về phủ Thừa Thiên có khắc ba chữ “Hải Vân quan”, cửa trông xuống Quảng Nam có khắc 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (cửa ải hùng mạnh nhất thiên hạ) 6 chữ này do vua Lê Thánh Tông phong tặng khi ông vi hành qua đây vào năm Canh Thìn (1470). Đến năm Minh Mạng thứ 7 (1826) cái tên của cửa ải này được vua cho khắc lên cổng đá trên đỉnh đèo. Mộc bản triều Nguyễn sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 37, có chép:
“Phía trước, phía sau đều đặt một cửa quan (ngạch trước viết 3 chữ “Hải Vân quan”, ngạch sau viết 6 chữ “thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Cửa trước cao và dài đều 15 thước, ngang 17 thước, 5 tấc, cửa sau cao 15 thước dài 11 thước, ngang 18 thước 1 tấc, cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, ngang 8 thước 1 tấc. Phía tả hữu cửa quan, xếp đá làm tường, trước sau tiếp nhau”. Chuẩn định từ Hải Vân trở ra Bắc thuộc quản hạt Thừa Thiên, từ ngoài Hải Vân trở vào Nam thuộc quảng hạt Quảng Nam”.
Đây là cửa hùng quan được xây dựng kiên cố, chắc chắn nhằm mục đích bảo vệ, kiểm soát việc ra vào Kinh đô về hướng Nam của triều đình Nguyễn. Hải Vân quan lúc bấy giờ trở thành vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh và quốc phòng, vì thế vua Minh Mạng đã cho phái biền binh gồm 4 đội Hữu sai và 2 đội Ứng sai chở súng ống đến để đấy (súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, ống phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng) có quân lính canh giữ, có sở quan sát và kính thiên lý để chiếu dòm trông ra ngoài biển. Chuẩn cho hằng năm từ 15 tháng 12 đến 15 tháng 7 phái thêm một người thị vệ am tường việc nhòm ống thiên lý, đến cùng với viên chức văn võ đóng trường kỳ ở đấy để xem xét, mỗi tháng một lần theo viên phòng thủ úy coi quản. Hễ ngoài khơi có các hạng thuyền lớn qua lại hay dừng đỗ, thì theo lệ phải phi báo. Điều đó cho thấy vua Minh Mạng đã hiểu rất rõ vị trí “yết hầu” trong việc quan phòng vệ quốc.
2. Việc đi lại ở đèo Hải Vân
Đèo Hải Vân có độ cao 500m so với mực nước biển, cheo leo, hiểm trở. Trên đỉnh đèo, quanh năm mây phủ. Dưới chân đèo là vực thẳm biển sâu, đặc biệt có hang Dơi (hay còn gọi là Bức Cốc). Tương truyền rằng: Ngày trước, chỗ hang Dơi, có sóng thần, thuyền bè đi lại qua đây thường hay bị đắm chìm, nên ngạn ngữ có câu: “Đi bộ thì sợ Hải Vân, đi thủy thì sợ sóng thần hang Dơi”. Hang Dơi là nơi đã gây ra nhiều tai họa nguy hiểm cho thuyền bè đi lại. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 66 có chép: “Hai thuyền hiệu là An Ba và Tĩnh Lãng chở của kho ở Bắc Thành, bị bão làm chìm ở dương phận núi Hang Dơi cửa biển Hải Vân. Sai Thượng thư bộ Công là Nguyễn Kim Bảng và Đề đốc Kinh thành là Nguyễn Văn Phượng đến đốc thúc quân dân lặn vớt vật hạng của nhà nước. Kịp đến lúc đưa về Nội vụ thì nhiều thứ bị thấm nước nát hỏng”.
Còn muốn đi bộ qua đèo người đi phải như vượn leo, chim chuyền mới có thể di chuyển được. Dưới triều Nguyễn, vua Minh Mạng đã sai quan Kinh doãn cùng Giám thành đến đèo Hải Vân khám xét địa thế, sửa dọn một con đường qua đèo, Mộc bản sách Đại Nam thực lục, có chép: “Sai Thừa Thiên, Quảng Nam sửa sang đường núi Hải Vân. Vua ra dụ: Hải Vân là chỗ hiểm trở của thiên nhiên. Trước đây trẫm ngự chơi Quảng Nam, thấy đường sá gập ghềnh, đi lại không tiện, đã sức sai mở rộng, sửa sang. Nay nghĩ trải qua năm tháng đã lâu, gai góc mọc um tùm. Vậy phải chiểu theo địa phận từng hạt liệu thuê dân phu phụ cận, phàm chỗ nào bậc đá khuyết, thì xây vá lại, chỗ nào cây cỏ mọc xen vào thì phát bỏ đi. Cần trong hàng tuần, hàng tháng phải sửa xong hoàn chỉnh để tiện cho người đi lại”.
Nhưng vì đèo Hải Vân có địa hình phức tạp nên việc sửa sang đường đèo vẫn nhiều hạn chế, rất ít người dám đi lại qua đây bởi một bên là núi cao hiểm trở với những vách đá dựng đứng, một bên là thăm thẳm biển sâu, đi thủy hay đi bộ là nỗi ám ảnh của con người lúc bấy giờ.
Và để tránh sự hoang vắng cho người đi lại trên đèo, vua Minh Mạng đã ra chỉ dụ kêu gọi dân đến làm nhà sinh sống trên đỉnh đèo, vua ban bố một loạt chính sách nhằm khuyến khích các hộ gia đình đến an cư, trong Mộc bản Đại nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 148, năm Minh Mạng thứ 18 (1837), có chép: “Nhà vua ra dụ cho quan huyện ở Kinh và quan tỉnh Quảng Nam thông sức cho dân thuộc hạt có người nào muốn làm nhà để ở hai bên đường núi thì thuế thân và đi lính, đi phu đều miễn cho, khai khẩn vườn ruộng, cấy trồng thóc lúa lấy hoa lợi, cũng chuẩn cho miễn nộp thuế, người không đủ sức dời đến làm nhà thì quan cấp vốn, cốt để cho từ đỉnh núi đến chân núi, đoạn nào cũng có nhà ở nối liền nhau, cho người đi đường có nơi dừng chân tạm trú, đói có chỗ ăn, khát có chỗ uống, còn số người hiện tại đến ở, chuẩn cho 3 tháng 1 lần tâu biết tình trạng. Rồi sau 6 người dân ngoại tịch ở Quảng Nam xin làm nhà ở đường núi, vua chuẩn cấp cho mỗi người 10 quan tiền”. Ngoài ra, khi xa giá qua núi Hải Vân, vua thường ban thưởng cho dân trên núi mỗi nhà một lạng bạc để tỏ ý khuyến khích người dân đến sống ở đây.
Nhà vua còn nghĩ đến việc trồng cây để lấy bóng mát cho người đi đường nghỉ ngơi; theo nhà vua, đó chính là trồng cây mít, ngoài việc đem lại bóng mát, gỗ mít còn dùng để làm nhà và lấy quả để ăn. Ở cửa ải Hải Vân có nạn hổ, vua Minh Mạng ra lệnh cho phái viên binh ở dinh Thần cơ (4 suất đội, 40 binh lính) đến ngay chia đóng ở 4 trạm Thừa Hóa, Thừa Lưu, Thừa Phúc (thuộc phủ Thừa Thiên) và Nam Chân (thuộc tỉnh Quảng Nam) do sở tại dẫn đến phận núi, tùy thế bắn bắt. Người bị hổ ăn thịt thì cấp cho tiền tuất (hạng tráng cấp 3 quan, già hay đàn bà thì 2 quan, trẻ con 1 quan).
Và kể từ năm Minh Mạng thứ 20 (1839) đến năm Tự Đức thứ 7 (1854), các vua triều Nguyễn còn lệnh thêm là cấm chở thuyền đi biển ở dưới cửa quan Hải Vân, vì những người khách qua lại đều đi bằng thuyền, nên để đường quan lộ cây cỏ mọc lên rậm rạp, dễ sinh ra hổ dữ.
Đèo Hải Vân với những dấu tích xưa huy hoàng vẫn còn hiện hữu với thời gian. Dưới triều Nguyễn, Hải Vân quan là niềm tự hào to lớn của Vương triều. Trong cửu đỉnh mà vua Minh Mạng cho đúc vào năm 1835 cùng với cửa Hàn và sông Vĩnh Điện, Hải Vân quan đã được khắc lên Dụ đỉnh (tên một trong 9 cái đỉnh) để làm quốc bảo tượng trưng cho sức mạnh của vương triều. Suốt một chặng đường dài, trên đường tiến của dân tộc con đường giao thông ở đèo Hải Vân đã đi vào cuộc sống của nhiều người dân Việt như một thắng cảnh, một cửa ải đầy những hiểm nguy.
Cao Thị Thơm Quang (Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)