Tìm hiểu gỗ khắc in mộc bản thời phong kiến

08:05, 05/05/2016

Các loại gỗ dùng để khắc ván in sách mộc bản bằng chữ Hán và chữ Nôm đã từng được nhắc đến trong một số sách chính sử thời Nguyễn; trong đó có gỗ thị, gỗ lê, gỗ táo và một loại gỗ khác mà nhiều người chưa biết đến, đó là gỗ cây lồng mức…

Các loại gỗ dùng để khắc ván in sách mộc bản bằng chữ Hán và chữ Nôm đã từng được nhắc đến trong một số sách chính sử thời Nguyễn; trong đó có gỗ thị, gỗ lê, gỗ táo và một loại gỗ khác mà nhiều người chưa biết đến, đó là gỗ cây lồng mức…
 
Mộc bản được làm từ gỗ thị
Mộc bản được làm từ gỗ thị

Cây lồng mức, hay còn được gọi là cây thừng mức, cây nha đồng mộc, được phân bố ở một số tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Cây cao vút, dáng thẳng, gỗ mềm, màu trắng sáng như ngà voi. Theo kinh nghiệm dân gian, ngoài lấy gỗ ra, cây lồng mức còn được dân gian sử dụng như một cây thuốc quý; toàn bộ thân cây, lá, rễ, hoa đều được sử dụng làm thuốc. Đặc biệt, gỗ cây lồng mức đã từng được dùng nhiều cho việc khắc ván in mộc bản thời phong kiến, bởi vì đặc điểm của gỗ mức mềm, không bị mắt, không cong vênh, nứt toác, thớ gỗ đẹp, nhẹ… rất phù hợp cho việc khắc in. Sách Đại Nam nhất thống chí được biên soạn dưới triều Nguyễn có chép rằng gỗ dùng làm ván khắc in là gỗ lồng mức (hay còn gọi là nha đồng mộc), thớ gỗ trắng, sáng như ngà voi, chuyên dùng để khắc ván in sách cổ. Ngày nay, người ta dùng gỗ lồng mức để làm đồ mỹ nghệ và viết thư pháp trên các mảnh gỗ được xẻ ra từ cây, tạo một thú chơi thư pháp rất độc đáo. Hiện nay lồng mức chủ yếu mọc tập trung ở rừng tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk hoặc trong một số khu vườn của nhà dân; tuy nhiên, số lượng cũng không nhiều vì nhiều cây đã bị đốn hạ để làm đồ trang trí như ngà voi, lục bình, con tiện...
 
Ngoài gỗ lồng mức, gỗ thị cũng được sử dụng nhiều để làm ván in sách. Theo Châu bản triều Nguyễn, vào thời Tự Đức, sử quán tấu trình về việc khắc in các sách Ngự chế thi sơ tập, Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ có viết: “Nay kiểm thấy bản mẫu cuốn thực lục gồm 1.900 trang, cần dùng 995 tấm gỗ thị”. Thời Tự Đức, ngay cả khi đã xuất hiện bản in chữ bằng thiếc thì việc sử dụng mộc bản để khắc in vẫn được coi trọng. Điều này đã được nhắc đến trong Châu bản triều Nguyễn: “Khi khắc in sách Ngự chế Việt sử Tổng Vịnh tập, ở quyển thủ có tên sách, xung quanh vẽ rồng mây, sức cho thợ khắc ván in bìa sách và lời đề tựa bằng mực đỏ, chúng thần trộm nghĩ, lời đề tựa nếu dùng bản in chữ bằng thiếc thì chữ in bằng mực đỏ nhỏ bé, e rằng không được rõ lắm. Xin cho Nội các sức cho viết tờ nhan đề, giao cho sử quán tư cho lĩnh gỗ thị giao cho thợ khắc ván, in bằng mực đỏ mới được rõ ràng, trang nhã”. Cũng trong Châu bản triều Nguyễn, vào thời vua Thành Thái, Quốc sử quán tâu: “Ngày tháng 9 năm ngoái, quán thần tuân theo các điều cung lục và phiến chuẩn của Bộ Lễ tuân lệ đem hai bộ sách Tự Đức Thánh chế và Luận Ngữ thích nghĩa ca, Tự học giải nghĩa châm chước nghĩ viết thử mỗi bộ hai trang giấy tiến trình lên chờ chỉ, vâng được châu điểm. Nay Quán thần tuân phụng kiểm báo rằng hiện các sách trên đã viết xong, xin kính cẩn tiến lãm, chờ giao ra. Lại tuân viết bản riêng và cho Quán thần đem gỗ thị cho khắc in. Sau khi khắc xong cần in ấn bao nhiêu bộ sẽ lại phụng nghĩ xin”.
 
Không chỉ gỗ thị, gỗ lê, gỗ táo cũng được sử dụng làm ván in sách. Sách Đại Nam thực lục đệ nhất kỷ cho biết: “Kể tính từ năm Minh Mệnh thứ 2 mở đặt Sử cục, đến năm Thiệu Trị thứ 4, trải trong khoảng 25 năm, biên soạn đã xong, đầy đủ rõ ràng được đến thế, thực đủ làm rạng rỡ công đức thần thánh lớn lao đời xưa, đã vui được lòng trẫm muốn nêu cao sự nghiệp, trông mến vinh quang. Vậy nên cho khắc vào gỗ lê, gỗ táo, in để dài lâu. Rồi đến các bộ Thực lục chính biên về đời Thế tổ Cao hoàng đế và thánh tổ Nhân hoàng đế, soạn xong cũng lần lượt kính cẩn cho khắc in nộp vào kho sách, càng thêm vẻ vang cho các đời của nước Đại Nam ta, đời nào cũng thịnh, và để truyền bảo phép tắc lớn mãi mãi đến ức muôn năm sau”. Trong một số các bài biểu dâng sách của các đại thần ở Quốc sử quán khi dâng biểu xin cho được in sách đều có nhắc đến gỗ lê, gỗ táo, sách Đại Nam thực lục cho biết thêm: “Mười hai quyển sách báu chép thành, khắc bản gỗ lê, gỗ táo; nghìn muôn đời lời quý nêu yết, sáng như mặt trời, mặt trăng. Bọn chúng tôi vâng mệnh sung làm Tổng tài và Toản tu ở Quốc sử quán kính cẩn xin tâu về việc vâng sửa bộ sách “Dực tông Anh hoàng đế thực lục Chính biên”, khắc in đã xong. Đức sáng rực rỡ đến ván in gỗ lê, gỗ táo, điềm lành tỏ rõ ở bìa bọc lụa đậu, lụa vàng...”.
 
Trong hơn 2.000 năm sử dụng chữ Hán và 1.000 năm sử dụng chữ Nôm dưới thời phong kiến, ông cha ta đã để lại rất nhiều những trước tác có giá trị, nói như GS Trần Nghĩa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì kho sách Hán Nôm là kho trí thức của ông cha ta cũng là kho trí tuệ mà ngày nay đang phục vụ đắc lực cho các nhà nghiên cứu. Trong đó, việc nghiên cứu các tư liệu gốc từ bản khắc in mộc bản là việc làm cần thiết cho công tác văn bản học nước nhà. Cũng chính vì vậy mà việc xác định chất liệu của ván in sách cũng là một công việc cần thiết để xác định giá trị văn bản học.
 
NGUYỄN HUY KHUYẾN