Mộc bản Triều Nguyễn là những bản gỗ khắc chữ Hán - Nôm ngược dùng để in ra thành sách, được sử dụng rộng rãi dưới thời phong kiến. Với những giá trị đặc biệt về nội dung, nghệ thuật, kỹ thuật chế tác và tính duy nhất của khối tài liệu này vào ngày 31/7/2009 tổ chức UNESCO đã công nhận Mộc bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thế giới.
Mộc bản Triều Nguyễn là những bản gỗ khắc chữ Hán - Nôm ngược dùng để in ra thành sách, được sử dụng rộng rãi dưới thời phong kiến. Với những giá trị đặc biệt về nội dung, nghệ thuật, kỹ thuật chế tác và tính duy nhất của khối tài liệu này vào ngày 31/7/2009 tổ chức UNESCO đã công nhận Mộc bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thế giới. Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chúng tôi xin giới thiệu đến các nhà nghiên cứu và độc giả một số tấm Mộc bản khắc về Nguyên phi Ỷ Lan - người phụ nữ có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển rực rỡ về nhiều mặt của vương triều nhà Lý cũng như nền văn hóa nước nhà.
|
Bản gốc, bản dập Mộc bản khắc về Nguyên phi Ỷ Lan |
Từ cô gái hái dâu đến địa vị tôn quý nhất
Ỷ Lan là người họ Lê, quê ở hương Thổ Lũy (Thổ Lỗi), Thuận Thành, Bắc Ninh. Nguồn gốc chuyện tiến cung của bà đã được sử sách ghi chép lại như sau: “Ỷ Lan Nguyên phi người họ Lê, quê ở Thổ Lũy thuộc tỉnh Bắc Ninh. Vua Thánh Tông nhà Lý tại vị lâu ngày, tuổi đã tới 40 mà chưa có con nối dõi. Cầu tự nhiều nơi vẫn chưa thấy kết quả. Nhân đi tham quan tại các chùa nhiều nơi trong nước, tới đâu trai gái trong vùng đều rủ nhau tới chiêm vọng nhà vua không ngớt. Chẳng dè nhà vua bắt gặp một cô gái hái dâu đang đứng dựa trong đám cỏ lan. Liền triệu vào cung, và sau được nhà vua yêu quý, bèn đặt tên là “Ỷ Lan Phu nhân” (Phu nhân đứng dựa cỏ lan)”. (Sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, Quyển 3, mặt khắc 2).
Mùa xuân, năm 1066, Ỷ Lan Phu nhân hạ sinh hoàng tử Lý Càn Đức, được phong làm Thần phi. Năm 1068, bà lại sinh ra Minh Nhân Vương, Vua Lý Thánh Tông phong Thần phi làm Nguyên phi, đứng đầu các phi tần trong hậu cung chỉ sau Hoàng hậu.
Khác với các hậu phi khác, Ỷ Lan không lấy việc trau chuốt nhan sắc làm chính mà chỉ miệt mài đọc sách, khổ công học hỏi nên chỉ trong một thời gian ngắn triều thần đã kinh ngạc trước sự hiểu biết uyên thâm về nhiều mặt của bà. Với hai lần buông rèm nhiếp chính, sử sách đã ghi nhận bà có công lao to lớn trong việc ổn định và phát triển đất nước dưới vương triều nhà Lý.
Năm Kỷ Dậu (1069), vua Lý Thánh Tông thân chinh cầm quân đi đánh giặc phương Nam đã trao quyền nhiếp chính, điều khiển chính sự ở triều đình cho Ỷ Lan. Cũng năm ấy, nước Đại Việt không may bị lụt lớn, mùa màng thất bát, nhiều nơi sinh loạn, thử thách quá lớn đối với vị nữ nhiếp chính còn rất trẻ. Nhưng nhờ kế sách trị nước đúng đắn, quyết đoán, táo bạo, loạn lạc được dẹp yên, dân đói được cứu sống.
Vua đánh giặc lâu ngày không thắng bèn giao binh quyền cho Lý Thường Kiệt, đem một cánh quân nhỏ quay về. Dọc đường về nhà vua nghe quan lại và dân chúng ca ngợi Nguyên phi có tài trị nước, an dân. Sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập chép:“Nhà vua nói: một người đàn bà còn làm được như thế, ta phái tu mi nam tử nghĩ sao? Thế rồi nhà vua đem quân trở lại đánh Chiêm Thành lần nữa. Quả nhiên thắng trận, bắt được vua Chiêm là Chế Củ”.(Quyển 3, mặt khắc 3).
Năm Nhâm Tý (1072), Lý Thánh Tông băng hà, Hoàng Thái tử Càn Đức lên ngôi, tức vua Lý Nhân Tông. Khi ấy, vua mới lên 7, Ỷ Lan tiếp tục buông rèm nhiếp chính lần 2, vừa giúp việc triều chính vừa làm nhiệm vụ dạy dỗ con thơ. Trong khi vua còn thơ ấu, Ỷ Lan điều khiển cả quốc gia, cùng Tể tướng Lý Thường Kiệt chủ trương đánh quân Tống xâm lược. Hai lần quân Tống đến (1075, 1077), vua Lý Nhân Tông chưa quá 10 tuổi. Ỷ Lan đã cùng Thái sư Lý Đạo Thành lo việc binh lương chuyển ra tiền tuyến. Trong lúc Tổ quốc lâm nguy, Ỷ Lan đã cùng triều thần nhà Lý giữ vững giang sơn, xã tắc, công ấy đời sau còn nhắc mãi.
Ỷ Lan không chỉ sửa sang việc quốc chính, tăng cường quân đội, chăm lo việc mở mang dân trí, ban hành nhiều điều ích quốc lợi dân mà còn khuyên bảo vua làm điều thiện trị điều ác. Bà hiểu những gian nan của người nông dân khi việc nông trang không có trâu cày bừa, bà đã đề xuất lệnh cấm trộm trâu và giết trâu bừa bãi. Vua Lý Nhân Tông đã ra lệnh phạt rất nặng những người trộm trâu và giết trâu, phạt cả vợ con và hàng xóm vì tội không tố giác. Việc này đã được ghi chép lại trong sách Đại Việt sử ký toàn thư.
Là một người phụ nữ sáng danh trong lịch sử nước nhà - Nguyên phi Ỷ Lan ngoài tài trị quốc an dân, chống giặc ngoại xâm, còn đóng vai trò quan trọng trong việc chấn hưng Phật giáo. Bà là người sùng Phật, am hiểu về Phật pháp và đã cho xây dựng nhiều chùa chiền ở khắp nơi.
Tuy nhiên, trong cuộc đời của người phụ nữ huyền thoại này cũng không tránh khỏi những “góc khuất”, thậm chí là “tỳ vết”. Đó chính là việc bức hại Thái hậu Thượng Dương và 72 cung nữ vào năm 1073. Cũng vì thảm án kể trên mà những nhà chép sử khi xưa tỏ ra khá dè dặt khi đề cập đến Nguyên phi Ỷ Lan. Ngày nay, các nhà nghiên cứu nhận định rằng trong sự nghiệp làm chính trị và đặc biệt là dưới chế độ phong kiến thì đó cũng là chuyện thường thấy.
Ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu (1117), Ỷ Lan qua đời, thọ 74 tuổi, dâng thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái hậu, mai táng ở Thọ Lăng, phủ Thiên Phúc.
Ỷ Lan với thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến
Bên cạnh công lao ổn định và phát triển đất nước, gần đây các nhà nghiên cứu bàn nhiều về một khía cạnh khác ít được nhắc đến trong cuộc đời lẫy lừng của Nguyên phi Ỷ Lan. Bà là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam có một “chương trình quy mô quốc gia” giải quyết tình trạng “không vợ, không chồng” của người dân.
Xuất thân là một thôn nữ, hiểu thấu những khổ đau của người phụ nữ nông dân vì nghèo khổ phải đem thân gán nợ cho nhà giàu, bà đã cho xuất tiền ở kho Nội phủ chuộc họ về, gả cho những người đàn ông góa vợ hoặc người nghèo khó không đủ tiền cưới vợ. Sách Đại Việt sử ký của sử gia đời Trần là Lê Văn Hưu có viết “Năm Quý Mùi niên hiệu Long Phù năm thứ 3 (1103), mùa xuân, Thái hậu phát tiền ở kho Nội phủ để chuộc những con gái nhà nghèo đã phải bán đi ở đem gả cho những người góa vợ”. Cũng từ sự kiện này, sử gia Ngô Sỹ Liên đã có lời bàn: “Con gái nghèo đến nỗi phải đợ mình làm mướn, con trai nghèo đến nỗi không vợ, đó là cùng dân của thiên hạ. Thái hậu đổi mệnh cho họ cũng là việc chân chính vậy”. Việc này cũng được khắc trong Mộc bản triều Nguyễn.
Ở địa vị tột đỉnh hiển vinh nhưng Ỷ Lan vẫn không quên cảnh ngộ của những người phụ nữ nghèo hèn, những người đã và đang sống cuộc đời còn cơ cực hơn thuở hàn vi của bà. Thương cảm cho bao số phận cung nữ phí hoài tuổi thanh xuân trong cung cấm, bà đã cho xuất cung rất nhiều người và gả chồng, tạo lập gia đình cho họ.
Điều gì khiến một người phụ nữ có được những suy nghĩ khác lạ nhưng cũng đầy tính nhân bản trong thời kỳ phong kiến hà khắc về tình cảm cá nhân như vậy? Phải chăng chính cốt cách vốn có của bà cùng những cảnh đời bà đã gặp qua khi còn là thôn nữ, những hiểu biết về xã hội, về nhân tình thế thái đã giúp bà hiểu, đồng cảm hơn với những thân phận con người cùng khổ, đặc biệt là thân phận người phụ nữ. Thường thì sự giàu có về kinh nghiệm sống, giàu có về tri thức mới đem lại sự phong phú về mặt tâm hồn. Bên cạnh đó các nhà sử học còn cho rằng, sở dĩ bà có được một tâm hồn như thế một phần cũng nhờ vào tư tưởng bình đẳng của Phật giáo. Và trên hết đó là trái tim của một người phụ nữ vĩ đại không chỉ mong muốn giải phóng và mang lại hạnh phúc cho phụ nữ mà còn mang lại sự bình ổn về giới, nền tảng cơ bản để xã hội tồn tại trong một hình thái đẹp nhất - cân bằng âm dương. Để không ai bị ẩn ức, không ai bị cô đơn, không ai thấy mình là vật thừa của con tạo. Bà là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam quan tâm đến phụ nữ nói riêng và sự cân bằng về giới nói chung.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, bên cạnh những đấng anh hào thì dân tộc ta cũng đã sản sinh nhiều bậc nữ nhi mà những đóng góp của họ đã được sử sách và người đời ghi nhận, tạo nên truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam. Như trong bức thư gửi phụ nữ nhân ngày 8/3/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rạng rỡ”.
Tài liệu tham khảo:
Hồ sơ H97/4, Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Ngô Sỹ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, 2004, NXB Khoa học Xã hội.
Hà Văn Thư - Trần Hồng Đức, Tóm tắt Niên biểu lịch sử Việt Nam, 2009, NXB Văn hóa Thông tin.
Lê Thị Huệ (Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)