Cội nguồn vua Hùng qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới

09:04, 21/04/2016

Hùng Vương (chữ Hán: 雄王), hay còn gọi là vua Hùng, là tên hiệu các vị thủ lĩnh tối cao của nhà nước Văn Lang. Theo truyền thuyết, các đời vua này là hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ. 

Hùng Vương (chữ Hán: 雄王), hay còn gọi là vua Hùng, là tên hiệu các vị thủ lĩnh tối cao của nhà nước Văn Lang. Theo truyền thuyết, các đời vua này là hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Trong Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập quyển 1, mặt khắc 1 có chép về thân thế của Hùng Vương như sau: “Vua Kinh Dương Vương lấy con gái của vua Động Đình là Thần long rồi sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái của vua Đế Lai là Âu Cơ rồi sinh ra Hùng Vương. Hùng Vương dựng nước, đặt quốc hiệu là Văn Lang, chia nước ta thành 15 bộ (là Giao Chỉ, Châu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng và Cửu Đức).
 
Hùng Vương sắp đặt tên các chức quan: Tướng văn gọi là Lạc hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng, con trai vua thì gọi là Quan lang, con gái gọi là Mị nương, quan Hữu ty thì gọi là Bồ Chính. Đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo.Hùng Vương truyền 18 đời vua, trải hơn 2.600 năm. Vua các đời đều gọi là Hùng Vương”.
 
Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập ghi chép về thân thế của vua Hùng và nhà nước Văn Lang
Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập ghi chép về thân thế của vua Hùng và nhà nước Văn Lang

Như vậy, theo Mộc bản sách “Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập” thì Hùng Vương làm vua và cai trị đất nước Văn Lang trải qua 18 đời vua với sự tồn tại gần 3.000 năm lịch sử. Nước Văn Lang dưới thời Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu; có vị trí phía đông giáp với biển Nam Hải; phía tây kéo đến đất Ba Thục; phía bắc đến hồ Động Đình và phía nam giáp với nước Hồ Tôn. Hùng Vương lên ngôi không chỉ mở nước, giúp dân làm ăn mà còn là chỗ dựa tinh thần cho người con Văn Lang khi gặp biến cố. Trong Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 1, mặt khắc 2 có chép rằng: Bấy giờ dân ở rừng núi thấy ở sông ngòi khe suối đều có tôm cá, nên rủ nhau đi bắt cá để ăn, thường bị thuồng luồng làm hại, bèn đến thưa với vua. Vua nói: “Người man ở núi khác với các loài thủy tộc; các thủy tộc ấy ưa cùng loài mà ghét khác loài, cho nên mới bị chúng làm hại. Rồi vua bảo mọi người lấy mực vẽ hình thủy quái ở mình. Từ đấy thuồng luồng trông thấy không cắn hại nữa”.
 
Ghi nhớ công lao của Hùng Vương, nhân dân đã kính cẩn lập miếu thờ. Trong Mộc bản sách Đại Nam thực lục đệ tam kỷ, quyển 53, mặt khắc 25 dấu tích đền thờ Hùng Vương vẫn còn khắc rõ: “Miếu Hùng Vương ở núi Hy Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Sơn Vi, tỉnh Sơn Tây”. Ngôi đền thờ cùng lăng mộ của các vua Hùng hiện vẫn còn tồn tại ở địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
 
Các đời vua của Vương triều Nguyễn ý thức rất cao đối với cội nguồn dân tộc mình. Mộc bản sách Đại Nam thực lục đệ nhị kỷ, quyển 20 có chép về lời nói của vua Minh Mạng: “Lễ nghi thờ cúng phải nên suy từ gốc nguồn, vốn không tự hạn chế trong non sông nước Nam. Xét sách Việt sử ngoại kỷ biên niên thì Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương thực là Thủy tổ của đất Việt ta”. Nhà vua còn ra dụ cho dân chúng biết công lao của các vua Hùng to lớn đến nhường nào: “nhà nước làm cho dòng đứt được nối, họ mất được còn, truy tôn triều đại trước như triều đại Hùng Vương”.
 
Chính vì vậy, dưới triều Nguyễn đền thờ Hùng Vương được xếp vào hàng miếu thờ các bậc Đế vương. Cứ mỗi lần quốc lễ, triều đình đều sai quan đầu tỉnh đến tế lễ, nhân dân quanh năm được phụng thờ: “Lăng tẩm của đế vương các đời, từ trước đến nay, vẫn thường sửa chữa, cấm kẻ hái củi chăn trâu bò, không được đến gần chặt cây cối, đã có điều lệ”. Dưới triều Gia Long, nhà vua còn ra lệnh thêm: “Đặt miếu phụ cho miếu lịch đại đế vương, đều lấy xã dân sở tại sung vào: miếu Hùng Vương 52 người”.
 
Còn đối với vua Tự Đức, khi các Sử thần làm bộ Việt sử, vua sai đại thần là Trương Đăng Quế xét lại thể thức, phương pháp để viết.Đến khi tâu lên, vua chuẩn cho lấy Hùng Vương làm vua đầu tiên chính của dân tộc. Cảm kích trước cội nguồn dân tộc, vua Tự Đức còn làm bài thơ vịnh Hùng Vương, trong đó có câu:
 
Chữ Hán:
 
文 郎 建 國 歷 千 年
父 道 相 承 十 八 傳
 
Phiên âm:
 
Văn Lang kiến quốc lịch thiên niên,
Phụ đạo tương thừa thập bát truyền.
 
Dịch nghĩa:
 
Trải ngàn năm dựng nước Văn Lang,
Phụ đạo truyền mười tám Hùng Vương.
 
Thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, từ năm 2001, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành quốc lễ của nước ta. Hằng năm, cứ đến ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc lại về thắp nén hương thơm tỏ lòng tri ân tới các vua Hùng - người có công trong việc dựng nước. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ cũng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 6 tháng 12 năm 2012.
 
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, năm 2004;
2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb Thuận Hóa, 2012;
3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, Nxb Thuận Hóa, 1994;
4. Hồ sơ H22/21, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
5. Hồ sơ H23/52, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
6. Hồ sơ H23/53, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
 
Thơm Quang