Người Cơho là một trong những dân tộc thiểu số sống tập trung chủ yếu ở vùng Nam Tây Nguyên và một số tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận… Ở Lâm Đồng, người Cơho cư trú nhiều nhất tại các huyện Lạc Dương, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà.
Người Cơho là một trong những dân tộc thiểu số sống tập trung chủ yếu ở vùng Nam Tây Nguyên và một số tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận… Ở Lâm Đồng, người Cơho cư trú nhiều nhất tại các huyện Lạc Dương, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà. Cũng giống như các tộc người bản địa khác ở Tây Nguyên, người Cơho theo tín ngưỡng đa thần, với quan niệm “vạn vật hữu linh” - mọi vật xung quanh đều có linh hồn và có thần (Yàng) ngự trị, cai quản; vì vậy họ rất tôn thờ các thế lực siêu nhiên và có những kiêng cữ rất nghiêm ngặt.
|
Thiếu nữ K’Ho dệt vải |
Đồng bào K’Ho cho rằng, kiêng cữ sẽ mang lại điều may mắn cũng như tránh những điều xui xẻo trong cuộc sống. Từ lúc sinh ra, lớn lên cho đến lúc qua đời, hay các hoạt động trong đời sống sinh hoạt hàng ngày như: đi săn, ăn uống, cưới xin… đều có kiêng cữ . Những kiêng cữ được truyền lại từ đời này qua đời khác, ăn sâu vào trong tâm trí mỗi người K’Ho.
Những kiêng cữ trong sinh nở: Lúc mang thai, người K’Ho kiêng ăn thịt các loài khỉ, vượn, không ăn con vật có mang bị chết, kiêng không ăn thịt con đỏ, không ăn cơm chậm vì sợ đẻ khó, không xách vật nặng, gùi phải mang sau lưng ngay ngắn, không đi trỉa lúa, bắp giùm cho người khác, tóc không buộc vì sợ đẻ khó, cối thủng không được bịt. Phụ nữ khi sinh ở cữ 7 ngày, buộc sợi chỉ xanh hoặc cắm cành lá xanh nơi cửa làm dấu hiệu thông báo không cho khách lạ vào nhà, chỉ có anh em, họ hàng mới được vào. Trong trường hợp khách vô ý bước vào thì chủ nhà phun nước vào người của khách để đuổi điều xấu có thể mang đến cho đứa trẻ. Khi sinh, bà mẹ phải kiêng hai tháng không được nấu nướng, kiêng chuyện vợ chồng. Tên đứa trẻ không được đặt giống tên bố mẹ chồng hoặc bố mẹ vợ.
Những kiêng cữ khi đi săn: Trước đây, với kinh tế tự cung, tự cấp cuộc sống của người K’Ho luôn gắn liền với thiên nhiên, núi rừng như: săn bắt, hái lượm… từ đó họ cũng có những kiêng cữ đặc biệt khi đi săn. Đó là: Trước khi đi săn, người đàn ông phải giữ bí mật trong 7 ngày, không được nói với ai, chỉ nói là đi chơi, không được nói địa điểm đi săn như: tên suối, rừng nơi đi săn…, không gặp phụ nữ có bầu nếu gặp thì ngày đó không đi săn được phải trở về nhà. Kiêng chuyện vợ chồng trong 7 ngày, khi đi gặp con đỏ, con rắn là phải trở về. Ban đêm mơ thấy gà hoặc nai, chóe bể, cây đổ, đại bàng bắt cá thì không được đi, đang đi có ai đó hắt xì hoặc gặp thú rừng kêu thì phải quay về. Cái nỏ, mũi tên và xà gạt phải treo đầu giường nằm của người đàn ông, nếu treo vị trí khác thì sẽ không may mắn cho lần đi săn sau. Thịt thú đi săn phải chia cho cả làng, sừng và đầu để trang trí ngay cửa hoặc treo lên bàn thờ để cho may mắn.
Những kiêng cữ trong ăn uống: Cá không được nấu với nấm, hoặc với xoài, xoài không được giã trong cối vì sợ sét đánh, hoặc bị động đất, sau khi ăn xoài phải rửa tay thật kĩ.
Những kiêng cữ trong hôn nhân: Trong bữa tiệc cưới sau khi ăn con gà phải xem đầu gà tốt hay xấu là điềm báo trước cho đôi trai gái sau này. Không được lấy những người bị coi là ma lai, kiêng cãi nhau với bố mẹ chồng hay bố mẹ vợ vì sẽ bị tai họa, xui xẻo xảy đến, làm ăn không được.
Khi chọn địa điểm đất canh tác làm nương rẫy, người K’Ho cũng có những kiêng cữ sau: Trước hôm tìm đất phát nương làm rẫy, ban đêm ngủ mà mơ thấy điều xấu thì phải bỏ vùng đất đó đi chọn chỗ khác. Nếu trồng trọt, canh tác trên đất gần khu nghĩa địa ban, đêm mơ thấy gặp người chết thì không được canh tác khu đất đó nữa.
Những kiêng cữ trong tang ma: Khi có người chết, những thành viên trong gia đình không được đi xa, kiêng đi làm trong 8 ngày nếu không sẽ mang tội bất hiếu đối với người chết.
Đối với trường hợp chết bất đắc kỳ tử, kiêng trong 8 ngày không ra khỏi làng, khách không được đến khi thấy lá cắm ngoài nhà để báo hiệu là trong nhà có kiêng cữ. Xác người chết phải chôn riêng, không chôn chung ngoài nghĩa địa. Phải nhờ thầy phù thủy đến cúng bằng con gà, chó hoặc dê để đuổi tà ma xui xẻo ra khỏi nhà.
Ngày nay, do ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại, đặc biệt là sự thâm nhập của các tôn giáo mới như Kitô giáo, Tin Lành giáo,… đã làm thay đổi nhiều những quan niệm về tâm linh hay những kiêng cữ trong cộng đồng người K’Ho. Qua quá trình truyền giáo nhiều cư dân đã tiếp nhận tín ngưỡng mới, cùng với chính sách tự do tín ngưỡng, trong đời sống của người K’Ho, các nghi thức cúng tế hay kiêng kỵ cũng giảm đi rất nhiều, thậm chí bị mai một và dần mất hẳn. Thay vào đó là các nghi thức tôn giáo mới được thực hiện một cách phổ biến.
Tuy nhiên, sự hòa nhập đó cũng không làm mất hẳn những quan niệm về “vạn vật hữu linh” trong tâm thức của người K’Ho, đặc biệt trong lớp người già lớn tuổi trong làng. Những quan niệm “rừng thiêng, nước độc” vẫn ăn sâu trong tâm trí họ, khi nhắc nhở con cháu hay trong những câu chuyện của những già làng về thời hồng hoang các vị thần (Yàng) vẫn luôn xuất hiện và được nhắc tới.
ĐOÀN BÍCH NGỌ - RƠ ÔNG BEN LENNI