Tìm hiểu các địa danh ở Đạ Tẻh

09:12, 10/12/2015

Đạ Tẻh là một trong ba huyện phía nam của tỉnh Lâm Đồng. Được thành lập ngày 6/6/1996, trên vùng đất thấp của vòng cung sông Đạ Đờng. Đứng trên đỉnh đèo Con Ó ở phía đông của huyện, Đạ Tẻh hiện ra như một cánh đồng lớn trải rộng, vàng óng màu lúa vừa chín, làm ta có cảm giác như một nơi nào đó của đồng bằng ven biển miền Trung hơn là ở vùng đất thâm u mà bí hiểm của phần cực nam dãy Trường Sơn...

Đạ Tẻh là một trong ba huyện phía nam của tỉnh Lâm Đồng. Được thành lập ngày 6/6/1996, trên vùng đất thấp của vòng cung sông Đạ Đờng. Đứng trên đỉnh đèo Con Ó ở phía đông của huyện, Đạ Tẻh hiện ra như một cánh đồng lớn trải rộng, vàng óng màu lúa vừa chín, làm ta có cảm giác như một nơi nào đó của đồng bằng ven biển miền Trung hơn là ở vùng đất thâm u mà bí hiểm của phần cực nam dãy Trường Sơn. Trong dịp dự trại thực tế sáng tác đầu tháng 11/2015 do Hội VHNT Lâm Đồng tổ chức tại huyện Đạ Tẻh, chúng tôi sưu tầm và xin giới thiệu với độc giả một số địa danh có gốc gác từ tiếng Mạ bản địa. 
 
VỀ MỘT SỐ ĐỊA DANH
 
1. Đạ Tẻh 
 
Trong Từ điển Việt - Kơ Ho, Sở VHTT Lâm Đồng xuất bản năm 1983, trang 64 có mục từ “Gõ: Teh. Gõ cửa: Teh mpồng”
 
 - Đạ Tẻh: Tên một con sông nhỏ khởi nguồn từ các khe núi của ngọn Bum Trao ở huyện Bảo Lâm chảy qua địa bàn xã Lộc Bảo, Lộc Bắc xuống huyện Đạ Tẻh, nhập vào sông Đồng Nai ở địa bàn thị trấn Đạ Tẻh.
 
 Đạ Tẻh có nghĩa là sông gõ, suối gõ.
 
 Theo ông K’Gồi ở buôn Nau Sri, Lộc Nga, Bảo Lộc thì suối có tên như thế vì khoảng lưng chừng suối ở vùng Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm có một cánh rừng nhiều chim gõ kiến sinh sống, cả ngày nghe tiếng lộc cộc của chim gõ vào thân cây.
 
2. Vùng Ba
 
Đạ Tẻh là tên hành chính còn trong dân gian, mọi người vẫn gọi nơi đây là Vùng Ba. Đây là một khu vực tương đương cấp huyện thời kháng chiến, gồm có 3 xã là Xi Nhen, Lú Tôn và Hợp Vong - nay là huyện Đạ Tẻh.
 
Theo “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng (1930 - 1975)” - NXB Chính trị quốc gia - HN - 2008 - trang 238: 
 
Ngày 2/9/1963, Tỉnh ủy quyết định giải thể phân ban Tỉnh ủy T14, thành lập Thị ủy B’Lao, lấy phiên hiệu T29 và thành lập bBan cán sự Đảng K4 phụ trách địa bàn từ Đạ Gùi đến đèo Ba Cô.
 
Vùng căn cứ phía bắc chia làm 4 vùng: Vùng 1 gồm khu vực bãi Cát Tiên và Bờ Sa Lu Xiên.
 
Vùng 2 từ dốc Con Ó đến Bi Lao gồm các xã 1, 2, 3, 4.
 
Vùng 3 gồm các xã Lú Tôn, Xa Nhon, Hợp Vong.
 
Vùng 4, từ Bô Riu Đăng qua Hàng No lên đến xã 5 (kể cả vùng Tân Rai, Minh Rồng, B’Kẻ)... 
 
Như vậy, tên Vùng Ba có từ 1963 sử dụng đến 1969 với vị thế là một đơn vị hành chánh, quân sự cấp huyện. Sau đó, Vùng Ba lại trực thuộc K4, từ 1975 về sau như một địa danh chỉ khu vực huyện Đạ Tẻh sau này. Vùng Ba nằm phần lớn trên địa bàn xã Tân Đồn.
 
3. Tân Đồn
 
Xã Tân Đồn thuộc quận Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 1954 - 1975. Xã có khoảng 20 buôn người Mạ, thuộc tổng Tân Mạ, nằm ở phía Bắc và Tây Bắc quận Bảo Lộc. Xã này có địa giới rất rộng, bây giờ là một phần huyện Bảo Lâm, một phần huyện Cát Tiên và toàn huyện Đạ Tẻh hiện nay.
 
Năm 1961, đồng bào Mạ Tân Đồn đã nổi dậy, xã được giải phóng, sau này thành Vùng Ba, là một phần căn cứ bắc đường 20 của tỉnh Lâm Đồng thời kỳ kháng chiến.
 
- Chữ Tân là biến âm từ chữ Tơng, Thơng tiếng Mạ có nghĩa là thung lũng.
 
- Đồn: là biến âm của chữ Dờng nghĩa là lớn trong tiếng Mạ. 
 
 - Tân Đồn: Tơng Dờng nghĩa là thung lũng lớn, tên của người bản địa xưa kia dùng để chỉ vùng đất Đạ Tẻh hiện nay.
 
4. Đạ Kho
 
- Tên một xã của huyện Đạ Tẻh thành lập từ năm 1986 từ xã Đạ Cộ, xuất phát là tên một con suối nhỏ đổ ra sông Đạ Tẻh.
 
Ngày trước, dọc hai bên suối có nhiều dây Bầu rừng, họ bầu bí, mọc vùng đất ẩm, dọc bờ suối, sống một năm, người Mạ gọi là Kho, nên thành tên con suối.
 
- Plai Kho: Quả Bầu rừng, là quả của dây Bầu rừng. Quả Bầu rừng hơi tròn, giống như trái ca cao, có sọc màu vàng nhạt, quả có thể dùng luộc, nấu canh ăn như quả bầu, vị hơi nhân nhẫn đắng, nhưng khá béo. Có hai loại: loại quả láng và loại có lông màu xanh biếc. Loại quả láng ăn ngon hơn. 
 
5. Đạ Lây
 
Tên xã, thành lập năm 1986 từ khu kinh tế mới Huế, lấy từ tên con sông nhỏ chảy qua khu vực này.
 
Lai: còn non, còn trẻ. Đạ Lai: Suối non
 
Sông Dà Lai bắt nguồn từ các khe núi của ngọn Bum Trao, tên sông được người Kinh gọi là Đạ Lây.
 
Ở vùng đầu nguồn, con sông này chảy qua một thung lũng khá bằng phẳng ở buôn B’Nau cũ (Xã Lộc Bắc bây giờ). Mỗi mùa mưa, bờ sông bị sạt lở, nước cuốn theo nhiều đất nên đục ngầu, đất lở làm sông lớn dần ra nên gọi là sông non, sông còn trẻ. 
 
6. Đạ Pal
 
Tên xã, thành lập năm 2002,  vốn là một phần xã Triệu Hải. Xã Đạ Pal có buôn Tôn K’Long toàn là người Mạ.
 
Pal: Bị ố, bị xỉn màu.
 
Đạ Pal: Suối ố. Là một suối nhỏ, chảy vào sông Đạ Mbri.
 
Khi tắm nhiều lần trên con suối này, da người bị xám lại, không hiểu do chất gì trong nước, nên thành tên suối. 
 
7. Dốc Ma Thiên Lãnh
 
Con dốc ngày trước khá cao, là phân giới của huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh trên tỉnh lộ 721. 
 
Tên bản địa là Pọt Lùng, pọt: đèo, khe núi có đường đi, lùng: cái tô.
 
Pọt Lùng: Đường mòn lượn quanh những ngọn đồi bát úp, tròn nhỏ, có khe suối bên dưới, nên có tên như thế.
 
Ma Thiên Lãnh: Tên do người khai thác gỗ (xe be) đặt khoảng năm 1970 cho Pọt Lùng.
 
Từ 1958, dốc này vốn là phân giới của xã Tân Đồn, tổng Tân Mạ và xã Ma Đa Guôil thuộc tổng Ma Đa Guôi, quận Bảo Lộc.
 
Từ năm 1961, xã Tân Đồn được giải phóng, dốc Ma Thiên Lãnh thành nơi diễn ra nhiều trận chiến. Năm 1965, trong một trận càn, lính cộng hòa nhiều người chết ở đây, dân sơn tràng hay gặp ma rừng ở khu vực này nên gọi tên như thế và truyền đến bây giờ. 
 
8. Con Ó
 
- Tên buôn: Kon Oh là tên một buôn Mạ Đạ Dờng, thuộc xã Xi Nhen thời kháng chiến, nay thuộc huyện Đạ Tẻh.
 
- Tên dốc: con đường giao liên thời kháng chiến từ K1 xuống vùng 3 đi ngang buôn Kon Oh. Con dốc này nằm cắt ngang nét đứt gãy địa chất, phân giới của cao nguyên Di Linh - Bảo Lộc với sơn nguyên dọc Dà Tẻh thấp hơn chừng 400m, vì vậy con dốc rất dài. Ngày nay, đường ĐT 725 vẫn mở theo đường giao liên cũ ở đoạn này.
 
Tiếng Mạ: Kon Oh 
Kon: con. Oh: em gái 
Bon Kon Oh: Buôn của cô em gái. 
Có lẽ người Kinh khó đọc chữ Kon Oh nên sửa thành Con Ó.
 
VÀI SUY NGHĨ VỀ CÁCH VIẾT ĐỊA DANH TIẾNG MẠ
 
Người Mạ nói riêng và các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, thường dùng các điều đặc biệt về vùng đất nơi cư trú của buôn, của con suối, của ngọn núi... để đặt tên cho những nơi đó. Tên buôn, tên núi, tên sông suối như một chút dấu vết lịch sử của tiền nhân để lại cho thế hệ sau. Vì vậy viết đúng những địa danh ấy là điều rất cần thiết, còn chuyển âm sang tiếng Việt cũng phải tuân theo những qui tắc nhất định, nếu không, các tên đó bị viết sai lạc. Ví dụ như tên Đạ Tẻh vốn là chuyển âm của Dà Teh trong tiếng bản địa, khi viết “Đạ” là đã Việt hóa từ Dà, còn “Tẻh” là một chữ viết sai. Nếu Việt hóa thì phải viết là Tẻ, khi viết Tẻh là vẫn dùng chữ bản địa nhưng dư dấu hỏi, vì khi có chữ h ở cuối, chữ Teh đã có âm đọc như có dấu hỏi rồi. Hoặc như tên xã Đạ Pal, vốn gốc tiếng bản địa là Dà Pal. Chữ Dà được Việt hóa thành Đạ còn chữ Pal thì không, thành ra tên Đạ Pal nửa Việt, nửa Mạ như ta thấy hiện nay. Riêng địa danh Đạ Lây lại được Việt hóa hoàn toàn từ tên Dà Lai của tiếng bản địa.
 
Nói như thế để thấy rằng việc sử dụng địa danh có nguồn gốc tiếng bản địa còn nhiều điều chưa hợp lý, cách Việt hóa cũng chưa nhất quán.
 
Tại tỉnh Lâm Đồng có rất nhiều tên đất, tên núi, tên sông suối gốc gác từ tiếng bản địa. Việc ký âm các địa danh đó cần chính xác theo cách nói của người bản địa hoặc nếu Việt hóa, thì cũng là điều bình thường vì đó là việc tất yếu xảy ra, trên quá trình hội nhập của các ngôn ngữ, có phân vùng sử dụng liền kề hoặc đan xen. Nhưng ký âm, chuyển âm, Việt hóa thế nào, thiết nghĩ cũng là việc nên làm một cách cẩn trọng và nhất quán. Khi ấy, tầm văn hóa của vùng đất, sẽ được nâng lên, chắc rằng việc đó sẽ được sự đồng tình của nhiều người. 
 
* TÀI LIỆU THAM KHẢO:
 
- Từ điển Việt - Kơ Ho, Sở Văn hóa và thông tin Lâm Đồng - xuất bản 1983.
- Tài liệu dạy và học tiếng Kơ Ho, Sở Nội vụ - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng - 2007.
- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng (1930- 1975) - Nxb Chính trị quốc gia-HN-2008. 
- Địa chí Lâm Đồng, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng - Nxb Văn hóa Dân tộc - Hà Nội - 2001.
- Địa phương chí tỉnh Lâm Đồng, Tòa Hành chánh Lâm Đồng -1963.
 
NINH THẾ HÙNG