Tư liệu về cao nguyên Lang Biang (tiếp theo)

09:06, 02/06/2016

Trước thế kỷ XX, trên cao nguyên Lang Biang có nhiều buôn nhưng buôn lớn nhất là Đăng Kia (Dang Kia; Dang, dor: đồi; Kia hay Ja: cỏ tranh).

[links(right)]
Đăng Kia
 
Trước thế kỷ XX, trên cao nguyên Lang Biang có nhiều buôn nhưng buôn lớn nhất là Đăng Kia (Dang Kia; Dang, dor: đồi; Kia hay Ja: cỏ tranh).
 
Trên bản đồ Đông Dương in trong tập hồi ký của Paul Doumer xuất bản ở Paris năm 1905 có ghi hai địa danh: Lang Bian và Dang Kia, không thấy ghi chữ Dalat vẫn còn hoang sơ.
 
Đường nối Đà Lạt và Đăng Kia xưa (Ảnh: tư liệu)
Đường nối Đà Lạt và Đăng Kia xưa (Ảnh: tư liệu)

Năm 1899, bác sĩ Étienne Tardif đã leo lên dãy núi Lang Biang và viết về cao nguyên Lang Biang:
 
“Cao nguyên Lang Biang (Langbian*) là một vùng rộng lớn trải ra xung quanh giao điểm của 106o kinh Đông và 12o vĩ Bắc, có hình dáng một hình en-líp mà đường trục lớn Bắc - Nam dài 18km và đường trục nhỏ Đông - Tây dài từ 10 đến 12km.
 
Độ cao thay đổi từ 1.300 đến 1.550 và 1.600m.
 
Đỉnh núi cao nhất của dãy Lang Biang án ngữ cao nguyên Lang Biang về hướng Bắc. Về các hướng khác, những chỏm núi dài và cao bao bọc cao nguyên Lang Biang.
 
Khi nhìn thấy cao nguyên Lang Biang, điều đập mạnh vào mắt tôi trước tiên là địa hình. Cả một vùng rộng lớn gồm nhiều ngọn đồi nằm kề bên nhau, nối tiếp nhau, chế ngự lẫn nhau, sườn đồi này dốc thẳng đứng, sườn đồi kia nằm thoai thoải trên mặt đất. Những thung lũng rộng và sâu nhiều hay ít chia cắt núi đồi dợn sóng, len vào giữa là con đường nối liền Đăng Kia (Dankir*) với Đà Lạt.
 
Cả vùng đồi núi này đều phủ một lớp cỏ ngắn vào mùa khô, cao và dày vào mùa mưa.
 
Trong thung lũng mọc nhiều loài thực vật khác nhau, lau sậy và trên vài sườn đồi có những đám thông và tùng.
 
Dòng nước chảy theo nhiều lối, có khi là những dòng suối nước chảy xiết, có khi là những ao hồ sâu ẩn mình dưới một lớp thảo mộc rậm rạp.
 
Hình dáng mấp mô của cao nguyên thật là lạ lùng! Tôi leo lên một trong năm đỉnh núi. Một cảnh quan kỳ diệu hiện ra trước mắt tôi. 150 đồi núi xanh rờn giống như một thúng cam khổng lồ.
 
... Tôi nhận thấy gió trên cao nguyên thổi vào tháng 6 từ Bắc sang Đông và thổi dữ dội từ Đông sang Tây vào tháng 11, trong mùa lạnh.
 
Cuối cùng, không thể nào quên một nét đẹp thật mê hồn trên cao nguyên bao la này: Ankroet với rừng thông mênh mông và thác nước kỳ lạ cao 15m, nước tuôn xối xả. Rất tiếc, vị trí nơi đây quá hẹp không cho phép xây dựng những công trình quan trọng”.
 
Năm 1904, sau hôn lễ vài tuần, bà Gabrielle M. Vassal - một phụ nữ người Anh - đã theo chồng - bác sĩ J.J.Vassal - đến Sài Gòn, sau đó đến Viện Pasteur Nha Trang. Một năm sau khi đến Nha Trang, theo gợi ý của chồng và lời mời của ông André - Trạm trưởng Trạm Nông nghiệp Lang Biang - bà lên cao nguyên Lang Biang để thay đổi không khí.
 
Bà đã viết tác phẩm On and off duty in Annam do William Heinemann xuất bản tại Luân-đôn năm 1910 ghi lại những điều mắt thấy tai nghe tại Sài Gòn, Nha Trang, cao nguyên Lang Biang.
 
Sau đây là một số đoạn viết về Đà Lạt và Đăng Kia:
 
“... Vào khoảng giữa trưa, tôi thấy cao nguyên lần đầu tiên. Thật là một sự phát hiện bất ngờ, khác với những gì trước đây tôi đã từng nghĩ! Trên một vùng đất rộng là những ngọn đồi tròn, nhỏ, trơ trụi, mọc đầy cỏ thấp, cùng hình dáng và độ cao, quang cảnh giống như một vùng biển gợn sóng xanh. Ở giữa, những đỉnh núi Lang Biang (Langbian*) cao vòi vọi như hòn đảo đá. Đăng Kia (Dankia*) nằm ở dưới chân núi Lang Biang, ở phía bên kia cao nguyên. Cao nguyên bình yên và êm dịu quá! Chỉ có thông mọc trong các thung lũng giữa các ngọn đồi.
 
Xa xa, những mái nhà gỗ ở Đà Lạt (Dalat*) nằm cách xa nhau trên đỉnh hay lưng chừng đồi lấp lánh dưới ánh mặt trời”.
 
Bà đã đến buôn Đăng Kia và thăm một nhà dân. Bà viết:
 
“Buôn Đăng Kia là buôn đầu tiên tôi ghé thăm. Buôn nằm ngay dưới chân đỉnh núi Lang Biang. Không giống như các buôn khác thường ở các vị trí không thể đến gần được với vách núi dựng đứng hay thác nước và chỉ đến được bằng những con đường đá hiểm trở, Đăng Kia hoàn toàn dễ dàng đến. Sau khi đi ngang qua một vùng đất bằng phẳng trồng lúa và ngô, chúng tôi gặp một nhóm trẻ con đang bận giã gạo. Với sức lực bé nhỏ, chúng nện chày vào cối gỗ trong đó có vài nhúm thóc. Phương pháp của người Kinh ít nặng nề hơn: họ dùng một thanh gỗ nặng và chân đạp lên thanh gỗ. Những em bé khác bỏ gạo đã giã vào sàng và sẩy cho trấu bay xa. Hình như không có em bé nào trên 13 hay 14 tuổi nhưng chúng làm việc cần mẫn, vừa làm vừa trông em. Khi tôi giơ máy ảnh lên, chúng sợ hãi che mặt. Các em bé gái trên 5 tuổi quấn chăn ngang thắt lưng, nhưng các em bé trai không mặc quần áo.
 
Căn nhà dài với mái tranh gần chạm sát mặt đất được cất không thứ tự, do đó hàng rào có nhiều góc cạnh không ngay thẳng. Vài người ở ngoài sân: một phụ nữ ngồi trên mặt đất, duỗi thẳng chân, địu một đứa bé trên lưng, hai đứa khác ở bên cạnh. Một người đàn ông quấn một tấm khăn choàng đỏ trên vai trái theo kiểu cổ. Dáng người lực lưỡng, cân đối, thái độ bình tĩnh mang nét oai phong của người La Mã cổ đại. Chúng tôi hỏi về ông trưởng buôn nhưng hình như ông không có trong buôn. Sau khi chụp ảnh phía ngoài căn nhà, tôi muốn vào trong nhà. Cô André - em ông André - nói cô không được phép vào trong nhà nếu không có người trưởng buôn hướng dẫn, tuy nhiên cô nghĩ chúng tôi có thể nhìn vào trong nhà. Lúc đầu hình như căn nhà trống vắng nhưng chúng tôi nghe tiếng thì thầm. Cửa thấp lè tè và nhỏ như một cái lỗ trong mái nhà. Tôi tiến tới trước vài bước, vấp ngã trên sàn nhà. Khi mắt tôi quen dần với bóng tối, tôi nhìn thấy ánh lửa lung linh ở cuối căn nhà. Một người phụ nữ đang khuấy thức ăn trong một chiếc nồi lớn treo trên ngọn lửa giương mắt nhìn chúng tôi. Cảnh tượng khiến tôi liên tưởng đến một cảnh trong vở kịch Macbeth.
 
... Nhà không có ống khói và cửa sổ để khói thoát ra ngoài. Bóng tối ngăn không cho chúng tôi nhìn rõ mọi vật, đồ đạc lại để ngổn ngang nên khó phân biệt. Những ché rượu cần đặt trong góc nhà. Gần chúng tôi là dụng cụ sản xuất và chiến đấu: rìu, giáo, cung, dao; xa hơn một chút là những chiếc chiêng đồng, trống và nhạc cụ. Chính số lượng chiêng đồng và kích thước của ché rượu cần nói lên danh giá của buôn”.        
 
(Còn nữa)
 
NGUYỄN HỮU TRANH