Hiểu thêm về lịch sử hình thành chợ Đà Lạt - một trong những ngôi chợ lầu đầu tiên ở Việt Nam qua tài liệu lưu trữ

10:06, 15/06/2016

(LĐ online) - Ở cao nguyên Lâm Viên, chợ Đà Lạt là một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất của thành phố Hoa, nằm trên con đường Nguyễn Thị Minh Khai, chợ Đà Lạt tự hào với tên gọi "con tim của thành phố Đà Lạt". 

(LĐ online) - Ở cao nguyên Lâm Viên, chợ Đà Lạt là một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất của thành phố Hoa, nằm trên con đường Nguyễn Thị Minh Khai, chợ Đà Lạt tự hào với tên gọi “con tim của thành phố Đà Lạt”. 
 
Chợ Đà Lạt không rõ có từ lúc nào, chỉ biết rằng cho đến khi Hébrard hoàn thành đồ án quy hoạch thị xã Đà Lạt vào năm 1923 thì người ta cũng được biết đến một ngôi chợ ở vị trí ấp Ánh Sáng ngày nay. Đến năm 1929, khi dân số Đà Lạt đã lên đến 2.000 người, công sứ Chassaing đã cho dời ngôi chợ này về khu vực mà ngày nay gọi là khu Hòa Bình. Hồi ấy, chợ còn được dựng sơ sài bằng ván gỗ, lợp mái tôn nên còn được gọi là “Chợ Cây”.
 
Hình ảnh chợ cây Đà Lạt ngày xưa
Hình ảnh chợ Cây Đà Lạt ngày xưa

Lúc bấy giờ, sự hoạt động của chợ Cây đã tạo nên một trung tâm rất sôi động của thành phố. Chợ Cây hội họp được 2 năm thì vào năm 1931 một cuộc hỏa hoạn lớn đã xảy ra thiêu rụi chợ và hàng hóa xung quanh. Sau đó, đến năm 1937 nhà cầm quyền đương thời cho xây dựng lại một ngôi chợ mới bằng gạch khang trang (nay là rạp 3/4) thay thế cho chợ Cây để đáp ứng nhu cầu mua bán sinh hoạt cho hơn 6.500 người dân. Nhà thầu SIDEC đảm nhận công thi công.
 
Chợ mới Đà Lạt hoàn thành lúc bấy giờ được xem như biểu tượng của thành phố cao nguyên. Ngay mặt tiền ngôi chợ, trên tường đầu hồi có gắn nổi huy hiệu thành phố hình tròn, tạc hình một đôi thanh niên nam nữ người dân tộc, người nữ mang gùi, người nam tay cầm ngọn giáo nhắm vào một con cọp. Bên dưới có một câu cách ngôn bằng tiếng latin chiết tự khéo léo thành danh xưng Dalat: Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem có nghĩa là cho người này niềm vui, cho người khác sự mát mẻ. Họa báo Châu Á mới (L’ Asie nouvelle illustrée), số 56, xuất bản năm 1937 đã có bài viết về ngôi chợ: “Ngôi chợ này tuy kiến trúc giản dị, nhưng rất độc đáo”. 
 
Khu chợ mới Đà Lạt được xem là biểu tượng của  thành phố cao nguyên lúc bấy giờ
Khu chợ mới Đà Lạt được xem là biểu tượng của thành phố cao nguyên lúc bấy giờ

Đến năm 1954, cùng với sự phát triển của xã hội, thành phố Đà Lạt trở nên đông đúc với số dân hơn 53.000 người. Năm 1958, chính quyền Sài Gòn đã cho chỉnh trang lại khu vực trung tâm thương mại. Vùng đất trống dưới thung lũng được tính toán xây dựng một ngôi chợ mới có 2 tầng và một sân thượng. Kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức đã lên kế hoạch thiết kế lại khu chợ tại vùng đất sình lầy (chính là Chợ Đà Lạt bây giờ). Chợ được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 1960, đây là một trong những ngôi chợ lầu đầu tiên ở Việt Nam. Công trình do nhà thầu Nguyễn Linh Chiểu đảm nhận thi công. Còn về ngôi chợ cũ, cùng thời gian đó, được thiết kế cải tạo thành rạp hát Hòa Bình với các cửa hàng thương mại dịch vụ chung quanh. 
 
Bản thiết kế ki ôt chợ Đà Lạt (nguồn Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)
Bản thiết kế ki ôt chợ Đà Lạt (nguồn Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)

Về sau, khi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ từ nước Pháp trở về, ông được mời tham gia đồ án chỉnh trang tổng thể khu vực thung lũng từ cầu Ông Đạo trở vào. Ông cho thiết kế bổ sung một cầu thang lớn nối từ khu Hòa Bình vào tầng lầu của chợ, các dãy phố buôn bán và hệ thống đường giao thông bao quanh. Ngoài ra, KTS Ngô Viết Thụ còn thiết kế một công viên trước chợ kéo dài ra tận hồ Xuân Hương, các dãy phố lầu xung quanh chợ, bên hông có bậc tam cấp dẫn lên đường Lê Đại Hành, tất cả tạo thành một quần thể kiến trúc hài hòa, đẹp mắt giữa lòng thành phố. 
 
Đến năm 1993, nhân dịp kỷ niệm 100 năm tìm ra Đà Lạt, dưới sự đầu tư Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt và Ngân hàng Việt Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh, kiến trúc sư Lê Văn Rọt và Trần Hùng đã có bản thiết kế xây dựng thêm khu B của chợ Đà Lạt từ đó quá trình mua bán, trao đổi hàng hóa diễn ra hết sức đông đúc và nhộn nhịp. 
 
Trải qua thời gian với bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, chợ Đà Lạt giờ đây đã nhộn nhịp và khang trang hơn với hàng nghìn gian hàng bày bán đa dạng, phong phú. Từ các mặt hàng đến từ mọi miền cả nước như thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội hay các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long… cho đến các sản vật đặc trưng của vùng Lâm Đồng như: rau, bắp cải, súp lơ, su hào, dâu tây, v.v. Ngoài ra còn có chè, mứt các loại, rau atiso và cả những món ăn truyền thống, bình dân như: bún bò, bánh khoái, bánh tráng nướng.... 
 
Do hội tụ được đủ các yếu tố thuận lợi về giao thông và dân cư, chợ Đà Lạt đã sớm giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Ngoài nhiệm vụ cung cấp thực phẩm và hàng tiêu dùng cho thành phố, chợ Đà Lạt còn là nơi tạo việc làm cho hàng ngàn người thất nghiệp và đóng vào ngân sách nhà nước mỗi năm hàng chục tỷ đồng tiền thuế.
 
Chợ Đà Lạt hôm nay
Chợ Đà Lạt hôm nay

Quả thật ghé thăm chợ Đà Lạt, trong cái ồn áo náo nhiệt ở từng góc chợ, trong những lo toan tấp nập của người mua lẫn kẻ bán, tồn tại một nét đẹp không lời nhuộm màu của lịch sử lẫn cuộc sống đời thường cao quý mà không phải ai cũng nhận biết. Có thể vì thế mà chợ Đà Lạt có một sức lôi cuốn, hấp dẫn một cách đặc biệt không chỉ đối với người dân địa phương mà cả du khách trong và ngoài nước khi đến vùng đất cao nguyên Lang Biang.
 
THƠM QUANG